Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

CON CUỐC GỌI HÈ - Điển Tích Văn Học 21` :- Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi


                                     
                                       Ai xui con cuốc gọi vào hè,
                                      Cái nóng nung người nóng nóng ghê

        Con Cuốc, ta còn  gọi là Con Chim Quấc, đồng âm với chữ Quốc là Nước; tên chữ Nho là Chim Đỗ Quyên với thành ngữ Đỗ Quyên Đề Huyết như sau :  
        ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT 杜鵑啼血: là Chim Đỗ Quyên kêu đến mửa máu miệng ra vì nhớ nước thương dân. Chim Đỗ Quyên còn có tên là Đỗ Vũ, Tử Quy, Tử Quyên, giới bình dân Miền Bắc gọi là Con Quốc, Miền Nam gọi là con Cuốc. Đỗ Quyên kêu suốt ngày đêm từ đầu xuân cho đến cuối hạ, sang thu thì tắt tiếng. Tiếng cuốc kêu đều đều trầm buồn gợi nhiều cảm xúc trong những đêm hè và khi há miệng ra kêu thì da bên trong miệng toàn một màu đỏ, nên mọi người lầm tưởng là chim kêu đến thổ huyết mà chết. Khoảng thời gian chim cuốc kêu lại nhằm lúc có một loại hoa đỏ thắm nở rất đẹp khắp núi đồi, nên dân gian lại truyền tụng rằng : Hoa có màu đỏ thắm là do nhuộm máu của chim Cuốc thổ ra, vì thế mà gọi loài hoa đẹp đó là Hoa Đỗ Quyên. Theo như bài thơ Ngũ Ngôn của Thành Ngạn Hùng 成彦雄 đời Đường như sau :
                   
                   杜鵑花與鳥, Đỗ Quyên hoa dữ điểu,
                   
怨艷两何賒, Oán diễm lưỡng hà xa.
                   
疑是口中血, Nghi thị khẩu trung huyết,
                   
滴成枝上花.  Trích thành chi thượng hoa !


Có nghĩa :  
      *  Đỗ Quyên là tên của hoa và của cả chim,
      *  Một bên là oán hờn, một bên là đẹp rực rỡ, hai bên cũng
          không xa cách là mấy, nên...
      *  Ngờ là máu ở trong miệng ( của con chim ) đã...
      *  Nhỏ xuống nở thành hoa đẹp ở trên cành !

                  Đỗ Quyên chim với hoa,
                          Oán đẹp có nào xa.
                        Ngờ là máu trong miệng,
                        Nhỏ xuống cành nở hoa !  




         Tích ĐỖ QUYÊN ĐỀ HUYẾT  
杜鵑啼血 theo câu truyện về truyền thuyết sau đây :
      Theo sách Sưu Thần Ký thì Đỗ Vũ là tên một vị vua nước Thục ( tỉnh Tứ Xuyên ngày nay ) thời Chiến Quốc, ông có tính hoang dâm vô độ nên dưới thời ông  làm vua chính sự nước Thục không ổn định. Đỗ Vũ nhân nhà Chu suy yếu bèn tự xưng đế hiệu là Vọng Đế (望帝), vì là vua nước Thục, nên còn gọi là Thục Đế. Ông từng thông dâm với phu nhân của vị tướng quốc lúc bấy giờ là Biết Linh (鳖灵), sau chuyện bị lộ, nên Đỗ Vũ thẹn quá bèn nhường ngôi cho vị tướng quốc này, và vì trước đó Biết Linh cũng đã có công trị thủy, cứu nước Thục khỏi cảnh lũ lục thiên tai. Tuy nhiên sau khi nắm trong tay quyền lực thì Biết Linh ngược đãi Đỗ Vũ, cấp lương thực không đầy đủ khiến ông phải hậm hực mà bỏ nước ra đi, sau khi ông chết linh hồn hóa thành một loài chim suốt ngày chỉ kêu "quốc, quốc" (cuốc cuốc). Người ta bảo đấy là Thục Đế nhớ nước nên mới kêu như vậy, và dân gian đặt tên cho giống chim đó là chim Cuốc.
      Trong văn học cổ điển người ta thường dùng tích Thục Đế, Vọng Đế, Đỗ Vũ hoặc Đỗ Quyên để nói lên việc nhớ nhung quê hương đất nước khi phải đi phiêu bạt nơi đất khách quê người. Trong  Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, lúc Kiều đờn cho Kim Trọng nghe khi Kim Kiều tái hợp có câu:

                                   Khúc đâu êm ái xuân tình, 
                            Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?

        ....là lấy điển tích từ vị vua nước Thục này qua câu thơ trong bài thơ Cẩm Sắt 錦瑟 của Lý Thương Ẩn đời Đường là :

                           Thục Đế xuân tâm hóa Đỗ Quyên,    蜀帝春心化杜鵑。


 Trong thơ Nôm "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải cũng nhắc đến Chim Đỗ Vũ kêu vào đầu mùa xuân đến cuối mùa hạ như sau :


                                  Cớ chi mày, hỡi con Đỗ Vũ,
                                  Quyến xuân về lại rủ hè sang.

        Và như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều cũng nhắc đến Chim Đỗ Quyên bằng tên Chim Quyên với Điệu Thương Xuân khi nàng cung nữ thất sủng nghe tiếng cuốc kêu :

                                 Ai ngờ tiếng Quyên kêu ra rả,
                             Điệu Thương Xuân khóc ả sương khuê !       

    
 .....và trong bài Qua Đèo Ngang bà Huyện Thanh Quan cũng đã hạ một đôi Luận để đời là :

                            Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
                            Thương nhà mõi miệng cái gia gia.
......và đến bài Nghe Cuốc Kêu của cụ Nguyễn Khuyến thì tiếng cuốc kêu mới thật sự bâng khuâng, khoắc khoải làm ngơ ngẩn lòng người nhất là những ai đang xa quê hương lưu lạc gởi thân nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay :
                           Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
                           Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ.
                           Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
                           Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
                           Có phải tiếc xuân mà đứng gọi?
                           Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?
                           Ban đêm róng rã kêu ai đó? 
                          Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

                 

            
  Bà Huyện Thanh Quan     
Tam Nguyên Yên Đỗ


        Đỗ Quyên cũng là con chim Quyên đã đi sâu vào ca dao của dân Nam bộ với :

                              Trồng trầu thì phải khai mương,
                          Làm trai hai vợ phải thương cho đồng.
                              Chim Quyên ăn trái nhãn lồng,
                         Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi !

  ... và đã được phổ thành bản nhạc Tân cổ Giao Duyên với lời ca Lý Chim Quyên rặc mùi Nam bộ :

                         Chim Quyên quầy, ăn trái quay... nhãn lồng này 
                         Nhãn lồng, ơi anh bạn mình ơi... 
                         Ơi anh bạn mình ơi...! 


            Inline image Inline image Inline image
                                    Trái nhãn lồng Nam bộ mọc đầy cả đồng cỏ

   

 Trở lại với hai câu thơ mở đầu bài viết nầy là :

                                Ai xui con cuốc gọi vào hè,
                          Cái nóng nung người nóng nóng ghê

     Có người cho hai câu thơ trong bài VÀO HÈ nầy là Thơ Cổ, có người lại ngờ rằng đây là bài thơ của cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, nhưng lại có tài liệu cho rằng, đây là bài thơ của cụ Dương bá Trạc. Toàn bài thơ như sau :

                                      VÀO HÈ 

                           Ai xui con cuốc gọi vào hè,
                           Cái nóng nung người, nóng nóng ghê!
                           Ngõ trước, vườn sau um những cỏ,
                           Vàng phai, thắm nhạt ngán cho huê.
                           Đầu cành kiếm bạn, oanh xao xác,
                           Trong tối đua bay, đóm lập loè.
                           May được nồm nam cơn gió thổi,
                           Đàn ta ta gảy khúc Nam nghe.

Nguồn:
        1. Sách Quốc văn giáo khoa thư (Trần Trọng Kim, Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản, 1935) ghi bài này là thơ cổ, có lẽ thơ thời Nguyễn chứ không phải thời cổ đại.

        2. Thiếu Sử trong bài Ai Là Tác Giả Bài “Vào Hè” đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 740, ngày 1-3-2011, mục Trà Dư Tửu Hậu (tr. 45, 46, 133), thì bài này là của Dương Bá Trạc, in trong tập thơ Nét Mực Tình (NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937). Cũng theo bài viết này thì hai câu 4 và 5 của bài thơ như sau:

                            Hồng rơi thắm rụng tiếc cho huê.
                            Trên cành gọi bạn chim xao xác,

          Phần trên đây trích trong THI VIỆN trên internet để người đọc rộng đường dư luận.


                                                                                         Đỗ Chiêu Đức

Xem :Thành Ngữ Điển Tích 20 THIÊN TẢI NHẤT THÌ:

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...