Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Thành Ngữ Điển Tích 23 : GIÓ


                                      Inline image                                                               
                                                          Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
                                                     Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
                                                                 Chinh Phụ ngâm khúc
                                                              
     Gió Bụi chữ Nho là PHONG TRẦN 風塵. Hai câu thơ mở đầu cho Chinh Phụ Ngâm Khúc của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã thoát dịch rất hay 2 câu trong nguyên tác của Đặng Trần Côn là :

                    天地風塵,   Thiên địa phong trần,
                    紅顏多屯.   Hồng nhan đa truân.

     Nên GIÓ là PHONG và PHONG là GIÓ. Trong văn chương ta thấy có rất nhiều Gió, rất nhiều Phong trong các câu thơ của nền văn học cổ, ngay cả Tản Đà là một nhà thơ cận đại cũng viết về gió rất hay :

                   Cát đâu ai bốc tung trời? 
                   Sóng sông ai vỗ? Cây đồi ai rung? 
                   Phải rằng Dì Gió hay không? 
                   Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai?

     DÌ GIÓ là Bà dì làm ra gió ! là PHONG DI 風姨, có xuất xứ như sau : Phong di thị cổ đại Hán tộc thần thoại truyền thuyết trung ty phong chi thần. "Bắc đường thư sao" quyển nhất tứ tứ dẫn "Thái Công kim quỹ" : " Phong Bá danh Di. Thử " Phong Di" chi sở bổn.風姨是古代漢族神話傳說中司風之神。《北堂書鈔》卷一四四引《太公金匱》:“ 風伯名姨 。”此“風姨”之所本。Có nghĩa :
     " Phong Di " là thần cai quản về gió theo truyền thuyết của dân tộc Hán xưa. Theo Bắc Đường Thư Sao quyển 144 đoạn Thái Công Kim Qũy có câu : " Cái bác Thần gió có tên là Di, đó là lý do chính gọi Thần gió là PHONG DI 風姨, là Dì Gió ". 
     DI 姨 là Dì, chị em của mẹ. Ông thần gió là giống đực, nhưng lại tên là Dì, cho nên mới gọi là Dì Gió, và trong văn chương cổ các văn nhân thi sĩ cũng thích gọi là Dì Gió cho có vẻ yểu điệu thục nữ, dịu dàng êm ái ấm áp như những cơn gió mùa xuân, mát mẻ như các làn gió hạ, nhưng lại se sắt như những trận gió thu và lạnh lẽo buốt giá tận xương tuỷ như các trận gió bấc lúc đông về. Kịp đến khi nổi tam bành thì DÌ GIÓ sẽ thổi sập nhà của, xô ngã cây cối và nhấn chìm thuyền bè một cách không thương tiếc. Trong Liêu Trai Chí Dị, Bồ Tùng Linh cũng có một thiên truyện Giáng Phi 绛妃 (Hoa Thần 花神) nói về Dì Gió và các loài hoa.
      
                     Inline image  Inline image Inline image
                                Giáng Phi                  Phong Di           và         Hoa Thần
      Gió trong văn học cổ Việt Nam ta theo thứ tự A B C như sau :

    * GIÓ BẰNG : là Gió của chim bằng gây ra khi cất cánh bay cao, chỉ công danh lên cao vút như cánh chim bằng, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                      Gió Bằng chín vạn bay khơi,
                 Bất bình dẫu việc tày trời cũng xong !

  * GIÓ BỤI : là hai câu thơ mở đầu cho Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đoàn Thị Điểm :

                    Thuở trời đất nổi cơn Gió Bụi,
                 Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.

    * GIÓ ĐẰNG : Trong truyện Quan Âm Thị Kính dùng để chỉ sự may mắn của duyên lành khi được gió thần đưa đẩy (Xem lại điển tích Gác Đằng) :

                     Gió Đằng kể khéo đưa duyên,
                Chàng Lưu dung dủi đến miền Thiên Thai.

    * GIÓ ĐÔNG : Xem lại điển tích Hoa Đào Năm Trước về bài thơ Đề Tích Sở Kiến Xứ 題昔所見處 (Đề Đô Thành Nam Trang 題都城南莊) của Thôi Hộ đời Đường với 2 câu : Nhân diện bất tri hà xứ khứ, Đào hoa y cựu tiếu đông phong 人面不知何處去,桃花依舊笑東風 mà cụ Nguyễn Du đã mượn ý để tả lúc Kim Trọng trở lại Vườn Thúy tìm Thúy Kiều khi nàng đã bán mình chuộc cha :

                    Trước sau nào thấy mặt người,
                 Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.

      Gió Đông còn là gió mà Chu Du đã nhờ Khổng Minh mượn để đốt tiêu hơn tám mươi vạn quân Tào Tháo trên sông Xích Bích, mà nhà thơ Đỗ Mục đã diễn lại bằng 2 câu thơ bất hũ : Đông Phong bất dữ Chu lang tiện, Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều 東風不與周郎便,銅雀春深鎖二喬. Có nghĩa : " Gió Đông chẳng giúp chàng Chu, Thì đền Đồng Tước ngàn thu khóa Kiều ! ". Trong Truyện Nôm Tây Sương của ta cũng mượn ý nầy :
                    Rằng ơn giúp sức Gió Đông, 
                Vườn sâu biết có đẹp lòng hoa chưa ?

    * GIÓ HUÂN : là gió mát mẻ từ hướng Nam thổi đến.  Trong Khổng Tử Gia Ngữ, có dẫn bài ca của Đế Thuấn là : "Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 南風之薰兮,可以解吾民之愠兮..." Có nghĩa : Cái mát mẻ ấm áp của gió Nam, có thể giải tỏa được nỗi lòng u uẩn ẩn ức của dân Nam ta! Và... với thâm Ý nầy, ông Phạm Qùynh đã lập ra Nam Phong Tạp Chí với Ý đồ mở mang dân trí và xoa dịu lòng dân để ẩn nhẫn đợi thời ! Gió Huân thường dùng để chỉ cảnh thái bình thịnh vượng, như trong tác phẩm "Bát Giáp Thưởng Đào Văn" của Lê Đức Mao (1462-1529),  danh sĩ thời Lê sơ trong lịch sử Việt Nam ta có câu :

                    Mừng xuân, xuân yến, xuân ca,
                 Bốn dân mưa huệ, trăm nhà Gió Huân !
                 
                 Inline image  Inline image
                        Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uẩn hề. 

    * GIÓ KIM : là KIM PHONG, theo âm dương ngũ hành thì Tây phương Canh Tân thuộc KIM, nên Kim Phong là GIÓ VÀNG, và vì từ hướng tây thổi đến, nên còn gọi là GIÓ TÂY... và tất cả những loại gió nầy đều thổi vào mùa Thu nên còn gọi là GIÓ THU, là THU PHONG. Theo các câu trong văn học cổ được tìm thấy như sau :
         - Trong Tứ Thời Khúc Vịnh của Hoàng Sĩ Khải :

                          Gió Kim thổi lọt ngỡ dùi,
                   Ngày sâu tựa bể, tháng dài tựa năm !

         - Mở đầu cho Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều :

                       Trải vách quế Gió Vàng hiu hắt,
                       Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng !

         - Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc củ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm :

                       Gió Tây thổi, không đường hồng tiện,
                       Xót cõi ngoài, tuyết quyến mưa sa !

         - Bài thơ "Gió Thu" của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu :

                       Trận gió thu phong rụng lá vàng
                       Lá rơi hàng xóm, lá bay sang
                       Vàng bay mấy lá năm già nửa
                       Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng!

                       Trận gió thu phong rụng lá hồng
                       Lá bay tường bắc, lá sang đông
                       Hồng bay mấy lá năm hồ hết
                       Thơ thẩn kìa ai vẫn đứng không!

    * GIÓ LIỄU TRĂNG ĐỒNG : Là gió lướt qua cành liễu, trăng chiếu trên cành cây ngô đồng. Lấy ý từ bài thơ "Nguyệt đáo ngô đồng thượng ngâm" của Thiệu Ung đời Bắc Tống với hai câu : Nguyệt đáo ngô đồng thượng, Phong lai dương liễu biên 月到梧桐上,風来楊柳邊。Có nghĩa : Trăng chiếu cành ngô đồng, Gió thổi nhành dương liễu. Trong văn học cổ của ta thường vận dụng để tả cảnh đêm thu, như trong truyện Bích Câu kỳ Ngộ :
                     Lần thâu Gió Liễu Trăng Đồng,
                 Xương phàm như chắp cánh bông nhẹ nhàng !

              Inline image  Inline image
                  Nguyệt đáo ngô đồng thượng            Phong Vân Tế Hội 風雲際會  

    * GIÓ MÂY : là PHONG VÂN 風雲 gồm có hai nghĩa :

        1- Gió Mây là Gió cuốn mây bay chỉ chuyện đời biến đổi khôn lường trước được, như trong Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện :

                     Đỡ lời Hương lại thưa rằng:
                  Gió Mây khôn xiết nói năng sự đời.

       2- Gió Mây là Phong Vân Tế Hội 風雲際會, chỉ sự gặp gỡ may mắn hiếm có bay cao như gió cuốn mây trôi. Cũng trong truyện Hoa Tiên trên :

                     Gió Mây hãy gắng chí hồng,
                 Trông mong cho bỏ tấm lòng bấy nay.

    * GIÓ NHÂN : là Nhân Phong 仁風, là Gió của nhân nghĩa, nhân từ. Theo Tấn Thư : Khi Viên Hoằng đi làm Thái thú quận Đông dương, Thái phó là Tạ An muốn thử tài ứng biến của ông ta, nên chỉ tặng cho một cây quạt lông. Viên Hoằng nhận quạt tạ rằng : " Tôi sẽ cố gắng dùng chiếc quạt nầy để mang đến cho bá tánh nơi đó một luồn gió nhân từ dễ chịu." Nên GIÓ NHÂN là chỉ chính sách cai trị tốt của quan lại đối với dân đen, như trong truyện Nôm khuyết danh : Phương Hoa Lưu Nữ Tướng :

                      Gió Nhân vỗ khắp đâu đâu,
                 Mấy nơi núi thẳm hang sâu rưới nhuần.

      Cuối cùng, ta trở lại với ...

    * GIÓ THẦN ĐƯA GÁC : là được gió của thần linh đưa đến Gác Đằng Vương như Vương Bột thuở xưa. Dịp may đưa đến, chỉ qua một đêm mà nổi tiếng. Ta đọc lại câu Gió Thần Đưa Gác trong bài Văn Tế Nguyễn Thị Tồn của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa viết khi tế vợ mình :

             Ở theo thời, làm theo thế, qua khỏi tuần sấm đất tan bia,
             Bay kịp chúng, nhảy kịp người, mới đặng hưởng Gió Thần Đưa Gác.


      Mời xem tiếp bài sau với các điển tích về PHONG ! 


                                                                                              Đỗ Chiêu Đức

Xem thêm :Điển Tích Văn Học 22 : GÁC ĐẰNG (Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi )

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...