Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

VÀI SUY NGHĨ TRƯỚC SỰ CHẾT: CHÚNG TA ĐÃ LÀM GÌ VỚI CUỘC ĐỜI MÌNH - BS NGUYỄN HOÀI VÂN


Đây là cảm xúc tự đáy lòng của người con vừa mất mẹ: Xin được chia sẻ
Khi đối diện với cái chết của một người thân thương, chúng ta thường nghĩ: ngày hôm nay, người ấy vừa ra đi. Với những buồn nhớ, thương đau tự nhiên của một mất mát lớn. Tuy nhiên, thay vì “người ấy đã mất đi ngày hôm nay”, chúng ta cũng có thể nghĩ: “người ấy đã được sống đến ngày hôm nay”. Và nhìn lại cuộc sống của người, với những biến cố, những đổi thay, và nhất là những chọn lựa.
Cuộc sống ấy đã được người quá cố cảm nhận như thế nào trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình? Bao phần nuối tiếc? Bao phần toại ý? Những chọn lựa nào đã thực sự thể hiện cá tính của người? Hậu quả của những chọn lựa ấy ra sao ? Được gia đình, xã hội, chấp nhận như thế nào? Rồi đâu là những biến cố đã bị quy định, ép buộc, áp đặt bởi hoàn cảnh, bởi quy tắc xã hội, hay truyền thống gia đình ? Đâu là những nỗ lực vượt thoát khỏi những ràng buộc ấy?
Nếu sống là hành động, thì bao nhiêu hành động của người đã được tự do chọn lựa ? Đối lại với bao nhiêu hành động đã bị quy định, áp đặt, phủ nhận mọi tự do? Giá trị của con người phải chăng nằm trong sự tự do ấy? Sự tự do trở thành một cái gì khác với cái mình hiện là, cái người khác bắt mình phải là, vào mỗi giây phút của cuộc sống. Hòn đá, cây xoài, con chó … luôn mãi lập lại cái nó vốn là, không thể thay đổi. Tảng đá luôn là tàng đá, cây xoài luôn cho ra trái xoài, con chó mãi sủa “gâu gâu”, nhưng con người có thể tự do chọn lựa thể hiện một “cái tôi” hoàn toàn mới.
Nếu thiếu sự tự do chọn lựa, nếu không thoát khỏi được các quy định, thì con người chẳng qua không hơn gì hòn đá, cây xoài, hay con chó … Rồi, một ngày kia, sự chết hiện đến. Ngoài mọi chọn lựa, phủ định mọi tự do! Giá trị con người biến mất trong sự chết, vì với nó, con người hoàn toàn mất đi sự tự do đã làm nên giá trị Nhân Bản của mình.
Sự chết của một người thân thương cũng là sự chết của một mảnh đời của chúng ta, một mảnh đời trên đó chúng ta không còn một khả năng tác động nào nữa, chỉ biết ray rứt nhớ nhung, hoài niệm … Thêm vào đó, sự chết của một người thân thương bắt chúng ta tiếp cận với sự chết của chính mình. Nó đưa chúng ta đến bên bờ vực sâu không đáy ở cuối mọi cuộc đời.
Nhân loại từ nguyên thủy đã không ngừng gào thét những ưu tư, những lo sợ hãi hùng của mình bên bờ vực sâu câm nín này, mà không bao giờ có được một câu trả lời, dù bé nhỏ nhất ...Tuy nhiên, một phút, một giờ, một ngày, một năm, 10, 20 hay 50 năm trước cái khoảnh khắc mà chúng ta không còn hiện hữu nữa, thì chúng ta vẫn còn Tự Do, vẫn còn là một Con Người, vẫn còn có thể quyết định mình là ai, làm gì, để làm gì …
Vào bất cứ lúc nào, cuộc đời, dù ngắn ngủi, cũng vẫn là một trang giấy trên đó chúng ta có thể viết tiếp câu chuyện của chính mình. Và, phải chăng chính vì cuộc đời ngắn ngủi, nên chúng ta luôn có sự thôi thúc phải lồng vào trong ấy nhiều cuộc sống, nối tiếp nhau, hay trong cùng một lúc?
Bạn mến! Chúng ta đã làm gì với cuộc đời của mình? Mong rằng khi bạn tự đặt câu hỏi ấy, ngọn lửa nuối tiếc không thiêu đốt bạn, khi phải nhìn về sa mạc hoang vu và buồn thảm của quá khứ, trước tương lai hãi hùng của vực sâu không đáy ...
Ngược lại, mong rằng vào mỗi giây phút, bạn có thể mỉm cười trước những cuộc sống mà bạn đã chọn lựa , đã sống, và sẽ sống, mỉm cười trước định mệnh mỗi khi phải đánh cuộc với nó, cũng như trước Thiên Nhiên nơi bạn sẽ quay về, khi ngừng hiện hữu, một ngày nào đó …Quay về với Thiên Nhiên, hay với Thiên Chúa, nếu bạn muốn … Vì : Thiên Chúa tức là Thiên Nhiên : "Deus siwe Natura"!
Ngày 18 tháng 4 2014 (một tháng sau tang ma mẹ anh là cụ TS Phạm Thị Tự) Nguyễn Hoài Vân.

(ảnh:Amazing-Best Photos )

1 nhận xét:

EM MÙA THU, CHIỀU MƯA THÁNG MƯỜI - Thơ Ngọc Ánh

Tranh Hứa Xuân Trường EM MÙA THU Em ďi dưới nắng Xuân hồng đó Mái tóc mây trời trong trắng bay Má đào đã ửng hây hây đỏ Em thướt tha ngời tr...