Thứ Bảy, 9 tháng 2, 2019

TÂM TƯỞNG HOA ĐÀO - Tùy bút của Trần Ngọc Kha


Tùy bút của Trần Ngọc Kha
Một sáng tinh mơ dạo bước ra vườn bắt gặp nụ đào chúm chím rung rinh trước gió, lòng lại lâng lâng vui. Những cánh hoa đào đầu tiên hé mở, khỏe khoắn, hồng tươi trong sương, trong nắng, trong gió, trong lạnh. Cứ thế, từng vạt đào, vạt đào dần bừng lên sáng rực cả một vùng, nhiều vùng quê hương thành thông điệp báo xuân, gieo vào lòng người từ già đến trẻ niềm vui hân hoan, nao nức, bời bời…

Xuân đang về! Điệp khúc nhiệm mầu này thường niên của thời gian tái hiện bình thường theo quy luật tự nhiên mà sao mỗi khi gặp lại, lòng ta vẫn vẹn nguyên ngóng trông hồi hộp, để rồi mỗi giao thừa trong đêm bao mươi lại vỡ òa cảm xúc. Trong khoảnh khắc thiêng liêng này, bên cánh hoa đào, lòng ta hướng về những gì thành kính nhất, yêu thương nhất, mà thầm ước vọng, nguyện cầu và tin đợi một năm mới đủ đầy, may mắn, an khang...

Mùa Xuân nữa đang đến rất gần cho mỗi người, mỗi nhà. “28 Tết này nhà mình mổ lợn, về uống rượu tiết canh, lòng lợn cho vui nhé!”. Bạn từ thuở thiếu thời ở quê gọi đấy… Đã thấy bày bán khắp nơi những là quất, đào, mai và muôn vàn những trái cây cho mâm ngũ quả, trên những nẻo chợ quê, đường quê. Lại thấp thoáng những là mẹ ta, chị ta, em ta hối hả gánh gồng, tíu tít mời chào, rộn ràng thăm hỏi. Tết đang về dẫu trong lòng ai còn bộn bề lo âu, phiền muộn, dẫu phía trước còn mịt mù, chông gai, dang dở…

Có dịp đảo qua quán trà cụ Lư, Thanh Xuân Bắc, Hà Nội. “Chỉ còn nay, mai nữa là quán nghỉ đấy, tranh thủ vào đây nào”. Đang loay hoay tìm chỗ dựng xe, đã nghe có tiếng vọng ra từ quán. Đón chén trà nóng ấm từ tay cụ Lư, tôi lựa nhịp bắt đầu góp chuyện. Vẫn những người khách “ruột” của quán. Vẫn những đề tài về nhân tình thế sự, về lối sống, gia đình, họ mạc…, có điều, chuyện nào cũng Tết.

Cái Tết bây giờ không còn bấn bách như xưa, làm lụng quanh năm chỉ để lo ăn Tết. Nay kinh tế khá lên, có người sẵn sàng “xỉa” ra hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng ra để rước một cây đào thế, quất thế, hồng thế về chơi Tết. Nhắc chuyện này có người chép miệng: Thế còn những tập tục xưa…? “Ôi dào! Tết chỉ cần một hai cái chưng, cốt để thắp hương. Ra chợ đặt mua là xong” - Có người lập tức xướng lên, ráo hoảnh. Lại có người cố công vớt vát: Đâu chỉ là mấy cái bánh chưng thờ Tết. Mà thờ Tết như thế đâu phải đạo tiền nhân từ thời Hùng Vương truyền lại, khi chiếc bánh chưng kia không phải do tự tay ta làm dâng cúng tổ tiên? Quanh nồi bánh chưng đó còn là cả những câu chuyện vô hồi kết về tình làng nghĩa xóm, về nghĩa mẹ, công cha, tình anh em, con, cháu. Nhớ hồi nhỏ, mỗi độ Xuân về, Tết đến, khi nhà luộc bánh chưng không chỉ đón được họ hàng mà còn có cả bà con, co bác hàng xóm sang chơi. Những câu chuyện quanh nồi bánh chưng ngày ấy thật thân tình. Chuyện “thằng cả”, “thằng hai” nhà ông, nhà bà đã về chưa? Đến chuyện “con bé nhà bà” đã “có ai” chưa?...

Ngày ấy, Tết đến với hầu hết mọi nhà, lo sao có được một nồi bánh chưng là chuyện không hề nhẹ, nhỏ chút nào. Phải lo dần từng tý trước Tết hàng chục ngày. Nào đi xếp hàng mua gạo nếp “cung cấp”, thịt “cung cấp”, củi nấu bánh cũng… “cung cấp”. Khi nhóm được ngọn lửa nồi bánh là bố mẹ tôi đã đi được cả một chặng đường thật là vất vả. Tết bận rộn đến mức phải thường đến ngày 29-30, mẹ tôi mới có thì giờ luộc bánh chưng, có năm nấu thông luôn cả Giao thừa. Ghé lửa cạnh cùng nồi bánh thường là những món xào nấu, xu xê, kẹo lạc… Bên ngọn lửa hồng rừng rực, ai cũng ánh lên niềm vui, hạnh phúc. Tết đến, có lần cậu bé tôi từng được mẹ sai đi làm bánh quy, phải xếp hàng đợi 5-6 tiếng đồng hồ mới đến lượt mình. Ngày đó Tết nghèo nhưng lũ trẻ chúng tôi lại có cơ hội được học và làm món Tết, không như bây giờ, có tiền là có tất. Cũng vì mẹ tôi khéo tay, làm được nhiều món “bình dân” như kẹo lạc, kẹo vừng, chè lam, mứt các loại với mẹ tôi là chuyện nhỏ. Có năm bà làm được cả bánh xu xê. Từ trong năm, bà đã đi tìm mua hạt dành dành để tạo màu vàng cho bánh. Sau này có nhiều dịp được thưởng thức bánh xu xê, nhất là khi có ai cưới hỏi nhưng cảm giác lần đầu tiên được ăn tấm bánh này của mẹ làm tôi nhớ nhất, thích nhất. Nó nghe vừa ngậy, vừa bùi… Bây giờ, chả ai còn phải lo sắm Tết như này. Áp Tết, cầm tiền ra chợ đi một vòng, có tất.

Tết về nhiều năm gần đây ấm dần. Chẳng biết nên vui hay không, tôi cứ thẫn thờ vào ra nhớ mẹ. Cữ này năm nao, Tết xưa rét lắm. Vào Chạp, mẹ đã mua hành củ về bóc vỏ muối chua. Rét lạnh thấu xương, tối tối, tay mẹ, tay chị em tôi vẫn cùng xoay vần từng củ hành bóc vỏ. Hơi hành cay cay dâng lên lan tỏa khắp mấy gian nhà. Lạnh thấu xương, vẫn thấy mẹ vắt ngang vắt dọc nặng chĩu hai túi hàng trên chiếc xe đạp phượng hoàng, rẽ sương đi chợ. . Lưng còng đạp miết đến tận ngã tư Tam Dương, rẽ trái, mẹ tôi dừng chân đẩy xe leo lên con dốc Chợ Cói (cũ) của Vĩnh Yên cao thật là cao, dài thật là dài. Trời lạnh là vậy nhưng do gồng người đẩy xe hàng, mồ hôi mẹ cứ thế vã ra. Vậy mà, cữ này năm nao tôi vẫn vô lo, chỉ tung tẩy, mải mê với những con chữ nơi giảng đường đại học…, để rồi cữ này hôm nay, thẫn thờ vào ra lẩm nhẩm mấy từ “Tết ấm…”.

Tết ấm, mẹ tôi, con dốc dài thao thức.
Tết ấm, những cành đào nở sớm, rộ lên một góc trời đăm đăm, xót xa của những người vun trồng.
Tết ấm, con gái tha hồ tung tăng trong bộ váy xòe hoa vui.
Tết ấm, cầm trên tay tờ báo Tết vừa in xong còn nguyên mùi mực, cứ chộn rộn trong lòng nỗi niềm ai nhớ thương ai…

Tết ấm, lòng càng cảm thấy bơ vơ.
Ngày trước còn mẹ, năm nào tôi cũng đưa cả gia đình về quê ăn Tết . Nay mẹ đi rồi, con biết về đâu?

Bạn lại vừa post lên facebook mấy bức ảnh nữa kìa. Ngôi nhà hương ấm bay, góc thềm vương khói cũ, đón bước chân ai về… Tôi người nhà quê! Vâng, tôi mãi người nhà quê khi đã từng cũng được về với mẹ. Ai đó đã thốt lên hộ tôi những câu thơ cháy lòng: “Về với mẹ con lại là trẻ nhỏ/Mái nhà xưa vẫn thấp tự bao giờ…”.

Dạo ấy, tôi thường chạy băng băng ra những cánh đồng, đến bên những luống mùi già mà hít hà hương nội, len lỏi giữa chợ quê, chẳng để mua gì. Tôi đã hàng giờ ngồi bên mẹ, bên bà, vuốt mãi những sợ tóc pha sương của mẹ mà kể vội kể vàng về những năm tháng ấy tôi xa. Mẹ cứ hỏi dồn, tôi cứ líu lo. Ngày ấy, mẹ bắt tôi đứng nghiêm rồi chỉ tay ra lệnh: “Anh đã sắp ba mươi rồi đấy, liệu mà tính chuyện gia đình đi thôi”. Tôi chỉ biết cười trừ. Rồi năm tháng qua đi, bao biến cố cuộc đời thăng trầm mà tôi vẫn vững đôi chân, bởi Tết đến, xuân về tôi vẫn còn có mẹ, có chỗ để trở về dẫu đói, no, sang, hèn, khổ, sướng. Vậy mà…

Có tiếng bấm chuông gọi cửa. Em đã trở về sau ngày làm việc cuối cùng năm cũ. Trĩu nặng trên tay em bao đồ sắm Tết. Như cơn gió ngọt lành em đổ vào tôi. Rồi miên man, miên man em đưa tôi vào miền cổ tích, về một thời của cô Tấm ngày xưa. Tôi biết, chúng tôi đã trở về ngôi nhà hạnh phúc mẹ cha vun đắp, dựng xây. Nó không những không bao giờ mất đi mà còn luôn hiện ra nguyên hình trong tôi, dù bước chân mình lang thang đâu đó…

Tết đang về. Những giờ phút cuối cùng năm cũ đang trôi. Bên cạnh đào thắm, đào phai, đào rừng được rước về từ mấy hôm nay, sáng bừng một góc, mỗi nhà, mỗi người đang lo sửa sang, sắp xếp, tranh hoàng nhà cửa, mua sắm hàng họ, thăm hỏi các bậc cao niên, thân thuộc… Từ nồi bánh trưng, làn hương tỏa ra thơm nức, tôi lại bâng khuâng nhớ mẹ, nhớ cha. Giờ này chắc mẹ tôi đang làm bánh xu xê nơi ấy. Liệu còn cách cách nào có thể lại đòi được mẹ cho nếm cái vị bánh xu xê ngọt bùi từ tay mẹ làm nữa đây…

Trần Ngọc Kha
(Tết Mậu Tuất, 2018, Hà Nội)

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...