Khi nào thì phải “nghĩ đến’’ Sốt xuất huyết?
Trong
mùa có dịch Sốt xuất huyết Dengue (SXH) như hiện nay, khi có sốt cao
thì phải nghĩ ngay đến Sốt Xuất Huyết. Thà “nghĩ đến” mà không phải còn
hơn là chủ quan, để bệnh trở nặng trở tay không kịp!
Vì sao? Vì SXH là một thứ bệnh diễn biến rất khó lường! Cho đến nay,
SXH vẫn là thứ bệnh chưa có thuốc đặc trị, chưa có thuốc chủng ngừa. Ở
những vùng sâu vùng xa, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao, nhất là ở trẻ em!
Bệnh diễn biến rất bất ngờ. Mới thấy trẻ chỉ sốt suông, có vẻ khỏe, bỗng
rơi vào sốc, trụy tim mạch, rối lọan đông máu, co giật, lúc đó thì đã
nặng!
Một trẻ bị sốt cao liên tục 3, 4 ngày liền (sốt trên 39 độ C), khó
làm hạ sốt ( uống thuốc hạ sốt không hiệu quả), thường chỉ sốt suông (
không kèm với ho, ỉa chảy như các lần trước…) thì … “chắc” là SXH rồi,
nên đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám.
Bệnh nguy hiểm nhất xảy ra vào ngày thứ ba đến ngày thứ sáu, đó là
thời điểm dễ rơi vào “sốc”, đặc biệt lúc vừa giảm sốt, chưa kịp mừng thì
bệnh đã trở nặng! Năm xưa, một đứa cháu của một nhà văn nổi tiếng ở
miền Trung bi sốt cao ba ngày liền, đưa đi khám bác sĩ, bác sĩ bảo viêm
họng, không phải sốt xuất huyết, còn thề thốt nếu cháu mà bị SXH thì ông
sẽ … từ chức, bỏ nghề! Kết quả, đứa bé… tử vong vì SXH!
Làm sao biết SXH “chuyển độ” từ nhẹ sang nặng?
Vấn đề là làm sao biết lúc nào thì bệnh chuyển từ độ nhẹ sang có dấu hiệu cảnh báo và sang độ nặng nguy hiểm
để can thiệp kịp thời? Có một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm sự chuyển
độ này với điều kiện bệnh nhân phải được theo dõi thật sát. Ai theo dõi ?
Chính phụ huynh, người nhà của trẻ bệnh chớ không phải ai khác. Vì
trong mùa dịch, bệnh viện tràn ngập, các bác sĩ, điều dưỡng đều đầu tắt
mặt tối, không thể theo dõi kỹ trên từng bệnh nhân như người nhà được!
Vả lại việc theo dõi các dấu hiệu này cũng dễ, ai cũng làm được nếu
biết. Dấu hiệu chuyển độ, từ nhẹ sang nặng là đột nhiên trẻ kêu đau bụng
(đau nhiều hơn, đau vùng hông phải), bứt rứt, lăn lộn, kêu khát nước,
da đổi sắc ( bầm bầm, tím tái), tay chân lạnh, mạch nhanh và nhẹ… Phải
báo động ngay cho bác sĩ.
Tóm
lại, khi trẻ sốt cao đột ngột, sốt suông ( sốt khơi khơi, không kèm ho,
sổ mũi gì cả!), khó làm hạ sốt, vài ngày sau nếu có dấu xuất huyết dưới
da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), nổi vết bầm chỗ chích, cắt,
lể… thì đã gần chắc là SXH. Khi bệnh trở nặng thì có thêm đau bụng, và
dấu hiệu sốc: lạnh tay chân, mạch yếu và nhanh…
Trong khi theo dõi, đặc biệt từ ngày thứ ba trở đi, khi sốt cao
đã giảm, chớ vội mừng, nếu thấy bệnh nhân có một vài dấu hiệu dưới đây
thì phải báo động ngay cho bác sĩ:
1.Bứt rứt, lăn lộn, vật vả hoặc li bì, lừ đừ…một cách bất thường .
2.Đau bụng, đau nhiều hơn, đau vùng hông phải (vùng gan)
3.Chảy máu cam, chảy máu nướu răng (lợi), đi phân lợn cợn đen, ói có máu…
4.Tay chân lạnh giá, da đổi sắc, bầm bầm, tím tái…
5.Tiểu ít, khát nứơc nhiều.
SXH ở người lớn?
Những năm gần đây, tỷ lệ SXH ở người lớn ngày càng tăng. Các dấu hiệu
SXH Dengue có nhiều điểm khác biệt ở người lớn và trẻ em. Ngoài sốt
cao, người lớn thường kèm theo lạnh run, nhức đầu (Sốt Dengue, giống như
cảm cúm, có thể tự khỏi, có thể chuyển độ nặng). Thời gian sốt kéo dài
hơn (từ 5-7 ngày, dễ nhầm với các bệnh khác) trong khi ở trẻ em chỉ sốt
3-4 ngày. Sốt thường kèm ói mửa, tiêu chảy, đau bụng.
Những trường hợp nặng có dấu hiệu xuất huyết (xuất huyết da, xuất
huyết tiêu hóa, xuất huyết âm đạo, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất
huyết kết mạc…). Có báo cáo cho thấy có một số biểu hiện nặng khác như
viêm cơ tim, xuất huyết não…, suy gan, hôn mê, co giật. Tóm lại, SXH
ngày nay không chỉ gặp ở trẻ con mà còn gặp ngày càng nhiều ở người lớn
với bệnh cảnh phức tạp hơn và nặng nề hơn. Cho nên phải hết sức cảnh
giác.
Theo dõi diễn biến bệnh?
Việc theo dõi diễn biến của bệnh vì thế rất quan trọng, ở cả người
lớn và trẻ em trong mùa có dịch. Không chủ quan bảo “không phải SXH”
hoặc ‘’không sao đâu!’’. Bệnh viện dễ bị tràn ngập, lúng túng, căng
thẳng. Do vậy cần tổ chức phòng lưu, phòng theo dõi SXH riêng.
Tập huấn cho thân nhân biết cách theo dõi các dấu hiệu trở nặng. Công
tác truyền thông – giáo dục sức khỏe đặc biệt quan trọng (Truyền thông
đại chúng qua Radio, TV, Điện thoại…, bích chương, tờ rơi; Truyền thông
nhóm, truyền thông cá nhân qua hướng dẫn trực tiếp). Tận dụng lưc lượng
sinh viên y khoa, điều dưỡng… tham gia, tình nguyện giúp đỡ người nhà
bệnh nhân trong theo dõi, giám sát tại bệnh viện. Dĩ nhiên cũng phải
được tập huấn kỹ trước.
Phòng chống SXH?
Câu hỏi đặt ra tại sao bệnh SXH thấy nhiều ở các Thành phố lớn? Vì ở
đó có quá nhiều công trường xây dựng, cao ốc mọc lên như nấm, nhiều ngóc
ngách bê tông chứa đầy nước trong vắt… làm chỗ tốt cho muỗi vằn (Aedes
Aegypti) đẻ! Các khoảng đất trống chung quanh công trường thì hộp xốp,
lavabô bể, vỏ xe hư, thùng nước bỏ ngoài trời, bao bịch ny lông các thứ…
đọng nước mưa trong vắt! Ai cũng biết muỗi truyền SXH là muỗi vằn, muỗi
đốm, có khoan đen trắng ở lưng và chân, sống trong nhà và đẻ ở chỗ nước
trong. Y tế phun thuốc diệt muỗi chỉ diệt được một số muỗi trưởng thành
chớ không diệt được…lăng quăng! Nhớ rằng “không có lăng quăng thì
không có SXH”. Và Y tế một mình thì ba đầu sáu tay cũng không làm hết
lăng quăng!
Ở Singapore, phòng chống SXH là chuyện của Tổ chức Môi trường Quốc gia (
National Environment Agency-NEA). NEA tổ chức tiếp cận nhà dân để tuyên
truyền, giáo dục sức khỏe để người dân cùng tham gia phòng chống SXH,
ngay tại nhà mình. NEA điều tra và liệt kê hằng trăm điểm nóng có nguy
cơ làm chỗ cho muỗi đẻ, đưa lên mạng để cảnh báo, rồi tổ chức tiếp xúc
với từng hộ gia đình, kêu gọi mọi người hợp tác phòng chống dịch. Hằng
năm NEA kiểm tra các hộ gia đình, giúp tiêu diệt ổ sinh muỗi – chậu cây
cảnh, thùng chứa nước và các vũng nước đọng…NEA còn đưa chương trình vận
động hướng đạo sinh, học sinh tiểu học từ 9-12 tuổi tham gia chương
trình phòng chống SXH.
(2.8.2017)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Lễ Tạ Ơn 2024 vào ngày 28/11
Mời Xem : 1./ Tản Mạn Về Ngày Lễ Tạ Ơn - Thanks Giving Ceremony 2./ LỊCH SỬ NGÀY LỄ TẠ ƠN BÀI THƠ TẠ ƠN. - CAO MỴ NHÂN Tạ ơn trời...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
bệnh này rất nguy hiểm
Trả lờiXóa