Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2019

PHIÊN TÒA

Truyện Vũ Thành Sơn (Tạp Chí DA MÀU )
 Họ ở trước mặt tôi. Hẳn nhiên là như vậy. Họ có mười người, năm mươi hay năm trăm người, tôi không biết nhưng nhất định phải hơn một người. Tôi đã cảm nhận được điều đó qua sức nóng hừng hực của bầu không khí chung quanh bằng cảm xúc của mình ngay khi được tên lính canh dẫn ra quảng trường này. Bóng tối ở đây cũng dày đặc như những lần tôi bị lấy khẩu cung trong căn phòng nhỏ nóng bức, nhung nhúc chuột, dán.
Hôm nay tôi được dẫn theo một lối đi khác với lối đi mọi ngày. Nó dường như dài hơn, quanh co hơn. Có đoạn tôi cảm tưởng như đi qua một trại nuôi súc vật, một con đường gập ghềnh nhiều dốc rồi đến một bãi đất trống thường làm nơi họp chợ, một công viên nhiều hương thơm hoa trái trong tiếng nước chảy róc rách của một bồn nước. Tôi chưa từng đặt chân đến con đường này bao giờ mặc dù thành bang này không hề to lớn. Họ đưa tôi đi đâu? Phóng thích hay hành quyết? Tôi chẳng hề nghĩ nhiều đến việc này trong suốt thời gian bị giam cầm, nhưng bây giờ đối mặt với tình huống khác thường, câu hỏi tự dưng lại xuất hiện. Cuối cùng trò chơi cũng phải đi đến hồi kết bằng cách này hay cách khác mà tôi không có quyền lựa chọn. Nhưng tôi có quyền tự do lựa chọn theo ý mình sao? Tôi cười thầm chế diễu ý nghĩ đó của mình. Thực sự ai mới có quyền lựa chọn trong sự vận động vô tình của lịch sử? Lịch sử hay là định mệnh? Cảm giác xao xuyến, hồi hộp bóp khẽ trái tim nhưng tôi biết không thể tìm được chút manh mối gì từ tên lính canh hung tợn đi bên cạnh để làm dịu đi sự lo lắng vô cớ.
Tôi nhớ lại buổi sáng cuối cùng của mình. Tôi từ ngoài vườn vừa trở vô nhà, trong lúc đang còn loay hoay với xấp bài giảng thì bất thình lình đám vệ binh xuất hiện trước cửa. Chúng đứng vây quanh tôi, gươm giáo tuốt trần sáng choang, nét mặt khẩn trương, nghiêm nghị. Một tên, chắc là chỉ huy, không mang giáo và khiên, chỉ đeo gươm ngắn bên hông, mũ đính đuôi chim trĩ đỏ tía, đọc lệnh của hội đồng nguyên lão bắt tôi vì can tội hoạt động truyền bá dị giáo gây nguy hại cho sự thịnh trị của đảo quốc. Lệnh văn được tuyên xưng xong, tôi chỉ có đủ thời giờ vơ theo vội vàng một bộ đồ trước khi bị chúng giải đi.
Hôm ấy hẵng còn khá sớm, nhiều nhà vẫn chưa thức dậy. Một vài người trong xóm thấy đám lính giải tôi đi vội vàng thụt vào trong nhà đưa mắt dõi theo lấm lét. Tôi vừa bước đi vừa ngoái lại nhìn căn nhà, thấy những bông hoa cẩm chướng đong đưa bên cửa sổ như bàn tay vẫy tiễn biệt. Ra đến con đường chính, tôi nói với tên chỉ huy cho tôi được nhìn lần cuối cái xóm tôi ở và ngọn đồi đứng sừng sững bên phải con đường. Mặc cho con mắt dò xét cảnh giác của đám vệ binh tôi chỉnh đốn lại y phục và hướng về ngôi đền trên đỉnh đồi, ngôi đền mà tôi vẫn đến chiêm bái và hành lễ mỗi ngày, cúi đầu cung kính đảnh lễ.
Gió trên quảng trường thổi nhẹ, chỉ vừa đủ mát, hất khẽ vạt áo của tôi. Hít một hơi căng lồng ngực, cảm thấy khoan khoái. Ít ra vào lúc này tôi cũng thoát ra khỏi gian phòng nồng nặc mùi cứt đái, đầy chuột bọ của mình để được hít thở một chút khí trời. Mọi lỗ chân lông và giác quan như được đánh thức, hân hoan mở căng hết cỡ. Tôi ngửi thấy thoang thoảng mùi cỏ dại, có lẽ cỏ mọc đâu đó quanh đây hay là do trí tôi tưởng tượng, bởi dưới chân tôi chỉ là nền đá rắn chắc, lồi lõm. Bây giờ đang là mùa xuân hay đã sang thu? Ngày hay đêm? Ngày hay đêm với tôi từ bao lâu nay chỉ còn là một sự lặp lại bất tận những tiếng chân bước trong hành lang, tiếng mở xịch cửa, tiếng xướng danh, dọa nạt, tra hỏi và dần dần tôi mất hẳn ý thức về sự chuyển dịch của thời gian. Tôi cũng mất đi sự phân biệt nơi chốn. Ở đâu cũng chỉ tuyền một màu đen của bóng đêm. Căn phòng giam tôi hình như cũng được thiết kế với chủ đích như vậy. Bốn bức tường bọc quanh một không gian vuông vức không tiếp xúc với bất cứ cái gì, vừa vỏn vẹn đủ cho một con người xoay xở với nhu cầu ăn uống, vệ sinh cá nhân và ngủ trong tư thế co quắp. Tôi xoạc chân đi ngang, đi dọc rồi đấm tay vào vách nhưng chỉ có tiếng động của nắm đấm vọng lại.
Thời gian đầu mới vào đây tôi nghe ngóng động tĩnh chung quanh xem ngoài tôi ra còn có ai khác bị giam nữa, nhưng dường như chẳng có ai ngoài tôi. Có lẽ đây mới chính là hình phạt thâm độc của họ, cô lập tôi hoàn toàn với thế giới con người bên ngoài để thậm chí đến cả nhu cầu giao tiếp, nói chuyện cũng trở thành một nỗi thèm khát đến ám ảnh kinh hoàng. Rồi từng bước tôi sẽ phải ngã quỵ để trở thành một nhành cây hay hòn sỏi trong dòng chảy vô cảm, vô hồn của cái gọi là cuộc đời.
Điều lạ lùng là chưa bao giờ tôi lại thèm khát hơi ấm của đồng loại như lúc này, thèm khát quay cuồng đến mức ngay cả ý nghĩ nếu như mình có bị theo dõi đi chăng nữa, thì đó cũng là một ân huệ của Thượng Đế dành cho bởi vì ít ra nó còn cho tôi cảm giác mình còn có người đồng hành bên cạnh. Tôi nhớ se sắt đến đám học trò của mình, nhớ từng khuôn mặt, từng ánh mắt nhiệt thành khao khát kiếm tìm chân lý. Chúng sẽ ra sao trong một thế giới bị thao túng bởi thói giả trá và hiểm ác này?
Ngày ngày, cứ vào một giờ nhất định, tôi trông ngóng từng tiếng động chung quanh trong thấp thỏm, hy vọng rồi thất vọng, chỉ cho đến khi nghe được tiếng bước chân từ đầu hành lang của tên lính canh vọng lại mới thở phào nhẹ nhõm. Một mình trong bóng tối vô tận tôi chợt nhận ra con người mang vác sự cô đơn như một hình phạt, một vết thương trí mạng, như người ta phải mang vác cái bóng của mình trên mặt đất.
Có lúc để thoát khỏi tình trạng ù lì, đông cứng của trí não và để giải khuây, tôi tập quan sát bằng cách chú ý lắng nghe sự di chuyển của những con chuột và học cách phân biệt chúng; khi mệt mỏi tôi lại chuyển sang hồi tưởng những kỷ niệm từ thời thơ ấu, những phút giây hoan lạc hay đau buồn trong đời, rồi quan sát sự thay đổi tâm trạng và ý nghĩ của mình từ ngày đầu đặt chân đến nhà giam cho đến hiện thời. Tôi nhớ những buổi tối đầy sao đi dạo với nàng bên bến cảng, nhớ những câu chuyện chọc cười của gã bán rượu, một mùi hương của loài hoa lạ buổi sáng tinh sương hay một ngày đói thắt cả ruột gan khi đi lạc trong cánh rừng không tìm được lối ra. Những hình ảnh từ ký ức cứ lộn xộn, không đầu không đuôi, kéo dài miên man. Cuộc sống lúc đó sao mà giản dị, đẹp đẽ nhường ấy. Tôi cảm tưởng như tôi đang nắm chặt vĩnh viễn cuộc sống trong bàn tay mình.
Nhưng ngay cả độc thoại cũng lại nhanh chóng cho thấy là một thứ hình phạt giết người chậm rãi, bởi vì nó trái với tự nhiên, con người sinh ra không phải để tự giam hãm mình với chính mình, mà sống là ở phía trước, và cùng với đồng loại. Trong bóng tối xà lim tôi nghiền ngẫm về trò chơi khốc liệt, không lối thoát với đối thủ vô danh, vô hình này. Điều gì chờ đón tôi ở phía trước? Sự thừa nhận thất bại và cùng với nó là cái chết? Không, sự kiêu hãnh không cho phép tôi được đầu hàng. Tôi tin vào tri giác của mình, bởi trớ trêu là sống trong bóng tối lâu ngày, các giác quan của tôi bỗng trở nên nhạy bén khác thường. Chúng có thể tước đoạt tự do, kể cả sinh mạng của tôi nhưng nhất định không để cho chúng có thể lấy đi được nguồn ánh sáng linh thiêng trú ngụ trong linh hồn tôi và sâu trong mắt tôi. Sự căng thẳng cùng với cái lạnh và bóng đêm mịt mùng làm cho tôi bạc nhược và sa sút nhanh chóng, đầu óc tôi trở nên mụ mị, trống rỗng như một cái chuông tự ngân nga suốt ngày đêm không dứt, nhiều lúc chỉ muốn xuôi tay bỏ cuộc. Cuộc chiến đấu với đối thủ không chân dung, theo thời gian, rốt cuộc lại trở thành cuộc chiến đấu chống lại sự mệt mỏi, tâm lý thua cuộc để giành giật chút ánh sáng đang ngày càng hiu hắt trong chính bản thân mình.
Tên lính canh ấn vai đẩy tôi ngồi xuống. Dưới ánh sáng lờ nhờ không rõ ngày hay đêm, tôi lờ mờ nhìn thấy sát bên mình một cái ghế đá không có tựa lưng, giống như một cái băng dài ở công viên. Hơi mát lạnh của đá thấm vào da thịt và lan tỏa ra khắp người làm tôi khoan khoái, tôi tụt dép đặt nốt hai bàn chân trần của mình xuống nền đá lạnh. Thấy tôi cứ cục cựa không yên, tên lính quát: Ngồi im. Lúc nãy mở cửa phòng giam, hắn cũng đã gắt gỏng giục: Đi lẹ lên đi tên kia, trời nóng chết mẹ; tôi nhận ra đó là một giọng nói lạ, cục súc, nóng nảy và thịnh nộ khác hẳn với giọng nói vẫn gọi tên tôi hằng ngày để đi đến phòng thẩm vấn; có lẽ là một tên lính canh mới.
Đi bên cạnh hắn, tôi giương mắt nhìn chòng chọc vào nơi vừa phát ra tiếng nói nhưng trước mắt và chung quanh tôi, như thường lệ, vẫn chỉ toàn một màu tối đen. Tôi không thể thấy được nét mặt và hình dáng của tên lính canh này, hắn chỉ là một giọng nói. Cũng như bao lần trước đó tôi không khi nào có thể thấy được khuôn mặt và hình dáng của kẻ thẩm vấn mình mỗi ngày cho dù mỗi lần, tôi đều căng hai mắt ra để cố xuyên thủng bức màn tối đen ngăn cách tôi với cái giọng nói đó.
Chỉ có những giọng nói. Mỗi ngày tôi phải nói chuyện với bóng tối, với những cái miệng vô hình. Họ không có một khuôn mặt; họ là ai, là người hay chỉ là một cái máy, tôi không thể biết. Cái cảm giác mình đang phải đối diện với một kẻ vô hình nhưng có toàn quyền sinh sát ấy vừa khiến tôi cảm thấy như rơi vào trong trạng thái của kẻ bị khủng bố nhưng hoàn toàn bất lực, thứ bất lực và hoang mang của một món đồ vô tri trong bàn tay của một đứa trẻ; vừa tự thỏa mãn với ảo tưởng như mình vẫn được tự do trong ý nghĩ và cách diễn đạt, tự do cười khẩy hay khinh bỉ những câu tra hỏi ngu ngốc mà không sợ bị nhìn thấy. Tuy vậy, có lúc tôi cũng vượt qua được cảm giác sợ hãi ban đầu và lấy lại sự tự tin, rằng trong trường hợp này kẻ khiếp sợ thực ra không phải là tôi, mà là họ, chính họ, những kẻ luôn ẩn nấp trong bóng tối.
Không biết thời gian chờ đợi kéo dài bao lâu, bất thình lình tôi nghe tiếng tên lính canh quát lớn, ra lệnh: Đứng lên! Hội đồng thẩm phán đã đến! Tôi lật đật đứng dậy, đôi dép vẫn chưa kịp xỏ vào, cùng lúc nghe thấy phía trước có nhiều chuyển động đi kèm với những âm thanh xì xào mơ hồ. Hội đồng thẩm phán? Vậy có nghĩa là tôi đang đối diện với năm trăm con người đại diện cho thành bang sẽ thực hiện việc xét xử và luận tội theo như quy định. Tôi đón nhận một cách bình tĩnh pha lẫn chế diễu. Không ngờ hoạt động của mình lại có thể đe dọa nền cai trị của họ đến như thế. Ôi! Thật tội nghiệp cho những kẻ chăn dắt chỉ quen với mỗi sự tuân phục! Sự khác biệt đã làm cho họ run sợ đến mức phải triệu tập cả một phiên tòa.
Dòng suy nghĩ miên man của tôi đột ngột bị cắt đứt khi có tiếng nói từ trong bóng tối cất lên:
- Hãy đưa tội đồ tiến lên phía trước!
Tên lính canh vỗ mạnh vào vai tôi rồi một tay xốc nách tôi đứng dậy. Tôi bước đi theo hắn một đoạn cho đến khi mũi dáo của hắn chặn ngang ngực thì đứng lại. Có lẽ tôi đang đứng ở một khoảng cách khá gần với các vị phán quan bởi tôi có thể nghe thấy tiếng xầm xì của họ, cả tiếng quần áo sột soạt trước mặt. Thông thường đây sẽ là phiên tòa mở, có công chúng trong thành bang đến dự khán. Không biết trong đám đông ấy có ai là học trò và người quen biết của tôi đang hiện diện? Tôi muốn họ được chứng kiến giây phút đấu tranh cuối cùng này, giây phút mà một con người bị đám đông kết án bởi đã can đảm lựa chọn sống một cuộc đời cá biệt không theo quy ước, giây phút mà thứ trật tự chuyên chế áp đặt sẽ phải bị tra vấn tính hiển nhiên của nó để cho sự thật được cất tiếng nói dõng dạc đòi lại giá trị không thể hủy hoại của con người.
Tôi chẳng phải đợi lâu, chung quanh tiếng ồn ào, la ó đã nổi lên như sóng cồn.
- Treo cổ nó đi, đồ đạo đức giả!
- Tên nói láo gớm ghiếc!
- Thầy ơi Thầy!
- Thầy cả!
- Đồ phản bội!
Như được những tiếng hò hét kích động, đám đông càng lúc càng cuồng nhiệt như trong một trận tỷ thí. Tôi chẳng nhìn thấy gì cả ngoài bóng tối kín bưng. Trời chuyển nóng, tóc tôi ướt và trán rịn mồ hôi.
- Im lặng! Giữ trật tự!
Lệnh vừa phát ra từ trên các quan tòa, lớp sóng dữ lập tức bị chặn lại. Khi trật tự đã được vãn hồi, một lúc sau tòa mới tuyên đọc bản án. Bầu không khí mỗi lúc càng trở nên ngột ngạt một cách bất thường, mồ hôi tôi chảy dọc theo sống lưng. Cử tọa lặng im lắng nghe như nuốt lấy từng chữ. Cái nóng, sự chờ đợi và nhiều ngày bị biệt giam trong bóng tối làm cho tôi bải hoải, hai chân bắt đầu mềm nhũn và đầu thì ong ong. Tôi cố hết sức giữ tư thế đứng thẳng, mặt ngẩng nhìn về phía trước, nhưng càng cố gắng tôi lại càng nhanh chóng xuống sức, chỉ muốn nằm xuống và ngủ một giấc thật dài.
Có lẽ bản án quá dài, dài đến nỗi tôi hoàn toàn bị bất ngờ khi nó kết thúc mà chẳng kịp ghi nhớ được điều gì. Dường như có một lúc nào đó tôi đã chợp mắt thiếp đi trong chốc lát.
Khi quan tòa cho phép tôi nói lời tự biện hộ, đầu tôi vẫn chưa hết cơn ngầy ngật. Tôi chỉ nghĩ đến một ngọn gió mát, nếu có vào lúc này, sẽ có giá trị hơn cả sự phóng thích. Tôi cố nhớ lại những gì đã nghe loáng thoáng lúc nãy một cách hết sức khó khăn.
- Tôi không có tội!
Tôi vừa dứt lời, từ trong bóng tối liền rộ lên những tiếng la ó phản đối kịch liệt. Cơn thịnh nộ chỉ tạm thời lắng dịu khi một viên phán quan lên tiếng hỏi:
- Ngươi hãy nói lý do vì sao ngươi cho mình vô tội?
- Tôi luôn tôn kính thần linh và tuân phục thành bang.
Tiếng la ó lại nổi dậy bốn phía.
- Láo!
- Đồ giả hình!
- Thật là ghê tởm!
Sự phẫn nộ của đám đông cho tôi đo lường được tình trạng hiện thời của mình cũng như bản án đang chờ đợi tôi ở phía trước, nhưng tất cả những điều đó thật sự có ý nghĩa gì? Chân lý phải bị đánh cho tới chết.
Đợi cho tiếng ồn giảm xuống, một viên phán quan khác nói:
- Ai ai ở thành bang này cũng đều biết ngươi rao giảng những lời báng bổ thần linh.
Tôi có cần phải trả lời không? Có cần phải tự biện hộ không? Có ích gì những điều ấy? Tôi đã có thể bỏ trốn khỏi thành bang trước khi họ ra lệnh bắt nhưng tôi đã không làm điều ấy. Tôi đã để họ giam cầm và chịu đựng mọi khổ hình. Trốn chạy có nghĩa là khứng chịu thua cuộc, có nghĩa là thừa nhận họ đứng về lẽ phải. Nhưng ở lại và ra trước tòa cũng không phải để bào chữa hay chạy tội, mà chính sự hiện diện là thông điệp mạnh mẽ để nói lên sự đúng đắn trong hành động của mình, bất chấp mọi kết quả chung cuộc, kết tội hay phóng thích.
- Tôi tin vào các đấng thần linh như tất cả công dân của thành bang.
- Nhưng ngươi đã tin khác chúng ta! Và tin theo những lý lẽ của ngươi chứ không phải là lý lẽ của công dân thành bang này!
Một tiếng nói khác tiếp nối:
- Ngươi có biết tìm cách diễn giải theo ý của mình là phạm thánh và bất tuân phục luật lệ của thành bang không?
Làm sao mà tôi không biết điều đó chứ. Tôi biết hành động diễn giải là sự thách thức trực tiếp độc quyền chân lý của họ. Lẽ ra tôi phải tôn kính thần linh và phục tùng luật lệ của thành bang theo cái cách mà họ mong muốn. Họ kết tội tôi bởi vì không những tôi yêu kính thần linh và luật lệ khác họ,  với một ý nghĩa khác họ, mà còn bởi tôi đã yêu kính hơn họ.
- Hội đồng cho ngươi năm phút để tự định đoạt hình phạt cho mình.
Đám đông bắt đầu la hét dữ tợn.
- Hãy treo cổ nó đi!
- Cho nó một liều độc dược!
- Hãy đày nó ra hoang đảo đời đời làm kiếp nô lệ!
- Thầy ơi! Chúng con luôn ở bên thầy!
Đây là số phận bi đát của chân lý. Để giữ gìn được phẩm giá của mình, chân lý phải bò sát mặt đất. Chân lý phải uống đến giọt đắng cuối cùng. Chưa lúc nào tôi bình thản như lúc này. Trời đã dịu mát hơn so với lúc nãy nhưng lưng áo tôi vẫn còn dính nhơm nhớp mồ hôi. Tôi chỉ muốn cởi phăng, ném chiếc áo đi.
- Đã hết năm phút, tội đồ không có ý kiến gì. Bây giờ hội đồng thẩm phán bắt đầu thủ tục nghị án.
Tên lính canh ấn vai cho phép tôi ngồi xuống. Lúc này tôi mới cảm thấy hai chân mình mỏi nhừ. Tôi thở chầm chậm và muốn nghĩ về một điều gì đó dễ chịu nhưng đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Một lúc sau tôi đã nghe thấy các thẩm phán lục tục trở ra. Thời gian nghị án không dài như tôi tưởng.
Một viên thẩm phán đại diện cho hội đồng tuyên án. Tôi nghe các thẩm phán lục tục đứng dậy. Tiếng xô đẩy ghế cùng lúc của năm trăm con người nghe như một hồi trống trận dồn dập. Ha ha! Họ sắp sửa xung trận cùng với hàng trăm, hàng ngàn người chung quanh chỉ để tiêu diệt cho bằng được một ông già yếu đuối!
Sau hồi trống cả quảng trường bỗng nhiên im phăng phắc, thậm chí đến hơi thở tưởng cũng như bị kìm nén lại để không phá vỡ sự trang nghiêm cao cả của giờ phút trọng đại đã được chờ đợi bấy lâu nay.
Tôi ngửa mặt nhìn trời. Sao mọc đầy chi chít. Ánh sáng chỉ có từ trên cao. Thần linh đang nhìn xuống bầy người ngu muội dưới chân.
Viên thẩm phán hắng giọng trước khi đọc. Sau khi nêu mức độ nghiêm trọng của tội lỗi, đã trịnh trọng tuyên án:
Tử hình!
Tôi sẽ phải uống một liều độc dược do họ pha chế.
Bầu không khí lúc mới bắt đầu tuyên án trầm lắng hẳn xuống như trong một lễ tang rồi sau đó bất thình lình bùng vỡ ra thành những tiếng reo hò đắc thắng của cử tọa. Kẻ thù đã bị họ đánh gục.
Viên  thẩm phán vừa tuyên án nói:
- Tội đồ được tòa cho nói lời cuối cùng.
Tôi từ từ đứng dậy, xốc lại quần áo, nhìn ra chung quanh. Vẫn một màn tối đen. Cả quảng trường lại rơi vào im lặng. Tôi biết có hàng ngàn cặp mắt đang chĩa vào mình. Tôi nhìn khắp lượt rồi từ tốn nói:
- Chúng ta hãy cầu khấn thần linh cho những ngày chúng ta ở thế gian này và kể cả sau khi lìa đời, sẽ tiếp tục là những ngày hạnh phúc.
Bỗng tôi nghe một giọng nói nghẹn ngào từ trong bóng tối:
- Thầy ơi, thầy kính yêu, thầy còn căn dặn gì nữa không?
Ồ! Crito! Đúng là Crito rồi, đứa học trò giỏi giang của tôi. Nó đã có mặt ở đây.
Tôi xoay người hướng về phía tiếng nói vừa cất lên với tất cả sự trìu mến, rồi nói:
- Crito! Đừng khóc!

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...