Thứ Hai, 7 tháng 10, 2019

Ký sự Noumea (New Caledonia) – Tháng 7 năm 2019 (Nghiên Cứu Lịch Sử )


Nguyễn Cung Thông[1]
Vào đầu tháng 7 năm 2019, người viết (Nguyễn Cung Thông/NCT) và bà xã có dịp ghé thăm thủ đô Noumea của xứ New Caledonia (tiếng Pháp Nouvelle-Calédonie). Bài viết này ghi lại vài nhận xét ngắn trong khoảng 11 ngày ở Noumea, chú trọng đến tiếng Việt dùng trong cộng đồng Việt Nam và nhận xét thêm về một số nhà ái quốc bị đày sang đây. Người viết xin cảm ơn các bạn địa phương đã giúp đỡ, trao đổi và chở đi gặp gỡ các gia đình người Việt ở Noumea: anh Roland Phạm Ngọc San, anh Phong Pascal Chu cùng gia đình anh Tình chị Thanh, gia đình anh Nguyễn Văn Miện, gia đình anh Diệm (Đinh Ngọc Riệm, Lãnh Sự Danh Dự) và rất nhiều gia đình khác nữa ở Noumea mà chắc cần hơn trang giấy này để ghi lại các chi tiết, nếu có sai sót gì thì xin các bạn đồng hương thông cảm và ‘nương tay’ cho, hay có thể liên hệ trực tiếp để làm bài viết chính xác hơn.
Một tài liệu tham khảo quan trọng cho bài viết này là cuốn từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
Các từ viết tắt trong bài này là VN (Việt Nam), TQ (Trung Quốc), VNTĐ (Việt Nam Tự Điển), TK (thế kỉ), A (tiếng Anh), P (tiếng Pháp), TTG (Tân Thế Giới, hay New Caledonia/A – Nouvelle Calédonie/P).
  1. Hình chụp chung với các gia đình Chân Đăng
Cụm từ Chân Đăng chỉ người VN đi làm mộ phu trên quần đảo Tân Thế Giới từ cuối TK 19. Nguồn gốc của cách dùng Chân Đăng là chủ đề của một bài viết trước đây[2] (cùng tác giả NCT), bài viết này sẽ không bàn đến nữa.
 Hình trên chụp người viết (NCT) cùng bà xã và anh chị em con cháu Chân Đăng dưới bức tượng Chân Đăng trong khu Á Châu (thành phố Noumea). Khu phố Á Châu cũng giống như các khu phố Tàu (Chinatown) trong các thành phố lớn, tuy nhiên các tiệm VN ở đây chiếm đa số so với các tiệm Tàu – ngược lại với trường hợp của Chinatown trong thành phố Sydney, Melbourne và Brisbane chẳng hạn (vào thời điểm tháng 7 năm 2019).
Nhân dịp viếng thăm Noumea thì người viết được đến gặp và trao đổi với gia đình cụ bà Bùi Thị Nhớn[3] (trên 100 tuổi, một trong những người Chân Đăng cuối cùng). Xem hình bên dưới chụp ở nhà cụ Nhớn cùng gia đình
Một điểm thú vị đáng được ghi lại ở đây là trong khi hàn huyên với gia đình cụ Nhớn, người viết được biết thêm là cụm từ Chân Đăng còn mang một nét nghĩa nữa hàm ý ‘già nua’ (hàm ý thuộc thế hệ cha ông) như theo lời chị Phạm Thị Hoa (con gái cụ Nhớn – người ngồi bên trái cụ). Vào khoảng đầu thập niên 1950, khi được gia đình giới thiệu/mai mối cho một ông người VN thì chị Hoa không đồng ý và nói “Tôi không muốn lấy ông Chân Đăng đó” (trích lời chị Hoa trong buổi nói chuyện tại nhà chị).
  1. Nem là chả giò
Một món ăn rất phổ thông ở New Caledonia là nem. Sinh trưởng ở miền Nam, người viết rất ngạc nhiên khi nhận ra nem chính là loại chả giò mà mình rất quen thuộc. Nem hay nem rán ở miền Nam gọi là chả giò, chả cuốn, chả ram, chả nem so với miền Trung gọi là chả hay chả cuốn. Miền Bắc còn gọi chả giò hay nem là chả Sài Gòn. Hình bên dưới là một đĩa nem ở New Caledonia. Từ thời LM de Rhodes, ông đã ghi rõ nem là thịt bầm gói trong lá – xem hình chụp bên dưới – phù hợp với nét nghĩa nem (chua) trong các miền Trung và Nam hơn. Vấn đề trở nên thú vị khi thịt gói trong lá chuối cũng giống như món ăn bougna ở TTG và các đảo thuộc Thái Bình Dương. Có liên hệ nào chăng giữa các món ăn này – khi đi ngược dòng thời gian – không phải là trọng tâm của bài viết nhỏ này.
 VBL trang 512
 Một đĩa nem (chả giò) ở TTG
  1. Mùi là màu
Khi viếng thăm nhà riêng ở Noumea, anh bạn mới quen tên là Phong Pascal Chu có kể lại chuyện gia đình về bà Binh Ngọc luôn dùng mùi chứ không dùng màu như mùi đen, mùi xanh. Anh bạn Phong rất ngạc nhiên về cách dùng từ như thế, nhưng người viết có giải thích là mùi là tiếng Việt từ thời VBL (xem hình chụp dưới) đến đầu TK XX thường dùng hơn là màu. Vì vậy mà các thế hệ cha ông có khuynh hướng dùng từ cổ như mùi thay vì màu.

VBL trang 489
Gia đình của bạn Phong Pascal cũng từng đóng góp nhiều cho New Caledonia nên có một tên đường là Ngọc Chu-Văn (Ngoc CHU-VAN) – xem hình chụp bên dưới trích từ các phóng sự “Biết đâu nguồn cội – The Roots” “Người Việt ở Tân Thế Giới” của đài truyền hình VTV4.
 Một điểm nên nhắc lại ở đây là tên đường Rue Ngoc CHU-VAN ngay bên cạnh tên đường Félix Franchette (người Pháp) cũng như tên đường Rue Nha DANG (Đặng Văn Nha[4]) ngay kế bên đường Louis Hénin (người Pháp) cho thấy phần nào đóng góp của người Pháp và VN trong lịch sử hình thành TTG.
 “Quả gỗ” là quả cóc
Một cách dùng khá đặc biệt ở Noumea là tên gọi quả cóc là quả gỗ – theo một số người Việt ở đây lâu năm thì quả này cứng và nếm như gỗ nên gọi là quả gỗ. Hình dưới chụp cây cóc đầy trái trước nhà anh chị Nguyễn Văn Miện[5] (gốc Chân Đăng) ở Noumea – cùng với bà xã người viết (bên trái) và bà xã anh Miện (bên phải).
Vào thập niên 1930, Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) không ghi quả cóc so với các nghĩa khác như con cóc, cóc (chẳng) biết. Chính VNTĐ đã ghi cách dùng chân đăng với nét nghĩa mở rộng là cuộc sống tạm bợ, do đó sự vắng mặt của quả cóc cho thấy loại cây trái này không thông dụng và không gây sự chú ý từ các học giả VN khi soạn VNTĐ vào giai đoạn này. Điều này cũng có thể giải thích phần nào, khi qua TTG làm phu mỏ, cộng đồng người VN (đa phần là từ các tỉnh duyên hải Bắc Bộ) cũng không thấy dùng tên gọi “quả cóc” mà lại dùng “quả gỗ” – tên này người viết không thấy dùng ở trong tài liệu tiếng Việt đã xem qua cho đến thời điểm này. Cũng nên thêm một chi tiết ở đây là tác giả Mai Hương[6] (Học Viện Quân Y) cho biết là ngoài Bắc còn gọi quả cóc (miền Nam) là quả sấu tầu.
Từ thời tự điển của các giám mục Béhaine/Taberd (1772/1773-1838), cóc đã có một nét nghĩa nữa là cây cóc[7], một thứ cây có gỗ rất cứng, nhưng không thấy ghi “quả/trái cóc”.
Khả năng lẫn lộn các cách gọi (sấu, trám, cóc …) có thể là do có nhiều loại cóc (và sấu). Trong cuốc Chỉ Nam Ngọc Âm Giải Nghĩa, không thấy ghi quả/trái cóc nhưng có ghi quả sấu với tên (chữ Nho) là nhân diện:
Nhân diện quả sấu vị cùng ngọt chua (trang 195)
Nhân diện tử quả sấu (theo học giả Nguyễn Văn San trong Đại Nam Quốc Ngữ)
Các tài liệu Hán cổ cho thấy nhân diện tử[8] 人面子 là một cách gọi quả cóc! Ngoài ra, cũng vì hình dạng và mùi vị mà quả cóc còn gọi là Nam Dương cảm lãm, Thái Bình Dương cảm lãm 太平洋橄欖、南洋橄欖 (cảm lãm là một cách kí âm/đơn âm hóa của trám). Các dữ kiện trên cho thấy khả năng lẫn lộn tên gọi loại quả này rất cao vì có nhiều giống rất gần nhau, cùng hình dạng và mùi vị … Có lúc còn gọi cóc là táo (nam toan tảo 南酸棗), hay cau (tân lang thanh 檳榔青 theo Hải Nam Thực Vật Chí)!
  1. “Về Việt” là về Việt Nam
Trong các cuộc nói chuyện giữa người VN ở Noumea, đặc biệt có cách dùng “về Việt” có nghĩa là về thăm Việt Nam. Cách dùng ngắn gọn này có lẽ chỉ hiện diện ở trong ngôn ngữ các cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, do đó mới phái sinh nhu cầu về thăm lại VN. Khuynh hướng nói gọn lại còn thấy trong tiếng Việt như Mỹ (Mỹ quốc, America), Sinh là Singapore, Mễ (Mễ Tây Cơ, Mexico) …v.v…
  1. Cách dùng bị so với thể bị động/thụ động (passive voice)
Trong các cuộc nói chuyện với chị Ngọc Điệp, chủ nhà hàng Along Beach (Hạ Long Beach, tiếng Pháp đa phần không phát âm phụ âm h), người viết nhận thấy cách dùng bị của chị khá thú vị – như câu nói về nhà của chị ở gần biển (Anse Vata) “nhà tôi hơi bị mát”. Cách dùng này giống như một số cách dùng trong tiếng Việt hiện nay, phản ánh phần nào kết quả của quá trình giao lưu ngôn ngữ[9] đang xẩy ra giữa các cộng đồng người Việt ở Noumea và VN. Đây là một chủ đề liên hệ đến các khuynh hướng thay đổi trong ngữ pháp tiếng Việt hiện đại, cần được bàn sâu hơn và không nằm trong phạm vi của bài viết này.
  1. Họ “Cale” ở Noumea và các thế hệ cách mạng bị đày ở TTG
Trong sổ niên giám điện thoại TTG, ngoài các họ phổ thông như Nguyễn, Phạm, Trần, Đinh – người viết thấy có ghi họ Cale (Calé, Ca-Lê) khá lạ – thoạt nhìn thì không thấy liên hệ gì đến tiếng Việt hay người Việt. Nhưng theo một số tài liệu/báo chí địa phương (Le Casino des Caledoniens) và trao đổi với gia đình con cháu thì họ Cale này xuất phát từ cách gọi Cả Lê, một cách gọi rất tôn trọng cho ông Lê Ngọc Liên (tên thật là Lê Manh Doan). Vì những hoạt động chống lại thực dân Pháp (td. đòi độc lập cho VN) nên ông Cả Lê  bị đày sang TTG. Xem bảng án từ phiên tòa xử ông bên dưới, trích từ trang[10] http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/osd/?dossier=/collection/bagne/H3376/&first=FRANOM58_078MIOM0856_0065&last=FRANOM58_078MIOM0856_0066&title=Registre%20matricules%20:%20H3376$%20Le%20Ngoc%20Lien$%20Territoire%20:%20Nouvelle-Cal%C3%A9donie.
Một điểm quan trọng cần nhắc ở đây là cộng đồng VN đã có mặt ở TTG từ những thập niên 1870, 1880 sau khi Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (1859), tuy không nhiều như từ đầu TK XX qua những ‘chương trình mộ phu’ quy mô. Dựa vào tài liệu lưu trữ của Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (ANOM, xem phụ chú 8), các “tù nhân” VN bị đày qua Tân Đảo và Tân Thế Giới là Nguyen Van Xung (năm 1867), Tran Van Hap (1867), Tran Van Tuong (1867), Nguyen Van Ke (1866), Tran Van Lai (1865), Ho Son (1867), Le Van Dang (1868), Le Van Loi (1868), Ngo Van Xom (1868), Nguyen Van Banh (1868), Phan Van Da (1868), Tran Van Quoi (1868), Vo Van Nguon (1868), Hu Toa Dao (1869), Le Van Chu (1869), Le Van Giau (1869), Nguyen Van Khanh (1869), Nguyen Van Nhieu (1869), Nguyen Van Phuong (1869), Nguyen Van Thai (1869), Vo Van Nghi (1869) …v.v…
 Tên của ông Lê Ngọc Liên và Nguyễn Thuận Long[11] trong danh sách “tội nhân” đi đày ở TTG, các tên họ cho thấy gốc người Pháp (Âu Châu), Algiers (Phi Châu), Việt Nam (Á Châu) … Để ý trong danh sách trên có tên ông Phan Trọng Kiên[12], cũng bị đày qua TTG cùng chuyến tàu “Calédonien” với các ông Nguyễn Thuận Long và Lê Ngọc Liên. Ông Kiên là anh của ông Phan Văn Trường (1876-1933), đều có những hoạt động ái quốc như tham gia dạy học cho Đông Kinh Nghĩa Thục ở Đông Ngạc và thường xuyên gặp nhiều trục trặc với chánh quyền Pháp đương thời.

 Bia mộ của ông Lê Ngoc Liên (hay Cale ~ Cả Lê)

Có thể xem thế hệ ông Lê Ngọc Liên và Nguyễn Thuận Long là thế hệ thứ hai của các nhà cách mạng bị đày vì lòng yêu nước. Hình dưới chụp bia mộ của ông Nguyễn Thuận Long và nén nhang thắp lên để tưởng niệm nhà ái quốc đã hi sinh nơi xứ người (NCT, 4/7/2019). Mộ của ông Nguyễn Thuận Long ghi rõ bằng ba thứ chữ Việt, Pháp và Nho – phản ánh ngôn ngữ thông dụng vào đầu TK XX. Ngoài ra, chữ ái quốc 愛囻 với chữ quốc viết bằng bộ vi (bao quanh, hàm ý lãnh thổ và lãnh hải của một nước) và dân 民 (hàm ý trăm họ, dân chúng ở trong một nước). Cách viết này không còn dùng nữa so với các dạng[13] 國 国 (quốc). Bia của ông Nguyễn Thuận Long ghi rõ “người quốc dân chân chính” so với tiếng Pháp grand patriote annamite (nhà ái quốc VN vĩ đại – NCT). Cả hai bia đều ghi bị đày vì lý do chính trị (déporté politique – hàm ý chống lại nhà cầm quyền đương thời là thực dân Pháp). Phân tích cách viết các chữ (Việt, Pháp, Nho) trên bia mộ[14] trên cho ta nhiều thông tin rất thú vị và cần được tìm hiểu sâu xa hơn và không là trọng tâm của bài viết nhỏ này.
 Giấy khai tử (giấy chứng tử) của ông Nguyễn Thuận Long (10/11/1929), với chứng nhận của ông Ca Lé Lien và quan chức Pháp, dòng dưới cùng có chữ ký của ông Ca Lé Lien. Hình chụp từ tài liệu còn lưu trong Văn Khố[15] TTG (Archives de la Nouvelle-Calédonie). Nhân đây, người viết xin được cảm ơn các ông Ismet Kurtovitch và JeanMoé Leonidas (thuộc Văn Khố TTG) đã tận tình giúp đỡ khi tra tìm tài liệu ở cơ quan này.

Tóm lại, những ngày ở Noumea đã cho người viết biết đến nhiều thành viên của cộng đồng VN ở TTG, nhất là những buổi trò chuyện về ngôn ngữ, văn hóa và đời sống hiện nay ở địa phương này. Những chuyến về Việt thăm hỏi bạn bè, cùng những chuyến qua Noumea của các ca sĩ nổi tiếng từ VN, cho thấy giao lưu ngôn ngữ/văn hóa đã xẩy ra liên tục từ ngày có người VN định cư ở Tân Đảo và TTG. Ngoài ra, môi trường mạng Internet và báo chí/truyền thông cũng làm khoảng cách giữa người Việt khắp nơi gần nhau hơn trước, tuy nhiên các cách dùng như nem (chả giò), hiệu (cửa tiệm), lợn (heo), dứa (thơm) phản ánh đa số cộng đồng VN từ miền Bắc VN phù hợp với diễn biến lịch sử cận đại của cư dân Tân Đảo và TTG. Một số nhà ái quốc VN như Nguyễn Thuận Long, Lê Ngọc Liên, Phan Trọng Kiên[16] (xem hình chụp danh sách bên trên) đã bị đày và qua đời ở TTG: nhờ vào các tài liệu của Pháp/bản xứ mà ta có thể hiểu rõ hơn hoàn cảnh các nhà cách mạng này đã phải sống đời lưu vong. Lịch sử VN cận đại, nhất là trong giai đoạn chống Pháp giành lại độc lập, đã viết rất ít (hay không đề cập đến) các vị này – có lẽ đến lúc phải cập nhật lại lịch sử cận đại cho thêm chính xác. Qua bài viết nhỏ này, hi vọng người đọc cảm thấy hứng thú để tra cứu tìm tòi thêm về tiếng Việt ở nước ngoài cũng như những nhà ái quốc đã bị vùi dập cả cuộc đời mà ít người biết đến. Các ảnh hưởng vùng (Nam, Trung, Bắc) và những mốc thời gian (1859, 1955, 1975) đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành cộng đồng người Việt và tiếng Việt ở nước ngoài.
  1. Tài liệu tham khảo chính
1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).
                                    (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
2) Claudy Chêne (2019) “La situation des engagés Tonkinois sous contrat en Nouvelle-Calédonie et aux Nouvelles- Hébrides: d’une crise Tonkinoise à une crise permanente en Océanie” Revue TRANSVERSALES du Centre Georges Chevrier – 14
                              (2004) “Déportation tonkinoise en terre calédonienne” bài viết đăng trong cuốn “Île d’exil, terre d’asile” NXB Musée de la Ville de Nouméa.            
3) Huỳnh Tịnh Của (1895/1896) “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” Tome I, II – Imprimerie REY, CURIOL & Cie, 4 rue d’Adran (SaiGon).
4) J. F. M. Génibrel (1898) “Dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
                                     (1906) “Petit dictionnaire annamite français” Imprimerie de la Mission à Tân Định (SaiGon).
5) Hội Khai Trí Tiến Đức (1931/1954) “Việt Nam Tự Điển” Nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931, NXB Văn Mới in năm 1954 (Sài Gòn, Hà Nội).
6) Lã Minh Hằng (2013) “NGUỒN TƯ LIỆU TỪ VỰNG THẾ KỈ 17 – QUA KHẢO SÁT TRUYỆN ÔNG THÁNH INAXU” – bài viết cho Hội Nghị thông báo Hán Nôm Học năm 2013 – có thể xem toàn bài trang này http://xuandienhannom.blogspot.com.au/2013/12/nguon-tu-lieu-tu-vung-ky-17-qua-khao.html
                                      (2013) “Khảo cứu từ điển song ngữ Hán-Việt Đại Nam Quốc Ngữ – nguyên bản Nguyễn Văn San” NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội
7) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).
8) Nguyễn Hồng (1959) “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam – Quyển 1 – Các Thừa Sai dòng Tên 1615 – 1665” NXB Hiện Tại (Sài Gòn).
9) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.
10) Trương Vĩnh Ký J.B.P. (1884, 1920) “Petit dictionnaire francais annamite” Imprimerie de l’union Nguyễn Văn Của (SAIGON)
11) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).
                                    (1999) “Phật Thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh – chữ Nôm và tiếng Việt” NXB Khoa Học Xã Hội – Hà Nội.
12) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).
                                    “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
13) Vũ Thanh Sơn (2009) “284 anh hùng hào kiệt của Việt Nam” NXB CAND
14) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).
15) Nguyễn Cung Thông (2015) “Con người suy nghĩ bằng bụng, dạ, ruột, gan hay tim … óc? (phần 6.1)” có thể xem toàn bài trang này http://www.daophatngaynay.com/vn/tai-lieu/tu-dien-tham-khao/12869-con-nguoi-suy-nghi-bang-bung-da-ruot-gan-hay-tim-oc.html …
                                          (2016) “Cách nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài … thời LM Alexandre de Rhodes (phần 1)” có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf
                                          (2016) “Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min … Tiếng Việt thời LM de Rhodes” – có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf
                                          (2018) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – dạng bị (thụ) động (passive voice) – phần 8” – có thể xem toàn bài trang này chẳng hạn http://chimvietcanhnam.blogspot.com/
                                          (2019) “Tản mạn về tiếng Việt ‘hiện tượng đồng hoá âm thanh’ (phần 4) – phong phanh hay phong thanh?” – có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn https://nghiencuulichsu.com/2019/01/07/tan-man-ve-tieng-viet-hien-tuong-dong-hoa-am-thanh-phan-4-phong-phanh-hay-phong-thanh/ …v.v…
                                          (2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15) – có thể xem toàn bài trên trang này chẳng hạn http://www.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-ngu-hoc/915-tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-chen-dong-hay-chan-dang-dang-nanga …v.v
                                          (2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes: mùi, mồi, vị và bùi có cùng gốc – hiện tượng cảm giác kèm/synesthesia (phần 17)” – có thể xem toàn bài trang này http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-mi-moi-vi-v-bi-c-cng-goc-hien-tuong-cam-gic-kmsynesthesia-phan-17/ …v.v…
                                          (2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes: các từ chỉ màu sắc như ‘mùi xanh, sắc xanh, sắc biếc’ (phần 18)” – có thể xem toàn bài trang này http://conggiao.info/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-cac-tu-chi-mau-sac-nhu-mui-xanh-sac-xanh-sac-biec-phan-18-d-50952 …v.v…
16) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).
17) VTV Đài Truyền Hình VN (2007) YouTube (3/2017) “Ký sự Tân Đảo” loạt bài phóng sự về người VN ở Tân Đảo và Tân Thế Giới.
18) VTV4 (31/7/2015) YouTube “Biết đâu nguồn cội – The Roots” bộ phim tài liệu về lịch sử hình thành và phát triển 120 năm của cộng đồng người Việt tại Nouvelle Calédonie.


Chú thích:
[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com
[2] Bài “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – chên đơng hay chân đăng/đâng/nâng? (phần 15)” cùng tác giả (NCT) vào đầu năm 2019. Có thể xem toàn bài trên mạng như https://nghiencuulichsu.com/2019/03/18/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-chen-dong-hay-chan-dang-dang-nang-phan-15/ …v.v…
[3] So với Youtube “GẶP NGƯỜI CHÂN ĐĂNG CUỐI CÙNG Ở NEW CALEDONIA” (27/7/2018) trước đây khoảng 1 năm – xem chi tiết trang https://www.youtube.com/watch?v=A1b052eTbA8  – thì năm nay cụ bà không còn khỏe lắm khi người viết (NCT) đến thăm gia đình.
[4] Ông Nha qua làm phu mỏ niken – trong thập niên 1930 – có con trai André Đặng Văn Nha (sinh năm 1936 ở TTG), là người giữ vai trò chủ chốt của hai nhà máy luyện niken tầm cỡ thế giới, theo cuốn hồi kí lịch sử “Bí ẩn Đặng” của hai tác giả Anne Pitoiset – Claudine Wéry. Cuốn này được dịch ra tiếng Việt và NXB Phụ Nữ phát hành vào tháng 2 năm 2010. Người đọc có thể xem bài viết liên hệ như trang https://vnexpress.net/giai-tri/bi-an-dang-cau-chuyen-ve-mot-nguoi-viet-nghi-luc-1971750.html …v.v… Ông André Đặng Văn Nha qua Pháp học về sửa máy cùng với ông Chu Văn Ngà (chú của anh Phong Pascal), sau về lại TTG kinh doanh thương mại và trở thành “đại gia” và có tầm ảnh hưởng ở xứ này.
[5] Anh Nguyễn Văn Miện đã về hưu, sinh năm 1945 ở TTG, con ông Nguyễn Văn Hậu (Chân Đăng) làm mỏ kền, số đăng kí là 2707. Khai sanh của anh ghi nhầm tên anh thành Én (mẹ của anh Miện tên là Nguyễn Thị Én), nên để tránh các rắc rối về sau, anh thêm hai mẫu tự Mi vào trước tên Én để thành Miện (theo lời anh Miện kể lại).
[6] Trích từ bài viết “Lợi ích sức khỏe của quả cóc” của Ths Mai Hương (Học Viện Quân Y) đăng trên trang Thời Báo.today (24/6/2017) hay trang Sức Khỏe & Đời Sống (17/5/2019) …v.v…
[7] Học giả Huỳnh Tịnh Của thi ghi cây cóc là “tên cây, vỏ nó giống như da cóc” – Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Cóc có một dạng chữ Nôm dùng cốc HV 谷, hay thêm vào bộ trùng 虫 để chỉ (con) cóc.
[8] Đại Nam Quốc Ngữ (sđd) còn ghi nhân diện tử, quỷ diện tử là các tên gọi của quả sấu.
[9] Một cách dùng lại không có bị như bài báo điện tử VNmedia (26/6/2019) có tựa đề “Á hậu Hoàng Oanh không áp lực khi đảm nhận vai trò MC Người kể chuyện tình” – xem trang này chẳng hạn http://www.vnmedia.vn/tin-anh/201906/a-hau-hoang-oanh-khong-ap-luc-khi-dam-nhan-vai-tro-mc-nguoi-ke-chuyen-tinh-635698/ …v.v…
[10] Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (les Archives nationales d’outre-mer hay viết tắt là ANOM) có nhiều tài liệu rất hiếm quý như hồ sơ của ông Cả Lê Ngọc Tiên, Nguyễn Thuận Phong … Các nhà cách mạng bị đày sang Tân Đảo, Tân Thế Giới … Rất tiện để tham khảo chi tiết mà không cần phải đi đến địa phương để tìm kiếm – xem chi tiết trang này http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/caomec2/ v.v…
[11] Hai ông đều bị đày đến TTG cùng với ông Phan Trọng Kiên trên con tàu “Calédonien” vào ngày 16/5/1914. Mộ của hai ông Nguyễn Thuận Long và Ca Lê Lien cùng ở nghĩa trang Cimetière du 4è kilomètre (Noumea). Tất cả 6 tên người VN trong danh sách trên đều là tội phạm chính trị (complot contre la sûreté de l’Etat – âm mưu xâm phạm/phá hoại nhà nước/NCT) theo hồ sơ tòa án, 6 vị trên cùng đến TTG trên tàu Calédonien.
[12] Phan Trọng Kiên là anh thứ ba của LS Phan Văn Trường, anh cả là Phan Tuấn Phong (1865-1923) trong một gia đình có truyền thống yêu nước như tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục …v.v… Năm sinh ông Kiên là 1871, phù hợp với hồ sơ tòa án xử đày ông đi TTG vào năm 1913 (ghi tuổi ông là 43 tuổi, có lẽ thêm 1 tuổi theo kiểu âm lịch). Ông Phong bị đày ra Côn Đảo từ năm 1909, đến năm 1911 thì được tha, đưa về đất liền, xác bị quăng xuống biển. Ông Phan Trọng Kiên thì bị đày qua TTG.
[13] Chữ quốc 囯 gồm bộ vi  囗 (chu vi, lãnh thổ và lãnh hải) hợp với chữ vương ở trong 王, hàm ý nước có vua làm chủ (quân chủ) – dạng này từng hiện diện vào năm 507 SCN. Chữ quốc 国 gồm bộ vi  囗 và chữ ngọc ở trong  玉 (hàm ý dân chúng/ngọc ngà châu báu/tài sản trong một nước): chữ giản thể này được dùng (ưa chuộng) sau cách mạng lật đổ chế đổ quân chủ để lập ra thể chế dân chủ ở TQ. Trong quá trình hình thành chữ Hán, có khoảng 50 cách viết chữ quốc và mỗi cách viết đều có một nét nghĩa đặc biệt.
[14] Có khả năng một số bia mộ viết bằng chữ Nho của người Việt Nam mà ta vẫn tưởng là mộ của người Trung Quốc hay Nhật Bản … Người viết có bàn với anh Roland Phạm Ngọc San về vấn đề này …v.v… Một câu chuyện đáng nhắc lại là theo anh Patrick (gốc ở Tân Đảo, đang làm hội trưởng hội ái hữu VN ở TTG) thì ở mỏ kền Noumea có những cửa phòng người VN (những mộ phu người Việt đã từng sống ở đây) ghi bằng chữ Nho ngoài cửa. Anh Patrick chắc là như vậy vì anh đã kiểm lại hồ sơ những mộ phu làm ở đây thì thấy toàn là người VN và anh có hình các hàng chữ này.
[15] Xem thêm chi tiết trên mạng của Văn Khố TTG https://archives.gouv.nc/fr. Cùng với Văn Khố các tỉnh hải ngoại và lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp (ANOM), bạn đọc có thể tra cứu khá chính xác hồ sơ liên hệ đến các “tù nhân” VN đã bị đày ra ngoại quốc trong thời Pháp thuộc.
[16] Thí dụ như ông Lê Van Dang (xem danh sách trong trang 7), bị đày qua TTG vì tội cố sát một người Pháp, sinh ra ở Huế (1826) và bị kết án ở Sài Gòn (1868) là đi đày chung thân (sans pourvoi – không được khiếu nại/ khoan hồng – NCT). Ông đến TTG (1870) trên con tàu Sybille và qua đời ở Ducos (31/3/1897). Xem chi tiết hồ sơ tòa án và thông tin thêm của ông còn lưu trữ trên trang này (ANOM) http://anom.archivesnationales.culture.gouv.fr/bagnards_dossiers_individuels/?nom=&nomEpouse=&prenoms=&alias=&date=&from=&to=&numMatricule=&territoire=Nouvelle-Cal%C3%A9donie&typenote=&note=&q=&order=dateAsc&start=2681&id=79482

2 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...