Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

HÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 19 ::BỒNG LAI TIÊN CẢNH - Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi

                    
                             

                       Kể từ đến cảnh BỒNG LAI
                             May thay đã trộm thấy người tiên cung

Đó là hai câu thơ trong truyện Nôm Phan Trần, tả lúc Phan Sinh gặp lại Trần Kiều Liên đang tu trong chùa. BỒNG LAI là tên của một trong ba ngọn núi có tiên ở, ở ngoài biển đông, thường được dùng để chỉ chỗ ở của người đẹp như... tiên. Theo tích sau đây:
Theo chương Thang Vấn trong sách Liệt Tử: Phía đông của Bột Hải, có một nơi vực sâu muôn trượng, gọi là Quy Khâu. Tất cà những sông ngòi ao hồ của đất liền đều chảy về nơi nầy. Tương truyền là mực nước ở nơi đây không lên không xuống, cho dù tất cả sông biển đều đổ về đây.
Trên mặt nước mênh mông ở đây, có 5 ngọn núi thần đang trôi nổi, đó chính là: “Đại Dư” 岱輿, “Viên Kiệu” 員嶠, “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Mỗi ngọn núi cao và rộng khoảng 3 vạn dặm, phần bằng phẵng trên đỉnh núi cũng hơn 9 ngàn dặm. Các hòn núi nầy cách nhau khoảng 7 vạn dặm. Trên mỗi núi đều có lâu đài lầu các nguy nga xây toàn bằng hoàng kim và bạch ngọc. Hoa thơm cỏ đẹp, cây trái thơm ngon bốn mùa không dứt, ăn vào thơm tho mồm miệng và trường sinh bất tử. Năm ngọn núi nầy đều là nơi ở của các người tiên. Họ thường bay qua bay lại trên năm ngọn núi nầy mà vui chơi để tiêu dao ngày tháng. Có một điều làm họ không được thoải mái là 5 ngọn núi nầy như là 5 cái hồ lô lớn trôi nổi trên biển cả mênh mông, khiến họ đi lại không được thoải mái và như ý, nên họ cùng thỉnh cầu với Ngọc Hoàng Thượng Đế giải quyết cho vấn nạn nầy. Ngọc Đế bèn ra lệnh cho thần ở Bắc Hải là Ngung Cường để tìm phương giải quyết. Ngung Cường bèn điều 15 con cự Ngao (Ba ba lớn) chia làm 5 nhóm, mỗi nhóm 3 con chịu trách nhiệm giữ lấy một ngọn núi. Ba con ba ba khổng lồ, một con lặn xuống biển đội núi lên, hai con còn lại giữ hai bên cho núi đừng di chuyển nữa. Phân công là cứ 6 vạn năm sẽ thay phiên một lần. Vì thế mà 5 ngọn núi thần tiên nầy được cố định không còn nổi trôi di chuyển trên biển đông nữa.



Nhưng chẳng bao lâu sau, có một người của nước Long Bá (nước của người Khổng lồ) đến nơi nầy, thân hình của hắn cao vút tận mây xanh, hắn bước đi trong biển đông như đi trong ao cá sau vườn; chỉ cần vài ba bước là hắn đã đi khắp cả 5 ngọn núi thần tiên. Hắn phát hiện trong nước có cá ngao (Ba ba) lớn, bèn lấy cần móc mồi câu, câu một hơi 6 con ngao lớn, quảy lên vai vác về nhà, nên hai hòn núi tiên Đại Dư và Viên Kiệu, bị mất đi 6 con ngao, không có gì cầm giữ lại, nên trôi dạt lên Bắc Cực và chìm xuống biển mất dạng. Ngọc Hoàng Thượng Đế biết tin, cả giận, bèn thi triển thần uy, làm cho người nước Long Bá nhỏ lại chỉ cao hơn người thường một cái đầu mà thôi.

Người Long Bá câu Ngao
Đó là truyền thuyết trong Sơn Hải Kinh《山海经》và các sách xưa cũng có ghi
 lại chuyện năm tiên đảo bị chìm hết hai, nên chỉ còn lại có “Phương Hồ” 方壺, “Doanh Châu” 瀛洲, và “Bồng Lai” 蓬萊. Tục gọi là "Bồng Lai Tam Đảo 蓬莱三岛". Vì là nơi của tiên ở nên còn gọi là "Bồng Lai Tiên Cảnh 蓬莱仙境" để chỉ cảnh đẹp của tiên giới mà trên đời không thể có được. Sở dĩ Bồng Lai nổi tiếng hơn hai tiên đảo kia là vì đó là nơi ở của Bát Tiên trong sự tích Bát Tiên Quá Hải. Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh, khi luận về chữ VUI, ông Sãi đã nói với bà Vãi rằng:

Non BỒNG LAI bước tới, sãi vui với Bát Tiên,
Núi Thương Lãnh tìm lên, sãi vui cùng Tứ Hạo.



BỒNG LAI còn được gọi là BỒNG CHÂU 蓬洲. Châu là phần đất nổi trên mặt biển, nên gọi tiên đảo Bồng Lai là Bồng Châu, như trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, đoạn nói về Công chúa Tiên Dung và Chữ Đồng Tử có câu:

Non sông đã trót lời thề,
Hai người một phút hóa về BỒNG CHÂU.
Không gọi là Bồng Châu thì lại gọi là BỒNG HỒ 蓬壺, Hồ là cái Hồ Lô đựng rượu, vì tiên đảo Bồng Lai trôi nổi trên biển Đông giống như là một chiếc Hồ Lô khổng lồ, nên còn gọi là BỒNG HỒ như trong Lâm Tuyền Kỳ Ngộ:
BỒNG HỒ, Lãng Uyển xưa hằng có,
Độ ấy nhân gian dễ mấy đời.
Và vì Bồng Lai là một ngọn núi, nên còn gọi là BỒNG SƠN 蓬山 như trong Hoa
 Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện:
Tấc gang gác khóa lầu then,
BỒNG SƠN rằng cách muôn nghìn chẳng sai.



Và vì là một tiên đảo giữa biển, nên còn được gọi là BỒNG ĐẢO 蓬島 như trong thơ của cụ Nguyễn Trãi:
Thuốc tiên thường phục tử hà sa,
BỒNG ĐẢO khôn tìm ngày tháng qua.
BỒNG ĐẢO là đảo của tiên ở, là cõi tiên, là nơi sướng nhất trần gian mà mọi người hằng ao ước, nên trong văn chương các cụ ngày xưa còn dùng chữ Bồng Đảo để chỉ những cái gì làm cho người ta sung sướng nhất, tiêu hồn lạc phách nhất... như trong thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương tả Thiếu Nữ Ngủ Ngày vậy:
Đôi gò BỒNG ĐẢO sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.

Quả là cảnh tượng tiêu hồn lạc phách làm cho:
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Đi thì cũng dở, ở không xong!
So với ĐÀO NGUYÊN và THIÊN THAI thì BỒNG LAI hoàn toàn là sản phẩm thần thoại và tưởng tượng theo truyền thuyết, không có một chút căn cứ thực tế nào cả. Nhưng vì Bồng Lai là cõi tiên, là vùng đất hứa ngày xưa mà mọi người hằng ao ước. Nó hư hư thực thực nên dễ hấp dẫn người đời, nhất là trong lãnh vực văn thơ cổ xưa. Trong dân gian sức hấp dẫn của Bồng Lai càng mạnh mẽ hơn với những truyện truyền khẩu về BÁT TIÊN QUÁ HẢI; và từ Bồng Lai được dùng đặt tên cho một Thị Trấn cấp Huyện thuộc Thành phố Yên Đài tỉnh Sơn Đông, nơi giáp ranh giữa Bột Hải và Hoàng Hải, là nơi mà theo truyền thuyết Bát Tiên là Lữ Động Tân, Lý Thiết Quảy, Trương Quả Lão, Hán Chung Ly, Tào Quốc Cựu, Hà Tiên Cô, Lam Thái Hòa và Hàn Tương Tử đã thi triển thần thông, đạp bèo lướt sóng, xuất phát từ nơi bãi biển nầy "quá hải" để đến đảo Bồng Lai vui với cuộc sống thần tiên.

Bát tiên quá hải
Nhắc đến BÁT TIÊN lại làm cho ta nhớ đến lúc Từ Hải gặp Kiều.
Sau khi "Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn" để chuộc Thúy Kiều ra khỏi
 lầu xanh, thì Từ Hải cũng đã:
Buồng riêng sửa chốn thanh nhàn,
Đặt giường thất bảo, vây màn BÁT TIÊN.
Để cho "Trai anh hùng, Gái thuyền quyên"
gặp nhau như là lạc vào BỒNG LAI TIÊN CẢNH vậy!
Thành Ngữ Diển Tích 17 :TRI KỶ,TRI ÂM
THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 18 : ĐÀO NGUYÊN, THIÊN THAI

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...