Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Sài Gòn, đi đến đâu cũng thấy chữ ‘tình - Ý Nhiên (Thế Giới Trẻ)

Người Sài Gòn luôn biểu hiện tấm lòng cao đẹp của mình trong nếp sống hằng ngày, người có công góp công, người có của góp của, để giúp nhau khiến cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.
Người ta thường nói Sài Gòn dễ sống, người Sài Gòn dường như cái hào sảng, khí khái nó ăn vào trong máu thịt nên họ “chịu chơi” hết chỗ nói. Sài Gòn văn minh mà nghĩa tình, chưa bao giờ tỏ ý từ chối bất kì ai chọn nơi đây là đất sinh nhai. Nó cứ trao đi sự tử tế của mình mà không cần biết, người nhận lại là thân quen hay xa lạ.
Cùng xem người Sài Gòn mình tốt bụng đến cỡ nào nghen!
Dạo một vòng các tuyến phố ở Sài Gòn, chắc không quá khó để bắt gặp tấm biển “Bơm vá, sửa xe. Người khuyết tật bơm vá miễn phí”. Hành động dù nhỏ không đáng là bao nhưng đủ khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng.

Có lẽ con dốc này đã nhiều lần gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, vì thế người dân tại đây đã viết nên một tấm biển cảnh báo, nhắc nhở.
Bản chỉ đường “có tâm”, khi vừa hướng dẫn cụ thể, vừa đề dòng “Cảm ơn!” bên dưới. Chỉ việc đi theo cái mũi tên, để ý cái tòa nhà mẹ bồng con, vàng vàng cao cao là biết bệnh viện Từ Dũ.

Ai có gì góp nấy, là chai dầu gió, vỉ thuốc nhức đầu, đau bụng… vậy là thành cái tủ thuốc nho nhỏ cho người lao động nghèo “trái gió trở trời” bỗng dưng đau yếu ngoài đường.
Nước uống miễn phí thì khỏi nói, đếm không hết trên đường phố Sài Gòn.

Thi thoảng thấy có chị bán vé số ghé lại uống, xong còn rót đầy một bình nhỏ đem theo; có chú chạy xe ôm cũng tạt vào “làm ly” giữa thời tiết nắng nóng.

Hình ảnh cắt tóc hè phố từ lâu đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân trên con đường Thành Thái. Mỗi sáng thứ hai, tại một góc đường cạnh Viện Tim, người dân đi qua đây ai cũng thích thú với hình ảnh cắt tóc miễn phí ngay trên vỉa hè. Chỉ với vài chiếc ghế nhựa, bộ dụng cụ treo trên gốc cây gần đó, các bạn trẻ đã dựng nên một salon hè phố đậm chất Sài Gòn.

Có sửa nón miễn phí, còn thêm dòng chữ hết sức dễ thương: “Bà con đừng ngại”

Từ cuối tháng 4/2016, tủ quần áo miễn phí “Tặng Mẹ và Bé” trên đường Cộng Hòa (Quận Tân Bình) nhanh chóng được mọi người chú ý vì sự độc đáo và dễ thương ẩn đằng sau nó.

Anh Quốc Ân (Hóc Môn) sau khi chọn được cho mình một chiếc áo khoác, tiếp tục chọn đầm cho vợ. Anh cười: “Bả thích mặc đầm nên lựa cho bả mấy cái.”

Quán cơm miễn phí ấm lòng người lao động nghèo ở Sài Gòn. Ở Sài Gòn, không có tiền, người ta vẫn sống được.

Quầy sửa giày miễn phí của một người không dư giả gì thể hiện tấm lòng phóng khoáng của người Sài Gòn.

Vì sợ cô lao công có thể bị thương khi cầm phải mảnh thủy tinh, một bạn trẻ ở Sài Gòn đã dán mẩu giấy lên túi rác kèm lời nhắn chân thành: “Cô ơi, trong túi có miểng chai, cô cẩn thận!”.

”Mình bị rớt ví lúc gửi xe khi đi dự triển lãm tại một trường đại học, lúc đó mình không hay biết gì luôn, đến khi xuống lấy xe đi về thì thấy xe mình bị đẩy ra một góc khác biệt với các xe còn lại, còn trên xe thì đính kèm tờ giấy này đây” – là chia sẻ của người mất ví trong câu chuyện trên.

Rau củ quả ngoài chợ giờ không đảm bảo an toàn, thôi thì cứ cắp rổ ra đây cắt mớ lá về làm tô canh. Chủ nhà còn chu đáo để sẵn cây kéo, ai muốn ăn cứ việc cắt, miễn đừng làm tổn hại đến cây để người sau còn có cái để ăn là được.

Mới xuất hiện gần đây, nếu có dịp đi qua đường Lê Hồng Phong (Quận 10), chúng ta sẽ bắt gặp một tấm bảng có dòng chữ đỏ nổi bật “Cháo thịt bằm miễn phí”. Chị Hiền – chủ nhân của nồi cháo từng chia sẻ: “Nhà chị chẳng khá giả gì, nhưng chị đủ khả năng để mỗi ngày nấu một nồi. Các em nhìn thấy chị tất bật với việc bán cà phê rồi nấu cháo, múc cháo tặng mọi người, nhưng thật ra đây là niềm vui mỗi ngày của chị. Nó giúp chị có một ngày ý nghĩa hơn.”
\Và còn rất nhiều, kể hoài chẳng hết về mảnh đất đầy tương thân tương ái này. Đôi khi, chúng ta vẫn hay bắt gặp người ta mua giúp tấm vé số cho một cụ già, còn cho thêm ít tiền để cụ có thể về nhà sớm hơn một chút.
Hay bất kể ai ra đường, cũng đều từng nghe lời nhắc “Đá chống kìa” của một người xa lạ. Đó là những điều rất nhỏ nhặt nhưng khiến con người ta thêm tin vào thứ gọi là sự tử tế giữa cuộc sống quá đỗi xô bồ này.
Người Sài Gòn có câu cửa miệng ngắn gọn và bình dị lắm: “Làm phước”, nghe giản đơn và nhẹ bẫng đến lạ. Những con người trao và nhận sự tử tế, có lẽ họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau giữa đất Sài thành rộng lớn. Nhưng những nghĩa cử ấy, luôn đọng mãi trong tim, trong tâm trí của người dân nơi đây, để bất cứ ai đi xa cũng nhớ về.
Ai bảo con người Saigon bây giờ vô cảm, thờ ơ ?

(Từ Cảnh chuyển)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...