Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Quê hương trong ký ức - Lê Tấn Tài

Hồi ký của Lê Tấn Tài

Sống nhiều năm tại Úc Châu, nhưng năm nào gần đến Tết, tôi cũng lưu luyến nhớ về Tây Ninh, quê cũ, vùng đất tôi đã sống thời thơ ấu với rất nhiều kỷ niệm. Tôi đã lớn lên trên  miền đất quê mùa, ruộng rẩy, trong thời gian đầu đời, khi tôi vừa bập bẹ biết gọi tiếng má, tiếng ba. Cả khung trời kỷ niệm của vùng quê ngoại, quê nội đã in sâu trong ký ức của tôi. Thuở thơ ấu, tôi chưa biết viết để ghi lại cảm nghĩ của mình. Bây giờ, những hình ảnh yêu dấu của quê hương được tôi ghi trên giấy, lại là hình ảnh trong ký ức, mà có lẽ ngày nay đã thay đổi nhiều. Lúc tôi còn niên thiếu và đang sống trên quê hương, tôi bận rộn trong công việc hằng ngày, nên không có dịp viết lại cảm nghĩ của mình. Tôi thương nhớ quê hương, nhưng chỉ có thể viết vội những gì còn lưu lại trong ký ức mà thôi.
Lúc lên khoảng năm, sáu tuổi, má tôi thường đưa tôi về thăm quê ngoại tại Bến Cầu, làng Long Thuận, là một trong 5 làng trù phú vùng Gò Dầu, gọi là Ngủ Long, gồm các làng Long An, Long Chữ, Long Giang, Long Khánh, Long Thuận.
Theo lời kể của cậu tư Á, bên ngoại tôi vốn là hậu duệ của ông Trương Công Định. Khi bị quân Pháp truy nả gắt, ông và con trai là Trương Huệ lui tàn quân về vùng đất “ngủ long” nầy để ẩn thân, lập chiến khu để bảo toàn lực lượng. Vùng đất nầy rất trù phú, phì nhiêu, ruộng có năng suất cao, thuận tiện để tàn quân của ông Trương Công Định trú quân, làm ruộng để tích trử lương thực, mà địa thế của “ngủ long” lại hiểm trở, xa quốc lộ. Đất “ngủ long” ngăn cách với quốc lộ  bằng con sông Vàm Cỏ Đông rộng lớn, và nhứt là giáp với biên giới Cao Miên, nên nếu quân Pháp truy đuổi gắt quá thì có thể vượt biên giới sang Cao Miên tá túc. Để che dấu tông tích, ngoại tôi đổi họ Trương sang họ Trần. Má và các cậu, dì, do dó, đều mang họ Trần, cho đến thời dì Tám, dì Út thì mới đổi lại họ Trương. Cậu tư nói, để tránh sự  dòm ngó của nhà cầm quyền Pháp và chỉ điểm thời bấy giờ, thậm chí, mồ mả của bên ngoại chôn tại Gò Đưng, Rừng Dầu, Ngả Tắt cũng không  viết tên bằng chữ quốc ngữ trên mộ bia, mà khắc tên bằng chữ nho. Cũng xin nói thêm, vùng đất “ngủ long” cũng là chiến khu  đầu tiên của Cao Đài Liên Minh của Tướng Trình Minh Thế.
Khoảng thời gian đó, phương tiện giao thông còn khó khăn. Từ nhà tôi ở Trường Đua, tôi cùng má đi bộ. Tôi chạy lúc thúc theo má trên đường nhựa qua Gò Kén, làng Long Thành Nam, Trạm Nghỉ, rồi đến Bến Kéo. Có khi tôi chạy một lúc lâu, mệt, đuối sức, không đi nổi đoạn đường dài thì má cho tôi ngồi vào thúng, má gánh đi. May mắn lắm thì được quá giang xe ngựa của chú tám Lung, thích lắm. Từ Bến Kéo, hai má con đi đò, chèo bằng tay trên sông Vàm Cỏ Đông, từ Bến Kéo về Bến Cầu. Sau nầy, khoảng 1950 -1953, có đò máy của ông Năm, là thân phụ của cố Trung Tướng Trình Minh Thế, đưa khách từ chợ Cẩm Giang qua Bến Cầu. Chợ Cẩm Giang nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông. Trên đoạn sông nầy có rất nhiều lục bình nở hoa màu tím xinh xắn, tô điểm cho vẻ đẹp của dòng sông lớn của Tây Ninh. Tôi theo má về thăm quê ngoại trong các dịp giổ, Tết, hoặc vào mùa mưa, khoảng từ tháng tám đến tháng mười, mưa nhiều, má về Bến Cầu để mua cá từ các bạn hàng thu mua từ các miệng sa. Vùng Bến Cầu, Mộc Bài, đồng ruộng mênh mông, bao la, có rất nhiều cá. Mùa mưa lớn, nước nổi, cá bị cuốn trôi theo dòng nước chảy siết. Cá chạy vào miệng sa, là những tấm thanh tre như vạc giường, dùng để chận, hứng dòng nước chảy cuốn theo rất nhiều cá. Số lượng cá thâu hoạch mỗi ngày rất nhiều. Bạn hàng thu mua cá, rồi bán sĩ lại cho má tôi. Má chuyển về bán lẽ ở chợ cá Tây Ninh. Tôi được dịp theo má về thăm quê ngoại trong các lần như thế, tôi thích lắm. Tại chợ Bến Cầu, má mua các trái cây rừng làm quà cho tôi. Có khi má mua trái trường, khi khác, má mua trái gùi, hoặc chùm đuông. Trái trường lớn bằng trái nhản, khi chín có vị ngọt ngọt, chua chua, vỏ chuyển từ màu xanh sang màu đỏ lợt, lớp thịt mỏng bao quanh cái hột giống như trái nhản. Trái trường dỉ nhiên rẻ hơn nhản, vì cây trường mọc hoang trong rừng thưa, không ai trồng cây trường trong vườn xung quanh nhà như cây nhản. Riêng trái gùi thì rất ngon. Gùi cũng có vị ngọt ngọt, chua chua như trái trường, nhưng hấp dẫn hơn trái trường nhiều. Khi chín, trái gùi rất thơm, vỏ mềm, có nhiều múi giống như trái bứa, hoặc trái măng cục. Gùi là một loại dây leo, quấn xung quanh các cây cổ thụ như dây mây. Trái chùm đuông, khi chín, vỏ và ruột bên trong đều có màu đen, hoặc đỏ sậm, trái mọc thành từng chùm, có khi lên đến trên mười trái trong một chùm. Chùm đuông chín có vị ngọt đậm đà hơn hẳn trái trâm, nhưng khi ăn, lưỡi sẽ đỏ lè. Các loại trái cây rừng bây giờ không còn thấy bày bán ở chợ như ngày xưa nữa. Có lẽ, rừng đã bị tàn phá nhiều, nên các trái cây nầy không còn nữa. Tiếc thật.
Mỗi lần theo má về thăm quê ngoại, tôi rất thích và vui. Các kỷ niệm thời thơ ấu nầy luôn in sâu trong lòng tôi. Hai má con đi bộ trên một đoạn đường nhựa dài, đi qua các địa danh tuy quê mùa, nhưng đáng yêu, như Gò Kén, Bến Kéo, Cẩm Giang, Bến Cầu, Bàu Gỏ, Bàu Đưng, Ngả Tắt… Lúc đó, tại Bến Kéo còn có Tổng Hành Dinh của Quân Đội Cao Đài. Quân Đội Cao Đài đặt dưới quyền của trung tướng Cao Đài Nguyễn Thành Phương. Rải rác dọc theo hai bên sông Vàm Cỏ Đông, từ làng Hiệp Ninh, Long Thành, đến làng Long Thuận đều có đồn bót của Quân Đội Cao Đài giữ an ninh cho vùng Thánh Địa Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh. Các cậu tôi, như cậu tư Á, cậu sáu Nào, rể của dì ba là anh năm Giúp, đều gia nhập Quân Đội Cao Đài. Tôi không rõ những người lính đạo lãnh lương bao nhiêu, nhưng có lẽ rất khiêm nhường, đa số ăn chay trường, thực phẩm thường do gia đình chu cấp, nhưng họ đã can trường giữ an ninh cho vùng Thánh Địa.
Đến khi tới tuổi đi học, ba ghi tên cho tôi học lớp đồng ấu tại trường làng Thái Hiệp Thạnh, gần chợ Mít Một.  Xóm Trường Đua lúc đó chưa có trường học. Thời gian nầy, trường làng chỉ có các lớp đồng ấu, lớp tư, lớp ba. Nếu học trò muốn học tiếp lên cao, thì phải xin chuyển về trường tỉnh tại tỉnh lỵ Tây Ninh để học lớp nhì, lớp nhứt. Học trò lên lớp nhì thì bắt đầu học tiếng Pháp. Năm tôi học vở lòng ở lớp đồng ấu, ba tôi thường nói đùa là cho tôi đi học “phá ngu”. Tôi học lớp đồng ấu với thầy Kim. Nhà thầy Kim tại Giếng Mạch. Cùng dạy tại trường làng Thái Hiệp Thạnh có các thầy Mà, thầy Hoặc. Thầy Mà có nhà gạch khang trang tại chợ Mít Một. Thầy khá giả, nhà có xe hơi, nhiều ruộng đất, nhưng thầy lại là người “đào hoa, bay bướm”, nên cuối đời khá long đong. Thầy Hoặc có nhà tại xóm Trường Đua, đối diện với Phạm Nghiệp. Thầy Hoặc có người con trai lớn, anh Hoàng, cùng lứa tuổi với tôi, nên có lúc chúng tôi học chung lớp. Tôi học “phá ngu” với thầy Kim được vài tháng thì ba xin chuyển tôi về học trường đạo tại Trường Đua. Đây là một ngôi trường nhỏ, chỉ có hai lớp đồng ấu, trai gái học chung. Trường nằm phía bên cạnh nhà thầy Hoặc, đối diện với Phạm Nghiệp, do Hội Thánh xây dựng. Trường rất nghèo, mái tranh, vách đất, nhưng rất chan chứa tình nghĩa. Trường là một chi nhánh của trường mẹ Đạo Đức Học Đường ở Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Trong khoảng 1949-1951, khi Hội thánh trùng tu Phạm Nghiệp thì cũng mở một chi nhánh của Đạo Đức Học Đường tại Trường Đua để có chỗ cho con em nhà đạo đi học mà khỏi phải đi bộ vào học ở Đạo Đức Học Đường. Đoạn đường từ Trường Đua đến Đạo Đức Học Đường dài khoảng 5–6 cây số, mà đa số con em nhà đạo đều nghèo, nên các em đi học đều phải đi bộ. Rất ít nhà có xe đạp. Nhờ Hội Thánh mở trường tại Trường Đua, nên tôi đi học gần nhà. Mỗi buổi sáng, tôi đi học rất vui vẻ, vì không phải đi bộ xa. Hồi đó, học trò đi bộ chân trần, không mang dép, guốc gì cả, mà đi trên đường nhựa, buổi trưa trời nóng, da chân như bị phỏng vì mặt đường nhựa rất nóng. Má cho một cắc bạc để tôi mua quà sáng. Tôi ghé tiệm anh hai Chon mua bánh men, có khi mua bánh “con heo” cất vào túi áo trên. Gọi là “bánh con heo”, vì nó có hình dạng như con heo nhỏ, một loại bánh ngọt như biscuit. Má mua cho một cập bàng, lớn bằng khổ giấy A3 ngày nay, gấp đôi lại làm thành hai ngăn nhỏ, trong đó để một tập gạch hàng đôi, một bảng đá có treo   tòn teng miếng vải nhỏ để lau bảng, vài cục phấn trắng, một bình mực tím, một cây viết chấm. Trên tấm bảng đá có kẻ hai hàng ngang, cách nhau độ 5, 6 phân, để tôi tập viết các chữ cái giữa hai hàng đó. Lúc mới bắt đầu tập viết, thầy viết các chữ cái trên bảng đen lớn. Sau đó, học trò chúng tôi mới nhìn theo, tập viết lại trên bảng đá bằng phấn trắng. Khi thầy nhịp roi mây trên bảng đen, thì tất cả học trò giơ bảng đá lên cao cho thầy xem. Nếu thầy xem đúng thì để bảng xuống, bôi đi và viết tiếp chữ khác. Tuy vậy, cũng có chữ khó viết, như các chữ có dấu Ư, Ơ thì thầy phải xuống tận chỗ, cầm tay để dạy viết cho đúng. Sau đó, khi học trò viết đã quen tay thì thầy cho tập đồ bằng viết mực trên quyển vở có gạch hàng đôi. Má mua cho bình mực tím và cây viết chấm “ngòi lá tre”. Cũng có khi học trò chơi giởn, vô ý làm đổ mực lên tập vở, thầy bắt chụm năm đầu ngón tay lại, thầy lấy roi mây gỏ lên đó, đau thấu xương, nhưng không dám khóc, và rán lần sau, không dám làm đổ mực lên tập nữa. Nhờ vậy mà học trò cố gắng tập viết để có một tuồng chữ ngay ngắn, đẹp. Bạn học trong lớp đồng ấu của tôi đa số là con em nhà đạo xóm Trường Đua. Tuy nhiên, cũng có một số là con em của các gia đình miền Trung và lục tỉnh chạy về lánh nạn ở Tây Ninh làm công quả tại lò gạch của Ban Tạo Tác. Thời gian 1949-1953, Hội Thánh đang tiến hành xây dựng Tòa Thánh, Hộ Pháp Đường, Trí Huệ Cung, Trí Giác Cung…  và các cơ sở đạo trong Nội Ô, nên Hội Thánh cho lập nhiều lò gạch ven sông Vàm Cỏ Đông để cung cấp gạch, ngói cho các công trình xây dựng cơ sở đạo. Các cơ sở nầy được xây dựng do nhiều gia đình tín đồ hiến thân làm công quả. Má và các chị tôi thì đi ra ruộng phía sau chùa Gò Kén để nhổ lá hẹ và gánh vào Tòa Thánh, hiến cho Trai Đường, để các tín đồ làm công quả ăn với cơm, chấm lá hẹ với nước muối có màu đỏ sậm của cơm cháy, mà tín đồ Cao Đài thường gọi đùa là “nước tương Đại Đạo”.
Tôi theo học lớp đồng ấu tại trường đạo ở Trường Đua được một thời gian. Thầy dạy tập viết, đánh vần xuôi, vần ngược, rồi thầy dạy bài “học thuộc lòng”, còn gọi là “ám đọc”. Trong một dịp lễ lớn của đạo, thầy hướng dẫn một số học sinh khá vào Đạo Đức Học Đường trong Nội Ô để tham dự lễ, và cũng để thi đua đọc bài “học thuộc lòng”. Thầy dạy bài “Bông sen” và bắt học trò học thuộc lòng, đọc trôi chảy, không vấp váp thì thầy cho tham dự vào toán thi đua cùng các học trò khác ở Đạo Đức Học Đường. Tôi không nhớ tên thầy, nhưng bài “ám đọc” thì còn nhớ, như sau:
Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh, bông trắng, lại chen nhụy vàng, Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.
 Thầy cho học trò học thuộc lòng và cắt nghĩa cho học trò biết ý nghĩa của bài. Bông sen, ví như người quân tử. Dầu phải sống trong bùn hôi tanh, nhưng lòng vẫn giữ trong sạch, không bị ảnh hưởng của ngoại cảnh làm hoen ố thanh danh của mình.
Những cảm giác của buổi đầu đời cắp sách đến trường, học “phá ngu”, với tôi, thật là êm đềm và thích thú. Sau nầy, lên trung học, tôi học bài giảng văn “Tôi đi học” của Thanh Tịnh. Tội thật sự thích thú và cảm phục tác giả đã diễn tả được tình cảm của người học trò nhỏ, lần đầu tiên cắp sách đến trường. Tình cảm trong sáng, gần gủi và thân quen đó vẫn lâng lâng trong lòng mỗi khi tôi đọc lại đoản văn:
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.
 Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
 Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trưùng, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã. Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần nầy tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học.”
 Nhân dịp soạn lại các sách vở cũ khi về thăm Việt Nam năm 2006, tình cờ tôi tìm thấy một quyển sách cũ, đã vàng ố, mất cả bìa. Các trang sách đã ngả sang màu vàng sậm. Ở trang đầu, còn bút tích của anh tôi, ghi như sau: “Mua ngày 17 tháng 10 năm 1954 tại nhà sách Lê Phan, Sài Gòn” và chữ ký tên của anh. Quyển “Le livre de mon ami” của Anatole France, một tác giả cổ điển rất nỗi tiếng của Pháp. Quyển tự truyện nầy của Anatole France rất được học trò ưa thích thủa trước. Giọng văn của ông nhẹ nhàng, trong sáng, thi vị và đượm vẻ lãng mạn, thích hợp với lứa tuổi học trò. Sách do nhà xuất bản Hachette in tại nhà in Brodard & Taupin, Pháp Quốc năm 1950. Đoạn văn mà tôi rất ưa thích và đã học thuộc lòng, xin phép ghi lại để cùng các bạn quay về, hồi tưởng lại khoảng thời gian của thập niên 1950. Trích từ trang 121 đến trang 122:
Les humanités.
 Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers diners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le Luxemburg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur les blanche épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va au college en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le vois; car ce petit bonhomme est une ombre; c’est l’ombre du moi que j’etais il y a vingt-cinq ans. Vraiment, il m’interesse, ce petit: quand il existait, je ne me souciais guère de lui; mais, maintenant qu’il n’est plus, je l’aime bien. Il valait mieux, en somme, que les autres moi que j’ai eus après avoir perdu celui-là. Il etait bien étourdi; mais il n’etait pas méchant et je dois lui rendre cette justice qu’il ne m’a pas laissé un seul mauvais souvenir; c’est un innocent que j’ai perdu: il est bien naturel que je le regrette; il est bien naturel que je le voie en pensée et que mon esprit s’amuse à raminer son souvenir.
 Il y a vingt-cinq ans, à pareille époque, il traversait, avant huit heures, ce beau jardin pour aller en class. Il avait le coeur un peu serré: c’etait la rentrée.”
Ở trang 125, có in bức tranh một cậu bé đang mang trên vai cập đi học, xéo xéo phía trước mặt cậu là một bức tượng đứng trên bệ cao, im lìm, thấp thoáng qua một cây cổ thụ cao mà cành lá xác xơ, hình ảnh của mùa thu tại công viên Luxemburg.
Đoản văn của Thanh Tịnh và của Anatole France, mà mỗi khi có dịp đọc lại, lòng tôi bồi hồi, lâng lâng một cảm hoài về các kỷ niệm xưa của ngày còn bé, vừa đặt bước chân đầu tiên đến trường học.Cái cảm giác nhẹ nhàng, kỳ thú, cũng không kém bối rối, lo âu nhưng cũng rộn ràng sung sướng, vì được đến trường học để trau giồi đức dục,  trí dục. “Tiên học lễ, hậu học văn”, câu châm ngôn thầy thường căn dặn học trò. Hình ảnh mà tôi mơ ước nhứt, là sau nầy sẽ trở thành thầy giáo, như các thầy đã dạy tôi trong lúc học vở lòng. Thầy là thần tượng mà tôi mơ ước: Quần áo thầy sang trọng, ủi ngay ngắn, thẳng nếp, tóc thầy hớt tỉa đẹp đẻ, chải láng bóng, thầy nói chuyện lưu loát, cao siêu, văn hoa, hơn hẳn người bình dân nói năng bình dị, đôi khi bậm trợn. Trong lớp học, thầy khoan khoái phì phà thuốc lá, loại thuốc thơm, hiệu Cotab. Thầy ung dung nhả khói. Trước khi hút thuốc, thầy còn cầu kỳ tẩm điếu thuốc với dầu nhị thiên đường. Khói thuốc quyện trong không khí, tỏa mùi thơm sang trọng, so với khói thuốc rê có mùi khen khét của ba hút ở nhà. Thuở đó, không ai quan tâm đến việc “cấm hút thuốc” trong trường học, văn phòng, hay nhà ở như hiện nay. Ai cũng “tự do, thoải mái” hút thuốc. Ai khá giả thì hút thuốc thơm, ai quê mùa, chân lấm tay bùn, thì hút thuốc rê, thuốc vấn.
Sau khi tôi học hết lớp đồng ấu, ba xin cho tôi vào học lớp tư ở trường tiểu học tỉnh lỵ Tây Ninh. Tôi ở trọ nhà cô sáu Rảnh. Nhà cô sáu ở cùng con đường với nhà của bác sĩ Hà Văn Sua, gần trường học. Tôi học lớp tư với thầy Non, em của bác năm Phòng. Thầy Phòng dạy lớp nhứt. Tôi gọi thầy Phòng, thầy Non bằng bác, vì là anh em họ với ba. Nhà của thầy Phòng, thầy Non cũng ở gần trường, chỉ đi bộ ít phút thì tới. Cách nhà thầy Phòng ít căn là nhà của thầy Cẩm, dạy lớp nhì. Năm sau, tôi học lớp ba với thầy Khánh. Nhà của thầy Khánh ở gần ngả ba chợ cũ. Thầy Khánh thường kể chuyện ngày xưa, thầy làm việc ở đồn điền cao su, sống xa gia đình, rất buồn và nghèo khổ, để khuyên học trò cố gắng học, sau nầy có đời sống khá hơn, suớng hơn buổi thiếu thời của thầy. Lớp nhì tôi học với thầy Đồng, một thầy giáo trẻ, nhưng thầy đánh học trò cũng nỗi tiếng. Nhắc đến thầy, dù với tấm lòng quí trọng và biết ơn, nhưng tôi vẫn còn nhớ, ngọn roi mây của thầy quất vào đít đau thấy mấy ông trời. Đúng là câu: “Thương cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi”. Bọn trẻ con chúng tôi lúc đó không bao giờ dám quên lãng việc học bài. Hình ảnh ngọn roi mây của thầy vẫn thường xuyên nhắc học trò phải trả bài mỗi ngày. Nếu không thuộc bài, thế nào cũng có dấu roi mây trên mông đít.
Đến giữa năm lớp nhì thì tôi phải tạm nghỉ học, vì trận bão lụt năm Thìn (1952) rất lớn tại Tây Ninh. Cả vùng đồng ruộng của Tây Ninh chìm trong biển nước. Lúa bị úng nước trên một tháng, nên chết rụi. Mùa màng mất trắng. Trâu bò bị dịch bệnh. Đồng cỏ bị ngập lụt, không có cỏ cho trâu bò ăn. Đàn trâu trên mười con của ba chết quá nửa. Ba nói, gia đình mình bây giờ sa sút lắm. Gia đình hết khả năng cho con tiếp tục đi học. Lúa chết. Trâu chết. Tài sản của nhà nông chỉ trông nhờ vào hoa lợi của lúa, mà lúc bấy giờ ruộng lúa đều chìm trong biển nước. Tôi đành tạm nghỉ học, ở nhà để tiếp tay, phụ với ba việc đồng áng. Mỗi ngày, tôi lùa mấy con trâu ốm tong teo vào tận vùng rừng thưa gần cầu Năm Vồ, dưới chân núi Bà để cho nó ăn và tránh lụt.
Sau hơn một tháng lụt lội, nước bắt đầu rút. Tôi lùa đàn trâu trở về cho ăn cỏ ở Gò Trôm, cách Gò Kén con sông nhỏ. Có một hôm, tôi đang ngất ngưỡng ngồi trên lưng trâu Cheo, nhưng con trâu Voi thì ưa gây sự với trâu ở bầy khác, nên nó chém lộn, làm cho con trâu Cheo hốt hoảng, quăng tôi xuống đất bất thình lình. Tôi bị té từ lưng trâu Cheo, gảy khủy tay mặt, đau điếng. Tôi ôm cánh tay bị gảy, lùa đàn trâu về nhà sớm hơn thưòng lệ. Ba chở tôi vào một tiệm thuốc Bắc ở chợ Tây Ninh để bó thuốc. Tôi treo cánh tay gảy phía trước ngực hơn mấy tháng  mới lành.
Niên học 1955-1956, ba cho học lại lớp nhì tại trường Lê Văn Trung, rồi học tiếp liên với thầy Lê Văn Vang. Trong năm tôi học lớp nhì thì có một biến cố lớn trong vùng Thánh Địa: Tướng Trình Minh Thế tử trận khi đánh dẹp Bình Xuyên tại cầu Tân Thuận. Khi đám tang của Tướng Trình Minh Thế di chuyển trên quốc lộ 22 đi ngang phía trước nhà tôi, tín đồ Cao Đài ai ai cũng rơi lệ, thương tiếc cho một tướng anh dũng của quân đội Cao Đài. Tất cả những nhà dọc trên quốc lộ có đám tang đi ngang qua đều đặt bàn hương án để tỏ lòng thương mến, kính trọng. Tướng Trình Minh Thế được an táng trọng thể dưới chân núi Bà, nơi đã từng là chiến khu của Cao Đài Liên Minh. Mộ của ông được xây dựng uy nghi, tráng lệ, cạnh đường đi từ chân núi lên chùa Bà và chùa Hang. Tướng Trình Minh Thế được truy thăng Trung Tướng và tên được dùng đặt tên đường nơi ông tử trận. Đối với học trò trường Lê Văn Trung lúc đó, do ảnh hưởng của sự thơ ngây và tin những huyển hoặc trong truyện phong thần của truyện tàu, chúng tôi rất ngưỡng mộ người anh lớn, Tướng Trình Minh Thế, nên vẫn tin tưởng không thể nào ông chết được, mà có lẽ giả chết, hoặc tàng hình ở đâu đó, rồi sẽ sống lại.
Sau những cố gắng, chăm chỉ, với sự dạy dổ và rèn luyện đầy kinh nghiệm của thầy Lê Văn Vang, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập Tây Ninh niên khóa 1957-1958. Trường trung học công lập Tây Ninh mới thành lập được hai năm. Lớp đệ thất của chúng tôi là lớp thứ ba. Trường lúc đó mới có một dãy lầu hai tầng, được xây cất trên miếng đất nguyên là nghĩa địa, cạnh ngả ba Cửa Đồn. Trường do thầy Nguyễn Văn Mạnh làm hiệu trưởng, thường được gọi một cách thân tình là ông đốc Mạnh, là em (hay anh?) của ông đốc Minh, hiệu trưởng trường tiểu học tỉnh lỵ Tây Ninh.
Quãng thời thơ ấu trên vùng đất thân thương Tây Ninh đã ghi đậm vào ký ức của tôi. Giờ đây, viết lại những dòng hồi ký nầy, tôi xin thành kính ghi nhớ công sanh thành, dưỡng dục của song thân, công giáo hóa, diều dắt về đạo đức, về tâm linh của các ngài Chức Sắc trong Hội Thánh Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh, công trình dạy dổ khó nhọc của các vị thầy khả kính và tình thương yêu vô vàn của các đồng hương Tây Ninh. Tôi xin ghi lại nơi đây với lòng chân thành tri ân tất cả quí vị. Trân trọng.


Sydney, Úc Đại Lợi, đầu mùa Xuân năm 2007
(Tháng 10 âm lịch, năm Đinh Hợi)
 Lê Tấn Tài

Ảnh(Từ Google)vùng Bến kéo xưa
- Chùa Gò Kén  2919

Chuyển từ Dung khanh Ho

2 nhận xét:

Tâm Sự Từ Nguyên Và Bài "MẮT NHÒA QUÊ MẸ "

 Cùng quý thân hữu, Tình mẹ con vốn bất diệt và không có thơ nhạc nào đủ sức ca tụng. Trong khi người ta lao đầu vào các cuộc chiến bất tận,...