Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

Thách thức về nguồn nước sạch ở các quốc gia (Vnexpress)

Việt Nam có những nỗ lực trong nhiều năm qua để cải thiện tình trạng nước sạch vốn là vấn đề mang tính toàn cầu. 

Nước và vệ sinh là một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ mà Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng, bởi lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội. Năm 2011, chỉ có 37% dân số nông thôn sử dụng nước sạch - tức đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Y tế quy định và cần nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng các mục tiêu cấp nước nông thôn cho năm 2020.
Nhiều báo cáo lưu ý, tại một số vùng, tài nguyên nước bị ảnh hưởng bởi nhiễm mặn và ô nhiễm hóa học, trong khi cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt và lũ lụt. Vào mùa khô, mực nước ngầm giảm và chất ô nhiễm tăng.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, hiện có 1,8 tỷ người trên thế giới sử dụng nguồn nước uống có chứa vi khuẩn gây ra các bệnh như tiêu chảy, kiết lị, thương hàn... Điều đó cũng khiến cho 842.000 người chết mỗi năm do ảnh hưởng của các căn bệnh này. Nước bẩn và điều kiện vệ sinh kém có thể dẫn đến những căn bệnh nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. WHO cho biết, bệnh truyền nhiễm do tình trạng thiếu nước và môi trường sống mất vệ sinh khiến nhiều trẻ sơ sinh tử vong.
Theo báo cáo "Nước uống, vệ sinh và vệ sinh trong trường học" của UNICEF và WHO năm 2018 thực hiện tại trên 92 quốc gia (không có Việt Nam), trên toàn cầu có 69% trường học có dịch vụ nước uống cơ bản. Nhìn chung, gần 600 triệu trẻ em thiếu dịch vụ nước uống cơ bản tại trường. Chưa đến một nửa số trường học ở châu Đại Dương và hai phần ba trường học ở Trung và Nam Á có dịch vụ nước uống cơ bản.
Các dịch vụ nước uống cơ bản là nước từ nguồn được cải thiện, tức nước đường ống, lỗ khoan hoặc ống dẫn nước, giếng đào được bảo vệ, suối được bảo vệ, nước đóng gói hoặc giao và nước có sẵn tại trường tại thời điểm khảo sát.
Ở Việt Nam, hiện chưa có thống kê cụ thể về tình trạng nước uống cho học sinh tại từng cơ sở giáo dục trên khắp cả nước.
Nhiều năm qua, các tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới nỗ lực cải thiện nguồn nước sạch. Ảnh: UNICEF Viet Nam\Truong Viet Hung.
Nhiều năm qua, các tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới nỗ lực cải thiện nguồn nước sạch. Ảnh: UNICEF Viet Nam\Truong Viet Hung.
Kết quả khảo sát từ Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 2015 cho thấy 98% dân số tại Việt Nam đã được sử dụng nước "cải thiện", tương ứng 99% và 97% cho dân số thành thị và nông thôn. Điều đó có nghĩa là khoảng 2 triệu người thiếu tiếp cận với nước "được cải thiện".
Báo cáo của UNICEF và WHO công bố năm 2012 cho thấy Việt Nam đã có những bước tiến lớn về việc tăng khả năng tiếp cận cung cấp nước và vệ sinh. Năm 1990, tỷ lệ được tiếp cận các cơ sở vật chất tiên tiến ở mức 88%, con số này năm 2011 là 99%. Tuy nhiên, có sự chênh lệch đáng kể giữa số lượng cũng như chất lượng dịch vụ giữa các thành phố lớn và các trung tâm đô thị nhỏ hơn.
Ở khu vực nông thôn, khả năng tiếp cận nguồn nước được cải thiện đã tăng từ 50% vào năm 1990 lên 94% vào năm 2011. Các loại nguồn cải tiến phổ biến nhất được sử dụng là lỗ khoan hoặc giếng ống, giếng được bảo vệ và thu gom nước mưa, mỗi loại chiếm khoảng một phần tư các cơ sở cải tiến.
Mức độ xử lý nước thải thấp ở cả khu vực thành thị và nông thôn là một thách thức. Hầu hết các hộ gia đình ở khu vực thành thị phụ thuộc vào các dịch vụ tại chỗ bao gồm bể tự hoại hoặc hố ngâm, với dòng chảy tràn vào đường thủy hoặc cống.
Theo bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), hoạt động bảo vệ nước sạch không phải bắt đầu từ các con số hay dữ liệu mà cần phải nâng cao nhận thức của người dân về nước sạch, giúp cộng đồng hiểu được tại sao phải bảo vệ nước sạch.
"Giữ nước sạch không khó, nhưng làm ô nhiễm nước cũng rất dễ. Chỉ một hành động nhỏ như vứt rác bừa bãi là đã tiếp tay gây ô nhiễm môi trường sống. Nước có vai trò sống còn trong cuộc sống của con người và mọi sinh vật trên hành tinh. Bởi vậy, bảo vệ nguồn nước sạch là trách nhiệm của tất cả mọi người", bà Lý từng chia sẻ trên báo Nhân dân
Những thách thức này không chỉ có ở Việt Nam mà ảnh hưởng đến phần lớn khu vực Nam và Đông Nam Á.
Trương Sanh




1 nhận xét:

  1. Phải có các biện pháp để tiết kiệm nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt

    Trả lờiXóa

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...