Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2019

Góc khuất tình ái và quyền lực của ba chị em nhà họ Tống (Nghiên Cứu Quốc Tế )


Tác giả: Minh Hoa

Cuốn “Big Sister, Little Sister, Red Sister” là một câu chuyện đầy cảm thông với số phận của “Tống gia tỷ muội” trong thời kì Trung Quốc đầy biến động.
Trong phần giới thiệu cuốn sách mới Big Sister, Little Sister, Red Sister: Three Women at the Heart of Twentieth-Century China, ra mắt ngày 15/10, tác giả Jung Chang viết rằng ý tưởng ban đầu của cô là viết một cuốn sách về Tôn Trung Sơn. Cô muốn tìm hiểu xem liệu ông có thực sự là một nhà lãnh đạo cách mạng tiên phong của Trung Quốc hay không.
Nhưng những câu chuyện về người vợ của ông, bà Tống Khánh Linh và 2 chị em gái của bà là Tống Ái Linh và Tống Mỹ Linh đã cuốn hút Jung Chang. Và cô quyết định cho ra mắt một cuốn sách về những thăng trầm của 3 chị em gái đầy quyền lực nhà họ Tống.
Cả 3 người, Ái Linh, Khánh Linh và Mỹ Linh đều được sinh ra ở Thượng Hải vào khoảng đầu thế kỷ trước và học tập tại Đại học Wesleyan ở Macon, Georgia, một trong những trường đại học dành cho nữ giới lâu đời nhất nước Mỹ.
Cha của họ, ông Tống Gia Thụ, cũng tiếp thu nền giáo dục Mỹ và là một nhà truyền giáo trong thời gian ở Mỹ. Việc được đi học cao, có nền tảng gia đình tốt, thông thạo tiếng Anh và hiểu biết về chủ nghĩa quốc tế đã giúp chị em nhà họ Tống có vị trí cao trong xã hội thượng lưu Thượng Hải. Và họ cũng đã tạo nên một sự khác biệt lớn với tất cả những phụ nữ Trung Quốc có học thức khác khi kết hôn với ba trong số những người đàn ông có ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc lúc bấy giờ: Nhà cách mạng Tôn Trung Sơn, Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch và người giàu nhất Trung Quốc và cũng là hậu duệ của Khổng Tử, Khổng Tường Hi.

Mối liên hệ với nhà cách mạng Trung Quốc
Một điều bất ngờ là cuốn sách của Chang không bắt đầu bằng những câu chuyện của gia đình họ Tống, mà thay vào đó là Tôn Trung Sơn. Tác giả miêu tả Tôn Trung Sơn là một người quá tập trung vào công việc. Không ở Trung Quốc trong cuộc Cách mạng năm 1911 nhưng Tôn Trung Sơn đã đóng góp công sức rất lớn và được bầu làm Đại tổng thống lâm thời Trung Hoa Dân Quốc năm 1912. Nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ông đã thực hiện lời hứa nhường chức cho Viên Thế Khải với điều kiện ông này phải bắt vua nhà Thanh thoái vị để thành lập chế độ cộng hòa. Nhưng Viên Thế Khải đã không thực hiện lời hứa và hành trình cách mạng sau đó của Tôn Trung Sơn hết sức bôn ba, lận đận.
Goc khuat tinh ai va quyen luc cua ba chi em nha ho Tong hinh anh 2
Ba chị em nhà họ Tống đã có rất nhiều ảnh hưởng trong lịch sử Trung Quốc thế kỉ 20. Ảnh: Alamy.
Và mối liên hệ giữa Tôn Trung Sơn và nhà họ Tống bắt đầu từ người cha Tống Giáo Thụ. Ông Tống rất ngưỡng mộ Tôn Trung Sơn, đã quyên góp một số tiền lớn cho hoạt động cách mạng và ủng hộ nỗ lực chống lại Viên Thế Khải, sự kiện được gọi là “cuộc cách mạng lần thứ hai” của Tôn Trung Sơn. Sau khi hành động này thất bại, Tôn Trung Sơn đã phải sang lưu vong tại Nhật Bản. Ông Tống Gia Thụ và cô con gái lớn Ái Linh, thư ký tiếng Anh cho Tôn Trung Sơn, cũng đồng hành và hỗ trợ rất nhiều cho nhà cách mạng Trung Quốc. Tác giả Jung Chang có tiết lộ chi tiết là Tôn Trung Sơn đã theo đuổi Ái Linh và cầu hôn bà, dù ông đã có một người vợ.
Lúc này, một sự việc có thể đã phần nào thay đổi suy nghĩ của Ái Linh và gia đình họ Tống và họ có thể đã thấy ông quá tập trung vào công việc. Trong khi Tôn Trung Sơn đang ở Osaka, ông nhận được tin vợ ông cùng một cô con gái gặp phải tai nạn xe hơi nghiêm trọng ở Tokyo. Nhưng thay vì vội vã đến bên vợ mình, Chang bày tỏ rằng Tôn Trung Sơn không có ý định về thăm họ. Chang đã viết: “Phản ứng đầu tiên của ông ấy là không có lý do gì để đến Tokyo vì ông không phải là bác sĩ của họ. Và ông Tôn cho rằng ngay cả khi ông ấy có là bác sĩ thì cũng quá muộn để đến kịp. Bên cạnh đó, ông cũng còn các cuộc hẹn ở Fukuoka”.
Ái Linh và cha mình đã phần nào sững sờ về quyết định đó.
Sau khi Ái Linh kết hôn với Khổng Tường Hi, bà đã không thể tiếp tục đảm nhận vai trò thư ký tiếng Anh cho Tôn Trung Sơn. Lúc này Tống Khánh Linh trở thành người phụ tá mới cho nhà cách mạng Trung Quốc. Bị cuốn hút bởi lí tưởng và con người của Tôn Trung Sơn, Khánh Linh đã hết lòng vì ông và đồng ý kết hôn với ông bất chấp sự phản đối của cha mình.
Đặc biệt, tác giả Chang cũng lí giải việc nhà cách mạng Tôn Trung Sơn hiện vẫn nhận được rất nhiều sự kính trọng từ Đài Loan, Trung Quốc đại lục và ở các khu phố Tàu trên khắp thế giới, một phần là vì chính Tưởng Giới Thạch đã tạo nên sự sùng bái cá nhân đối với ông Tôn, điều giúp bảo đảm vận mệnh chính trị của chính ông ta với vai trò là người thừa kế lí tưởng của Tôn Trung Sơn khi ông qua đời vào năm 1925.

Ba ngã rẽ riêng
Với vai trò là vợ của Tôn Trung Sơn, thời gian sau đó, Tống Khánh Linh vẫn nối tiếp lí tưởng cách mạng của chồng mình. Khánh Linh cũng hết sức ủng hộ và hỗ trợ hoạt động của những người cộng sản Trung Quốc và là người duy nhất trong 3 chị em ở lại Trung Quốc sau năm 1949. Từ đó cho đến khi bà mất, năm 1981, bà cũng không được gặp lại các chị em của mình.
Goc khuat tinh ai va quyen luc cua ba chi em nha ho Tong hinh anh 3
Tống Mỹ Linh, Tống Ái Linh và Tống Khánh Linh năm 1942. Ảnh: AP.
Người chị cả, Ái Linh, là một trụ cột kinh tế của gia đình. Phần nào nhờ vào sự giúp đỡ của bà mà ông Khổng Tường Hi đã trở thành Bộ trưởng Tài chính và Thủ tướng của Trung Hoa Dân Quốc. Mặc dù cây viết Chang không đề cập nhiều về Ái Linh như Khánh Linh và Mỹ Linh nhưng chính Ái Linh là người đã giới thiệu Mỹ Linh và Tưởng Giới Thạch. Bà cũng hi vọng rằng cuộc hôn nhân này có thể củng cố hơn nữa sự giàu có và quyền lực của gia đình họ Tống. Bà đã sang Mỹ vào thập niên 1940 và qua đời năm 1973 tại New York.
Không chỉ bị thu hút bởi vẻ đẹp và tính cách của Mỹ Linh, Tưởng Giới Thạch còn nhận thấy vai trò quan trọng của bà trong đại nghiệp của ông ta: Mỹ Linh là một người nói tiếng Anh lưu loát và bà có thể trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới và sẽ mang lại hiệu quả tốt trong các chiến dịch gây quỹ cho hoạt động của Tưởng Giới Thạch tại Mỹ. Nhưng theo Jung Chang, Mỹ Linh đã cảm thấy bị Tưởng Giới Thạch phản bội lòng tin khi ông đổ lỗi cho gia đình bà về sự thất bại tại Trung Quốc đại lục. Mỹ Linh là người sống lâu nhất trong 3 chị em và dành 25 cuối đời tại NewYork. Bà mất năm 2003 ở tuổi 105.
Có một điều rất đặc biệt trong Big Sister, Little Sister, Red Sister là câu chuyện của ba chị em gái “khuynh đảo” Trung Quốc thế kỉ 20 đã được thể hiện trong bối cảnh nam giới có sức mạnh thống trị. Chương mở đầu cuốn sách tập trung hoàn toàn vào Tôn Trung Sơn và chương tiếp theo là về ông Tôn Gia Thụ. Tất cả điều này nhằm toát lên rằng ảnh hưởng của phụ nữ thời kì đó chỉ có thể được thể hiện thông qua mối liên hệ với những người đàn ông quyền lực và mạnh mẽ. Tác giả Jung Chang cũng cho độc giả hiểu được tâm lí và những hạn chế mà phụ nữ ở Trung Quốc thế kỷ 20 phải đối mặt khi họ muốn tạo dựng sự thành công của riêng mình.
Nguồn: Zing News

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...