Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

CUỘC CỜ - Trương Thái Du


Ở Lạt ai chẳng biết ông Tư cờ. Tài danh trùm xứ sở đã đành, ông còn nổi tiếng bởi dăm món chơi ngông không giống ai.

Nói nào ngay, ông Tư trong mắt đa phần thiên hạ là kẻ bất bại. Nghe bảo đận trung niên, ông Tư gặp một tay iêng hùng lục lâm non choẹt nhưng có chiêu tốc chiến tốc thắng, đè xe, ém mã rất kinh hồn. Biết mình vào thế kẹt và sẽ mất tước bách thắng, lựa lúc đi giải ông Tư tạt vô chái bếp cơi lửa ủ mạt cưa vào vách gỗ. Khách chưa kịp giở phục chiêu giăng sẵn thì đã nghe làng xóm í ới cháy nhà. Xúm xít kẻ tát người bê tình giềng nghĩa láng, ông Tư không mất chốn dung thân. Hôm sau mặc vợ con lui cui dọn dẹp, phên nẹp nửa căn nhà bị cháy xém; ông Tư thản nhiên trốn ngoài bờ trúc góc vườn kẻ kẻ, vạch vạch các ô vuông giải bàn cờ xuýt thua.
Năm hai mươi tuổi, trên đường câu cá kiếm cơm, ông Tư nhặt được quyển “Kỳ thư” bên suối Khu Bê. Duyên trời cộng với đĩnh ngộ, ông mau chóng nổi lên như một hảo thủ vùng Lạt. Thật sự các nước cờ của ông Tư cũng thường thôi, nghiệt là chúng lại kết hợp với nhau trong trật tự hết sức cao cường, thông cổ, tường kim, mạch lạc mà lại có vẻ bí hiểm. Có lần ông dụ địch thủ chén ngấu cả hai con xe, trong khi chàng chốt quèn lặng lẽ áp thành cản tượng cho pháo giác kết liễu tướng giặc. Ông thành danh cũng có chữ liều và không màng trả giá.
Cao nhân cũng lắm kiểu ngạnh. Trò ông chơi ai cũng gọi là cờ tướng hay văn vẻ nho nhe “tượng kỳ”, còn ông thì cụt lủn: “cờ voi”. Bọn sính chữ một phép thường xướng đường biên giữa hai phía là “Hán giới - Sở hà”, riêng ông xem đó như ranh mép ngày – đêm. Ta là ngày, nó là đêm. Ta sáng nó tối. Ta dương nó âm. Ta hiền nó dữ. Ta khôn nó ngu. Ta chính nghĩa nó ngụy thù…

Ông Tư chơi cờ cả đời và chiến thắng cả đời, nên chẳng có lý do gì trận đấu từ giã xới cờ ông không thắng nốt. Lúc ấy ông cũng đã gần đất xa trời. Ông đem bàn cờ hằn dấu những cái nện ăn quân chan chát mấy mươi năm đặt trên tủ thờ, như báo cáo chiến công với tiên tổ.
Tình thực, đó cũng là ý nghĩa duy nhất của đời ông, bởi bao năm ông chỉ biết ăn uống, chơi cờ và… "yêu vợ". "Vợ làm vợ ăn, vợ làm chồng ăn, con bú sữa mẹ" là phương châm sống kiên định của ông Tư. Bầy con nheo nhóc lớn lên rồi trưởng thành ở tứ xứ vẫn luôn răm rắp, khúm núm trước mặt ơn sinh thành.
Nhưng ai biết dâu bể khôn lường, ông Tư có một lũ cháu A Khùng hay cãi chày cãi cối. Giỗ tết cả nhà xum vầy, nếu ông mở lời kể lể ngợi ca chiến công một đời đánh cờ, y rằng bọn A Khùng ấy xổ toẹt hết. Mà tuồng như chúng lại có lý mới chết chứ!
- Ông dịch chữ Nho sai rồi ông ơi - Thằng cháu nội đích tôn là hay gây hấn với ông nhất, vì cậy sở học hồ hải vinh qui bái tổ - Chữ Tượng trong Tượng kỳ đâu phải là con voi! Nó biểu trưng cho những yếu tố trừu tượng của trận đánh.
- Khéo vẽ, sao không nói nốt chữ nhân chớ phải là người đi.
- So với cờ quốc tế, cờ của ông rất thiếu công bằng. Con chốt mãi mãi là con chốt.
- Chứng chóa mắt ngoài bờ tre đây. Vậy cái thằng Quốc tế liên hiệp nó công bằng giữa nhược tiểu và cường thịnh, giữa nhiều tiền và ít tiền, giữa nước lớn và nước bé như thế nào?
- Ông à, ông chơi cờ cả đời không chán ư? Đến lượt thằng cháu mua bán ngoài chợ thắc mắc.
- Đời chẳng qua cũng là một cuộc chơi.
- Nhưng cháu thấy vinh quang tinh thần của ông nó yếm thế như thế nào ấy. Buổi xôi thịt này có no được đâu.
- Ta già rồi, lũ cháu không hiểu cũng là dễ hiểu!

Từ đó ông Tư sinh ra lẩm cẩm, suốt ngày thì thầm: "không hiểu cũng là dễ hiểu". Ông đem bàn cờ cũ để hẳn xuống trường kỷ, rồi lấy giấy nhám xóa dần những đường chéo làm sông ở giữa.

Cái tin ông Tư đột nhiên chơi cờ trở lại ngỡ sẽ làm con cháu phiền lòng. Nhưng không, ông chơi rất lạ và chỉ chơi với chính ông: bộ cờ mới ông giữ mỗi bốn con Tượng. Ông quân xanh, đối thủ vô hình quân đỏ (không như ngày xưa lúc nào ông cũng đỏ để nhường xanh đi trước, hậu thắng tiên mới oai!).
Ngày ngày ngồi lì bên bàn cờ trống hoác, tay phải ông chống Tượng thì tay trái với qua phía đối diện đẩy Tượng lên biên. Hai cặp Tượng căng lắm là gườm nhau qua dòng sông. Nước chéo vuông của Tượng hình như thay thế tạm các kẻ chéo chữ nhật ông đã bôi xóa. Lòng ông sôi sục năm tháng cũ, các nước cờ cũ, các con cờ cũ vô hình.
E hèm, Tượng không phải là voi? Ông nhớ lại lời thằng cháu. Xưa ông ít dùng Tượng. Cờ ông là cờ toàn công, Pháo đầu thượng sách nên ông xem thường quân Tượng. Nếu là voi sao Tượng không vượt sông lâm trận? Người Trung Hoa sáng tạo ra Tượng Kỳ khi chiến xa (được hình tượng hóa vào con xe) còn chiếm ưu thế tuyệt đối trên chiến trường. Kỵ binh (con Mã) bắt đầu được biết đến ở đời Triệu Linh Vương (nước Triệu), năm 307 trước Công nguyên, khi họ Triệu cải trang phục giống người Hồ để dễ dàng cưỡi ngựa. Thời chiến quốc ấy, làm gì có voi trên mặt trận nào. Qua Đông Hán người Tàu mới gặp voi ở Trung Bộ Việt Nam hôm nay nên bày ra huyện Tượng Lâm. Nếu Tượng Lâm là vùng rừng có voi thì Tượng Quận thời Tần chẳng lẽ lại mang nghĩa một quận tượng trưng trên bàn tiệc thực dân? Khéo bọn thực dân đại quốc chỉ xem khu vực có tổ quốc ông là một cuộc cờ tượng trưng không chừng!
Cũng là Tượng, nhưng sao rắc rối thế. Ông Tư quyết đánh cờ với bốn quân Tượng đến khi nào ông không còn mắc mớ trong lòng nữa mới thôi.
Chỉ tội bà Tư hồn hậu, nhân từ. Nhìn ông chơi cờ một mình mà ruột gan bà xát muối ớt. Xưa bà chẳng quản "Quanh năm buôn bán ở mom sông" để ông "vĩ mô" với thiên hạ, oai hùng riêng trấn muôn trượng một góc trời. Khốn khó hy sinh, cuối cùng đàn con của bà cũng se lông, khỏe cánh tung bay khắp nơi. Ông nghỉ chơi cờ dăm năm, bà hân hoan mấy mùa? Hủ hỉ vào ra, bà chẳng hiểu cờ nhưng ngồi nghe không sót các cuộc luận những ván cờ oanh liệt năm xưa của ông. Hai người, ông cứ nói, bà chỉ ừ. Ấm lòng đến lạ.
Ấy thế mà bây giờ, cứ hoảnh mắt là ông ngồi xuống trường kỷ đẩy tới đẩy lui bốn con Tượng. Bà Tư hốt hoảng: "Hay là có ma cờ? Một đời ông dày vò nó, nay ông đầu bạc răng long, nó quay lại hành ông, biến ông thành một quân cờ".
***
Xế nay nhà ông Tư có khách xa. Bà Tư dọ hỏi sự tình, trong khi ông chẳng màng, đầu óc tập trung chuyển cờ, miệng nín khe.
- Thưa ông, con là kẻ bại trận cái hôm nhà ông bị cháy…
- Thật may phúc – Bà Tư đỡ lời, nhìn dáng người, xe cộ, bà đoán khách giàu phải biết.
- Con nghiệm ra trong đám cháy và cuộc cờ tiềm năng tố chất của đất đai, con người vùng mình, xứ mình. Khi tích cóp đủ vốn liếng, con về huyện bên mở lối làm ăn dành dụm. Công nhân của con, hơn nửa là người Lạt. Con cháu ông bà cũng tròn chục gắn bó với con đã khá lâu.
- Vậy ra anh là ân nhân nhà tôi.
- Bà nói quá. Không có ông chỉ bảo con đâu thể nên người.
Tình thế vừa đủ lọt lý, ông Tư mới ngước mắt lên gằn giọng:
- Anh lại muốn kiếm chác trong ngôi nhà cổ đã một lần cháy dở này?
- Con tính, khí không phải. Khách thập phương đến Lạt ai cũng háo hức về chuyện đời cờ của ông. Con sẽ sang sửa ngôi nhà, lập một mái đình lợp ngói âm dương nóc tròn ngoài sân, dựng tượng ông ngồi bên bàn cờ đá như trên tiên giới. Đây sẽ là điểm nhấn của toàn bộ khu du lịch mà con đã được cấp phép, bắt đầu thương lượng bồi hoàn, giải tỏa.
- Hai khọm già này sẽ bị tống cổ đi chứ?
- Ấy… ông bà là nhân chứng sống một thời, con đâu dám. Đất xung quanh vẫn của ông. Chẳng việc gì ông bà phải dọn đi đâu. Con sẽ gửi thêm lương thưởng hậu hĩ…

Ông Tư mệt rồi. Ông không buồn nghĩ nữa. Ông đứng dậy nhặt bốn con Tượng và nách cái bàn gỗ sắp mục ra sân. Vòm mai anh đào ưng ửng dưới nắng chiều xuân. Trời đất đẹp lạ lùng mà lòng ông cứ nhói lên nỗi buồn không thể đặt tên là chiến thắng.
 

Ông Tư ngồi xếp bằng, bệt xuống đất. Bàn cờ nằm hơi nghiêng xuống thung lũng, trên chiếc đôn đá cạnh gốc thông xù xì. Ông dựng bốn con Tượng thẳng lên như bánh xe rồi lơ đãng nới tay. Chiếc ô tô tàng hình vụt lao xuống vực. Ông Tư không cần quân cờ nữa. Đã đến lúc ông có thể chơi trên một bàn cờ chay, hay nói đúng hơn ông lẫn lộn chẳng biết mình là quân cờ hay quân cờ là mình.

Đêm tới. Đám lá thông lập cập trong gió, âm u hát như mong xua đi hơi lạnh cao nguyên bốc lên từ lòng đất. Khách đã ra về từ lâu. Chẳng thấy ông đâu, bà Tư nháo nhác đi tìm khắp nơi. Rồi bất lực, bà hoảng loạn nhắn gọi con cháu kíp tới giúp. Ánh đèn pin loang loáng khắp vườn, tiếng réo kêu nối nhau mất hút. Tinh mơ, hàng chục người suốt đêm quần thảo bở hơi tai hết ba quả đồi và năm cái hụt, đành ngược dốc về nhà. Ban mai. Gió tung những cánh anh đào rụng đêm qua vào nắng, chấp chới như một đàn bướm hồng. Ông Tư đã hóa đá bên cội thông trăm tuổi. Đúng là tiên ông sống động, hơn cả óc tưởng tượng thương mại sặc mùi tiền của gã đại gia nọ. Bà Tư và đám con cháu sững sờ, không thể tin vào mắt mình.

Ông Tư về với tiên tổ, nhẹ nhàng thanh thoát làm sao. Mong lắm, gương ông sẽ sáng mãi cho cháu con, cho dòng tộc, cho xứ Lạt vạn xuân này. Những cuộc cờ, những quân tướng tượng trưng, đơn giản chỉ là một trò chơi cõi tạm. Được mất có lẽ nằm ở cách chơi, chứ phải đâu là kết cục thắng hay bại rỗng tuếch và gần như vô nghĩa!

Thung lũng Đa Thiện,
Đà Lạt 1.2006

Ngộ Không Nguyễn Phi Hùng chuyển )

2 nhận xét:

  1. Câu chuyện rất hấp dẫn bạn đọc, xin cảm ơn

    Trả lờiXóa
  2. Ngẫm về bàn cờ, nhưng lại chiêm ngưỡng sự đời; bài viết rất ý nghĩa

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...