Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 20 THIÊN TẢI NHẤT THÌ:


                          Image result for åè¼ä¸æ

      Sau khi chứng kiến Thúy Kiều báo ân báo oán xong, thì sư " Giác Duyên vội vả gởi lời từ quy ".Thúy Kiều mới cầm lại :

                 Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                 Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
                 Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
                 Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!

     Ta sẽ làn lượt tìm hiểu các Thành Ngữ : THIÊN TẢI NHẤT THÌ, BÀN HOÀN, BÈO HỢP MÂY TAN, HẠC NỘI MÂY NGÀN.
     
      THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : THIÊN là Ngàn, TẢI là Năm, NHẤT là Một, THÌ là Khi, là Lúc. Nên Thiên Tải Nhất Thì là Ngàn năm một lúc, ta quen nói là NGÀN NĂM MỘT THUỞ. Theo như tích sau đây :
     
              

      Đời vua Đường Hiến Tông ( 805-820 ). Nhà vua rất tin Phật, định làm lễ rước cốt Phật( Xá Lợi) vào cung. Lúc đó có Hàn Dũ là quan Hình Bộ Thị Lang dâng " Gián nghinh Phật cốt biểu 諫迎佛骨表 ", can gián vua đừng nghinh cốt Phật vào cung. Hiến Tông xem biểu chương , giận định xử Hàn Dũ tội chết, may nhờ có Tể Tướng và các quan đương triều xin cho mới khỏi tội chém đầu, nhưng lại bị biếm đi làm Ngự Sử  đất Triều Châu. Về sau, Đường Hiến Tông còn cho cải cách một số chính sách của triều đình, làm cho công việc triều chính thuận lợi và tốt hơn lên. Hàn Dũ lại dâng " Triều Châu Ngự Sử tạ thượng biểu 潮州刺史謝上表". Tán dương việc cải cách triều chính của nhà vua, đồng thời đề nghị nhà vua nên đi làm lễ Phong Thiền ở núi Thái Sơn.
     PHONG THIỀN 封禪 là lễ tế cáo trời đất của vua chúa ngày xưa. Người xưa cho rằng, trong Ngũ Nhạc Thái Sơn là cao lớn nhất, nên lập đàn trên đỉnh Thái Sơn để tế trời, gọi là PHONG . Còn ở chỗ bng phẵng của sườn núi lương Phụ Sơn tế đất, thì gọi là THIỀN . Trong lịch sử, chỉ có Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang và Chu Thành Vương là có cử hành đại lễ nầy mà thôi. Nên Hàn Dũ nói thế cũng có nghĩa là tâng bốc nhà vua là đấng minh quân như Nghiêu Thuấn ngày xưa, vì thế mà nhà vua rất đẹp dạ. Nhà vua cho là trước đây can vua nghinh cốt Phật, bây giờ lại khuyên vua tế cáo trời đất, Hàn Dũ quả là người dám nghĩ dám nói, thẳng thắng vô tư, nên cho triệu hồi về kinh để phục lại chức cũ. 
    Vì trong biểu tấu có câu : Đương thử chi tế, sở vị Thiên Tải Nhất Thì bất khả phùng chi gia hội 當此之際,所謂千載一時不可逢之嘉會. Có nghĩa : Trong dịp ( lễ hội ) nầy, quả là ngày hội lớn mà ngàn năm một thuở khó có để mà gặp được. Nên lại hình thành hai câu thành ngữ :

     * THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 : Ta thường nói là " Ngàn năm một thuở " để chỉ việc gì đó, hoặc dịp may nào đó, rất hiếm khi mà gặp được, có được.
     * THIÊN TẢI NAN PHÙNG 千載難逢 : là " Ngàn năn khó gặp ". Nghĩa cũng đã rất rõ ràng, chỉ việc gì đó may mắn lắm mới gặp được.

Nên, câu nói của Thúy Kiều với Giác Duyên :

                    Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
     Ngàn năm một thuở, khó khăn lắm mới gặp được bà đây, thôi thì...

                   Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.

     BÀN HOÀN 盤桓 : BÀNG HOÀNG có gờ(G) là : Ngỡ Ngàng, là Thảng thốt. BÀN và HOÀN đều không có gờ(G). BÀN lá Cái Mâm, HOÀN là Cây Cột ở giữa nhà. Nhưng BÀN HOÀN là từ ghép có nghĩa là : Lòng Vòng, Quanh Co, Dụ Dự, Trù trừ, Nấn ná ...
Nên câu :
                Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN.
Có nghĩa : Bạn cũ dễ gì có dịp Nấn Ná ở chơi như thế nầy( sao mà đi vội thế !).

     Theo U Thông Lục, văn tuyển của Ban Cố 文選·班固<幽通賦>: Thừa linh huấn kỳ hư từ hề, trữ BÀN HOÀN nhi thả sĩ “承靈訓其虛徐兮,竚盤桓而且俟。” Có nghĩa : Được sự dạy bảo và răn đe của thần linh, nên còn NẤN NÁ đứng đó mà chờ đợi.
     Theo " Trần Tình Biểu " của Lý Mật đời Tấn 晉 李密 《陳情事表》: Quá mông bạt trạc, sủng mệnh ưu ốc, khởi cảm BÀN HOÀN, hữu sở hi ký ? 過蒙拔擢,寵命優渥,豈敢盤桓,有所希冀?. Có nghĩa : Nhờ ơn được cất nhắc, lại được thương mến ưu đãi, làm sao còn dám NẤN NÁ mà có điều tính toán khác chớ ?!

     Nói chung, BÀN HOÀN ở đây có nghĩa là NẤN NÁ, là lưu lại không đi. Chớ không phải BÀNG HOÀNG là Thảng Thốt, Ngỡ Ngàng ...
    
                  
  Đến câu :
                     Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
       BÈO, vừa thấy hợp đó bỗng liền tan đó, theo dòng nước chảy đẩy đưa , nên bèo tan hợp bất thường; cũng như những đám mây trên trời lửng lơ theo gió, tan hợp vô chừng. Nên BÈO HỢP MÂY TAN dùng để ví sự gặp gỡ hay biệt ly không biết trước được (tựa như bèo và mây, hợp đấy rồi lại tan ngay đấy).   

                  Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?

      HẠC NỘI là Hạc ở đồng nội, tự do bay lượn trong đồng nội mênh mông; MÂY NGÀN là Mây trôi nổi ở trên ngàn, cũng phất phơ vô định. HẠC NỘI MÂY NGÀN có gốc Hán việt là CÔ VÂN DÃ HẠC 孤雲野鶴 Có nghĩa là : Đám mây cô độc lơ lửng trôi lang thang không biết về đâu và con hạc ngoài cánh đồng hoang, tự do bay lượn không bị gò bó buộc ràng gì cả. Thường dùng để chỉ sự vân du bốn phương của các đạo sĩ tu tiên ngày xưa. Theo như hai câu thơ của Lưu Trường Khanh đời Đường 唐· 劉長卿 là Tống Phương Ngoại Thượng Nhân thi《送方外上人》詩:

                  孤雲將野鶴,  Cô vân tương dã hạc,
                  豈向人間住。  Khởi hướng nhân gian trú.
Có nghĩa :
                  Mây Ngàn theo Hạc Nội,
                  Bay khỏi cỏi nhân gian.

                  Image result for å­¤é²å°é鶴ï¼è±å人éä½ 
Nên...
     HẠC NỘI MÂY NGÀN ngoài nghĩa chỉ tự do tự tại ra, còn có nghĩa là không chịu sự trói buộc của danh lợi và những thường tình của con người.

     Trở lại với 4 câu thơ trong Truyện Kiều :

                 Nàng rằng : THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                 Cố nhân đã dễ mấy khi BÀN HOÀN !
                 Rồi đây BÈO HỢP MÂY TAN,
                 Biết đâu HẠC NỘI MÂY NGÀN là đâu ?!
Có nghĩa :
           Thúy Kiều nói với sư Giác Duyên rằng : Ngàn năm một thuở, lâu lắm ta mới có dịp gặp nhau đây; dễ có mấy khi bạn cũ lại gặp được nhau như thế nầy, sao không nấn ná ở chơi vài hôm. Rồi đây chúng ta sẽ như là bèo hợp mây tan, mỗi người một nơi; còn bà ( chỉ sư Giác Duyên ) thì như là hạc nội mây ngàn có biết bà đi đâu và về đâu đâu mà tìm mà kiếm ?!
                                                                                                                           Image result for åè¼ä¸æ

                                                       Đỗ Chiêu Đức  


1 nhận xét:

HỒN XUÂN MUỘN - Thơ Tranh Ngọc Ánh