Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2019

Giai Thoại Văn Chương : Sửa Văn Vương Bột (Đỗ Chiêu Đức )

Sửa Văn Vương Bột :
                         Người đứng đầu Tứ Kiệt buổi Sơ Đường  
                                       

                                      Inline image
                                                Tượng Vương Bột 


        Vương Bột 王勃 (650-676), tự là Tử An 子安, người đất Giáng Châu, Long Môn (tỉnh Sơn Tây ngày nay), là  người  đứng đầu trong Tứ kiệt đời Sơ Đường, cha là Vương Phúc Cơ làm huyện lệnh Châu Hoan Giao Chỉ. Lên sáu tuổi Bột đã nổi tiếng thần đồng, thuộc làu kinh sử. 14 tuổi đoạt khôi nguyên kỳ thi đối sách của triều đình. Năm 16 tuổi trên đường đi thăm cha, hay tin Đô Đốc Diêm Bá Dư trấn nhậm Hồng Châu trùng tu Đằng Vương Các mở cuộc thi thơ văn và khoản đãi tân khách bốn phương. Vương Bột đã nhờ gió đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng 9 đưa đến Đằng Vương Các để làm một bài Tự thật hay, để đời với đôi câu bất hũ tả mùa thu trên sông nước là :

                       Lạc hà dữ cô vụ tề phi,                       落霞與孤鶩齊飛,
                       Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.  秋水共長天一色.
Có nghĩa :
                  Ráng chiều cò trắng cùng bay, 
             Long lanh thu thủy nước mây một màu. 

       Tài hoa mệnh bạc, năm 26 tuổi trên đường đi đến Giao Chỉ thăm cha. Vương Bột đã bị đắm thuyền và chết đuối trên dòng Chương Giang. Tương truyền, vì Vương chết trẻ nên rất thiêng, trên khúc sông Chương Giang nơi ông chết đuối, cứ vào khoảng đêm khuya canh vắng, người ta thường nghe văng vẳng tiếng ngâm hai câu thơ bất hủ tả cảnh mùa thu nêu trên :

                  ...落霞與孤骛齐飞,   Lạc hà dữ cô vụ tề phi, 
                     秋水共长天一色.   Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc...

        Sứ thần Hồ Tông Thốc của ta, trong dịp đi sứ Trung quốc, một buổi chiều tà, nhân chèo thuyền dạo chơi trên khúc sông Chương Giang nơi Vương Bột chết đuối, được nhân dân địa phương kể cho nghe câu chuyện nói trên, Hồ Tông Thốc nghe xong, bèn ra đứng ở mũi thuyền nói to lên rằng: 

                      何必與 共二字 !   Hà tất dữ cộng nhị tự !
Có nghĩa : 
                Cần gì phải dùng hai chữ DỮ 與 và CỘNG 共 (Với và Cùng) ! 

     Mọi người hỏi tại sao, thì Hồ Tông Thốc giải thích rằng: 
     Hai câu văn tuy hay, song thừa hai chữ Dữ 與 và Cộng 共, vì đã nói "tề phi" (cùng bay) thì mặc nhiên là có ý Dữ 與 (với) trong đó rồi; đã nói "nhất sắc" (một màu) thì mặc nhiên là có ý Cộng 共 trong đó rồi! Nên, hai câu trên nên sửa lại như sau: 

                      落霞孤骛齐飞,   Lạc hà cô vụ tề phi,
                      秋水长天一色.   Thu thuỷ trường thiên nhất sắc. 

        Mọi người nghe nói, đều phục ông bắt bẻ có lý, và hai câu của ông tuy về mặt âm hưởng không bằng hai câu của Vương Bột, nhưng về mặt văn tự thì quả có gọn ghẽ và hàm súc hơn. 
        Rôi từ đó, trên khúc sông ấy, người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ của oan hồn thi nhân họ Vương nữa. 
                Inline image  Inline image 
  * Hồ Tông Thốc 胡宗簇, sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (gọi tắt là Cương Mục) ghi là Hồ Tôn Thốc (đổi sang Tôn) do kiêng húy nhà Nguyễn. Ông sinh ra và lớn lên tại xã Kẻ Cuồi, nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, ông đã đậu tiến sĩ. Đỗ Trạng Nguyên và làm quan trong triều vào cuối đời Trần. Năm 1386, làm Hàn Lâm Phụng Chỉ, sau đó được thăng An Phủ Sứ, chức Thái Bảo Tước Quận Công. Từng đi sứ sang triều Minh. Hồ Tông Thốc là con người bản lãnh, luôn luôn tự tin vào tài năng của mình và của dân tộc mình nữa. Trong bài thơ Thị ý 示意 (Tỏ ý) có hai câu thể hiện bản lĩnh nầy của nhà thơ:

                     Hàn mặc tranh vi, Vương Bột hậu,     寒墨爭為王勃後,  
                     Văn chương thùy thí, Giả Sinh tiền.   文章誰試賈生前。
Có nghĩa :
               Tài bút mực quyết không chịu đi sau Vương Bột, Nghiệp văn chương ai biết ta còn đứng trước Giả Sinh. Giả Sinh là Giả Nghị, một nhân tài đời Tây Hán.
       Có thể vì thế mà mới có giai thoại về việc sửa thơ của Vương Bột chăng ?!
         
       Dù sao thì chuyện sửa thơ Vương Bột chỉ là truyền thuyết của người Việt Nam ta, có lẽ muốn hạ bớt cái hào quang qúa lớn của Tứ Kiệt ở buổi Sơ Đường, đồng thời cũng muốn chứng tỏ là ta cũng có nhân tài về văn học, biết nhận xét hay dở chớ không chỉ biết mù quáng mà ca ngợi suông theo thói thường tình.

       Thật ra thì như phần trên đã nhận xét, bỏ 2 chữ DỮ và CỘNG ra thì âm hưởng nhạc điệu của câu văn trở nên cụt ngủn, mặc dù ý tứ lời văn có gọn ghẽ hơn. Người Hoa không biết đến truyền thuyết về giai thoại nầy, họ chỉ biết hai câu tả cảnh mùa thu bất hũ nêu trên của Vương Bột cũng không phải là do Vương hoàn toàn nghĩ ra, mà đã mượn lời và ý trong bài "Tam Nguyệt Tam Nhật Hoa Lâm Viên Mã Xạ Phú 三月三日華林園馬射賦" của Dữu Tín 庾信 người đời Bắc Chu 北周. Trong bài phú của Dữu Tín có hai câu tả cảnh du xuân như sau :

                   落花與芝蓋同飛,  Lạc hoa dữ chi cái đồng phi,
                   楊柳共春旗一色.   Dương liễu cộng xuân kỳ nhất sắc.
Có nghĩa :
            Hoa rụng cùng bay phất phới với rèm xe,
            Hàng dương liễu cùng cờ xuân xanh xanh một màu.

      Hai câu tả cảnh mùa xuân nêu trên, tuy hay nhưng ít người biết tới, vì chưa thật xuất sắc, kịp đến khi Vương Bột vận dụng hai câu trên để tả cảnh mùa thu trong bài Đằng Vương Các Tự thì mới trở thành bất hũ và lưu danh thiên cổ ! Hễ nhắc đến Vương Bột là người ta nghĩ ngay đến bài phú Đằng Vương Các Tự, và hễ nhắc tới Đằng Vương Các Tự thì người ta cũng nghĩ ngay đến hai câu tả cảnh mùa thu bất hũ nầy :                    
                      
                      Lạc hà dữ cô vụ tề phi,                       落霞與孤鶩齊飛,
                       Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.  秋水共長天一色.

Có nghĩa :
                  Ráng chiều cò trắng cùng bay, 
             Long lanh thu thủy nước mây một màu. 

                  Inline image  Inline image
                                                                                                 Đỗ Chiêu Đức

Xem :Điển Tích Văn Học 22 : GÁC ĐẰNG (Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi )

 :Phiếm luận GIÓ là PHONG - Đỗ Chiêu Đức

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...