Câu chuyện kể lại dưới đây xảy ra vào
niên khóa 1965-66, và nhân vật “tôi” trong truyện là sinh viên học ngành kỹ sư
điện tại Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật tại Sài gòn, sau 1975 đổi tên thành Đại
học Bách khoa thành phố.
Nhà trọ của tôi là căn nhà gạch hai
tầng trong ngõ hẻm trên đường Nhật Tảo, Chợ Lớn (thuộc Quận 5 Ðô Thành Sài
gòn), đi bộ đến trường khoảng mười lăm phút, và chỉ có hai mẹ con “bà cụ” người
Bắc. Trên lầu, anh Hán, con độc nhất của cụ, ngủ trong căn phòng lớn, tôi
ở trong phòng thờ nhỏ hơn, và từ lan can nhìn thấy đường lộ và mái nhà cả xóm.
Bà cụ hơn sáu mươi tuổi, đầu chít khăn nhung đen, tinh thần minh mẫn, giỏi văn
thơ, và thích nói đùa. Lần đầu tiên thằng Song, thằng bạn thân trong lớp đệ
nhất niên, đến tìm tôi, cụ hỏi:
“Cậu tìm ai?”
“Dạ, cháu tìm… Hoa, Ba Hoa ạ.”
“Cậu đi nhầm chỗ rồi. Tìm hoa phải
xuống xóm yên hoa, có hoa biết nói.”
“Dạ, Hoa cháu muốn tìm cũng biết nói,
nhưng nói ra toàn công thức toán học,” thằng Song, vốn bạo dạn và nhanh trí,
cười khề khà với cụ.
Anh Hán là giáo sư trung học; ngoài
nhiệm vụ chính thức dạy trường công, anh dạy thêm ở vài trường tư thục và khá
nổi tiếng. Anh giới thiệu cho tôi dạy kèm mấy người cháu kêu anh bằng chú
nhà ở mặt tiền ngay đầu ngõ, mỗi tuần hai buổi tối và tiền lương khá hậu hĩ.
Thằng Song ở trọ trong cư xá Lữ Gia
trước trường, phía bên kia đường Nguyễn Văn Thoại. Phòng trọ là căn gác phía
sau nhà, và chị chủ nhà nấu luôn cơm tháng. Áo quần sách vở để sát tường, căn
gác vừa đủ chỗ cho bốn thằng sinh viên trải chiếu ngủ trên sàn. Thằng Song
nhà ở Pleiku, mẹ người Huế, và cha người Quảng Nam. Bà chị lớn còn độc thân và
ba nó đều đi làm sở Mỹ, gia đình tương đối khá giả, và hàng tháng gửi măng-đa (“mandat”
tiếng Pháp là ngân phiếu) tiếp tế đều đặn. Nó mua chiếc xe đạp dùng làm phương
tiện đi dạy kèm, và hàng tuần hai thằng đèo nhau ra Sài Gòn xem xi-nê.
Hai thằng chơi thân và chia sẻ mọi
thứ. Ðầu tháng lãnh lương dạy học, nhận tiền nhà, và túi tiền rủng rỉnh, chúng
tôi cùng nhau tiêu xả láng – cà phê, thuốc lá, và xi-nê. Buổi tối nhâm
nhi ly cà phê đá ở quán hủ tiếu mì các chú ở góc đường gần nhà “bà cụ,” uống
nước trà thả giàn, và quen thấy khách hàng bình dân rót cà phê nóng ra đĩa cho
mau nguội rồi bưng lên miệng húp. Cà-phê các chú pha bằng túi vải trông giống
như chiếc bít tất đựng cà phê bột nhúng vào siêu nước sôi. Dân Chợ Lớn
kêu cà-phê bằng tiếng Quảng đông: hắc quẩy (cà phê đá), xây
chừng (cà phê đen nhỏ), tài chừng (cà phê đen
lớn), xây nại (cà phê sữa), và bạc xỉu (cà
phê nhiều sữa ít cà phê).
Loại thuốc lá ưa chuộng của hai thằng
là Lucky Strike và Pall Mall, thuốc lá Mỹ không có đầu lọc; chỉ những tay hút
thuốc lơ mơ, giàu tiền mà thích làm dáng hoặc lấy le với đào mới
“chơi” Salem có đầu lọc và thơm mùi bạc hà. Nhưng chúng tôi chỉ đủ khả năng mua
nguyên gói vào tuần lễ đầu tháng, sau đó mua lẻ từng ba điếu, và gần cuối tháng
thì “trở về nguồn” với Capstan, thuốc lá thơm nội hóa. Tên thuốc lá lại
có thể ghép chữ thành câu nói ngộ nghĩnh:
LUCKY = Lời Ước Của Kẻ Yêu;
PALL MALL = Phải Anh Là Lính Mời Anh
Lên Lầu, hay Phòng Ai Lạnh Lẽo em (M) Anh Lại Liền; và
SALEM = Sao Anh Làm Em Mệt, và (ghép ngược
lại) Mà Em Làm Anh Sướng; và
CAPSTAN = Cho Anh Phát Súng Tim Anh
Nát, và (ghép ngược lại) Nhưng Anh Tin Số Phận Anh Còn.
Hai thằng đều mê xi-nê, ít khi chịu
bỏ lỡ phim mới nhập cảng; phim Âu Mỹ nói tiếng Pháp và phụ đề Việt ngữ. Ban
ngày các rạp hát chiếu “thường trực” – liên tu bất tận, giá vé rẻ, có thể vào
xem bất cứ lúc nào, và ngồi xem bao lâu cũng được. Do đó, có khi vừa vào rạp đã
chứng kiến cảnh kép chính bị bắn chết rồi sau đó thấy chàng sống nhăn răng và
đánh đấm tưng bừng. Rạp hát thường phân phát prồ-gram (“programme”
tiếng Pháp là tờ chương trình) trên giấy màu, mặt trước quảng cáo phim và mặt
sau ghi tình tiết chuyện phim đang chiếu. Vì vậy, có nhiều anh đến rạp
lấy prồ-gram, về nhà kể vanh vách, và lớn lối khoe khoang đã
dẫn đào đi xem phim và tình tự dài lâu trong rạp.
Dù vào những ngày cuối tháng hay khi
thư bảo đảm gửi măng-đa đến trễ, chúng tôi không bao giờ rỗng
túi đến đỗi phải nằm chèo queo một mình trong phòng trọ. Ở Sài Gòn các
tiệm cầm đồ bình dân nhan nhản khắp nơi, đường nào cũng có. Gia tài hai thằng
có cái đồng hồ Seiko tự động, loại đồng hồ tối tân tự lên dây thiều khi cánh
tay chuyển động, quà tặng của ba thằng Song khi nó trúng tuyển vào trường
Ðiện. Cho đồng hồ “đi ở đợ,” tức là gửi tạm trong tiệm cầm đồ, giải quyết
các khó khăn ngắn hạn đến đầu tháng tới.
Và còn thằng Công nữa! Nó dạy kèm cho
cô con gái học đệ nhị (lớp 11) của một gia đình có thế lực, ăn ở tại nhà, và
lãnh thêm tiền công dạy học. Bà mẹ, quả phụ của một sĩ quan cao cấp và là một
nhân vật chính trị tăm tiếng, đã phỏng vấn kỹ càng nhiều sinh viên mới kén được
thằng Công. Nó được trọng vọng, cơm bưng nước rót, và đối xử thân tình như
trong gia đình. Căn phòng nhỏ khang trang trên sân thượng có giường nệm,
bàn học, tủ sách, và quạt máy được dành riêng cho ông thầy.
Thằng Công không mắc các “thói quen
xấu” như tôi và thằng Song nên tháng nào lương dạy kèm và tiền nhà chu cấp cũng
còn trọn vẹn. Một hôm tôi hỏi mượn một ngàn đồng, nó đưa hai tờ giấy bạc năm
trăm mới toanh, chưa có nếp gấp. Hôm sau, nó xin lại hai chục đồng để đóng tiền
mua cua. Tôi ngạc nhiên,
“Bộ mi hết tiền rồi
hay răng?”
“Không, tau sợ lấy
ra tiêu rồi lẹ tiềng đi,” nó thành thực khai; “lẹ tiềng” là
“lẻ tiền,” phát âm nặng nề theo giọng Huế ở miền quê.
Từ đó, thằng Công bị gọi là
“thằng lẹ tiềng.” Thằng Song hay trêu chọc thằng Công và dùng tĩnh
từ “huệ” để chỉ những thằng Huế tằn tiện chi li và… may tay tức
là thăm chị Năm – hành động dùng bàn tay năm ngón để tự thỏa
mãn sinh lý. Câu chuyện khôi hài thằng Song thường kể là:
Ðại học Y khoa Huế mở cuộc thăm dò
khảo sát dục tính của đàn ông Huế trong lứa tuổi từ 13 đến 30. Kết quả
cho thấy 80 phần trăm đối tượng nghiên cứu may tay mỗi tuần năm lần trở lên. Và 20 phần trăm còn lại
mắc bệnh nói dối!
Hàng năm chúng tôi phải đi chụp hình
phổi ở văn phòng bác sĩ quang tuyến Lý Hồng Chương ở góc đường Lê Văn
Duyệt và Sương Nguyệt Ánh, và được bác sĩ bộ Y tế đến trường khám sức khỏe. Bác
sĩ đặt ống nghe, nghe tim phổi, dùng tay nâng nâng bộ phận sinh dục, và lấy búa
cao su gõ vào đầu gối thử khả năng phản xạ. Không ngờ thằng Công lại “dính”:
bác sĩ nói nó bị nám phổi cần tĩnh dưỡng và bắt nghỉ học hai tháng.
Tối hôm đó, ba thằng ngồi chụm đầu ở
quán hủ tiếu mì và quyết định giữ kín không cho gia đình và nơi dạy kèm thằng
Công biết. Tôi và thằng Song sẽ thay nhau lấy cua và
giúp nó làm bài; đến cuối lục cá nguyệt nó vào trường thi cuối khóa như thường.
Giúp bạn thì giúp, nhưng “tội” thì không thể tha; thằng Song vặn hỏi:
“Có phải tại mi may
tay quá độ mà bị nám phổi không?”
“Cũng hơi có,” thằng Công ngượng
ngùng.
“Ðêm bảy, ngày ba, ra vào thêm nếm
không kể mà ‘hơi có’ hả? Coi hai cánh tay mi, tay
phải to tổ chảng so với tay trái – cãi vô mô?”
thằng Song nói như thật.
“Mấy người đàn ông thông minh đều đa
dâm; tụi mi coi Napoléon và Einstein đó,” thằng Công tẽn tò
chống chế.
“Hai đứa tau giúp mi,
nhưng với một điều kiện . . .”
“Chuyện chi?”
“Mi chừa cái thói rờ rẫm
con Bách Hoa. Sướng tay rồi quay ra thăm chị Năm lia
lịa, ngủm củ lèo sớm thôi!” Bách Hoa là cô học trò dạy
kèm của thằng Công.
o O o
Lớp đệ nhất niên ban kỹ sư của ba
trường Công chánh, Công nghệ, và Ðiện học chung trong giảng đường Công chánh
chứa được khoảng một trăm sinh viên. Sau giảng đường là dãy nhà vệ sinh, ngăn
đầu tiên bên trái có ổ khóa bên ngoài và dành riêng cho giáo sư và nhân viên.
Trong số các bạn Công chánh của tôi,
nổi bật nhất là thằng Tiễn mặt rỗ chằng rỗ chịt, người bé loắt choắt, tiếng nói
oang oang, và tính ưa nghịch phá. Nó là dân Bắc kỳ di cư năm 1954, hang cùng
ngõ hẻm nào cũng đi qua, và chuyện gì cũng biết. Hai thằng trao đổi kiến thức:
nó hỏi cách giải toán, và tôi hỏi chuyện Sài Gòn. Gia đình nó có tiệm giày lớn
trên đường Lê Thánh Tôn; nó đi đôi giày da hoẵng màu nâu hơi tím thật đẹp và
hứa cuối năm đưa tôi đến tiệm đóng đôi giày thật sang mà chỉ cần trả tiền công
và vật liệu.
Nhờ anh Hán, tôi biết được cái giai
thoại giữa giáo sư Thế dạy chúng tôi môn toán Giải tích và “giáo sư” Hảo soạn
sách. Dạo tôi học đệ tứ (lớp 9) ngoài Huế, nhiều học sinh dùng sách toán bài
giải của ông Hảo, người ta nói gia đình làm nhà in và nhà xuất bản. Học đệ lục
(lớp 7) ông làm sách đệ thất (lớp 6), học đệ ngũ (lớp 8) ông làm sách đệ lục,
v.v. trích dịch từ bộ sách bài giải bằng tiếng Pháp của Une Réunion de
Professeurs (Một Nhóm Giáo sư). Sách của ông in đẹp, trình bày rõ
ràng, và dễ hiểu nên rất thông dụng và bán chạy như tôm tươi. Sách thầy Thế
soạn ra không ai mua vì thầy giỏi và cho toán khó quá, học trò không hiểu.
Thời trước, thi Tú tài gồm hai đợt: đậu xong thi viết mới vào vấn đáp
và qua đợt vấn đáp mới thực sự đậu. Ông Hảo vào vấn đáp gặp thầy Thế,
thầy ân cần hỏi, “Thế nào, sách bán chạy không?” rồi cám ơn và cho
phép đi ra. Cuối cùng, ông Hảo phải lên Ðà Lạt thi mới đậu.
Giáo sư Thế nổi tiếng khắp Sài Gòn
và được các trường trung học tư tranh nhau mời dạy toán luyện thi Tú tài
và thi tuyển vào các trường chuyên nghiệp. Thầy dành nhiều thì giờ dạy tư, ít
khi đến lớp đúng giờ, và đôi khi bỏ dạy mà không báo trước. Những hôm ấy, sinh
viên đứng rải rác ngoài sân, trông ra cổng Trung Tâm ngóng chờ, và không dám ra
về.
Một hôm, gần hết giờ thầy mới lái xe
vào trường; bọn học trò vội vàng chạy vào lớp ngồi. Tôi ra sau giảng
đường dùng nhà vệ sinh thì thấy thằng Tiễn đứng lom khom trước ngăn đầu tiên,
cửa đóng và ổ khóa treo lủng lẳng bên ngoài, tức là có người bên trong. Ra hiệu
cho tôi đừng lên tiếng, thằng Tiễn khẽ lật bản lề, móc khóa, và bấm lại. Xong,
hai thằng co giò chạy vào giảng đường. Cả lớp đợi hết giờ mà không thấy thầy
xuất hiện; không ai biết thầy đi đâu.
Khoảng một tuần sau, bọn Công chánh
kể, giờ Hỏi bài nào thầy Thế cũng kêu thằng Tiễn lên “quay” tận mạng. (Hỏi
bài là giờ học hàng tuần trong đó giáo sư hay giảng viên ra tay sát hạch
khả năng của sinh viên). Lần nào nó cũng bị mắng tàn tệ, “Anh dốt như thế, học
kỹ sư sao nổi?” Quả nhiên, cuối năm nó bị xoọc-ti lát (“sortie
latérale” tiếng Pháp nghĩa là ra trường ngang). Tôi không có cơ hội đóng giày ở
tiệm nhà nó và trong lòng cứ mãi băn khoăn.
o O o
Hai mươi năm sau, tôi gặp lại thằng
Tiễn ở nhà một người bạn chung ở Nam California. Liến thoắng, ngạo nghễ, và
nhìn đời bằng nửa con mắt như ngày nào, nó hãnh diện kể lại “chiến tích” thời
đệ nhất niên; tôi rụt rè nói nhỏ:
“Ngày đó, tao không hé môi nói chuyện
ấy với ai. Mày không tin tao đã mách lẻo chứ?”
“Tao biết mà!” giọng cười thoáng một
chút bi thương.
“Làm sao ông ta biết mày làm mà theo
‘trù ẻo’?”
“Giờ Hỏi bài, hắn nhìn
đôi giày của tao và châm biếm, ‘Thế nào, giày đi êm chân không? Tôi thấy đôi
giày này đâu đó rồi!’ Ðời sinh viên của tao khốn nạn từ lúc đó!”
Tôi thở ra một tiếng nhẹ nhõm. Thì
ra, lúc khóa cửa nhốt giáo sư Thế, thằng Tiễn quên là cánh cửa cầu tiêu có một
khoảng hở bên dưới, người ngồi trong có thể thấy bàn chân của kẻ đứng ngoài.
Ðôi giày da hoẵng đã tiết lộ thủ phạm. Tôi nhớ lại điều học được trong các phim
trinh thám Âu Mỹ xem thời đi học ở Sài Gòn: kẻ phạm tội không bao giờ hoàn hảo
mà luôn luôn sơ hở.
NNH – Ngày 4 tháng Năm, 2016
Câu chuyện rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóa