Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2019

Bí ẩn những vụ giết người tàn bạo 2.000 năm trước

Adam H Graham -  BBC Travel


  Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Bảo tàng Moesgaard là một trong những bảo tàng đặc sắc nhất về Thời đại Đồ sắt ở châu Âu

Khi chuyến tàu chạy từ Hamburg (Đức) đến Đan Mạch xình xịch lướt qua những cánh đồng xanh mướt và những khu rừng lấp loáng ánh nắng mặt trời, chúng tôi đi qua những đầm lầy liễu rủ với những rong rêu xanh ngắt và những đám bèo tấm chen chúc nhau trên mặt nước.
Thậm chí từ trên con tàu đang chạy, tôi đã có thể cảm thấy đó là những nơi tối tăm và nhẹ nhàng, bình an với những hố nước như cái ao nhỏ nơi người tình yểu mệnh Ophelia của Hamlet chết đuối trong vở kịch Hamlet ở gần vùng Elsinore.
Con tàu đang đưa tôi tiến vào xứ sở của những xác ướp đầm lầy.
Xác ướp đầm lầy là những thi thể người 2.000 năm tuổi được tìm thấy trong đầm lầy, bãi bùn và đồng hoang khắp miền Bắc Âu, từ Ireland đến Ba Lan.
Rất nhiều nhà khảo cổ hiện đại tin rằng những người ở Thời đại Đồ sắt đó là nạn nhân bị hiến tế. Họ có thể đã bị giết và sau đó được cẩn thận đưa xuống đầm lầy như một nghi thức dâng lễ đến các vị thần. Một số người khác lại đặt nghi vấn những thi thể đó là tội phạm, người nhập cư hoặc những người tình cờ ghé chân.
Đan Mạch là một trong những nơi có số xác ướp đầm lầy tập trung nhiều nhất. Rất nhiều trong số đó được bảo tồn nguyên vẹn qua hàng thế kỷ như được ngâm ướp, nhờ vào các axit tiết ra từ loại rong thuỷ đài, loại sinh vật phổ biến ở các vùng đầm lầy.
Hầu hết các xác ướp được những người thu nhặt than bùn tìm ra trong khoảng thời gian từ năm 1800-1960 khi Đan Mạch vẫn còn sử dụng than bùn làm chất đốt.
Kỹ thuật pháp y và khám nghiệm tử thi hiện đại đã tiết lộ hầu hết các xác chết, cả đàn ông lẫn phụ nữ, đều chịu tác động bạo lực dữ dội, một số thi thể có thòng lọng xiết cổ và một số khác bị cắt cổ tàn bạo.
Bởi chúng ta không biết gì nhiều về Thời kỳ Đồ sắt ở Đan Mạch, là thời còn chưa có ngôn ngữ viết ở nơi này, và bởi cũng không còn mấy tài liệu ghi chép thời La Mã hay Hy Lạp còn sót lại, nên chúng ta chỉ có thể phỏng đoán xem họ là ai và vì sao họ bị giết hại.
Tuy nhiên, vì đa số người chết ở Thời đại Đồ sắt đều bị hoả thiêu, chúng ta không biết được liệu linh hồn những thi thể này có kết cục khác ra sao với những người cùng thời khác.
Tôi muốn đến thăm những xác ướp đầm lầy này để có thể hiểu kỹ hơn về thế giới bí ẩn nơi họ từng sống.
Xác ướp nữ nơi đáy đầm lầy
Điểm đến đầu tiên của tôi là Vejle, một thành phố nhỏ với 100.000 dân ở đông nam Jutland, 240km về phía tây thành phố Copenhagen. Vùng đồi núi nhấp nhô tuyệt đẹp này rất khác biệt so với một Đan Mạch vốn thường có địa hình bằng phẳng.
Những con đường ngoằn ngoèo vòng quanh các trang trại chạy lên phía trên đồi và thung lũng lạnh lẽo nhấp nhô, qua những hồ băng và đầm lầy rậm rạp cây, bên cạnh những đoá phong lan hồng và những đám cỏ đuôi mèo màu nâu cứng cáp.
Tôi đến đây để gặp Mads Ravn, nhà khảo cổ học đứng đầu Bảo tàng Vejle, người trông nom một bộ sưu tập hiện vật hấp dẫn bao gồm những đồng tiền cổ thời La Mã, những thanh kiếm có chạm khắc và những huy hiệu hình dấu thập ngoặc (một biểu tượng cổ xưa tồn tại từ trước khi bị Phát xít Đức lấy làm biểu tượng riêng) thu nhặt được từ các đầm lầy và được cho là các vật hiến tế phát thệ, có thể là để dâng lên các vị thần Thời đại Đồ sắt.
Trong căn phòng tối phía sau viện bảo tàng, tôi đã nghe những âm thanh tăm tối từ chiếc tù và sừng hươu, kết nối với giàn loa hiện đại, thứ âm thanh u buồn thường được dùng để gợi nhắc Thời kỳ Đồ sắt ở Đan Mạch.
Tôi chú tâm đến âm thanh và bước vào. Trong bóng tối, một thi thể gầy guộc với làn da khô cứng của Người Đàn bà Haraldskær hiện ra trong chiếc quan tài đá gắn kính trong suốt, trên gương mặt tái nhợt của bà thể hiện thái độ sốc nặng.
Bà không phải là một xác ướp đầm lầy ra đi trong yên nghỉ như tôi từng thấy trong sách. Cảm giác thật lạ lùng và tôi thấy mình như đang xâm phạm vào sự riêng tư của bà.
"Khi thi thể bà ấy được phát hiện bởi những người đào than bùn năm 1835, bà ấy được cho là Nữ hoàng Gunhildd của cướp biển Bắc Âu, Viking, người mà theo Sử thi Jomsvikinga là đã bị dìm đến chết đuối bởi chính chồng bà là Harald Bluetooth," Ravn kể lại, tay gại gại bộ râu và nhìn xác chết với vẻ bối rối.
"Nhưng điều đó không đúng, bởi khi tiến hành xét nghiệm bằng carbon phóng xạ thì chúng ta biết rằng thi thể bà đã khoảng 2.200 tuổi."
Người Đàn bà Haraldskær được tìm thấy trong tình trạng loã thể bên cạnh áo choàng của bà và bị nhấn chìm xuống đầm lầy bởi các cành cây, có lẽ là sau khi bà chết.
Các vết hằn trên cổ cho thấy bà bị xiết cổ chết. Các phân tích pháp y sau đó cho thấy những thức ăn có trong bao tử vào thời điểm bà chết gồm có hạt kê và quả phúc bồn tử, một bữa ăn cuối cùng kỳ lạ so với cộng đồng người ăn thịt thời đó.
"Giờ đây chúng tôi đang làm phân tích đồng vị với tóc của bà và sử dụng kỹ thuật DNA mới có thể tách DNA từ tai trong. Chúng tôi hy vọng có thể có kết quả sớm để hiểu thêm về bà ấy."
Ravn và tôi lái xe 10km về phía tây, đến khu đầm lầy không còn dấu vết Haraldskær (đầm lầy của Harald), nơi thi thể Người Đàn bà Haraldskær được phát hiện.
Nơi này giống hệt những đầm lầy tôi nhìn thấy trên tàu, đầy bèo tấm xanh ngắt phủ trên mặt và bao quanh là những rặng cây dày đặc, với những loại nấm tím mọc quanh và những quả mâm xôi đỏ tươi óng ánh màu sắc trong ánh mặt trời.
Có điều gì đó hư ảo và như thể từ một thế giới khác đang hiện diện ở đầm lầy này, và thật dễ nhận ra vì sao nơi này từng được chọn làm chốn hiến tế - và tại sao những nơi này vẫn còn đầy hấp lực không thể cưỡng lại cho đến ngày nay.
Cái chết bình an hay tàn bạo?
Điểm dừng kế tiếp của tôi là Aarhus, thành phố lớn thứ hai của Đan Mạch. Tôi đến để thăm Bảo tàng Moesgaard hoành tráng, nơi có bộ sưu tập trưng bày đầy đủ nhất về Thời kỳ Đồ sắt ở Châu Âu.
Hiện vật hấp dẫn nhất ở đây là Người Đàn ông Grauballe. Xác ướp này được phát hiện năm 1952, là một xác ướp đầm lầy được bảo quản hoàn hảo trong tự nhiên, có tư thế nằm thư giãn như đang tập yoga, với bàn chân và làn da gần như còn nguyên vẹn, gương mặt thanh nhã với đường nét sắc sảo và cái mũi hếch.
"Giống như hầu hết các xác ướp đầm lầy, tóc và da của ông chuyển thành màu đỏ vì một phản ứng hoá học gọi là phản ứng Maillard [phản ứng tạo màu nâu]," Pauline Asingh, nhà khảo cổ và là giám đốc Bảo tàng giải thích. "Ông ấy thật sự là một người rất đẹp," bà nói.
Nhưng tư thế bình yên trên gương mặt Người Đàn ông Grauballe hoàn toàn trái ngược với cái chết dữ dội của xác ướp này.
"Ông bị ép quỳ xuống và cổ họng bị cắt từ tai này qua tai kia bởi một ai đó đứng phía sau. Thi thể của ông đã được đưa xuống đầm lầy bảo quản một cách kỹ lưỡng," Asingh mô tả. "Nghe có vẻ đầy bạo lực và tàn bạo với chúng ta, nhưng hiến tế là một phần quan trọng của đời sống văn hoá thời đó."
Bà Asingh hướng dẫn tôi đến một phần trưng bày khác, về những xác ướp các chú chó dưới đầm lầy.
Năm 2015, 13 xác ướp của các chú chó bị hiến tế từ khoảng năm 250 sau Công nguyên được phát hiện tại đầm lầy Skødstrup gần Aarhus, cho thấy các nghi lễ hiến tế không chỉ giới hạn với con người.
Trong thực tế, cuộc trưng bày còn có một loạt hoạt hình ngắn đầy biểu cảm thể hiện tinh thần tín ngưỡng đằng sau những cuộc hiến tế đầy bạo lực.
Trong một đoạn clip ngắn, một cô gái buộc vòng hoa quanh cổ chú chó trước khi con chó bị giết.
Chuyến đi đến Moesgaard nhắc nhở tôi rằng mặc dù tóm tắt quá khứ có vẻ hấp dẫn, nhưng vẫn còn những con người, chứ không phải đơn thuần là hiện vật, đều có câu chuyện đời phức tạp của riêng họ.
Nguyên vẹn như người sống
Điểm đến cuối cùng của tôi là một thị trấn nhỏ tên Silkeborg, 44km về phía tây Aarhus. Nơi đây toạ lạc Bảo tàng Silkeborg có màu sơn vàng nhạt như bơ, với một trưng bày nhỏ nhưng đầy hấp dẫn về xác ướp đầm lầy và đây cũng là nơi có các mẫu vật được bảo quản tốt nhất trên thế giới.
Xác ướp Người Đàn ông Tollund, khoảng 2.400 tuổi, còn nguyên vẹn và ấn tượng đến mức khi thi thể của ông được phát hiện khoảng thập niên 1950, nhà chức trách từng nghĩ đó hẳn phải là thi thể của một cậu bé bị mất tích.
Giống như những xác ướp đầm lầy khác, ông bị treo cổ; vết thòng lọng rối rắm giết chết ông vẫn còn quanh cổ nhưng chiếc mũi dài và trán phẳng của ông vẫn còn nguyên vẹn, đôi môi hơi cong trong một nụ cười nửa miệng.
Ở phòng trưng bày bên cạnh là xác Người Đàn bà Elling, được tìm ra ở vị trí cách Người Đàn ông Tollund chỉ 40m và được cho là có thể bà chết khoảng cùng thời gian với ông.
Bà được cho là cũng bị treo cổ, và được ưu ái với mái tóc tuyệt đẹp, một bím tóc đỏ dài 90cm được thắt đẹp trau chuốt.
Ole Nielsen, nhà khảo cổ học tại bảo tàng đã chở tôi đến Bjældskovdal, một đầm lầy rộng lớn trải dài cách đó 15km, nơi hai thi thể được tìm thấy.
Từ khi tìm ra xác ướp, nơi này đã được bảo tồn như một công viên tự nhiên với những đường đi bộ bằng ván gỗ và những tuyến đường có cắm biển chỉ báo.
Trong chuyến đi bộ ngắn của chúng tôi, làn sương mù nhẹ nhàng mờ ảo hiện ra trên đầm lầy như một mặt hồ, và chúng tôi thấy những chú chim diệc xanh lớn, những con vịt trời, hoa tím và tất nhiên là tất nhiên là cả rong thuỷ đài như bọt biển.
Khi chúng tôi dừng chân để quan sát đầm lầy, tôi tự hỏi liệu dưới đáy sâu âm u này còn ẩn giấu những bí mật gì khác.
Đầm lầy trôi chậm chạp và đầy vẻ đói khát, sẵn sàng nuốt chửng và lưu giữ bất cứ gì chìm xuống đáy trong hàng thiên niên kỷ, nhắc nhở về sức mạnh bất tận và vĩ đại của nơi này.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

2 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...