Thứ Ba, 19 tháng 2, 2019

Bàn về Thiện & Ác - Đặng Ngữ

Mạnh Tử vì muốn đề cao tâm, tính, chí, khí con người mà đề ra học thuyết Tính Thiện với câu nói nổi tiếng: “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Học thuyết này vừa là nền tảng để xây thuyết Nhân Chính

Con người ta vốn có tính thiện?

Mạnh Tử vì muốn đề cao tâm, tính, chí, khí con người mà đề ra học thuyết Tính Thiện với câu nói nổi tiếng: “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Học thuyết này vừa là nền tảng để xây thuyết Nhân Chính, vừa là luận điểm để bác bỏ các học thuyết khác lúc bấy giờ. Mạnh bị ảnh hưởng nhiều của tổ sư phụ Khổng Khâu mà đề cao việc giáo dục & đạo đức con người. Con người cần được giáo dục để trở nên người có nhân cách. Cả Khổng lẫn Mạnh đều tin nơi con người đều có thể trở thành người tốt. Ông nói: “Phàm những vật đồng loại đều có tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại người ta lại nghi ngờ rằng bản tính chẳng giống nhau? Bậc thánh nhân với ta đều là một loại, tức đều có tâm tính hết thảy giống nhau.” Để bảo tồn và phát huy tâm tính, chí, khí của con người, Mạnh ta chủ trương cần phải có sự tu dưỡng, rèn luyện, giáo dục cho mọi người, nhất là với các bậc vua chúa, bậc quân tử: “sự giữ gìn của người quân tử là sửa mình mà thiên hạ được thái bình vậy.” (Mạnh Tử, Tận Tâm, hạ). Tương tự với Khổng Tử, là con người, nhất là người quân tử phải luôn “tu thân” theo các tiêu chuẩn nhân, lễ, nghĩa, trí để có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Khổng và Mạnh, cả hai vốn sinh trưởng vào thời mạt pháp, đạo đức xuống cấp thảm hại, lễ giáo cái chi chi không chút giá trị, thượng hạ lộn tùng phèo mà luân thường thì đảo điên không khác chi xã hội xứ Tàu và xứ Việt mình thời bây giờ nên sinh ra tâm lý hoài cổ, ngưỡng vọng nhà Chu nên tìm cách truy nguyên các giá trị thời cổ với mong muốn tìm ra vị thuốc hay để chữa bệnh thiên hạ. Cho nên, hai nhà Khổng & Mạnh đem hết sở học và tâm nguyện đề ra đủ các thứ qui tắc và qui chuẩn, cầm tay chỉ việc cho con người ta từ A đến Z. Từ việc thờ vua ra sao, đối xử với cha anh thế nào cho đến việc chồng ngủ với vợ mình như thế nào cho phải phép tắc, rồi cả việc phụ nữ phải giữ gìn ra sao cho xứng danh phụ nữ yêu qúy v.v và v.v.

 
Tóm lại, học thuyết Khổng Mạnh có khi xúng xính cân đai áo mão vào triều chầu thiên tử bàn chuyện quốc gia đại sự mà cũng có khi cởi trần truồng nhảy sộc vào phòng ngủ của kẻ tiện dân mà dạy dỗ, khuyên bảo, có khi tao nhã múa kiếm & đọc thơ dưới trăng mà cũng có khi nồi chỏ bàn luôn chuyện nhà bếp hôm nay món nấu gì ngon. Vì tin con người bản nguyên có tính THIỆN mà Khổng & Mạnh đề cao việc giáo hóa (đạo đức), chỉ cần trở về với cái khởi nguyên THIỆN thì giải quyết được tất cả. Câu hỏi đặt ra là: “nếu bảo con người vốn THIỆN thì cái ÁC sinh ra từ đâu?”. Ắt hẳn cái ác sinh ra từ môi trường sống & xã hội. Người ta vốn THIỆN, chỉ tại nơi môi trường sống & xã hội mà sinh ra ÁC.

Triết gia Jean-Jacques Rousseau bên Pháp cũng ủng hộ thuyết tính THIỆN khi cho rằng “con người vốn có tình yêu bẩm sinh với cái THIỆN”(1), con người cũng như con vật tự nhiên TỐT và có năng lực ứng xử đúng ĐẠO ĐỨC. Chính môi trường sống đã đẩy con người ta thành con thú chứ vốn người ta không phải thú. Ông Rousseau tin rằng con người thì TỐT mà văn minh thì XẤU. Cho nên, Rousseau tận lực viết cuốn “Émile hay là về giáo dục” cũng vì thế. Giáo dục được xem như cứu cánh, giáo dục được xem như cùng đích có thể cải tạo con người thành người. Kiểu giải thích này được nhiều người đương thời ưa chuộng, ai cũng bảo mình lương thiện cả mà sao ra đường thấy toàn kẻ ác, nếu không phải kẻ ác thì cũng toàn người làm ngơ khi nhìn thấy cái ác, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho cái ác. Khà khà...do nơi môi trường sống & xã hội cả đấy.

Đồng ý và nhất trí cao.

Ta đã tìm được cái bãi rác vĩ đại và đổ vào đó tất cả những thứ dơ bẩn tệ lậu. Ai theo hai nhà Khổng & Mạnh và Rousseau thì mời bước sang một bên. Hoặc phải giải thích cho bằng được: nếu con người bẩm sinh là tốt thì từ đâu sinh ra cái xấu trong xã hội? Liệu đạo đức và giáo dục có thể mang người ta thành người?

Liệu đấy có phải là những niềm tin hoặc quá ngây thơ hoặc quá vớ vẩn?

Con người ta vốn có tính ác?


Tuân Tử vốn chẳng có thù oán chi với hai nhà Khổng & Mạnh. Nhưng ông không ưa cái lối đơn giản hóa, có phần lấp liếm nửa vời của tiền bối Khổng Khâu và đệ tử chân truyền họ Mạnh. Ông cho rằng lập luận của Khổng & Mạnh quá vớ vẩn (ông không nói như thế nhưng tôi đồ rằng ông cho rằng thế). Ông nói: “Nhân chi tính ác, kỳ thiện giả ngụy dã” (Bản tính của người là ác, những điều thiện là do con người đặt ra), có nghĩa là tuy con người có bản chất xấu, nhưng bản chất đó có thể cải tạo được nhờ cái thiện do xã hội con người tạo ra – cái thiện ấy là sản phẩm của xã hội (xã hội pháp luật), mà Tuân tử đặc biệt coi trọng. Học thuyết của ông xuất phát từ “tính ác”, nên hệ quả tất yếu của nó là tư tưởng coi trọng hình pháp. Tư tưởng này đã được một học trò xuất sắc của ông là Hàn Phi phát triển lên thành một học thuyết, được gọi là “học thuyết pháp trị”, một học thuyết đến nay vẫn còn gây nên nhiều tranh cãi, kẻ khen, người chê đều không thiếu. Câu hỏi chủ yếu là “làm thế nào để xây dựng một xã hội có trật tự?” và câu trả lời chủ yếu là “luật pháp” – dùng luật pháp để cai trị. Hệ thống luật pháp phải công khai, chặt chẽ, quy củ, thưởng phạt đâu ra đấy, đủ nghiêm khắc để người cai trị không cần bận tâm nhiều đến lễ nghĩa, giáo dục, mà vẫn đảm bảo xã hội yên ổn trật tự. Tiếp thu và thấm nhuần học thuyết “Tính ác” từ sư phụ của mình, Hàn Phi có nhiều dịp kiểm nghiệm học thuyết ấy thông qua những điều mắt thấy tai nghe trong cái xã hội tranh giành, vụ lợi, tha hoá đạo đức cuối thời chiến quốc mà sau này Tần Thủy Hoàng nhờ đó mà nhất thống thiên hạ. Cứ theo như thầy trò Tuân Tử & Hàn Phi Tử mà luận thì lại vướng câu hỏi: “con người ta vốn có tính Ác thì cái THIỆN từ đâu mà có?” Cái THIỆN bản thân nó không thể tự sinh ra. Những con linh trưởng có ý thức ÁC thì không thể sản sinh ra một xã hội linh trưởng có ý thức THIỆN. Trừ những ai tin vào sự hiện hữu của Chúa thời tin rằng bởi Chúa sinh ra cái Thiện. Hê hê... Chúa đã chết mà sao cái THIỆN vẫn còn? Nếu Chúa còn sống thì hẳn nhiên Ngài không để cho con người hành xử một cách mọi rợ, tàn nhẫn và dã man với đồng loại như cái cách mà chúng ta đang làm.

Triết gia người Anh, Thomas Henry Huxley cũng về hùa với Tuân Tử & Hàn Phi mà cho rằng: thiên nhiên không tốt mà tàn bạo, tráo trở và hoàn toàn không để ý đến con người. Con người đích thị là con vật (Huxley vốn chơi khá thân với Charles Darwin), nhờ một sự ngẫu nhiên mà tồn tại. Nhân loại tồn tại không vì nhờ một lý trí thông thái hay một “kế hoặch tổng thể”, mà nhờ vào một chuỗi xếp hàng của những loài vật giống khỉ (Huxley cùng với Charles Darwin đâm những nhát dao chí mạng giết chết Chúa). Con người và con vật không tự nhiên tốt mà chúng hoàn toàn vô đạo lý nhưng xã hội văn minh kiềm chế cái xấu đó, cái vô đạo lý đó. Và rằng: đạo đức không phải là tính chất tự nhiên của con người, mà là “một thanh gươm được rèn sắc, có nhiệm vụ giết chết con chằn tinh là nguồn gốc thú vật trong con người.”
Lời bào chữa được chấp nhận.
Mọi thứ thối tha hiện nay có nguyên nhân cùng tận bởi xã hội chúng ta-xã hội những linh trưởng có ý thức xứ Giao Chỉ. Ai theo học thuyết của Tuân Tử & Hàn Phi và Huxley thì mời bước sang một bên. Hoặc phải giải thích cho bằng được: nếu con người bẩm sinh là XẤU thì từ đâu sinh ra cái TỐT trong xã hội? Liệu pháp luật có thể kìm giữ nổi những con khỉ trong cái lồng xã hội người?

Hay đấy cũng những niềm tin hoặc quá ngây thơ hoặc quá vớ vẩn?
 
Vài suy nghĩ
 
“Một cảnh tượng ma quái. Khi ba cái bóng xuất hiện và lao vào tấn công Fawn thì tất cả đứng đờ ra vì khiếp đảm, không ai dám động đậy. Ba tên đánh và thậm chí còn cắn xé Fawn. Fawn là giống cái yếu ớt, còn những kẻ tấn công thì vạm vỡ hơn hẳn. Nhưng không ai xung quanh can thiệp. Cuộc vật lộn lên cao trào và không cân sức. Những kẻ tấn công thường xuyên quắc mắc nhìn để đe dọa cả mẹ và chị gái Fawn. Fawn thì hoảng sợ đến phát rồ. Rồi cũng đến lúc bọn tấn công hết ham muốn hành hạ và bỏ đi. Chúng để Fawn nằm trơ dưới nền đất. Fawn nằm sấp một hồi lâu và gào thét, đột nhiên nhảy dựng dậy chạy mất. Lát sau nó ngồi bằng tròn dưới đất và bỏ đi. Chị gái nó lại gần, vòng tay ôm em. Thấy Fawn đờ đẫn không phản ứng, chị nó dịu dàng lay người em, tựa như định đánh thức Fawn dậy, rồi ôm em lần nữa. Rốt cuộc hai chị em nằm rúc vào lòng nhau.”
Cảnh tượng khủng khiếp trên đây diễn ra thật ở Hoa Kỳ, bang Wisconsin nhưng không cảnh sát nào ra tay và không tờ báo nào thuật lại sự kiện ấy. Frans de Waal là nhà nghiên cứu khỉ và ông đã thuật lại câu chuyện này. Nếu chúng ta đồng ý với luận thuyết của Charles Darwin thì có nghĩa rằng con người có họ gần với người vượn và có thể chứng minh nguồn gốc cái ÁC và cả cái THIỆN trong con người: đó là di sản của loài vật. Và do đó, muốn truy tầm bản nguyên THIỆN & ÁC của con người thì không gì hay hơn bằng cách quan sát hành vi của các loài giống khỉ trong xã hội của chúng, quy luật đấu tranh sinh tồn và ai khỏe nhất sẽ sống sót. Và rằng đạo đức không hề mâu thuẫn với tiến hóa. Chính lòng vị tha tương hỗ có thể là nguồn gốc đạo đức của con người như chị gái của Fawn đã hành xử với Fawn. Như vậy, không chỉ những nhược điểm, tính hung hãn, nham hiểm và tự phụ...của con người là di sản từ xưa khi con người là những sinh vật giống khỉ mà cả những đức tính tốt cũng thế. Chúng là một phần các thiên tính sinh học của chúng ta. 





Quay trở về ý định ban đầu, tùy thuộc vào cách tiếp cận vấn đề “con người ta vốn có tính thiện” hay “con người ta vốn có tính ác” mà sẽ có những lời giải khác nhau. Các xã hội phương đông có khuynh hướng cho rằng con người vốn mang tính thiện nên đề cao đạo đức. Phương tây thì ngược lại, có vẻ như họ cho rằng con người vốn mang tính ác nên cổ súy pháp luật. Phải chăng vì thế mà những xã hội phương Đông trọng tình và thích rao giảng đạo đức trong khi những xã hội phương Tây trọng Lý và thích nói chuyện pháp luật. Đối với một xã hội đang mang trong mình quá nhiều chứng bệnh nan y như xứ Giao Chỉ chúng ta nơi mà không còn ai nhận thức rõ được các khái niệm cơ bản về đạo đức thì việc rao giảng đạo đức sẽ không có mấy tác dụng. Đạo đức vốn rất khó thấm vào trí não con người nên nó đòi hỏi thời gian rất dài và sự kiên trì mới mong đạt kết quả. Mà thời gian là thứ chúng ta đương rất thiếu. Các nhà giáo dục nên quên ngay việc cấp tập giáo dục đạo đức để cải thiện tình hình. Con bệnh cần phải chữa chạy ngay lập tức mà vị thuốc ấy không có gì tốt hơn ngoài pháp luật. Phải tiến hành ngay việc xây dựng và giáo dục pháp luật. Và song song với việc đó, giáo dục đạo đức một cách chậm rãi. Dĩ nhiên, thứ pháp luật đấy phải là thứ luật công bằng cho tất cả mọi người chứ không phải là luật thiên nhiên khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua.

Phải dùng sức mạnh pháp luật để khiến con người ta tuân phục trước hết.

Và sau đấy dùng đạo đức vào cuộc để thuần hóa giống loài chúng ta.
Đặng Ngữ
------------------
Tham khảo: - Richard David Precht, Tôi là ai - Và nếu vậy thì bao nhiêu? Trần Vinh dịch, Nxb Dân Trí. [Precht, Richard David, Who am I? and if so, how many? Shelley Frisch dịch – Scribe Publications, 2011. – 352 pages ISBN: 978-1-921-64097-1 Original Title: Wer bin ich, und wenn ja, wie viele? (German)] - Google search


Bàn về Thiện & Ác. . Oct 15, 2012.
DCVOnline biên tập và minh họa. 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...