Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

“Nhẫn một chút gió êm sóng lặng” – Cổ nhân tu nhẫn như thế nào?

Người xưa giảng: “Tu tâm trước tiên phải tu đức, dưỡng thân trước tiên cần phải chế ngự nóng giận.” Cổ nhân cũng giảng: “Nhẫn một chút gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Cho nên, “Nhẫn” vừa là một loại tu dưỡng tâm tính vừa là một loại dưỡng thân hữu hiệu. 
Có lẽ sẽ có người nói rằng, hỉ nộ ái ố là lẽ thường tình của con người. Trong thế giới tràn đầy mâu thuẫn, ai mà không từng mắc lỗi? Ai mà không từng tức giận người khác? Nhưng vô luận là đối với dưỡng sinh thân thể hay là tu dưỡng tâm tính mà nói thì tức giận đều đem lại trăm cái hại, không một chút lợi nào.

"Nhẫn một chút gió êm sóng lặng" - Cổ nhân tu nhẫn như thế nào?
(Hình minh họa)

“Nhẫn” một chút gió êm sóng lặng

Nhẫn không chỉ là thể hiện ở sự nhượng bộ, khoan dung, mà còn thể hiện ở chỗ khi bị lăng nhục vẫn có thể chịu nhận mà không động tâm, không oán giận.
Cổ nhân giảng: “Nhẫn một chút gió êm sóng lặng, lùi một bước biển rộng trời cao.” Một người nếu có thể mang trong mình tấm lòng khoan dung độ lượng, nhẫn nhịn không tranh biện thì tự nhiên có thể rời xa thị phi, không lo không sợ, sống một đời thong dong, tự do tự tại.
Trong “Luận ngữ” viết: “Việc nhỏ không nhẫn sẽ bị loạn đại mưu”. Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên cũng viết: “Việc nhỏ không nhẫn được thì sẽ làm hỏng việc lớn”. Trong dân gian cũng nói: “Nhẫn có thể sinh ra trăm phúc!” Ngạn ngữ cũng có câu: “Một điều chăm chỉ, thiên hạ không có việc gì khó. Trăm điều nhịn, gia đình mãi mãi ấm êm”.
Trong tác phẩm “Bách nhẫn ca” của tác giả thời nhà Đường viết: “Người nhân từ nhẫn được cả những điều mà người khác khó nhẫn. Người trí tuệ nhẫn được cả những điều mà người khác không nhẫn được. Nhẫn là không màng danh lợi nên có thể dưỡng thân. Nhẫn là đạm bạc nên có thể nuôi dưỡng nhân phẩm. Nhẫn là chịu khổ chịu khó nên sẽ sung túc. Nhẫn sẽ không có bệnh tật…”.
Trung y thời Trung Quốc cổ đại có sự phân tích và trình bày rất đầy đủ, rõ ràng về “giận”. Trung y cho rằng, “giận” là do khí sinh ra, “khí” và “giận” giống như anh em sinh đôi. “Tức giận” sẽ khiến khí huyết hao tổn, làm tổn thương gan. Cho nên “nhẫn” còn là một phương pháp tốt để dưỡng sinh thân thể.

Cổ nhân xem trọng việc chế ngự tức giận và tu “nhẫn”

Khi ở cùng người khác, không phân biệt được thị phi đúng sai, không hài lòng thì lập tức phát hỏa, đây chính là biểu hiện của người không có hàm dưỡng, không có tâm nhẫn. Người quá tức giận, sẽ làm tổn thương người khác và tổn thương chính mình. Cho nên phải tự mình hiểu rõ, tăng cường tu dưỡng, chú ý kiềm chế phẫn nộ, giữ cho tâm bình khí hòa, không thể phóng túng, trong lòng vô cớ phát hỏa thì mới chế ngự được tức giận.
Có một câu chuyện về Lâm Tắc Từ – khâm sai đại thần triều nhà Thanh như thế này:
Khâm sai đại thần triều nhà Thanh là Lâm Tắc Từ thuở còn trẻ là một người thông minh, học rộng, trí tuệ hơn người nhưng tính tình lại vô cùng thô bạo, dễ nổi nóng, tức giận và không thể bình tĩnh, nhẫn nhịn.
Ông đã trải nghiệm và nhận thức rõ được những tác hại mà tức giận đem lại cho bản thân. Nhưng ông không biết làm sao để sửa được tính thô bạo, khắc chế được tính nóng giận của mình. Cuối cùng ông đã treo trên đại đường hai chữ “Chế nộ” (Hạn chế, kiểm soát phẫn nộ, tức giận). Trong suốt cuộc đời mình, Lâm Tắc Từ luôn dùng hai chữ “chế nộ” để răn mình nhẫn nhịn, thức tỉnh bản thân mình.
Lâm Tắc Từ khi làm quan tổng đốc, có một lần trong lúc xử lý công vụ đã không thể khắc chế được tức giận. Trong cơn tức giận ấy, ông đã ném vỡ tan một chén trà quý.
Nhưng vừa ngẩng đầu lên, nhìn thấy hai chữ khuyên răn của chính mình “Chế nộ”, ông liền ý thức được “bệnh cũ” của mình lại tái phát. Vì thế ông đã tự mình dọn dẹp chén trà vỡ mà không cho ai động vào, rồi ăn năn hối lỗi.

"Nhẫn một chút gió êm sóng lặng" - Cổ nhân tu nhẫn như thế nào?
(Hình minh họa: Qua Kknews.cc)

“Nhẫn” là một cách buông bỏ dục vọng, danh lợi

Phạm Trọng Yêm nhà chính trị, nhà văn, nhà quân sự, nhà giáo dục thời Bắc Tống cũng viết: “Bất dĩ vật hỉ, bất dĩ dĩ bi”, ý nói rằng, không nên bởi vì đạt được hay mất đi vật chất mà vui mừng hay phẫn nộ, không nên bởi vì lợi ích của bản thân mà bi thương, u sầu.
Quả đúng như lời của Phạm Trọng Yêm, trong thế nhân, đa phần người ta phát giận, không nhịn được đều là do tham lam và tư tâm sinh ra. Người ta khắc khẩu khi ở trong nhà, khi ra ngoài đường, ở nơi công cộng…đều là vì một chút lợi nhỏ, hay bị thiệt hại một chút nào đó. Nếu một người có thể dưỡng tâm đạm bạc, xem nhẹ công danh lợi lộc, nhẫn nhịn, nhún nhường thì tức giận tự nhiên sẽ ít đi, cũng sẽ không vì một chút lợi nhỏ mà nổi giận đùng đùng.
Khổng Tử cũng giảng: “Quân tử vô sở tranh” , ý nói người quân tử không tranh gì cả. Khi người ta không có quá nhiều ham muốn, quá truy cầu danh lợi thì sẽ không còn tranh giành và cũng dễ dàng nhẫn nhịn hơn.
Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sẽ luôn gặp phải những chuyện không vừa ý, dễ khiến người ta phải tức giận. Nhưng nếu người nào có thể nhẫn một chút thì “sóng yên biển lặng”, mâu thuẫn sẽ nhanh chóng qua đi. Còn nếu người ấy có thể chuyển hóa tâm tức giận thành lòng biết ơn, hóa tức giận thành ôn hòa thì người ấy đã đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng rồi.
An Hòa

1 nhận xét:

QUAN SÁT CƠ THỂ (Pinterest )