Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Ấn Độ - Guwahati: Lần Hội Ngộ Sau 58 Năm Của Đạt Lai Lạt Ma Và Naren Chandra Das, Người Lính Dân Vệ Ấn



   Radio FM974

Chuyện Thế Giới Trong Tuần

Thứ Hai 17/04/2017

     
    Đức Đạt Lai Lạt Ma, người lãnh đạo Phật giáo Tây Tạng, đã xúc động không ít khi gặp lại ông Naren Chandra Das, sau 58 năm, kể từ ngày ông hộ tống ngài ở Ấn Độ sau khi ngài trốn thoát khỏi sự lùng bắt của quân lính Trung cộng. Lần đầu hai người gặp nhau, anh lính dân vệ Naren Chandra Das Ấn Độ đươc lệnh của cấp chỉ huy, không nói chuyện gì với người lính trẻ mà ông ta đi theo, thi hành một sứ mạng đặc biệt trong vùng biên giới Trung - Ấn.

    Gần sáu mươi năm sau, Das đã không khỏi bùi ngùi xúc động gặp lại Đạt Lai Lạt Ma trong buổi lễ, cử hành ở phía đông bắc thành phố Guwahati hôm Chủ nhật vừa rồi, để nhớ lại chuyến vượt thoát khỏi Tây Tạng của ngài sau lần nổi loạn chống Trung cộng bất thành của người dân xứ này. Đạt Lai Lạt Ma cũng xúc động không kém, nhìn ông Das, đã 79 tuổi, thật lâu “nhìn mặt ông, giờ tôi nhận ra rằng, mình cũng đã quá già”. Nhà cầm quyền Trung cộng đã tỏ ra giận dữ khi có chuyến đi thăm viếng vùng đông bắc Ấn, trong đó có cả tiểu bang Arunnacha Pradesh, nằm sát biên giới, nơi Trung cộng cho là lãnh thổ của họ. Trung cộng lên tiếng cảnh cáo Ấn Độ, chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma, người mà Bắc Kinh gọi là “bọn ly khai chống Trung Quốc”, sẽ là tổn thương nghiêm trọng đến mối bang giao giữa hai nước có quyền lực Á châu.

    Hôm Chủ Nhật, tại Guwahati, Đạt Lai Lạt Ma, người phủ nhận việc đòi hỏi độc lập cho Tây Tạng, bùi ngùi nhớ lại, sự tiếp đón ân cần mà ngài nhận được của chính quyền Ấn Độ, sau 13 ngày đêm trong vất vả, hiểm nguy vượt qua rừng núi Hi Mã Lạp Sơn, trên đường trốn thoát quân đội Trung cộng. Ngài nhớ lại “vài ngày trước khi đến được Ấn Độ, tình thế hết sức căng thẳng, điều duy nhất ngài mong muốn là sự an toàn, với kinh nghiệm có được tự do khi người dân và nhân viên chính quyền Ấn chào đón niềm nỡ, ngài tin rằng, một trang mới của đời ngài đã bắt đầu”.

    Đạt Lai Lạt Ma chạy khỏi thủ đô Lhasa vào tháng ba năm 1959 khi ngài vừa lên 23 tuổi sau sự vùng lên, nổi dậy đổ máu, chống nhà cầm quyền Trung công của người dân Tây Tạng thất bại, bị Trung cộng đàn áp thẳng tay. Giả dạng làm một người lính Trung cộng, ngài và các thành viên của chính phủ Tây Tạng, lén trốn ra khỏi cung điện, lầm lũi đi trong đêm, băng qua các con đường mòn, xuyên những dãy núi cao và cuối cùng vượt qua con sông Brahmaputra, rộng hơn 500 thước, tới biên giới Ấn. Cho tới khi ngài vào đất Ấn, nhiều quan sát viên thời cuộc lúc đó, cho rằng và lo ngại “ngài là một trong con số hơn 2000 người Tây Tạng bị quân đội Trung cộng bắn chết trong những ngày nổi loạn”.

    Ấn Độ chấp nhận cho Đạt Lai Lạt Ma được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị và ngài được thành lập một vùng định cư cho người tỵ nạn Tây Tạng, ở thành phố trên đồi cao Dharamlasa, cũng được xem là “thủ đô tạm thời và lập chính phủ lưu vong của Tây Tạng”. Phía Trung cộng, họ cho rằng, cuộc nổi loạn năm 1959 là một sự phát động của giới địa chủ Tây Tạng muốn tiếp tục duy trì lề lối cai trị phong khiến, và họ đã phải ra tay giải phóng cho người dân của vùng núi non này, việc làm này đã mang lại sự phát triển và thịnh vượng cho họ. Hôm thứ hai, bộ ngoại giao Trung cộng lập lại lời phản đối chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma ở vùng biên giới Trung -Ấn, với lý lẻ “Trung cộng một mực phản đối bất cứ sự hậu thuẩn và tạo phương tiện cho những hành động chống lại Bắc Kinh của nhóm ly khai Đạt Lai Lạt Ma thứ 14”.

    Sự bất bình của Trung cộng đối với việc Ấn Độ chứa chấp Đạt Lai Lạt Ma là một trong những yếu tố chính, đưa đến cuộc chiến biên giới hai bên Trung - Ấn năm 1962. Chuyện xâm nhập, vượt biên giới vào vùng tranh chấp của quân lính Trung cộng hiện cũng được thường xuyên báo cáo và vùng này vẫn xem đang ở trong tình trạng căng thẳng về quân sự. Cũng giống như các người tiền nhiệm, thủ tướng hiện thời của Ấn Độ, ông Narendra Modi, tiếp tục duy trì một chính sách chính thức, đối đải Dạt Lai Lạt Ma như là “người khách danh dự” của quốc gia, ngài được mời đến gặp tổng thống Ấn trong tháng mười hai, một chuyện khác làm nhà cầm quyền Trung cộng bực tức thêm.

   Chuyện của ngày 1 tháng tư năm 1959, những ngày mà Đạt Lai Lạt Ma cùng gia đình cũng như số người dân khác theo ngài trên đường trốn khỏi Tây Tạng, Trung cộng đã cho phi cơ và khoảng 50 ngàn quân, kể cả lính nhảy dù, lục soát, truy lùng từng con đường một, xuyên qua núi, để tìm bắt ngài nhưng theo một bài tường thuật từ Kalimpong, một vùng nằm về phía đông bắc Ấn, Đạt Lai Lạt Ma chỉ di chuyển trong đêm, và người ta nghĩ ngài sẽ vượt qua biên giới trong vòng vài ngày. Đồng thời, tại Tân Đề Li, lúc đó, ông Silun Lukhangwa, cựu thủ tướng của Tây Tạng, nói rằng, ông hy vọng sẽ gởi một phái đoàn Tây Tạng đến LHQ, biểu tình phản đối hành động xâm lăng nước ông của Bắc Kinh, ông nói điều này, sau khi hai nhóm người Tây Tạng thỉnh cầu sự trợ giúp của Ấn Độ, trong buổi phỏng vấn với thủ tướng Nehru của Ấn Độ lúc bấy giờ, chánh phủ Ấn Độ phổ biến một bản tuyên bố ngắn cho biết, “thủ tướng Nehru, có buổi tiếp xúc ngắn với những người tỵ nạn Tây Tạng, hy vọng rằng, tình trạng khó khăn tại Tây Tạng sẽ kết thúc một cách hòa bình, ông cũng nói rõ, Ấn Độ không ở trong vị thế xen vào chuyện này và ngược lại, thật không muốn can dự vào, gây ra tình hình rối ren thêm ở đó”.

    Trên đường trốn chạy, bằng đường bộ, Đạt Lai Lạt Ma có mẹ, mấy chị và gần hết thành viên của nội các Tây Tạng đi theo, ngài vượt được khoảng 350 cây số đường núi hiểm trở, có tin nói ngài bị thương nặng vì trợt té ở sườn khe núi nhưng không có chuyện đó xảy ra, người ta tin rằng, ngài đi băng qua thung lủng của vùng đồng bằng Tây Tạng, chạy dài từ phía đông nam thủ đô Lhasa, giáp ranh với nước Bhuttan và vùng biên giới bắc Ấn Độ, vùng này có lệnh cấm bất cứ ai đến đó, nếu không có phép của chánh quyền và cũng được biết, chánh phủ Ấn Độ chưa cấp phát một giấy phép nào cho ai từ đó đến hiện nay.

    Tin tường thuật nói rằng, Trung cộng đã cho lính nhảy dù nhảy xuống khắp vùng núi rộng với mưu toan ngăn chận chuyến đi trốn của Đạt Lai Lạt Ma, các toán quân khác, đi lùng từng làng này qua làng kia, từng tu viện này tới tu viện nọ, dọa nạt thường dân và sư sải, mong họ phải cho biết tin tức của Đạt Lai Lạt Ma, họ cũng bao vây phong tỏa mọi tu viện, gồm cả tu viện Rongbuk, gần trên đỉnh núi Everest. Ở thời điểm đó, phái đoàn lưu vong Tây Tạng đã đệ trình lên thủ tướng Ấn, Nehru, một bản thỉnh nguyện 4 điểm:

- Ra tay tích cực hổ trợ giữ an toàn tánh mạng cho Đạt Lai Lạt Ma.

- Gởi ngay một nhóm nhân viên y tế vào Tây Tạng cùng với các dụng cụ và thuốc men.

- Đở đầu cho Tây Tạng trình bày tình trạng của họ lên LHQ.

- Cho phép người tỵ nạn Tây Tạng được tự do vào đất Ấn.

   Giới quan sát thời cuộc lúc này, tin rằng, thủ tướng Ấn Độ có lẽ đã chuyển chuyện này cho Trung cộng biết, cựu thủ tướng Tây Tạng, ông Lukhangwa, lúc bấy giờ, nói với các thông tín viên báo chí là,“ước nguyện của Đạt Lai Lạt Ma là ước nguyện của người dân Tây Tạng, bất cứ điều gì ngài nói, chúng tôi sẽ làm theo”.

    Trở lại hiện tình chuyến đi của Đạt Lai Lạt Ma tuần qua, Ấn Độ và Tây Tạng là hai nước cùng có một sự liên hệ gần gũi về văn hóa và tôn giáo, hơn nữa, Đạt Lai Lạt Ma, thường xuyên xác định, chủ quyền của Ấn trên vùng đất Arunachal Pradesh, bao gồm cả những chỗ mà nhà cầm quyền Bắc Kinh gọi là “nam Tây Tạng” của họ. Tây Tạng vẫn còn bị Trung cộng thống trị, ở đó, giữ hình ảnh cũng như văn tự của Đạt Lai Lạt Ma bị ngăn cấm triệt để.

    Ôm nhau mừng rỡ, trong buổi lễ hôm Chủ Nhật, trước mặt hàng ngàn người sống đời lưu vong Tây Tạng, ngài thì thầm cái gì đó bên tai Das, người lính dân vệ Ấn Độ hộ tống ngày xưa, xong lễ, người ta hỏi ngài đã nói gì, ông Das mĩm cười một cách thích thú bảo “ngài nói ngài quá sung sướng khi được gặp lại tôi”.



Thuyên Huy

Mon 17.04.2017










   

   

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...