Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

CHỮ NHO DỄ HỌC...MA HỌC KHÔNG DỄ (Bài 35)

Các bộ 13 nét
                                               

   Trước khi bắt đầu bài viết mới, mời tất cả cùng giải đoán câu đố của bài viết trước :

                  看有兩人,    Khán hữu lưỡng nhân,
                  面目難分。    Diện mục nan phân.
                  不似大夫,      Bất tự đại phu,
                  卻似工人。    Khước tự công nhân.
Có nghĩa:
                  Nhìn thấy có 2 người,
                  Mặt mũi thật khó phân.
                  Không giống như thầy thuốc (đại phu),    
                  Lại giống tựa công nhân.
Giải đáp :
      Câu 1. Lưỡng nhân là 2 người, cũng là NHỊ NHÂN 二人. Chồng chữ NHÂN lên chữ NHỊ , ta có chữ THIÊN
      Câu 2. Mặt mũi của chữ Thiên 天 rất khó phân biệt, vì ...
      Câu 3. Trông không giống chữ ĐẠI 大 và chữ PHU 夫, nhưng ...
      Câu 4. Lại giống chữ CÔNG 工 ở trên và chữ NHÂN 人 ở dưới.
      Giải đáp đúng cho 4 câu trên là chữ THIÊN 天 là Trời. Nhớ hồi nhỏ mới học chữ Nho vỡ lòng, thầy cho học quyển Tam Thiên Tự của Soạn giả Đoàn Trung Còn là :
      天 thiên trời. 地 địa đất, 舉 cử cất, 存 tồn còn, 子 tử con, 孫 tôn cháu, 六 lục sáu, 三 tam ba, 家 gia nhà, 國 quốc nước, 前 tiền trước, 後 hậu sau ...
      THIÊN 天 là chữ Chỉ Sự theo diễn tiến của chữ viết như sau :

                 
          Giáp Cốt Văn  Đại Triện   Tiểu Triện    Lệ thư
      Bên trên một người đứng dang tay là cái Đầu to, sang đến Tiểu Triện thì biến thành một gạch ngang. Nên, THIÊN 天 là cái Đầu, là THIÊN LINH CÁI 天靈蓋, là phần đĩnh đầu cao nhất của con người, từ đó diễn tiến theo Hội Ý là phần cao nhất ở trên đầu, nên THIÊN mới có nghĩa là Trời. Con người sống giữa trời đất, hợp với trời đất thành TAM TÀI 三才 : THIÊN ĐỊA NHÂN 天地人, nên hễ có bất cứ sự cố vui buồn gì xảy ra là cứ lôi cả trời đất vào trong cuộc sống của con người, vì thế mà ta có rất nhiều thành ngữ, khẩu ngữ liên quan đến Trời Đất như :
    1. Đĩnh Thiên Lập Địa 頂天立地 : Ta nói là Đội trời đạp đất.
    2. Kinh Thiên Động Địa 驚天動地 : Ta nói là Động trời động đất.
    3. Hôn Thiên Ám Địa 昏天黯地 : Ta nói là Tối trời tối đất.
    4. Phiên Thiên Phúc Địa 翻天覆地 : Ta nói là Nghiêng trời lở đất.
    5. Mai Thiên Oán Địa 埋天怨地 : Ta nói là Than trời trách đất.
    6. Đàm Thiên Thuyết Địa 談天說地 : Ta nói là Nói trời nói đất. Nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất.
    7. Hoa Thiên Tửu Địa 花天酒地 : Ta nói là Ăn chơi mút mùa. Ăn chơi lu bù trời đất.
    8. Hồ Thiên Hồ Địa 胡天胡地 : Ta nói là Quậy cho tới bến. Quậy đến nỗi không còn biết trời đất gì cả !
    9. Hoan Thiên Hỉ Địa 歡天喜地 : Ta nói là Vui mừng qúa đỗi. Vui qúa trời qúa đất.
   10. Tạ Thiên Tạ Địa 謝天謝地 : Ta nói là Tạ trời tạ đất, là Cám ơn trời cám ơn đất, là Cám ơn Trời Đất !

       Mười thành ngữ trên, lúc còn đi học, chúng tôi gọi cho vui là " Thập Đại Thiên Địa 十大天地 ". Mười cái TRỜI ĐẤT lớn nhất trong cuộc sống hàng ngày !

1. BỘ CỔ  :
    CỔ  : là Cái Trống. CỔ 鼓 là chữ dùng Tượng Hình để HỘI Ý theo diễn tiến của chữ viết như sau :

     Giáp Cốt Văn  Kim Văn    Đại Triện    Tiểu Triện     Lệ Thư
甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình tượng của một người đứng bên tay phải, tay cầm dùi trống giơ cao để đánh vào cái dàn trống được kê trên giá, phía bên tay trái. Nên CỔ 鼓 vừa có nghĩa là Cái Trống mà lại vừa có nghĩa là ĐÁNH TRỐNG nữa ! Như " Trang Tử CỔ bồn ca " vậy. ( Cổ Bồn : là đánh vào cái bồn như đánh trống vậy ).
     CỔ 鼓 còn có nghĩa là Phát động, Xúi giục, làm cho phấn chấn lên, như : CỔ VŨ (VÕ) 鼓舞, CỔ XÚY 鼓吹 : Hô hào thúc giục, CỔ LỆ 鼓勵 là Khuyến Khích, CỔ ĐỘNG 鼓動 là Phát động hô hào...
     CỔ TRƯỚNG 鼓脹 : là Phìng to như cái trống. Một loại bệnh về đường tiêu hóa, làm cho bụng cứ phình to lên như cái trống.
     HÀM BÔ CỔ PHÚC 含哺鼓腹 : là Ngậm cơm vổ bụng, đây là thành ngữ chỉ sực No Ấm Sung Túc của dân chúng. Ngậm cơm : ý nói là đã no rồi mà còn có cơm trong miệng ( nếu đói thì đã nuốt mất tiêu rồi  ). Vổ Bụng : là No đủ lạc quan vổ bụng biểu lộ sự thỏa mãn. Theo Trang Tử Ngoại biên, Mã Đề quyển tứ trung 《庄子》外篇·卷四中《马蹄》:「 Phù Hách Tư Thị chi thời, dân cư bất tri sở vi, hành bất tri sở chi, hàm bô nhi hi, cổ phúc nhi du, dân năng dĩ thử hỉ . 夫赫胥氏之时,民居不知所为,行不知所之,含哺而熙,鼓腹而游,民能以此矣。」Nghĩa đen : " Phàm vào đời các hách tư thị, dân cư không biết làm gì, đi không biết để tới đâu, ngậm cơm làm vui, vổ bụng dạo chơi, dân được như thế đấy ". Có nghĩa là :
      " Vào thời các hoàng đế xa xưa, dân không phải làm lụng vất vả, khỏi phải bương chải nơi xa, lương thực đầy đủ, vổ bụng mà vui chơi, là thời thái bình thịnh tri nên dân mới được như thế !". 
      Trong tác phẩm SÃI VÃI của Nguyễn Cư Trinh cũng dẫn lời của ông Sãi nói về cảnh thái bình thịnh trị như sau :
                     Già phò gậy ra xem thịnh trị,
                     Trẻ ngậm cơm mừng gặp thái bình...
             
           Hàm bô cổ phúc          Saĩ Vãi của Nguyễn Cư Trinh

      DẠ CỔ HOÀI LANG 夜鼓懷郎 : là Đêm nghe tiếng trống mà nhớ chồng. Đây là một bản nhạc cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác, nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm. Từ bản Dạ cổ hoài lang mỗi câu 2 nhịp, các nghệ sĩ sau này chuyển lên 4 nhịp rồi 8 nhịp, mà thành bài vọng cổ đầu tiên. Nhưng, cái tên VỌNG CỔ lại có một ý nghĩa khác thâm thúy hơn ...
      VỌNG CỔ 望古 : là Nhớ về, hướng về một nẽo hoặc một cái gì xa xưa nào đó... để mà nuối tiếc.
      DẠ CỔ HOÀI LANG là tên của một BẢN cổ nhạc, còn VỌNG CỔ là tên của một ĐIỆU hát của Cổ Nhạc. Nhưng điệu hát Vọng Cổ là do Bản cổ nhạc Dạ Cổ Hoài Lang mà ra .

          Dạ Cổ Hoài Lang của Cao Văn Lầu và Vọng Cổ
    CỔ CHƯỞNG 鼓掌 : là Vổ tay thật to ( như tiếng trống vậy ).
    CỔ THỦ 鼓手 : là Tay Trống. Ngày xưa là chững tay gióng trống thúc quân hoặc là những tay trống trong các lễ hội đình làng. Còn Ngày nay là những tay trống trong các ban nhạc tây, các timpanist, tất cả đều được gọi là CỔ THỦ 鼓手.

      Có tất cả 13 chữ được ghép bởi bộ CỔ nầy, tiêu biểu có :
  BỀ 鼙 : là một loại trống trận nhỏ dùng để thúc quân, từ kép là BỀ CỔ 鼙鼓, thành ngữ thường dùng là NGƯ DƯƠNG BỀ CỔ 漁陽鼙鼓 là Trống trận ở đất Ngư Dương : Năm Công Nguyên 755, An Lộc Sơn cử binh ở đất Ngư Dương chống lại nhà Đường, vua Đường phải chạy vào đất Thục để lánh nạn. Sau thành ngữ nầy được sử dụng để chỉ những cuộc xâm lược hoặc khởi nghĩa chống lại triều đình. Xuất xứ của thành ngữ nầy từ 2 câu thơ trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị :
            漁陽鼙鼓動地來,   Ngư Dương Bề Cổ động địa lai,
            驚破霓裳羽衣曲 !    Kinh phá nghê thường vũ y khúc !
Có nghĩa :
                       Ầm ầm trống trận Ngư Dương,
                  Vỡ tan khúc nhạc Nghê Thường vũ y !

       Image result for 鼓手
             Cổ Thủ :  Timpanist               Ngư Dương Bề Cổ

2. BỘ THỬ  :
    THỬ  : là Chuột. THỬ 鼠 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :
 筆劃甲骨文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình tượng của con chuột và 3 hạt thóc, sang qua Kim Văn Đại Triện, Tiểu Triện là hình con chuột ngồi nhe răng với cái mình và 4 chân bên dưới, cuối cùng là cái đuôi từ phải cong  sang trái. Nên, THỬ 鼠 là Chuột.
      Chuột là giống gậm nhấm phá phách, từ nông phẩm, thực phẩm, đến đồ gia dụng không từ thứ nào cả, nên còn được gọi là HAO TỬ 耗子 ( con vật làm Hư Hao đồ đạc ), và vì tính nào tật nấy, cứ thế phá phách, nên lại được gọi là LÃO THỬ 老鼠 = đồng âm với LÃO THỬ 老此, có nghĩa là LÃO THỊ NHƯ THỬ 老是如此 : Cứ vẫn như thế !
      Trong 12 con giáp, có 2 con được gọi là LÃO :
      1, Con Chuột : LÃO THỬ 老鼠.
      2, Con Cọp : LÃO HỔ 老虎. Ta còn gọi là Ông Cọp.
      Ta thường nói : Nhát như thỏ đế ! Nhưng người Hoa lại nói : ĐÃM TIỂU NHƯ THỬ 膽小如鼠 : là Mật nhỏ như chuột, nên gọi những người nhát gan là THỬ ĐÃM 鼠膽 : Mật chuột.
      Chuột lại là con vật bị xem thường xem khinh, như ta mắng những kẻ tiểu nhân, những tên đầu trộm đuôi cướp là : Đồ chuột nhắt ! Tương đương với từ THỬ BỐI 鼠輩 : là Lũ chuột. Người ta ghét chuột, nên hễ thấy chuột là đuổi đánh ném chọi, vì thế ta lại có thành ngữ :
      ĐẦU THỬ KỴ KHÍ 投鼠忌器 : Ta nói là " Ném chuột sợ vỡ đồ ".  Thành ngữ nầy có xuất xứ từ Hán Thư, Giả Nghị Truyện, như sau :
      Xưa có người thích sưu tập đồ cổ ngoạn. Ông ta tìm mua được một chiếc bình cổ thật đẹp, đặt trên bàn trong phòng khách, suốt ngày ngắm nghía trầm trồ. Một hôm, vừa từ nhà trong bước ra, ông ta thấy một con chuột đang định nhảy lên trên chiếc bình. Quýnh qúa, ông ta bèn tháo một chiếc guốc đang mang ném con chuột. Không ngờ, con chuột thì chạy mất, nhưng chiếc bình bị guốc ném trúng, rớt xuống đất vỡ tan. Ông ta vô cùng hối hận cho sự nóng nảy thiếu suy đoán của mình.
      Giả Nghị, một Thừa Tướng giỏi đời Hán, đã dùng câu truyện trên để khuyên ngăn Hán Văn Đế không nên dùng cực hình đối với giai cấp Đại phu Qúy tộc, sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà vua ... Nên,
       Câu " Đầu Thử Kỵ Khí " có nghĩa làm việc gì đó mà không dám làm thẳng tay, vì còn nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến những việc khác có liên quan. Giống như tình trạng diệt tham nhũng hiện nay ở Việt Nam vậy, chỉ làm chiếu lệ, không dám làm thẳng tay, vì ... Ném chuột còn sợ bị " bể " đồ !.
           
               Đâu thử kỵ khí : Ném chuột sợ vỡ đồ.
      MIÊU KHẤP LÃO THỬ 猫哭老鼠 : là Mèo khóc Chuột, ý muốn nói : Chỉ làm bộ thương xót mà thôi ! Cả câu là " Miêu khấp lão thử giả từ bi 猫哭老鼠假慈悲 " : Mèo khóc chuột là lòng từ bi giả dối, để che mắt thiên hạ nhằm muốn đạt được một mục đích nào đó. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ truyện Thuyết Đường, hồi thứ 62. Đây là câu nói mĩa mai của tướng Trình Giảo Kim nói với Tần Vương Lý Thế Dân, khi Tần Vương đến điếu tang tiểu tướng La Thành vừa mới bị Ân Tề nhị vương hại chết. Trình Giảo Kim cho là Tần Vương chỉ giả bộ thương xót để cho các tướng khác cảm động mà liều mình bán mạng để giúp nhà Đường tạo dựng nên cơ nghiệp mà thôi, chớ chẳng phải thương xót thật tình. Nên câu ...
      Mèo khóc Chuột có nghĩa tương đương như là câu " Nước mắt cá sấu " của ta vậy !
               
                 Miêu khốc lão thử : Mèo khóc chuột
      Trong THẤT HIỆP NGŨ NGHĨA 七俠五義 là 7 người Hiệp sĩ và 5 người Nghĩa sĩ, thì NGŨ NGHĨA có ngoại hiệu là 5 con chuột theo thứ tự như sau :
      1. TOẢN THIÊN THỬ : Lư Phương 鑽天鼠 盧方, là Lão Đại : Chuột chui lên trời, rất giỏi về khinh công.
      2. TRIỆT ĐỊA THỬ : Hàn Chương 徹地鼠 韓彰, là Lão Nhị : Chuột chui xuống đất, giỏi về đào hầm chôn thuốc nổ.
      3. XUYÊN SƠN THỬ : Từ Khánh 穿山鼠 徐慶, là Lão Tam : Chuột xuyên qua núi, người to lớn có sức mạnh vô song.
      4. PHIÊN GIANG THỬ :Tưởng Bình 翻江鼠 蔣平, là Lão Tứ : Chuột vượt qua sông, giỏi thủy tánh, cơ trí hơn người.
      5. CẨM MAO THỬ : Bạch Ngọc Đường 錦毛鼠 白玉堂, là Lão Ngũ : Chuột lông gấm, trẻ và đẹp trai nhất trong 5 con chuột, mặc dù hành hiệp trượng nghĩa, nhưng thủ đoạn cũng khá tàn độc, rất đố kỵ với ngoại hiệu Ngự Miêu ( Mèo của vua ) của Nam Hiệp Triển Chiêu.
       Trong văn học Việt Nam ta cũng có một giai thoại văn chương độc đáo có nhắc đến con chuột của Trang Quỳnh khi ông đối lại câu đối hóc búa của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm :
      " Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long ",
Trạng đã đối rất khéo, rất hay và rất " rắn mắt " là :
      " Qủa dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử !".
      Ngoài ra, nói đến chuột thì không thể thiếu con chuột Mickey của Mỹ mà người Hoa dịch âm là MỄ KỲ 米奇, và gọi nó là MỄ LÃO THỬ 米老鼠 : Chuột Mickey. Và một con chuột không thể thiếu nữa, đó là : Con chuột của computer 電腦鼠標 là ĐIỆN NÃO THỬ TIÊU.

        
                   Chuột Computer 






và Chuột Mickey
       Còn 3 con vật thuộc họ CHUỘT, nhưng trông đẹp hơn chuột nhiều, đó là :
      TÙNG THỬ 松鼠 : là Chuột trên cây thông. Ta gọi là Con Sóc.
      VỊ THỬ 蝟鼠 : là loại chuột to, trên mình có lông mọc thành những mũi gai nhọn chơm chởm. Ta không gọi là chuột mà gọi là Con Nhím.
   ĐẠI THỬ 袋鼠 : là con Chuột Túi, Kangaroo, biểu tượng của nước Úc, là một con thú hẵn hoi, không giống ... con chuột tí nào cả !
    Image result for 松鼠 Image result for 猥鼠
       Tùng thử : Sóc           Vị thử : Nhím   
  Đại thử : Kangaroo

    Có tất cả trên 70 chữ được ghép bởi bộ THỬ nầy, tiêu biểu có :
    DỨU 鼬 : là con Chồn sóc. Một giống thú mình dài hơn một thước,( khoảng 3 tấc Tây hay 3dm ), có con sắc đỏ sậm, có con sắc vàng, bốn chân nhỏ mà ngắn, lúc đi có thể áp sát mặt đất, cho nên có thể  chui qua hang hốc như rắn được, có tài bắt chuột, đêm hay mò vào nhà dân bắt trộm gà ăn thịt, hễ bị rượt quýnh quá thì trong hậu môn  phun ra một thứ hơi thúi hoắc, khiến cho người ta khó chịu mà không rượt theo nữa, tục gọi là Hoàng Thử Lang  ( Chuột sói vàng ) hay Tì Tử , lông dùng làm bút gọi là Lang Hào  ( lông chó sói ).

3. BỘ MÃNH  : còn đọc là MẪN, MIỄN.
    MÃNH   : là con Chàng Hiu, Ếch, Nhái. MÃNH 黽 là chữ Tượng Hình, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình tượng đơn giản như con ếch nằm dưới đất; sang qua Kim Văn và Đại Triện thì lại thêm vằn vện giống như mình con Chàng Hiu, đến Tiểu Triện thì các nét được đơn giản hóa lại thành chữ viết, nhưng vẫn còn mang hình tượng của con ếch nằm dưới đất với 2 con mắt lồi ra ở phía trên và tận cùng là cái đuôi nhỏ. Nên MÃNH 黽 là chỉ chung các loại thuộc về Ếch, Nhái ...
     Khi đọc là MIỄN 黽 : thì có nghĩa là tên của một vùng đất thời cổ, nay thuộc tỉnh Hà Nam Trung Hoa.
     Khi đọc là MẪN 黽 : thì có nghĩa là Cố Gắng, Nỗ lực, như chương Tiểu Nhã trong Kinh Thi :
                "Mẫn miễn tòng sự,    ,
                 Bất cảm cáo lao"       .
Có nghĩa :
         Cố gắng mà làm việc, không dám than van mệt nhọc !

       Có trên 50 chữ được ghép bởi bộ MÃNH nầy, tiêu biểu có :
    NGAO 鼇, còn thêm 3 hình thức phụ là 螯, 鰲 và 鳌.
    NGAO theo truyền thuyết là một loại cá hay ba ba, rùa biển lớn nhất ở ngoài biển. Theo sách Hoài Nam Tử, chương Lãm Lý 淮南子·览里 thì Khi bà Nữ Oa luyện đá ngũ sắc để vá trời đã chặt lấy bốn cái chân của con NGAO làm bốn cực để chống đỡ.
    Cá NGAO là loài cá lớn nhất ở biển, nên có câu 鳌里奪尊 NGAO LÝ ĐOẠT TÔN là con cá Ngao lớn nhất, mạnh nhất trong các con cá ngao khác. Câu nầy dùng để chỉ người giỏi nhất trong những người vượt trội hơn người khác, đoạt lấy Ngao Đầu Chí Tôn 鼇頭至尊 là ngôi cao nhất.
    NGAO ĐẦU 鼇頭 : là Đầu của con Ba Ba được khắc nổi trên các bậc thềm của Hoàng cung nơi vua ngự, chỉ có những sĩ tử đậu Trạng Nguyên mới được bước lên các bậc thềm nầy, nên ta lại có thành ngữ ĐỘC CHIẾM NGAO ĐẦU 獨佔鼇頭 để chỉ những người đậu đầu Tiến Sĩ, Ngày nay dùng để chỉ những người đậu Thủ Khoa, những quán quân hạng nhất.

  Image result for 獨佔鼇頭
                Độc chiếm Ngao đầu : Đỗ Trạng Nguyên
4. BỘ ĐỈNH  :
    ĐỈNH  : là Cái Vạc, cái Kiềng ba chân. ĐỈNH 鼎 là chữ Tượng Hình theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình của cái Vạc để nấu và đựng thực phẩm của ngày xưa. Chỉ cần đốt lửa bên dưới là tha hồ nấu những đồ đạc được đựng ở bên trên, mà khỏi cần phải có lò bếp gì cả ! Theo diễn tiến của chữ viết khi đã thành hình rồi, ta vẫn còn thấy được cái đĩnh đạc, chửng chạc của cái ĐỈNH thể hiện qua chữ viết. Nên, nhà giàu có thì mới có được cái đỉnh, theo như sách Hán Thư diễn tả sự xa hoa của nhà giàu lúc bấy giờ là :
                      列鼎而食, Liệt đỉnh nhi thực,
                      食時擊鐘.   Thực thời kích chung.
Có nghĩa :
        Bày đỉnh ra mà ăn, khi ăn thì gỏ chuông làm hiệu ( để mọi người biết mà quây quần đến để ăn ).
        Trong bài Đằng Vương Các Tự nổi tiếng của Vương Bột đời Đường cũng có câu :
             Lư diêm phác địa, chung minh đỉnh thực chi gia;
             閭    閻    撲    地,  鐘      鳴     鼎    食    之   家;
             Kha hạm mê tân, thanh tước hoàng long chi trục.
             舸    艦    迷    津,  青      雀     黃    龍    之   舳。
Có nghĩa :
     Nhà cửa đầy đất, đều là những gia đình giàu sang phú qúy;
     Thuyền bè chật bến, đều là những thuyền có trạm trổ hình chim xanh rồng vàng ( chỉ thuyền bè của thương buôn và quyền qúy ).
     CHUNG MINH ĐỈNH THỰC  鐘鳴鼎食 là Gỏ chuông bày Đỉnh ra khi ăn, chỉ chung những nhà giàu sang phú qúy, ta hay nói tắt thành CHUNG ĐỈNH, và hay trách người khác bằng câu :" Tham mùi Chung Đỉnh ", tức là ám chỉ người ta " ham giàu ".
      ĐỈNH thường có 3 chân và 2 tai đỉnh. Ba Chân là thế đứng vững nhất, ta hay nói là " Thế Chân Vạc ", nên lại có câu thành ngữ là :
      ĐỈNH TÚC NHI LẬP 鼎足而立 : là Đứng ở thế chân vạc, chỉ 3 lực lượng, hoặc 3 người cùng hùng cứ, trấn giữ 3 nơi, cùng kềm chế và chống chỏi nhau một cách vững vàng. Đây cũng là cái thế của thời TAM QUỐC giữa 3 nước : Ngụy, Thục và Ngô của Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền mà giới chính trị thường hay nhắc nhở bằng câu : TAM QUỐC ĐỈNH LẬP 三國鼎立.
          Image result for 三國鼎立
                Tam quốc đỉnh lập : Ngụy, Thục, Ngô.
      ĐỈNH còn là vật báu lưu truyền trong nước thời xưa. Vua "Vũ" nhà "Hạ" , tục gọi là HẠ VŨ  thu vàng trong chín châu lại, đúc làm chín cái đỉnh. Về đời "Tam Đại" (Hạ , "Thương" , "Chu" ) coi là vật báu của nước. Cho nên ai lấy được thiên hạ gọi là "định đỉnh" . Vì 9 cái đỉnh là tất cả vàng của 9 châu nên rất nặng, để diễn tả uy tín và sự tín nhiệm của lời nói, ta lại có thành ngữ :
       NHẤT NGÔN CỬU ĐỈNH 一言九鼎 : là Một lời đã nói ra thì nặng như là 9 cái đỉnh gọp lại vậy. Cho nên, không được ăn nói bừa bãi, và nếu lỡ đã nói ra rồi thì phải cố gắng mà giữ đúng như lời đã nói.
       Ngoài nặng ra, ĐỈNH còn chỉ sự To Lớn, như câu :
       ĐỈNH ĐỈNH ĐẠI DANH 鼎鼎大名 : Ta nói là " Tên tuổi lẫy lừng " hay " Tiếng tăm lừng lẫy ".
       ĐỈNH LỰC TƯƠNG TRỢ 鼎力相助 : là Hết lòng giúp đỡ; giúp đở với cái sức lực to lớn nhất.
      
       Có khoảng 12 chữ được ghép bởi bộ Đỉnh nầy, tiêu biểu có :
   NẠI 鼐 : là một loại Đỉnh thật lớn, là từ kép của Đỉnh là ĐỈNH NẠI 鼎鼐 chỉ chung các loại Đỉnh lớn nhỏ, mà cũng chỉ gia đình quan viên quyền qúy. Nhà quan lớn mới có Đỉnh có Nại. Trong Giai Thoại Văn Chương Việt Nam nói về Trạng Non Nguyễn Hiền, có kể rằng ...
     ... Khi sứ giả đến nhà tìm Trạng, thì thấy năm sáu thanh niên đang xúm xít trong bếp mới đọc câu đối rằng :
               Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà tu mị táo ?
                 吾   聞    君   子   遠   庖   廚, 何 須  媚  灶?
Có nghĩa :
       Ta nghe nói người quân tử xa nơi bếp núc,
               sao lại quây quần mà lấy lòng ông Táo làm vậy ?
       Trong đám thanh niên, có một người mặt mày sáng sủa ứng khẩu đáp rằng :
             Ngã bản dĩ quan cư ĐỈNH NẠI, thả tạm điều canh.
                我  本  以   官   居    鼎    鼐,  且   暫   調   羹!
Có nghĩa :
       Ta vốn dĩ phải quan cao chức trọng,
                     trước mắt chỉ tạm nấu cơm canh mà thôi !
      Sứ nghe khẩu khí , biết là Trạng , bèn tuyên đọc chiếu vua ...

            
                  Đền thờ và Trạng Nguyên Nguyễn Hiền

    
          Như thường lệ, trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng giải đoán câu đố chữ sau đây :
               二人並坐,           Nhị nhân tịnh tọa,
               坐到二更三鼓,     Tọa đáo nhị canh tam cổ,
               一畏貓兒一畏虎。  Nhất úy miêu nhi nhất úy hổ.
Có nghĩa :
                   Hai người cùng ngồi với nhau,
                   Ngồi cho đến canh hai ba hồi trống đổ,
                   Một người sợ mèo, một người sợ hổ !

        Mời tất cả cùng đoán một chữ mà ta đã từng đoán qua !

        Hẹn bài viết tới : Các bộ 14, 15, 16 và 17 nét .

                                                         Đỗ Chiêu Đức

Mời xem :CHỮ NHO DỄ HỌC....MÀ HỌC KHÔNG DỄ (Bài 34)

1 nhận xét:

LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT - Thơ Thái Huy và 10 Bài Thơ Họa Của Các Thi Hửu

Bài Xướng   LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT Thế giới hẳn ai cũng ngỡ ngàng Mỗi ngày cuộc chiến một leo thang Vì đâu vậy nhỉ nên cơ sự? Bởi lý do chi hóa ...