Thứ Ba, 5 tháng 2, 2019

Ý nghĩa cây nêu ngày Tết trong phong tục tín ngưỡng của người Việt

Người Việt Nam xưa này luôn tin rằng cây nêu tượng trưng cho sự may mắn, thường gắn liền với những ngày Tết, có tác dụng xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may, mang lại bình yên cho ngôi nhà.

Không chỉ có người kinh, cây nêu là phong tục của hầu hết các dân tộc

Ý nghĩa cây nêu trong phong tục tín ngưỡng

Trong phong tục tín ngưỡng lâu đời của người Việt cây nêu là một thân cây được trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc.
Cây nêu ngày Tết còn mang triết lý âm dương, được biết qua hai chữ Càn (Trời) và Khôn (Đất) nằm trong hình ảnh cái nón và cây gậy của Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Nó bao hàm sự thống nhất và tương trợ giữa Âm và Dương hay sự không tách rời giữa Động và Tĩnh…

Tục trồng nêu

Trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”… có ý nghĩa tảo trừ những xấu xa trong năm cũ”.
Cây nêu thường là cây tre dài khoảng 5 – 6 mét, được dựng trước sân nhà. Người kinh dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân lên chầu Trời. Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28/12 âm lịch, người Hmông dựng cây nêu trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, ngày 7/1 âm lịch là ngày hạ nêu.


Nghi thức dựng cây Nêu của đồng bào dân tộc CơTu (Đà Nẵng). (Ảnh: Quốc Nhựt)

Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ.
Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu…


Trên cây nêu được buộc rất nhiều thứ. (Ảnh 

Ở thành phố và nông thôn nơi chật hẹp không tiện trồng cây nêu thì người ta dùng cành đa, lá dứa (cây dứa dại, lá có nhiều gai) cài ở cổng. Vôi thì rắc vôi bột vẽ bàn cờ, cung, nỏ có tên bắn ra đằng trước và hai bên v.v… cũng là nhằm mục đích trấn trừ ma quỷ như vậy.
Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để Tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.
Mỗi vùng miền, dân tộc lại có 1 cách trang trí cây nêu khác nhau
Trong phong tục dân gian Việt Nam thông thường cứ xem ngay đến 23 tháng chạp thì dựng nêu bởi đây là ngày Táo quân về trời từ ngày này cho tới đêm giao thừa vắng mặt Táo quân, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn vào nhà quấy nhiễu, nên phải trồng cây nêu để trừ tà.


Dựng nêu ngày Tết (tranh mộc bản in trong sách Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annammite) do Henri Oger chủ trương thực hiện năm 1908. (Ảnh Tư liệu)

Lễ hạ nêu

Những ngày Tết, khi đã dựng nêu lên là người ta không màng gì đến công việc nữa mà chỉ yên tâm ăn Tết. Đến hết mùng 7 triệt hạ – hạ nêu, con người lại trở về với cuộc sống hàng ngày.
Mùng 7 Tết là ngày mà theo truyền thuyết dân gian, người ta hạ nêu vì đã hoàn thành việc xua đuổi, bày trừ các thế lực xấu ra khỏi lãnh thổ của mình. Sau ngày mùng 7, mọi người phải ra sức, trở lại lao động bình thường, tạm chấm dứt những ngày xuân vui vẻ. Ngày nay, tục dựng nêu không còn, nhưng mâm cơm cúng trong ngày hạ nêu vẫn còn được duy trì ở nhiều gia đình.

Cách dựng cây nêu ngày Tết

Cây tre làm nêu thường là loại tre già, cao, to, thẳng, lóng tre đều và trên ngọn để nguyên chùm lá tươi. Trên ngọn có thể buộc thêm một vài lá dứa để tượng trưng cho mây trời.
Thân cây có thể được trang trí bằng các loại cờ, đèn lồng, câu đối, khánh đất nung,… Dưới gốc rắc bột vôi trắng tạo thành vòng tròn hoặc hình cánh cung, mũi tên hướng ra phía cổng để xua đuổi tà ma.
Mặc dù trước đây, người dân dựng cây nêu với ý nghĩa tâm linh nhưng ngày nay, các gia đình đa phần dựng nêu chỉ để cho đẹp chứ không hiểu gì về ý nghĩa của nó. Do đó, tục cắm nêu cũng mai một dần trong cộng đồng người Việt thời hiện đại.

Chúc Di  (Tổng Hợp  )

1 nhận xét:

  1. Về ý nghĩa cảu cây nêu ngày tết này nhiều người không biết

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...