Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG LÊ VĂN TRUNG 1961-1962- Đặng Quang Tâm

"Nguyện tam cang gìn tâm trọn đạo
  Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm khuôn       
  Nguyện nên hương quả tông đường
  Nguyện thương lê thứ trong trường công danh"(*)

Trường Lê Văn Trung do đạo Cao Đài thành lâp năm 1952. Lê Văn Trung là thế danh của Đức Quyền Giáo Tông, người anh Cả trong Đạo. Tên của trường lúc đầu là trường Nghĩa Thục Lê Văn Trung vì học trò đi học được miễn học phí. Lúc đầu ông Nguyễn Hữu Lương, hiệu trưởng trường Đạo Đưc Học Đường kiêm nhiệm chức Xử Lý Thường Vụ Hiệu Trưởng. Vài tháng sau đó(?),  Hội Thánh mới bổ nhiệm Luật Sư Trần Văn Tuyên (1913-1976) làm hiệu trưởng chánh thức, lúc đó ông Tuyên mang quân hàm Đại Tá trong Quân Đội Cao Đài. Năm 1954 ông Tuyên từ chức để tham gia vào phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị Geneve chia đôi đất nước. Người thay Luật Sư Tuyên là ông Chu Văn Bình (1917-1975), bút hiệu Chu Tử, tác giả các tiểu thuyết Yêu, Sống, Loạn...Ông Bình dạy Việt Văn, những học trò có học ông nói ông kể chuyện rất hay, và mổi lần chấm dứt câu chuyện, ông thường hay nói “chả ra cái quái dzì cả”. Ngày 5 tháng 10-1955, tướng Nguyễn Thành Phương đem quân bao vây Toà Thánh, tình hình  ở Tây Ninh rất rối loạn, nhất là sau khi Đức Hộ Pháp (1890-1959) lưu vong ở  Cao Miên ngày 16-2- 1956, ông Bình bỏ về Saigon sống bằng nghề dạy học, viết văn và sau này làm báo . Khi trường Lê Văn Trung bị chính quyền tịch thu năm 1957 thì tên trường đổi thành trường bán công Lê Văn Trung và chức hiệu trưởng do hiệu trưởng trường Công Lập Tây Ninh kiêm nhiệm.
 Từ năm 1956-1959, tôi không nhớ ai làm hiệu trưởng, nhưng từ 1960-1963, thì ông Trần Bình Quang kiêm nhiệm hiệu trưởng trường Lê Văn Trung. Sau cách mạng ngày 1-11-1963, người thay thế ông Quang là ông Nguyễn Hữu Lương mới ở Nam Vang về. Ông Lương làm hiệu trưởng đến năm 1967 thì từ chức vì đắc cử Dân biểu, rồi sau đó, năm 1970 ông đắc cử Thượng Nghị Sỉ. Ông Dương Văn Dũng thế ông Lương làm hiệu trưởng cho đến ngày 30 tháng 4-1975. Trong bài này tôi chỉ xin kể về trường Lê Văn Trung niên khóa 1961-1962. 
Trước hết tôi xin kể qua giai đoạn tôi đi học Tiểu học.

     Tôi học lớp Năm và lớp Tư ở trường Minh Đức Tân Dân do thầy Thành dạy. Trường này nằm trên đường từ cửa số Năm đi xuống Cực Lạc cũ, mé bên tay trái. Trường chỉ có lớp Năm(lớp 1-CHXHCNVN) và lớp Tư (Lớp 2 ).
 Lên lớp Ba tôi vào học trường Đạo Đức Học Đường với thầy Ba Ngộ(?), nhà ở giửa đường đi từ cửa số Sáu xuống chợ Long Hoa, mé bên tay trái. Lúc này trường Đạo Đức còn ở trong nội ô Tòa Thánh. Sau đó, không rõ lý do gì, trường phải dọn ra ngoài Cơ Thánh Vệ gần chợ Thương Binh. Tại đây, tôi học lớp Nhì với thầy giáo Hạnh, lớp Nhất với cô Mười Hân nhà ở cửa số Bốn. Giống như phần lớn các bạn cùng lớp, sau khi đậu bằng Tiểu Học, tôi và cậu Bảy tôi, Nguyễn Minh Việt Sơn, không thi vô trường Công Lập Tây Ninh, ngược lại, chúng tôi ghi tên vào học lớp Đệ Thất ở trường đạo Cao Đài, trường Lê Văn Trung, niên khóa 1961-1962.

     Năm đó, trường Lê Văn Trung đã bị chánh quyền Ngô Đình Diệm "bán tịch thu" được khoảng ba bốn năm, nên gọi là trường bán công Lê Văn Trung(1). Mang tiếng là bán công nhưng trường không nhận được sự giúp đở gì từ phía chánh quyền hết. Tình trạng của trường lúc đó xuống cấp dử lắm. Từ phía ngoài cổng trường nhìn vào, trường có hai dãy lớp song song, vách bằng đất, trước mỗi dãy có trồng một hàng cây bả đậu và cây phượng vĩ. Mái trường lợp bằng tranh, cũ quá, mỗi lần trời mưa, học trò phải dồn lại từng nhóm nhỏ để đụt mưa. Ngoài ra, lâu lâu có vài con rắn bò trên mái nhà xin học dự thính. Toàn trường có hơn 300 học trò, nhưng không có được một nhà vệ sinh. Nếu cần tiểu tiện thì cứ ra hai bên hông trường, chỗ mấy bụi tầm dông, còn đại tiện thì ra phía sau trường kiếm bụi cây. Vì vậy mà hai bên hông trường, không khí bị ô nhiểm trầm trọng. Mỗi năm cứ vào khoảng cuối tháng tư đầu tháng năm, mấy cây phượng vĩ trong trường nở bông đỏ rực, cảnh đẹp lắm (2). Nằm ở giữa trường, thẳng góc với cuối hai dãy này, là một dãy xây bằng gạch gọi là văn phòng, bên trái là bàn thờ Đức Quyền Giáo Tông, phần còn lại là nơi các thầy nghỉ giải lao mà cũng là nơi hiệu trưởng, giám học và giám thị làm việc. Phía trước văn phòng có một cột cờ nơi mỗi sáng thứ hai chúng tôi sắp hàng trước cửa lớp đứng chào quốc kỳ và hát bài suy tôn Ngô Tổng Thống. Gần cột cờ, mé bên tay mặt (từ cổng trường nhìn vào) có trồng một cây mít rất nhiều trái. Đằng sau văn phòng, mé bên phải là một dãy lớp cho học sinh tiểu học. Cạnh dãy này là quán của ông hai Miên(?) (3). Thẳng góc với phần cuối dãy này là một dãy bỏ hoang. Mé bên trái văn phòng là một cái giếng nước có máy bơm tay. Cạnh giếng nầy là nhà ông Mười Tân (4) đánh trống. Nhà ông có nuôi một con khỉ, mỗi giờ chơi chúng tôi bu lại, lấy chuối dụ cho nó ra ăn để bắt nó làm trò...khỉ. Kế bên nhà ông Mười là quán nhỏ bán đồ ăn, tập vở, bút, mực, cho học trò do gia đình một ông thầy dạy tiểu học làm chủ (tôi quên mất tên). Quán này có món củ mì nấu, trộn hành lá, thắng dầu, mè, đường rồi bỏ dừa nạo lên, ăn rất ngon. Đàng sau dãy bị bỏ hoang là khu rừng có rất nhiều gò mối, có cái cao tới đầu người lớn, tụi tôi thường cố ý đi học sớm, tụ họp ở đó để chia phe đánh lộn hoặc đi bắt dế. Trong rừng nầy có cây "trái mực", tụi tôi lấy ngòi viết đâm vô trái thì ra được mực màu xanh lá cây, viết bài đọc cũng được lắm dù hơi lợt.

     Vì là trường bán công, nên hiệu trưởng của trường cũng là hiệu trưởng trường Công Lập Tây Ninh. Năm đó, hiệu trưởng là ông Trần Bình Quang, ông còn rất trẻ, chắc dưới 30. Ông ít có mặt ở trường nên cử Cậu Ba tôi, ông Nguyễn Minh Đạo làm Xử lý Thường Vụ Hiệu Trưởng cho ông. Còn ông, lâu lâu ông mới đến trường một lần, mổi lần như vậy trông ông rất oai phong lẩm liệt. Ông đến lớp nào thì học trò lớp đó run lập cập. Hai tay chấp sau đít, ông đi tới đi lui, đứa nào không bỏ áo vô quần (xà lỏn) hoặc tóc tai bườm xờm đều được ông kêu đứng dậy giảng cho một trận(5). Ông Quang rất khinh thường học trò trường tư. Trong con mắt ông, những đứa nầy là học trò dỏm, vì nếu giỏi chúng nó đã thi đậu vô trường Công hết rồi. Ông Quang khó với học trò trường Lê Văn Trung có một thì đối với học trò trường Công lập, họ phải gặp ông mỗi ngày, ông còn khó gấp chín mười lần hơn là ít. Vì vậy mà ngày 1 tháng 11 năm 1963, ông bị học trò trường Công Lập đảo chánh, phải bỏ về Sài Gòn, chấm dứt chức vụ hiệu trưởng của ông. Năm 1973, tôi nghe nói ông đang giử chức thanh tra gì đó ở bộ Giáo Dục. Hiện ông đang định cư ở California (Mỹ).

     Hồi còn học lớp Năm ở trường Đạo Đức Học Đường, cô Mười Hân dạy một mình từ sáng đến chiều. Bây giờ thì khác, mổi giờ có một ông thầy khác nhau. Thầy Tạ Thành Chiếu dạy Việt Văn, chú Tư Khương dạy Pháp Văn, thầy Thơ dạy Toán, thầy Danh dạy Lý Hóa, thầy Lê Kim Tấn dạy Sử Địa Vạn Vật, thầy Huyền Thanh dạy nhạc, thầy Nhiều dạy Công Dân Giáo Dục và thầy Nguyễn văn Giàu dạy vẻ. Giám thị lớp tôi là chú Năm Khiếu, chú của thằng Cao văn Cấp, bạn học cùng lớp với tôi, còn Tổng Giám Thị là chú Sáu Phán. Trưởng lớp là Vỏ văn Bảy, anh chú bác với thằng Vỏ Văn Diệu nhà ở cống Tân Hương. Sau khi cậu Ba tôi bị động viên đầu năm 1962, tôi không còn được học miễn phí nửa, chú Năm Khiếu là người khổ tâm với tôi không ít. Tháng nào tôi cũng bị chú kêu lên văn phòng đòi tiền trường. Mấy năm đó ba tôi làm ăn thất bại, việc tôi đi học chữ có lẽ không còn là một quyết định tốt nữa. Tôi vẫn thường nghe bà Ngoại tôi an ủi: Mầy là con mồ côi, tau nghĩ mày nên đi học cái nghề gì cho dễ kiếm cơm chứ đi học chữ cả mấy chục năm, tội nghiệp ba má mày. Nói thì nói như vậy, chứ mỗi khi có ai chỉ chỗ nầy chỗ nọ dạy nghề, thì ba má tôi đổi ý, muốn tôi cứ ở lại trường Lê Văn Trung học tiếp. Và như vậy, việc mỗi tháng tôi bị chú Năm Khiếu kêu lên văn phòng "làm việc" đã trở thành chuyện bình thường trong suốt gần ba năm cuối tôi học ở trường Lê Văn Trung.

     Bây giờ nếu có ai hỏi tôi, năm Đệ Thất (lớp 6  ) thầy Chiếu dạy Việt Văn ông dạy cái gì, thì tôi chỉ còn nhớ là ông dạy tục ngữ ca dao. Ông dạy nhiều lắm, nhưng tôi chỉ còn nhớ có mổi một bài. Đó là bài Hôm Qua Tát Nước Đầu Đình. Bài nầy ông dạy có chừng cả tháng là ít. Nội cái câu "bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen" cũng đã tốn cả tuần lễ. Ông chỉ cho chúng tôi coi hình hoa sen mọc trong hồ như thế nào mà tại sao anh con trai này không chịu vắt áo trên cành tre, cành trúc mà lại trên cành hoa sen để cho nó chìm xuống nước mất đi. Hóa ra đây là cách để anh ta có cái cớ đi dụ khị con gái mà thôi. Rồi câu kế đó, chữ sen đâu có cùng một vần gì với chữ xin mà anh gượng gạo một hai đòi: "có được thì cho anh xin". Ngoài ra, Thầy Chiếu còn cắt nghĩa rất dông dài về tục thách cưới, tục tảo hôn ở ngoài Bắc. Nghe ông kể ở ngoài đó con nít 5-10 tuổi nhà khá giả một chút là đã được bố mẹ cưới cho một cô vợ lớn hơn cả chục tuổi để cổ "bồng cổ ẩm" ông chồng, làm nhiều đứa lớp tôi (trong đó có tôi) mơ ước kiếp sau được sanh ra ở ngoài Bắc. Có lẽ ông giảng kỹ quá, nên lớn lên, bỏ vài chục mua "đôi chiếu em nằm" thì được, chứ phải bỏ ra cả "một con lợn béo, một vò rượu tăm" thì chẳng mấy đứa dám giởn. Thông thường, giờ Việt Văn chỉ có một giờ, nhưng thầy Chiếu dành mười lăm phút đầu để kêu học trò trả bài. Đứa nào không thuộc, ông vụt tập vô góc và bắt quì gối đến khi nào ông tha mới thôi. Sau nầy tôi có gặp thầy Chiếu một lần trong lễ cầu phong Hiền Tài năm 1972. Năm đó Thầy Chiếu đã 57 tuổi nhưng vẫn còn mập mạp, to lớn và khỏe mạnh lắm. Gặp tôi thầy vui vẻ hỏi thăm lúc này tôi học ở đâu, làm gì. Tóm lại, thầy không còn giống ông Ác mà mỗi giờ Việt Văn chúng tôi sợ ông như cọp.
     Trong các thầy tôi học năm Đệ Thất có hai thầy dạy mà tôi dở quá không cách gì hiểu nổi. Đó là thầy Thơ dạy Toán và thầy Danh dạy Lý Hóa. Đây là hai môn khoa học ứng dụng, muốn giỏi, học trò phải làm bài tập, càng nhiều càng tốt, vậy mà các thầy bắt trả bài như học Sử Ký Địa Dư, thiệt là không chết cũng bị thương. Bởi vậy cho nên các định đề, định lý, định nghĩa tôi thuộc lòng vanh vách, nhưng biểu làm bài tập thì tôi mờ mịt như người mù. Thầy Thơ dáng người cao ráo, ốm, đẹp trai. Đi dạy lúc nào thầy cũng thủ một cây thước bảng thật to để trừng trị những đứa không thuộc bài hoặc ngu ngốc như tôi. Tụi tôi gọi thầy là Tề Thiên Đại Thánh (6). Thầy Danh thì trái lại, người không cao cũng không thấp, có thể nói thầy hơi có da có thịt. Tóc thầy lúc nào cũng láng cóng chải ngược ra tới đằng sau ót, trông thầy giống hệt nghệ sĩ Út Trà Ôn. Đi dạy, thầy ưa mang sandal chứ không mang giày như mấy thầy khác. Tuy nhiên, thầy lại là người hiền nhứt. Tôi chưa thấy hoặc nghe thầy trừng trị bất cứ một đứa nào. Nguyên cả một lớp có hơn 50 học trò, nhưng tôi quả quyết chỉ có bốn năm đứa là hiểu Toán và Lý Hóa mà thôi, phần còn lại cứ dở dở ương ương (7).

     Tuy thầy Giàu dạy tôi vẻ chỉ có một năm, nhưng thầy đã lưu lại không ít khái niệm về vẻ trong lòng tôi. Bài vẻ đầu tiên thầy dạy là vẻ lá mì. Thầy bắt chúng tôi làm một cái khuôn trên tờ giấy vẻ: phần dưới, mé bên trái đề tên bài vẻ, còn mé bên mặt thì đề tên trường, tên họ học trò và sau hết là ngày tháng năm. Cái khuôn nầy có kích thước đặc biệt của nó. Cạnh ở trên phải cách bìa mấy cm, cạnh ở hai bên phải cách bìa mấy cm và cạnh ở dưới cũng phải cách bìa đúng mấy cm nửa. Cách trình bày nầy triệt để phải tuân theo, đứa nào phá lệ là bị thầy xé cuốn tập vẻ vụt ra khỏi lớp, bất cần vẻ lá mì có giống lá mì hay không. Tôi là một trong rất nhiều đứa bị thầy xé tập. Khổ một nổi là tôi không dám về nhà xin má tôi tiền để mua tập vẻ khác vì sợ bị đòn. Không có tập, tôi phải trốn học hai tuần lễ, nhịn ăn cả sáng lẩn trưa để dành dụm cho đủ tiền (3 đồng) mua tập vẻ khác rồi mới vô học trở lại. Cũng nhờ những ngày bỏ học đó mà tôi mới có dịp khám phá ra vườn điều mười mẫu ở phía sau trường Lê Văn Trung. Về sau này, khi vào học trường Cao Đẳng Điện Phú Thọ, tôi mới biết cách vẻ của thầy Giàu là cách vẻ trong kỹ nghệ họa. Muốn vẻ cái gì ta phải vẻ nó theo bốn phương tám hướng: từ trên nhìn xuống, từ dưới nhìn lên, từ bên trái nhìn qua, từ bên phải nhìn lại, từ trước nhìn ra sau và từ sau nhìn ra trước. Nếu đặt lá mì trên bàn thì bài vẻ lá mì của thầy Giàu chỉ có một hướng từ trên nhìn xuống. Thầy Giàu đi dạy bằng chiếc xe Traction màu đen. Chiếc xe này lúc nào cũng được lau chùi bóng lưởng và thường hay đậu dưới tàng cây bả đậu trước lớp. Thầy Giàu là người cao ráo, đẹp trai, nghiêm nghị và cũng rất khó tánh, cho nên nguyên cả trường, dù đứa lí lắc thế mấy cũng chỉ dám đứng cách xa xe thầy ít nhất một thước. Khi tôi học lớp Đệ Ngũ thì thầy Giàu dạy Việt Văn(8). Thầy dạy chúng tôi cách viết bài luận và trình bày thế nào cho giống như bản in, tức là chỗ xuống hàng mỗi câu phải cùng một đường thẳng đứng với nhau. Những bài thơ mới của Tế Hanh, Xuân Diệu, Thế Lử mà thầy lấy ra từ cuốn Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân đã một thời giúp tôi nuôi mộng làm thi sĩ (dù không thành). Trong các người thầy dạy tôi học, tôi nghĩ thầy Giàu là một trong rất hiếm người theo đạo Khổng còn sót lại ở thế kỷ thứ hai mươi. Lúc thầy ra Hà Nội học trường Kiến Trúc, thầy chơi rất thân với ông Nguyễn Tôn Hoàn, sinh viên Y Khoa, người cùng quê ở Trảng Bàng với thầy. Cho nên năm 1964, khi ông Hoàn về nước làm phó Thủ Tướng, ông Hoàn có mời thầy Giàu làm chánh văn phòng phủ phó Thủ Tướng. Thầy Giàu kéo theo hai thầy, thầy Phạm Tài Đoan và thầy Huyền Thanh theo làm việc trong chánh phủ Nguyễn Khánh. Nhưng đường hoạn lộ của thầy rất ngắn. Không đầy một năm thì bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn bị tướng Khánh mời đi lưu vong lần nửa. Thay vì ở lại tiếp tục làm việc cho chánh quyền như hai thầy Đoan và thầy Huyền Thanh, thầy Giàu trở về Tây Ninh tiếp tục sống với nghề dạy học.

     Thầy dạy Pháp Văn là chú Tư Khương. Chú Tư là người rất hiền lành. Bây giờ ngồi nhớ lại, tôi thấy chú thân thiện với chúng tôi như người trong nhà. Dù chú có la rầy đứa nào chú cũng cười. Đi dạy lúc nào chú cũng cà vạt, quần áo ủi thẳng nếp. Chú có chiếc xe hơi cũ hai ngựa, lâu lâu xe không chạy, chú phải nhờ chúng tôi đẩy dùm. Tôi nghe nói trước kia, chú Tư Khương có đi học trường Sư Phạm, nhưng hoàn cảnh chiến tranh sao đó, chú phải bỏ học nửa chừng.(9)

     Thầy dạy Sử Địa Vạn Vật là thầy Tấn(10). Thầy là người rất có hoa tay. Thầy vẻ con cóc ra con cóc, con gà ra con gà. Nhưng giờ Vạn Vật chỉ có một tiếng mà vẻ mấy con nầy xong thì đâu còn đủ thời giờ để giảng bài. Đó cũng là lý do học xong mấy năm trung học, tôi vẫn không hiểu tại sao con cóc leo lên bờ vẫn còn là con cóc sống nhăn răng, trong khi con cá nhảy lên bờ lại trở thành cá kho tộ, cá rang muối, cá chiên bơ.

     Thầy Nhiều, ba của Phạm văn Lòng (Lượm), bạn cùng lớp với tôi, dạy Công Dân Giáo Dục (Má tôi thích môn này nhứt vì không cần phải mua sách). Mà không có sách nên thầy Nhiều cũng không biết dạy cái gì. Rốt cuộc thầy biến giờ Công Dân Giáo Dục thành ra giờ kể chuyện đời xưa. Tài kể chuyện của thầy  rất hay  Cả lớp tôi, đứa nào cũng chờ tới giờ của thầy để nghe tiếp phần hai. Thậm chí hôm nào thầy bận không dạy được, phải dời qua học ngày chủ nhật, nếu như các thầy khác thì lớp học sẽ vắng hoe, nhưng cả lớp tôi đứa nào cũng mò đến, kể cả mấy đứa nhà ở Giang Tân, Suối Đá. Tóm lại, tôi chẳng học được gì trong môn Công Dân Giáo Dục, ngoại trừ cái tài nói dóc, mà sau này ra đời, tôi thấy nó vô cùng quan trọng.

     Bây giờ tôi kể về thầy Huyền Thanh dạy nhạc và những kỷ niệm khó quên trong đời tôi. Vợ thầy Huyền Thanh có chơi hụi do mợ Ba tôi làm chủ. Nghe nói bà hốt hụi đó để có vốn làm "hảng" dầu thơm. Công việc làm ăn thất bại, bà bị vỡ nợ. Vì vậy mà mỗi tháng, khi mợ Ba kêu tôi ra nhà thầy Huyền Thanh góp hụi thì không có tháng nào bà đưa tiền suông sẻ
Nhà thầy Huyền Thanh ở trong căn phố nhỏ ngoài cửa số Bảy ngoại ô, trên đường tôi đi học, rất tiện để mợ Ba nhờ tôi ghé qua, góp được chút nào hay chút nấy. Rốt cuộc, vợ chồng thầy Huyền Thanh đâm ra ác cảm với tôi. Thông thường, thầy Thanh viết bài nhạc lên bảng cho học trò chép lại, không biết trời xui đất khiến thế nào, năm tôi học, thầy quay rôneo bản nhạc và bắt học trò mua 5 bản một đồng. Năm 1960, một tô hủ tiếu chỉ có 3 đồng. Học trò trong lớp kêu trời. Mỗi lần vào giờ chơi là tụ nhau bàn tán mắc rẻ. Không biết đứa nào tung tin nói thầy Thanh tư vị, bán bên lớp con gái 5 bản chỉ có 50 xu (thật ra thầy Thanh bán cùng giá một đồng). Tôi nghe được và đem chuyện này học lại cho Thằng Ngọc, con chủ xe đò Ngọc Thành, ngồi kế bên tôi nghe. Nó ghim trong lòng chuyện này và chờ đến hôm tôi với nó có chuyện xích mích với nhau, nó đi thưa tôi với thầy Huyền Thanh: "Thưa thầy, trò Tâm này nói thầy bán nhạc cho tụi em một đồng còn bên con gái thầy bán có 50 xu, ngoài ra, trò Tâm còn nói thầy thiếu tiền hụi, nó đòi hoài vợ chồng thầy không chịu trả". Thầy Thanh nghe chưa hết câu, mặt thầy đỏ bừng như người say rượu, thầy bắt tôi đứng dậy, rồi không nói một lời, thầy lấy hết sức bình sanh, dùng cả hai tay tát tôi liên tiếp ít nhứt bốn năm cái bạt tai. Tôi ngã gục xuống bàn, mặt mày sưng vù, hai con mắt bầm tím. Lổ tai bên trái của tôi, ngày thường nghe không được rõ, tự nhiên sau mấy cái bạt tai đó, tôi nghe được cả tiếng con ruồi, con muỗi đang bay vo ve trong lớp. Hóa ra, 50 đứa học trò lớp tôi đang ngồi im chết điếng, đứa nào đứa nấy mặt mày xanh lè như tàu lá chuối. Sau mấy cái bạt tai, thầy Thanh kiệt sức, bỏ dạy, lên văn phòng "làm việc" tiếp với cậu Ba tôi. Không biết thầy nói thế nào, chiều đó, tôi bị cậu Ba đập cho một trận thập tử nhứt sanh nửa, lại còn bắt tôi phải đến nhà thầy Thanh xin lỗi, vì thầy Thanh đã đề nghị đuổi học tôi. Ngày hôm sau, tôi rủ thằng Khương, bạn bắt cá lia thia với tôi, đến nhà thầy Thanh để xin lỗi. Tôi chưa nói hết nửa câu là thầy đã xua tay, đuổi: Đi về, đồ vô giáo dục. Sau tai nạn đó, má tôi buồn lắm, không cho tôi đi góp hụi ở nhà thầy Thanh nửa (mà có cho tôi cũng không dám). Chưa tới ba năm sau, vợ chồng thầy Thanh ly dị. Vợ thầy bỏ ra Vũng Tàu sống, còn thầy thì đi theo thầy Giàu làm việc cho phó Thủ Tướng Nguyễn Tôn Hoàn. Đường công danh của thầy Thanh lên nhanh như diều gặp gió. Trước năm 1973, tôi nghe nói thầy làm chức vụ gì lớn lắm trong bộ Kinh Tế. Và thầy cũng đã lập gia đình lại với một cô gái trẻ, con nhà giàu có ở Saigon. Từ đó đến nay, tôi không bao giờ có cơ hội gặp lại thầy Thanh.

     Đó là những gì tôi còn nhớ về những người thầy dạy tôi học năm học Đệ Thất, trường bán công Lê Văn Trung niên khóa 1961-1962.

ĐẶNG QUANG TÂM


Ghi chú :
 (*) Hoc trò trường Đạo Cao Đài trước khi vào học phải đoc bài KINH VÀO HOC nầy
(1) Sau khi ra lệnh cho tướng Nguyễn Thành Phương đem quân bao vây Tòa Thánh, buộc Đức Hộ Pháp phải lưu vong năm 1956, chánh quyền Ngô Đình Diệm tịch thu hầu hết các cơ sở của Đạo ở ngoại ô Tòa Thánh như trường Lê Văn Trung (thành trường bán công Lê Văn Trung), Nhàn Du khách Sạn ở Bàu Cà Na (thành Ty Công An Mật Vụ của tỉnh) và tất cả trụ sở khác của Quân Đội Cao Đài (thành trụ sở của Quân Đội Quốc Gia, Sư Đoàn 21). Ngoài ra, chánh phủ NĐD còn cấm không cho người tín đồ của đạo tụ hợp trên ba người. Vì vậy, cúng liên gia và chèo thuyền Bát Nhã cho các chức sắc cũng không còn được tiếp tục nữa.

(2) Tôi chép lại đây một trong các bài thơ đầu tay tôi làm vào mùa hè, cuối năm Đệ Ngũ được trò Cao Văn Cấp lấy từ cuốn lưu bút cũ.

THĂM TRƯỜNG LÀNG


Hôm qua tôi đến trường làng
Cổng xanh xưa đã bạc hàng chữ rong 
Cây buồn sa rũ mưa giông
Còn in vết phấn rêu phong chỗ ngồi
Tên đề trên vách lu rồi
Thầy đâu không thấy mình tôi trở về

ĐẶNG QUANG TÂM -  
Mùa hè 1964

(3) Ông Miên (?) là cậu ruột của hai chị em sanh đôi học cùng lớp với tôi: Lê thị Thu Thủy và Lê Thị Thu Vân.

(4) Ngoài nghề đánh trống, lúc đó ông Mười Tân còn thêm nghề nhổ răng... con nít. Sau này ông mở tiệm hớt tóc ở cầu Thủy Kiều gần nhà tôi. Ngày khai trương tôi có dẳt thằng em thứ Bảy của tôi đến hớt. Báo hại hớt xong thằng nhỏ về nhà khóc ba ngày không chịu nín.

(5) Có một lần ông Quang bắt gặp Bùi Thanh Long, con cô Hụê, đội nón nỉ ngồi trong lớp, ông bắt nó đứng dậy giảng cho một trận về tội đội nón trong "bóng mát". Ông không biết  rằng nó phải đội vì sợ   bị kẻ "lạ" ăn cắp.

(6) Thầy Nguyễn ngọc Thơ mất ngày 15/6/2016. Hưởng thọ 92 tuổi.

(7) Thi trung học Đệ Nhứt Cấp, năm 1965, lớp tôi có 2 đứa đậu Bình: Nguyễn Minh Việt Sơn và Vỏ văn Vui, 4 đứa đậu Bình Thứ: Bùi Thanh Long, Đặng Loan, Đặng Quang Tâm và Lưu Minh Dưỡng. Tất cả đều được nhận vào học lớp Đệ Tam B1 ở trường Công Lập Tây Ninh. Bùi Thanh Long vô học được vài tháng thì bỏ (vì không chịu nổi sự khó dễ của chú giám thị Bảy Chí) và quay trở lại Lê Văn Trung học tiếp lớp Đệ Tam. Trong lớp tôi còn có hai người học giỏi khác là Ngô văn Đắc và Trần Minh Sanh. Sau này, Đắc thi đậu vô Đốc Sự Hành Chánh còn Sanh thì đậu vô Kỷ Sư Công Chánh.

(8) Khi dạy cách làm câu đối, thầy Giàu có cho chúng tôi hai câu này:
"Nước chảy cặt bần rung bây bẩy 
 Gió đưa vái mít vẩy tê tê."
Rồi thầy ra câu kế: "Con cò lửa đứng trước cửa lò" và bắt chúng tôi đối lại. Cả lớp đều bí. Riêng tôi, tôi có câu đối lại nhưng tục quá, không dám đưa tay. Câu đối đó như vầy: "Thằng Đắc cực có ngày đứt....".
Thầy Giàu là người đầu tiên giới thiệu với lớp chúng tôi những truyện ngắn về thôn quê ở miền Nam của tác giả Phi Vân (Lâm thế Nhơn 1917-1977) như các truyện: Đổng Trác biết sập giàn, Châu Xương, cử Thanh Long Đao hoặc Trao thân con khỉ mốc mà tôi đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, không biết chán. 

(9) Lần cuối cùng tôi gặp chú Tư Khương đâu khoảng 70-71, chú dòm tôi từ đầu tới chân và hỏi tôi một rất chân tình: Chừng nào có vợ mậy?

(10) Có một lần thầy Tấn kêu một đứa trong lớp tôi lên trả bài Địa Lý. Thằng này không lo học nên cứ cà lăm: "Dạ thưa thầy, Địa..Địa..Địa..Địa..". Biết thằng nhỏ không thuộc bài, thầy Tấn vụt tập vô góc lớp. Thầy nói: "Địa...lu mà cũng không nhớ".  Làm cả lớp cười rầm rầm.

(Hình 1:Từ TN.Đồng Hương Hội.
Hình 2 : Từ Google )

Xem Thêm :LS Thành Lập Trường ĐDHĐ và Lê văn Trung

1 nhận xét:

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ _ Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu

VỠ MẢNH TRĂNG THỀ (cho nhớ ngày giỗ lần 2 hiền thê) Thu nao em đã bỏ anh rồi! Một mảnh trăng thề vội lẻ đôi Tình đó đã sâu giờ cách biệt Ngh...