Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Radio FM 974 – Melbourne :Miến Điện: Quân Võ Trang Arakan – Một Cuộc Chiến Mới Ở Rakhine

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 28/01/2019

    Quân Arakan, nhóm người võ trang mới nhất và cũng là một nhóm ít người biết đến, vốn đã chiến đấu âm thầm trong bóng tối, bỗng dưng ai cũng nói tới sau một loạt các vụ tấn công mới đây, xem ra đang đe dọa cuộc chiến đương đầu với các lực lượng chống đối của chính quyền Miến Điện ngày càng khó khăn hơn nhất là việc đối phó với những gì đã xảy ra ờ vùng Rakhine.
   Hôm 4 tháng 1, ngày Miến Điện độc lập, thoát khỏi chế độ thuộc địa Anh quốc, quân Arakan đã tung quân mở nhiều vụ tấn công lớn sau nhiều tuần lễ phục kích và đụng độ lẻ tẻ với  các lực lượng an ninh của chính quyền. Tại thị trấn Buthidaung, sáng sớm ngày đó, quân Arakan đã đồng loạt tấn công bốn trại của lực lượng bán quân sự “cảnh sát biên phòng BGP”, tờ nhật báo Myawady, tờ báo của quân đội Miến, tường thuật hôm 5 tháng Giêng rằng, quân Arakan đã tấn công các căn cứ này bằng con số quân rất lớn hơn những lần được báo cáo trước đây. 100 lính Arakan tấn công căn cứ của BGP ở Nganyinbaw, 100 ở Kyaungtaung, 100 ở Khahtila và hơn 50 tại Gokpi. Có 30 cảnh sát BGP tử thương và hai trong các căn cứ đó đã bị tràn ngập, chống cự không nổi, quân Arakan bắt một số tù binh nhưng số tù binh này được thả ra sau khi họ rút lui, thiệt hại về phía quân Arakan không biết chính xác bao nhiêu.
   Tatmadaw, tên gọi của quân đội Miến Điện, được cho biết là đã điều động một số quân khá lớn đến vùng xảy ra giao tranh bằng đường bộ, đường sông, bao gồm cả một số đơn vị của sư đoàn khinh binh LID 22 và 99. Trực thăng chiến đấu cũng được quân đội Miến dùng tại đây và trong trận chiến kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ với khoảng 50 lính Arakan và quân Tatmadaw ở Buthidaung hôm 13 tháng 1, quân đội và chính quyền không khỏi ngạc nhiên về số lần phục kích của quân Arakan ngày càng tăng lên nhiều hơn. Một buổi họp hiếm có giữa các viên chức cao cấp chính phủ và quân đội ngày 7 tháng 1 vừa qua, có mặt tổng thống Win Myint, bà cố vấn Aung San Syuu Kyi và tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Min Aung Hliang, được xem là buổi họp đầu tiên của những người này kể từ ngày đảng Liên đoàn quốc gia dân chủ nắm chính quyền tháng ba năm 2016.
   Theo tin từ báo chí của chính quyền, chính phủ đã bàn thảo về vấn để an ninh biên giới và vùng Rakhine, và 21 tháng 12 năm ngoái, tướng Min Aung Hliang ra lệnh Tatmadaw tạm ngưng các cuộc hành quân từ ngày này cho tới ngày 30 tháng 4 năm nay để thương thuyết hòa bình với các nhóm loạn quân phía bắc Miến Điện. Quân đội Miến cáo buộc các nhóm này đã vi phạm thỏa hiệp ngày 21 tháng 12 và gián tiếp nói tới đám quân Arakan. Thỏa hiệp ngưng bắn tiến hành tại các vùng phía bắc, đông bắc và phía tây xem như trong thực tế đã không còn giá trị mặc dù quân đội Miến không chính thức nhìn nhận. Maung Maung Soe, một bình luận viên địa phương nói với một trong các trang mạng hội thoại chính trị rằng, đây là lần đầu tiên, chính quyền đảng NLD chính thức ra lệnh cho quân đội Miến tấn công một nhóm loạn quân riêng rẽ, mặc dù chính phủ dân sự này, lúc nào cũng nói những chuyện này là do phía quân đội đòi hỏi. Zaw Htay, phát ngôn nhân của tổng thống Miến, trong một buổi họp báo ngày 7 tháng 1,  gọi nhóm võ trang Arakan là một tổ chức khủng bố, có liên hệ với nhóm Cứu Thế quân Arakan Rohingya (ARSA) và họ đã gặp gỡ nhau ở Đông Hồi, người phát ngôn nhân này khẳng định, chính quyền Miến thề sẽ tiêu diệt các nhóm khủng bố trên đất Miến, đồng thời người này cũng đưa ra lời đe dọa người dân thiểu số Rakhine nói chung, hỏi họ có muốn thấy một chuỗi dài bạo động này kéo dài nhiều thập niên không, ông ta muốn nói với họ, những người ủng hộ cho nhóm võ trang Arakan rằng, đứng nghĩ về minh mà nên nghĩ về các thế hệ con cháu của họ sau này.
   Lực lượng Cứu thế quân Arakan Rohignya được xem là đã tấn công các đồn bót biên phòng của Miến Điện trong tháng 8 năm 2017, đó là lý do để quân đội Miến Tatmadaw đổ quân càn quét vùng Rakhine, tống đuổi hơn 700 ngàn người Rohingya phải chạy lánh nạn sang bên kia biên giới Đông Hồi. Nhóm võ trang có tên quân đội Arakan, theo người ta ước đoán, đang lớn mạnh dần, có khoảng 3000 tay súng trong vùng, và dường như sự hiện diện của họ nhắm vào mục tiêu được gọi là “đường đi tới của Rakhita” chống lại sự cai trị của chính quyền. Hoạt động của họ hiện có mặt tại nhiều thị trấn, làng xã phía bắc và miền trung vùng Rakhine, bao gồm Buthidaung, Rathedaung, Ponnagyun, Kyuaktaw và thị trấn Paletwa nằm trong vùng đất thuộc nhóm người Chin, được xem là một thách thức cho các cuộc hành quân tiếp liệu của quân đội Miến. Bên cạnh đó, việc quân Arakan có thể có hậu cứ an toàn dọc theo biên giới Đông Hồi và Ấn Độ là một điều khả tin.
   Một sự kiện cũng có liên quan tới nhóm quân võ trang Arakan mới đây, ngày 14 tháng 1, tòa án thượng thẩm của Rakhine, tuyên giữ y quyết định của tòa sơ thẩm, đem xử bác sĩ Aye Maung, một cựu lãnh tụ của đảng Quốc Gia Arakan, về tội phản quốc cùng với một nhà văn khá có tiếng ở Rakhine, vì đã công khai lên tiếng chống lại chính quyền Miến tại một đám đông công chúng một năm trước đây. Bác sĩ Aye Maung đã công khai bày tỏ thái độ ủng hộ quân Arakan, thái độ này đã tạo ra một số đông những người dấn thân hoạt động chính trị ở Rakhine và cho cả nhiều tăng sĩ đạo Phật đang bị cầm tù vì vi phạm cái luật của thời kỳ thuộc địa năm 1908. Tướng Myint Toe, chỉ huy trưởng căn cứ cảnh sát biên phòng số 1 ở phía bắc Rakhine nói với báo chí Miến rằng, trong khi họ lo lưu ý tới việc nhóm ARSA tấn công đâu đó thì quân Arakan đã tổ chức tấn công các đồn bót của họ một cách bày bản, đây là một nhát đâm sau lưng khá nặng, quân Arakan đã thắng được một tiếng vang chính trị đáng kể.
   Thế giới gần như im lăng trước vụ tấn công của quân Arakan ngày 4 tháng 1,  những người đứng đầu của liên hiệp Âu châu và đại diện của khối cộng đồng kinh tế Âu châu chỉ là một trong số ít tòa đại sứ phương Tây lên tiếng kêu gọi hai bên tự kiềm chế, chấm dứt ngay các vụ bạo động ở Rakhine và lấy làm đáng tiếc cho những cái chết xảy ra, yêu cầu hai bên tự giới hạn hoạt động và thúc giục họ phải có bổn phận theo đúng đạo luật nhân đạo thế giới trong việc bảo vệ thường dân. Chính quyền Miến tiếp tục hạn chế việc đi lại, tiếp xúc của hầu hết những người làm việc cho LHQ và các tổ chức cứu trợ thế giới tại các làng xã có giao tranh giữa quân chính quyền và quân võ trang Arakan mới đây, nơi có hơn 5000 người dân chạy lánh nạn trong vài tuần qua.
  Với sự ủng hộ của cộng đồng người sắc tộc ở Rakhine dành cho mục tiêuchiến đấu của quân võ trang Arakan ngày càng lớn mạnh, đồng thời bên cạnh đó, những thảm nạn mà người dân ở đây phải gánh chịu do sự bạo hành, áp chế của quân đội Tatmadaw gây ra trong nhiều năm qua, thì đối với chính quyền Miến, cuộc chiến mới, mặt trận mới này chắc chắn sẽ kéo dài tại vùng Rakhine trong nhiều năm tới đây.


Thuyên Huy
Mon 28.01.2019

1 nhận xét:

  1. Cần phải diệt tận hang ổ nhóm quân chống đối chính quyền này

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...