Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2019

TU LÀ SỬA CHO TỐT


Đối với đạo Phật, TU có nghĩa là sửa, là bỏ, là chừa những thói quen tật xấu; nên Phật dạy lấy nhân quả làm nền tảng trong sự tu hành chuyển hóa từ xấu thành tốt. 
        Khi chúng ta gieo nhân tốt rồi, ta còn phải cố gắng duy trì bền bỉ, bảo vệ dài lâu thì sẽ được kết quả như ý muốn trong tương lai. Nếu chúng ta gieo nhân xấu thì phải đọa vào chỗ khốn cùng, đó là một sự thật.
        Như vậy, người Phật tử chân chính phải biết sáng suốt chọn lựa nhân tốt để gieo, tránh không làm những việc xấu ác. Đó là chúng ta biết TU theo lời Phật dạy. Bước đầu TU theo Phật là qui y Tam Bảo, tức là chúng ta tạo ba chánh nhân thiện lành, tốt đẹp.
        Đó là:
        Nhân thứ nhất là nhân sáng suốt để giúp ta không bị u mê, tối tăm che mờ; do đó không bị đọa vào địa ngục.
        Nhân thứ hai là nhờ có lòng từ bi, thương yêu nhân loại bằng trái tim hiểu biết nên không bao giờ bị đọa vào loài quỉ đói.  
        Nhân thứ ba là nhờ tư duy, quán chiếu, chiêm nghiệm, xem xét, nên ta phát sinh trí tuệ; do đó không bao giờ bị đọa vào loài súc sinh.
       Ba chánh nhân (gọi là Tam Bảo) này như cái đỉnh ba chân giúp ta vững vàng trên đường tu học, không bị phong ba, bão táp làm chướng ngại, nhờ thanh tịnh, sáng suốt, từ bi và trí tuệ mà hay chiếu soi muôn loài vật.
       Muốn không đọa địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh thì ta phải giữ giới không giết người, hại vật, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không lường gạt; và không uống rượu say sưa, không dùng các chất độc hại như là xì ke, ma túy; thì chúng ta tránh khỏi bị người thù hằn, oán giận, tránh khỏi nhân giết hại lẫn nhau, tránh khỏi nhân si mê và tù tội. Giữ được đầy đủ những giới như vậy thì hiện tại chúng ta không bị người thù oán, rình rập, giết hại, không phải bị tù tội vì vi phạm pháp luật, không bị ai phá hoại hạnh phúc gia đình, không bị ai lường gạt, hãm hại và không si mê, tối tăm để làm các việc xấu ác.
      Thế cho nên, chúng ta đến với đạo Phật nếu biết tu thì được hưởng nhân nào quả nấy tốt đẹp, còn không biết tu thì phải chuốc lấy khổ đau. Ai muốn đi tới chỗ tốt, hưởng điều tốt thì phải làm theo những gì Phật dạy.
      Từ nhân đi đến quả chớ không có cái khi không, ngẫu nhiên, và cũng không có ai ban phước, giáng họa cho ta hết mà chính ta là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc. Tất cả quí Phật tử nghĩ kỹ xem, đức Phật dạy ta muốn hưởng quả tốt thì phải gieo nhân tốt, đó là sự thật; nhưng vì chúng ta quá tham lam nên không chịu tu, chỉ muốn xin cho khỏe, có lợi cho mình.
       Vậy trong đời chúng ta có hai tờ giấy khai sinh, khi mới sinh ra là một và bắt đầu quy y làm đệ tử Phật là hai. Cái tên trước là do cha mẹ đặt, cái tên sau hay còn gọi là pháp danh là do quý thầy đặt, nhằm mong muốn cho ta trước tiên phải dứt ác làm lành, tin sâu nhân quả và sau đó tin chính mình là đã giác ngộ Phật.
       Phật là người giác ngộ thì ta theo Phật dạy cũng có khả năng giác ngộ như Phật.
(Tài liệu Đạo Phật ngày nay)
       Như trên đã nói, TU có nghĩa là sửa, là thay đổi từ cái sai trái, lỗi lầm, xấu xa để trở thành cái tốt, tánh tốt hơn hầu dần dần trở nên thiện đức, sáng suốt của một người có đạo, dù là theo đạo nào. Thay đổi là việc quan trọng nhất trong đường tu. Tu mà không sửa là tu mù, không trở thành tốt được cũng giống như người lái xe trên đường không biết đang đi trên đường nào và cũng chẳng biết đi về đâu. Cũng có khi biết đã đi sai đường rồi mà không đi vào con đường đúng, mắt như mù cứ cho xe đi tới thì xe sẽ đưa ta đi đâu? Có sửa cho tốt cho đúng hơn mới là có TU, không sửa không phải tu, sẽ sớm sụp vào hố sâu, vực thẫm. Chỉ đơn giản vậy thôi!
      Trong tôn giáo Cao Đài chữ TU cũng mang ý nghĩa tương tự. TU là sửa cái xấu trở nên cái tốt, cái sai sót trở thành đúng, sửa cái hư trở thành hoàn hão. Thấy sai, biết là xấu mà cứ vẫn không chịu thay đổi thì không gọi là TU. Vào cửa Đạo, đi chùa tụng kinh ngày đêm mà thấy sai không chịu sửa thì người ta gọi là TU MÙ. Nếu tiếp tục thì chỉ uổng phí thời gian vô ích mà thôi.
      Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã giãng dạy rõ ràng chữ TU:
     “Theo phạn ngữ TU gọi là Dyana, người Miên (Tần nhơn) gọi trại lại là Xa-xơ-na, tiếng Pháp hay là tiếng Âu định nghĩa là Se perfectionner hay là Se render parfait. TU là làm cho mình đặng tận thiện tận mỹ. Luật thiên nhiên của Tạo Hóa buộc các Đẳng linh hồn dầu vật loại cũng phải trau mình (TU) đặng đoạt đến nhơn phẩm. Khi được địa vị làm người, còn phải giồi trau để từ từ đi đến cảnh siêu thoát (Phật vị).”
     (Lời giãng của Đức Hộ Pháp tại Đền Thánh, đêm 14 táng 5 Mậu Thân; DL: 6-6-1952)          
      Trong Thánh ngôn Hiệp tuyển, Đức CHÍ TÔN cũng đã dạy:
     “TU là chi? TU là trau giồi đức tánh cho nên hiền, thuận theo ý Trời đã định trước. Thầy nói cho các con biết: Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không TU, cũng khó trở lại địa vị đặng.”
      Như vậy, TU là sửa mình từ hình thức tới nội dung, cho mỗi ngày thêm tốt đẹp, thiện lương, chơn chánh, sửa đổi như thế từ kiếp này cho đến kiếp khác, khi đạt đến chỗ tận thiện tận mỹ mới gọi hoàn toàn. TU đi liền với SỬA. Thấy điều gì sai với trước kia thì nay phải sửa lại cho đúng chứ không thể ngoan cố nói “trước sao thì sau để vậy!”,  thì suốt đời sẽ chìm đắm trong sai phạm, u tối, đam mê không thể trổi lên cao mà đạt Đạo được. Năm năm, mười năm hay nhiều hơn nữa theo Đạo, giữ phẩm Chức sắc, Chức việc mà không chịu sửa đổi cứ giữ y như trước nay thi nghĩ xem có lợi ích gì.
          Nếu như thế thì không thể gọi là TU.
          Thi văn có câu:
                                  “Lao khổ Tu đi một kiếp nầy,
                                Tu là sửa đổi dỡ ra hay.
                                   Tu là bồi bổ nền âm chất,
                                   Tu rạng thanh danh mối Đạo Thầy.”
                                                          (Thánh giáo Sưu tập)

Hồ Xưa sưu tầm và bố cục lại______

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...