Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

CHỮ NHO DỄ HỌC....MÀ HỌC KHÔNG DỄ (Bài 34)

  Các bộ 12 nét
                                     

     Như thường lệ, trước khi vào bài viết mới, mời tất cả cùng giải đoán câu đố của bài viết trước :

         洋在右邊,鯨在左臂。Dương tại hữu biên, Kình tại tả tí.
         一在地上,一在水裡。Nhất tại địa thượng, nhất tại thủy lý.
         同在一起,味美新奇。Đồng tại nhất khởi, mỹ vị tân kỳ !
Có nghĩa :
            Biển ở bên phải, Cá voi ở bên cánh tay trái.
            Một ở trên mặt đất, một ở dưới nước.
            Cùng ở với nhau, tươi ngon như cao lương mỹ vị !
GIẢI ĐÁP :
    * Bên phải của chữ DƯƠNG 洋 là Biển, là bộ DƯƠNG 羊 là Dê.
    * Bên trái của chữ KÌNH 鯨 là Cá Voi, là bộ NGƯ 魚 là Cá
    * DÊ là con vật ở trên mặt đất, còn CÁ thì ở dưới nước.
    * Ghép chung 2 bộ NGƯ 魚 và DƯƠNG 羊 lại với nhau, ta có chữ TIÊN 鮮 là TƯƠI. Như :
      Tiên ngư 鮮魚, tiên nhục 鮮肉, tiên hoa 鮮花, tiên qủa 鮮果 ... là Cá tươi, thịt tươi, hoa tươi, qủa tươi ... 
      Bây giờ thì mời tất cả cùng nghe một giai thoại về câu đố của chữ TIÊN 鮮 nầy...
      Tương truyền vào giữa những năm Càn Long, có mười mấy sĩ tử định qua sông Hoàng Hà để lai kinh ứng thí. Nhằm lúc thủy triều lên, nước sông Hoàng Hà dâng tràn cuồn cuộn, nên không có thuyền bè gì trên sông qua lại để nhờ qúa giang cả ! Đang lúc cấp bách, bỗng nghe trong đám lau sậy ven sông có tiếng chèo khua nước, một ông lão đang chèo thuyền đến. Sau khi biết rõ đám sĩ tử nầy định qua sông để đi thi, ông lão bèn nói với đám sĩ tử rằng, ông ta có một câu đố chữ, nếu anh nào giảng được thì ông ta sẽ đưa qua sông miễn phí, còn nếu không giảng được thì xin mời trở về nhà học thêm 3 năm nữa rồi hãy đi thi. Đám sĩ tử nghe xong đều cười lớn  cho là chuyện dễ. Ông lão bèn cất cao giọng đọc :
           一半有毛一半光, Nhất bán hữu mao nhất bán quang,
           半邊有味半邊香。 Bán biên hữu vị bán biên hương.
           半邊食得山中草, Bán biên thực đắc sơn trung thảo,
           一半還游水四方。 Nhất bán hoàn du thủy tứ phương.
Có nghĩa :
               Một nửa có lông nửa láng trơn,
               Nửa bên tanh tưởi nửa bên thơm.
               Nửa bên ăn cỏ chơi trên núi,
               Một nửa mặc tình lội bốn phương.
      Các sĩ tử nghe xong đều ngớ ngẩn, không biết là chữ gì. Đúng lúc đó, bỗng nghe tiếng cười khúc khích của 2 cô gái đang giặt lụa trên bến sông, cô nầy nói với cô kia : " Cả đám sĩ tử mang tiếng đi thi mà một chữ rất tầm thường cũng không đoán ra được !". Ông lão nghe xong cười lớn nói rằng : " Nghe giọng điệu của 2 cô chắc đã đoán được câu đố, sao không nói ra thử xem có đúng hay không ?!" Một cô tuổi nhỏ trông rất xinh xắn, cất giọng thánh thót ngâm rằng :
           水裡游魚山上羊, Thủy lý du ngư, sơn thượng dương,
           東尋西覓配成雙。 Đông tầm tây mịch phối thành song.
           半邊不食山中草, Bán biên bất thực sơn trung thảo,
           一半不知水裡藏。 Nhất bán bất tri thủy lý tàng !
Có nghĩa :
               Cá bơi dưới nước, dê trên núi,
               Đông kiếm tây tìm ghép một đôi.
               Nửa không ăn cỏ trên sườn núi,
               Nửa nọ tịt mù chẳng biết bơi !
       Ông lão nghe xong bèn nói rằng : " Cái lũ thư sinh dốt nát kia, cả 2 cô bé gái cũng không bằng được. Thôi, hãy đi về nhà hết đi, đi thi làm chi cho tốn tiền lộ phí !". Nói đoạn, ông lão quay mũi thuyền chèo tuốt qua bên kia bờ sông Hoàng Hà, bỏ lại các sĩ tử còn đang thẹn thò ngẩn tò te ra đó.          
      Thì ra, 2 bài thơ trên đều nói về chữ TIÊN 鮮, bên trái bộ NGƯ 魚 là Cá; bên phải bộ DƯƠNG 羊 là Dê. Chữ mà ta vừa nhắc tới ở cuối bài trước.
         Image result for 鮮 Image result for 羊
              Thủy lý du Ngư sơn thượng Dương : TIÊN

1. BỘ HUỲNH : còn đọc là HOÀNG.
    HUỲNH  : là Màu VÀNG. Trong bài (32) Các bộ 11 nét, ta đã đề cập qua chữ nầy rồi. Có 2 hình thức của chữ HUỲNH :
                     黄                     黃        
             Mười một nét      Mười hai nét  
     Thường thì người ta chỉ viết và sử dụng chữ 11 nét mà thôi. Chữ 12 nét chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt và trong Thư pháp. 
         Image result for 黄 
2. BỘ HẮC  :
    HẮC   : là ĐEN. HẮC 黑 là chữ Hội Ý, theo diễn tiến của chữ viết như sau :
        Nét bút       Kim Văn     Đại Triện    Tiểu Triện    Lệ Thư
  筆劃金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Kim Văn đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của chữ THÔNG 囱 là cái Ống khói ở trên, bên dưới là chữ VIÊM 炎 là Nóng, gồm có 2 chữ HỎA 火 là Lửa bên dưới. Với Hội Ý là lửa đốt bên dưới đi qua ống khói bốc lên trên toàn là Khói Đen. Nên HẮC 黑 là Đen. là màu Đen. Như HẮC BẢNG 黑板 là Bảng đen; HẮC NHÂN 黑人 là Người da đen; HẮC YÊN 黑煙 là Khói đen; HẮC BẠCH 黑白 là Trắng đen ...
      HẮC BẠCH PHÂN MINH 黑白分明 : là Đen trắng rõ ràng, ý chỉ là Đâu ra Đó, trắng ra trắng, đen ra đen.
      HẮC BẠCH BẤT PHÂN 黑白不分 : là Không phân biệt được trắng đen, phải trái ở đời. Lắm khi còn đổi trắng thay đen, nên ta lại có câu HẮC BẠCH ĐIÊN ĐÃO 黑白顛倒 là Đão ngược trắng đen. Câu nầy tương đương với câu ĐIÊN ĐÃO THỊ PHI 顛倒是非 là Đão lộn phải trái, nói đúng thành sai, nói sai thành đúng, mập mờ đánh lận con đen !
      Đọc tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, ta còn thấy ông phân chia võ lâm thành hai phe HẮC BẠCH LƯỠNG ĐẠO 黑白兩道 : Hắc Đạo là những người xấu, nham hiễm, bất chấp thủ đoạn; còn Bạch Đạo là những người tốt, chính trực, có tinh thần hiệp nghĩa, cứu khổn phò nguy.
     Có lòng tốt thì gọi là HẢO TÂM 好心, THIỆN TÂM 善心, còn lòng dạ xấu xa, ác độc thì gọi là HẮC TÂM 黑心, NHẪN TÂM 忍心.
     HẮC 黑 còn có nghĩa là thiếu ánh sáng, là tối, như : HẮC ÁM 黑暗 là Tối Tăm. HẮC DẠ 黑夜 là Đêm tối.
     HẮC 黑 cón chỉ lén lút, phi pháp, như : HẮC XÃ HỘI 黑社會 là Xã Hội Đen, HẮC THỊ 黑市 là Chợ Đen....
     HẮC ĐIẾM 黑店 : Chỉ các khách sạn ngày xưa, mở ra để gạt gẵm khách qua đường, giết người cướp của ... Ngày nay chỉ các hàng quán bán đồ lậu, ma túy, chứa gái ....
     HẮC HẢI 黑海 : The BlackSea, Biển Đen là Biển nằm giữa lục địa của Châu Á và Đông nam bộ của Châu Âu.
     HẮC LONG GIANG 黑龍江 : Có 2 nghĩa...
     a). Tên Tỉnh cực bắc của Trung Hoa, giáp ranh với nước Nga, thủ phủ là Cáp Nhĩ Tân 哈尔滨, Tỉnh Hắc Long Giang có mỏ dầu lớn nhất nước, chủ yếu là công nghiệp nặng.
     b). Hắc Long Giang (The Heilongjiang River) tên một con sông lớn của Châu Á, chảy qua 3 nước : Mông Cổ, Nga và Trung Hoa, dài 4350 km. Thời gian đóng băng mỗi năm là 6 tháng. Ở cực bắc con sông là ranh giới giữa Trung Hoa và Nga.
            
               Hắc Hải                







Hắc Long Giang
       Có tất cả 39 chữ được ghép bởi bộ HẮC nầy, tiêu biểu có :
   MẶC 墨 : là Mực, dĩ nhiên là mực đen mà ta quen gọi là Mực Tàu. 
   TAO NHÂN MẶC KHÁCH 騷人墨客 : Từ TAO NHÂN có 2 nghĩa :
        a. TAO 騷 là Tao loạn nhiễu nhương, nên TAO NHÂN 騷人 là những người ưu thời mẫn thế vì nhiễu nhương tao loạn.
        b. TAO 騷 là viết tắt của LY TAO 離騷 Tác phẩm thơ 7 chữ của Khuất Nguyên, là nguồn gốc của thơ 7 chữ sau nầy. Nên TAO NHÂN 騷人 có nghĩa là Thi Nhân.
        MẶC KHÁCH 墨客 : Chỉ chung những người hay sử dụng bút mực để viết văn, làm thơ.... Nên,
    TAO NHÂN MẶC KHÁCH là thành ngữ chỉ chung các Văn Nhân Thi Sĩ chân chính, chớ không phải hạng tầm thường.
    MẶC 默 : là Giữ yên lặng, không lên tiếng, như MẶC MẶC 默默 là âm thầm. MẶC NHẬN 默認 là Âm thầm chấp nhận. Ta thường nói : Nín thinh là đồng ý. TRẦM MẶC 沉默 là Yên lặng trầm ngâm. Môn ÁM TẢ 暗寫 của ta, người Hoa gọi là MẶC TẢ 默寫 là Môn Viết Thuộc Lòng bài đã học, ta hay mĩa mai là môn Học Vẹt.
    MẶC CẢM 默感 là Cái cảm xúc âm thầm chỉ riêng ta có mà người khác không hề biết được.
    ĐẠI 黛 : là Màu xanh đen, màu dùng để kẻ chơn mày của các bà các cô ngày xưa. Nên ta có từ PHẤN ĐẠI 粉黛 : là Phấn dồi mặt và màu xanh kẻ chơn mày, là từ chỉ chung phái đẹp, là các bà các cô còn trẻ đẹp. Nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng của Hồng Kong hồi thập niên 1950-60 LÂM ĐẠI 林黛 là chữ Đại nầy. LÂM ĐẠI NGỌC 林黛玉 người đẹp chôn hoa trong Hồng Lâu Mộng, cũng là chữ ĐẠI nầy. Trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, ông đã viết khi người đẹp Dương Ngọc Hoàn vào cung thì tất cả người đẹp của 6 cung đều lu mờ cả, với câu :
       Hồi mâu nhất tiếu bách mị sanh,  回眸一笑百媚,         Lục cung PHẤN ĐẠI vô nhan sắc.  六宮粉黛無顏色。
Có nghĩa :
     Quay nhìn lại liếc mắt cười một cái thì đẹp xinh trăm vẻ, làm cho các người đẹp khác của 6 cung đều trở nên lu mờ tầm thường hết  thảy !.
              Image result for 回眸一笑百媚生 六宮粉黛無顏色。   Image result for 回眸一笑百媚生 六宮粉黛無顏色。 
                   Hồi mâu nhất tiếu bách mị sanh

     ĐIỂM 點 : là Chấm. Vừa là Động từ vừa là Danh từ như ĐIỂM NHẤT ĐIỂM 點一點 là Chấm một Chấm. Câu đối mà Đoàn Viết Luân ra cho em gái là Đoàn Thị Điểm khi bà đang ngồi xăm soi trước gương là :
            Đối kính họa mi, nhất điểm khuyên thành lưỡng điểm.
              對   鏡   畫   眉,   一    點      圈       成      兩      點,
Có nghĩa :
        Trước gương kẻ mày, một chấm sẽ thành hai chấm.
     Khi thấy ông anh đang đứng ngắm trăng trên bờ ao, bà đã đối đáp rất khéo là :
            Lâm trì ngoạn nguyệt, nhất luân biến tác song luân.
              臨    池    玩    月,      一    輪    變   作    雙    輪。
Có nghĩa :
         Bờ ao ngắm trăng, một vầng sẽ biến hai vầng. ( Một vầng trên trời, một vầng rọi bóng dưới ao nước )
     Ta có Mạo từ NHẤT LUÂN NGUYỆT 一輪月 là Một Vầng Trăng, anh của bà lại tên LUÂN, nên có nghĩa là Một anh Luân ở trên bờ, còn một anh Luân ở dưới ao nước.
     ĐIỂM 點 còn có nghĩa là Rà soát lại, như KIỂM ĐIỂM 檢點, ĐIỂM DANH 點名, ĐIỂM BÁO 點報 ...
     ĐIỂM ĐẦU 點頭 là Gật đầu. Trong tiếng Nôm ĐIỂM ĐẦU còn có nghĩa là Điểm đứng đầu sổ, là Hạng nhất, như trong bài thơ Trần Tế Xương gởi cho cụ Phan Sào Nam có câu :
          Mái tóc Giáp Thìn đà nhuộm Tuyếtuyết,        
                    Điểm đầu Canh Tý chửa phai son.
   ... vì cụ Phan Sào Nam đậu Thủ Khoa thi hương năm Canh Tý.
     ĐIỂM CHỈ 點指 là Lăn tay. ĐIỂM HUYỆT 點穴 là dùng ngón tay ra sức nhấn vào huyệt vị nào đó, làm cho người ta đứng yên một chỗ, ngứa ngáy, tê dại ... Thuật Điểm Huyệt trong võ học được ứng dụng vào y thuật bằng việc Châm Cứu, rất thịnh hành hiện nay.
               

                   Phan Sào Nam và Trần Tế Xương

 3. BỘ THỬ   :
     THỬ   : là cây Bo Bo, Bắp. THỬ 黍 là chữ dùng Tượng Hình để Hội Ý , theo diễn tiến của chữ viết như sau :
 
甲骨文金文小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Giáp Cốt Văn là hình tượng của cây lúa đang trổ bông , bên dưới có bộ Thủy 水 là nước, là loại lúa nước. Qua Kim Văn thì phân biệt rõ ràng, bên trái là THỦY 水, bên phải là HÒA 禾 là Cây lúa. Đến Tiểu Triện thì bộ HÒA 禾 được đặt lên trên, và bộ THỦY 水 bên dưới được chụp thêm bộ QUYNH 冂 ở bên ngoài, trông như chữ VŨ 雨 là Mưa. Dù dưới bất cứ hình thức nào, diễn tiến của chữ viết vẫn đưa đến nghĩa là : Cây Bo Bo, từ kép là THỬ TỬ 黍子, còn Gạo Bo Bo thì gọi là THỬ MỄ 黍米, Cơm Bo Bo là THỬ PHẠN 黍飯... Nhưng...
NGỌC THỤC THỬ 玉蜀黍 là Cây Bắp, Trái Bắp, người Miền Bắc gọi là Ngô, như các hình ảnh sau đây :
     
                 Thử mễ, Thử phạn            Ngọc Thục Thử

     Cơm bo bo ăn với thịt gà là món ăn ngon của nông gia phương bắc khi thu hoạch vụ mùa. Ta hãy nghe Mạnh Hạo Nhiên tả trong bài " Qúa Cố Nhân Trang 過故人莊 " như sau :
                故人具雞黍,    Cố nhân cụ KÊ THỬ,
                邀我至田家.    Yêu ngã chí điền gia.
Có nghĩa :
      Bạn cũ đã chuẩn bị đầy đủ cả thịt gà và cơm bo bo, nên ...
      Mời ta đến nhà ở trong đồng ruộng nông thôn ( để nhậu ).

      Một số Tự Điển, Từ Điển giải thích THỬ 黍 là Cây lúa NẾP, Nhưng Lúa Nếp là NỌA 糯, lúa Mì là MẠCH 麥, theo các hình minh họa đính kèm sau đây :
   Image result for 黍 Image result for 糯米
     Thử 黍 : Bo bo          Nọa 糯 : Nếp             Mạch 麥 : Lúa Mì

     Có hơn 30 chữ được ghép bởi bộ THỬ nầy, tiêu biểu có :
     NIÊM 黏 : Hình dung từ là : Dính, như NIÊM TÍNH 黏性 là Tính chất nhờn dính của vật gì đó, như Keo, Hồ, cơm nếp ..., NIÊM MỄ 黏米 là Gạo dính, là tên riêng của Xôi, Cơm nếp. NIÊM THỔ 黏土 là Đất dính, đất sét, đất có độ nhờn và có tính kết dính cao.
     NIÊM LUẬT 黏律 : là Luật dùng để kết dính các câu thơ lại với nhau trong thơ Đường Luật, chữ thứ 2 của các câu 2 và 3, 6 và 7 phải cùng một thanh ( cùng Bằng hoặc cùng Trắc ), chữ thứ 2 của các câu 1 và 8, 4 và 5 phải cùng một thanh ( cùng Trắc hoặc cùng Bằng  ). Bài thơ Đường Luật mà không đúng Niêm thì gọi là THẤT NIÊM 失黏.
     NIÊM 黏 : Động từ, có nghĩa là Dán, như NIÊM PHONG 黏封 là Dán kín lại. NIÊM HỢP 黏合 là Dán cho dính lại với nhau. NIÊM YẾT 黏揭 là Dán lên cho mọi người đều biết.

    LÊ 黎 : Chỉ Số Đông, như LÊ DÂN 黎民, LÊ THỨ 黎庶 là Dân chúng bình thường ở trong nước.
    LÊ 黎  là người Gìa, là màu Đen, như DIỆN MỤC LÊ HẮC 面目黎黑 là Mặt mũi Đen thui. LÊ HẮC 黎黑 là Đen đúa.
    LÊ 黎  là Đợi đến, Kịp đến, như LÊ MINH 黎明 là Kịp đến lúc trời sáng. Sau LÊ MINH  黎明 được dùng như là BÌNH MINH 平明 để chỉ lúc Trời Vừa Rựng Sáng. Trong " Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn " Chu Bá Lư đã mở đầu bằng câu :
         黎明即起,灑掃庭除.   LÊ MINH tức khởi, sái tảo đình trừ.
Có nghĩa :
       Sáng sớm phải dậy sớm, quét tước sân nhà cho sạch sẽ.
    LÊ 黎 còn là một trong Bách Gia Tính, họ LÊ 黎. và chữ Lê nầy cũng thông dụng với chữ LÊ 梨 là Trái LÊ, cho nên, mới có bài Sấm trên cây Gạo làng Diên Uẩn. Tương truyền, năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của sử sách ( Việt Sử lược, Đại Việt Sử Ký toàn thư, Việt Sử tiêu án, Khâm định Việt Sử Thông Giám cương mục ), tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh. Bài sấm như sau :                
                    樹根杳杳      Thụ căn diểu diểu
                    木表青青      Mộc biểu thanh thanh
                    禾刀木落      Hòa đao mộc lạc
                    十八子成      Thập bát tử thành
                    東阿入地      Đông a nhập địa
                    木異再生      Mộc dị tái sinh
                    震宮見日      Chấn cung kiến nhật

                                       兑宮隠星      Đoài cung ẩn tinh

                           六七年間      Lục thất niên gian


                             天下太平      Thiên hạ thái bình

Có nghĩa :
        "Thụ căn diểu diểu", chữ căn nghĩa là gốc, gốc tức là vua, chữ diểu đồng âm với yểu là Non nớt, nên hiểu là yếu. "Mộc biểu thanh thanh", chữ biểu là bề ngoàinghĩa là ngọn, ngọn tức là bề tôi, chữ thanh là Màu xanh, âm gần giống với chữ thạnh nghĩa là thịnh; Hòa, đao, mộc, ghép lại là chữ Lê; Thập, bát, tử là chữ Lý; Đông A là chữ Trần; nhập địa là phương Bắc vào cướp: "Mộc dị tái sinh" là họ Lê khác lại sinh ra. "Chấn cung kiến nhật", chấn là phương Đông, kiến là mọc ra; nhật là thiên tử. "Đoài cung ẩn tinh", "đoài" là phương tây, "ẩn" cũng như lặn, "tinh" là sao, nghĩa là thứ dân. Mấy câu này ý nói là vua thì non yếu, bề tôi thì cường thịnh, họ mất, họ nổi lên, thiên tử ở phương đông mọc ra thì thứ nhân ở phương tây lặn mất, trải qua 6, 7 năm thì thiên hạ thái bình.

 Cách CHIẾT TỰ chơi chữ của bài thơ :
        
      Câu 3: chữ Hòa (禾) + bộ Đao (刂 ) + chữ Mộc (木) bên dưới, ghép lại thành chữ Lê (梨) là Trái Lê, đồng âm với chữ (黎) là họ LÊ. Câu 3 tiên đoán : Lưỡi đao mỏng như lá lúa đốn ngã cây, có nghĩa nhà Tiền Lê ( Lê Đại Hành ) sẽ mất.
      Câu 4: chữ Thập (十) + chữ Bát (八) thành chữ Mộc 木, + chữ Tử (子) bên dưới thành chữ Lý (李). Câu 4 tiên đoán nhà Lý sẽ lên thay nhà Lê.
      Câu 5: chữ Đông (東) ghép với chữ A (阿) thành chữ Trần (陳). Câu 5 tiên đoán họ Trần vào nước Việt làm vua.
      Câu 6: cây khác lại sinh. Sấm ra đời thời Lê. Cây lê khác lại sinh, tiên đoán nhà Hậu Lê ( Lê Lợi ) kế tục nhà Trần.
      Câu 7: phương Đông có mặt trời, ứng vào nhà Mạc khởi xuất từ phía Đông (Hải Dương) thay nhà Hậu Lê.
      Câu 8: sao ẩn mình phía tây. Có các ý kiến khác nhau về câu này. Có ý kiến cho rằng câu này chỉ chúa Trịnh đóng phủ ở phía Tây kinh thành Thăng Long, " ẩn mình " là không ra mặt xưng vua nhưng lại nắm thực quyền hơn vua. Có ý kiến cho rằng " phía Tây " trong câu 8 là ám chỉ nhà Tây Sơn.
     Câu 9 và câu 10: Có ý kiến cho rằng " lục thất " chỉ nhà Nguyễn, triều đại cuối cùng của Việt Nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa có lời giải đáp cụ thể cho 2 câu này.
         Tổng quát, bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam suốt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, từ khi nhà nước Phong kiến trung ương tập quyền ở Việt Nam hình thành ổn định tới khi kết thúc thời phong kiến.
            
                           Thiền sư  Vạn Hạnh
        Điều đáng lưu ý là Việt sử lược ra đời thời Trần nhưng không chép 2 câu: "Đông a nhập địa, Mộc dị tái sinh" liên quan tới chính nhà Trần và nhà Hậu Lê. Các nhà nghiên cứu căn cứ vào đây mà cho rằng :
  • Bài sấm này được Vạn Hạnh Thiền Sư làm ra để tạo dư luận cho Lý Công Uẩn lên ngôi một cách thuận lợi theo ý trời.
  • Hai câu này do người đời sau (Trần, Hậu Lê) sáng tác xen thêm vào cho đủ các đời vua từ Ngô, Đinh, rồi đến LÊ ( tiền ), LÝ, TRẦN, LÊ ( hậu ), còn Tây Sơn và Nguyễn thì hãy còn mơ hồ.

4. BỘ CHỈ  :
    CHỈ  : là May Vá, Thêu Thùa. CHỈ 黹 là chữ dùng tượng hình để Chỉ Sự, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

甲骨文金文金文大篆小篆繁体隶书
Ta thấy :
     Từ Giáp Cốt Văn cho đến Kim Văn Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của cái khung vải, cái bàn căng và những hoa văn được thêu may lên đó, nên CHỈ 黹 thường đi liền với chữ CHÂM 針 là Kim thành CHÂM CHỈ 針黹 : ta nói là Kim Chỉ, chỉ công việc nữ công thêu thùa may vá của các bà các cô.
     Có khoảng 7 chữ được ghép bởi bộ CHỈ nầy, tiêu biểu có :
     PHỦ 黼 : là Lễ phục ngày xưa có thêu hoa văn đen trắng xen nhau như hình cây búa. Trong bài " Tặng Chu Tiều Ẩn " ( là Chu Văn An ) của Trần Nguyên Đán đời Trần đã mở đầu bằng câu :

               PHỦ miện Hoàn Khuê tâm dĩ hôi,
Có nghĩa :
      Áo nhà quan, mủ mão và ngọc Hoàn Khuê ( chỉ ăn mặc trang sức của quan quyền ). TÂM DĨ HÔI là Lòng đà nguội lạnh như đống tro tàn.  
     PHỦ PHẤT  : Chỉ Y phục thêu hoa văn đẹp đẽ của nhà quan, cũng dùng để chỉ Văn Chương hoa mỹ.
                               
        Trước khi kết thúc bài viết nầy, mời tất cả cùng giải đoán một chữ của câu đố sau đây :

                  看有兩人,    Khán hữu lưỡng nhân,
                  面目難分。    Diện mục nan phân.
                  不似大夫,      Bất tự đại phu,
                  卻似工人。    Khước tự công nhân.
Có nghĩa:
                  Nhìn thấy có 2 người,
                  Mặt mũi thật khó phân.
                  Không giống như thầy thuốc (đại phu),    
                  Lại giống tựa công nhân.

       Bốn câu trên cùng qui về một chữ, mời đoán chữ đó.

       Xin hẹn bài viết sau : Các bộ 13 nét.

                                                         Đỗ Chiêu Đức

CHỬ NHO DỄ HỌC...MÀ HỌC KHÔNG DỄ (Bài 33) :

1 nhận xét:

ThaiLy: ĐỘ (T.Vấn và Bạn Hửu )

                                             Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé...