Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

Góc Đường Thi : Tảo Thu Sơn Cư ( Ôn Đình Quân )

1. Nguyên bàn chữ Nho của bài thơ :



       早秋山居        TẢO THU SƠN CƯ
      山近覺寒早,   Sơn cận giác hàn tảo,
      草堂霜氣晴。   Thảo đường sương khí tình.
      樹凋窗有日,   Thụ điêu song hữu nhật,
      池滿水無聲。   Trì mãn thuỷ vô thanh.
      果落見猿過,   Qủa lạc kiến viên quá,
      葉幹聞鹿行。   Diệp can văn lộc hành.
      素琴機慮靜,   Tố cầm cơ lự tịnh,
      空伴夜泉清。   Không bạn dạ tuyền thanh.
            溫庭筠                      Ôn Đình Quân

      

2. Chú Thích :
    - THẢO ĐƯỜNG 草堂 : ĐƯỜNG là Hall trong tiếng Anh, là cái phòng rộng lớn. Nhưng THẢO ĐƯỜNG ở đây là căn nhà cỏ, nhà tranh của những văn nhân thi sĩ ngày xưa khi ở ẩn. Gọi là Thảo Đường cho có vẻ cao nhã thanh thoát mà thôi.
    - TÌNH 晴 : là Tạnh, là Nắng ráo. Sương Khí Tình là chỉ Hơi sương đã tan.
    - THỤ ĐIÊU 樹凋 : là Cây héo. Ở đây chỉ Lá cây vàng rụng nên cành lá thưa thớt. LINH là Điêu Linh là lưa thưa héo úa. 
    - TỐ CẦM 素琴 : là Cây đàn chay. Có nghĩa Cây đàn không có trang trí thêm hoa văn gì cho đẹp cả.

3. Nghĩa bài thơ : 
                                THU SỚM TRONG VÙNG NÚI

       Vì ở gần với núi non nên có cảm giác là cái lạnh của mùa thu đến sớm hơn. Trong gian nhà cỏ đã tạnh hơi sương, ta nhìn qua song cửa thấy ánh nắng đã le lói qua các cành cây lưa thưa lá úa, và một ao nước thu đầy lạnh lẽo trong veo trong yên tĩnh. Trái cây cũng vàng rụng nên thấp thoáng bóng của các con vượn thoáng qua. Bên tai lại nghe tiếng xạc xào của các con nai đạp trên lá vàng khô. Ta gãy chiếc đàn mộc mạc mà lòng lâng lâng yên tịnh, đến khi đêm xuống thì chỉ còn nghe có tiếng suối trong thanh thoát hòa lẫn với tiếng đàn mà thôi.

     Câu thứ tư trong bài "池滿水無聲 Trì mãn thuỷ vô thanh" làm cho ta nhớ đến Tam nguyên Yên Đỗ với ...

                    Ao thu lạnh lẽo nước trong veo !

    và... câu thứ sáu "葉幹聞鹿行 Diệp can văn lộc hành" trong bài, lại làm cho ta liên tưởng đến thi sĩ Lưu Trọng Lư với ...

                    Con nai vàng ngơ ngác...
                    Đạp trên lá vàng khô !

    Quả là một bài thơ đẹp cho cảnh mùa thu đến sớm với những người ẩn cư tại các vùng núi non xa xôi hẻo lánh : Yên tịnh, thanh thoát và cao nhã !

4. Diễn Nôm :

             SỚM THU TRONG NÚI

               Hắt hiu núi gần lạnh sớm,
            Nhà tranh vừa tạnh sương mù.
            Cây rụng lưa thưa song nắng.
            Nước đầy trong trẻo ao thu.
            Bóng vượn chập chờn trái rụng,
            Tiếng nai xào xạc lá khô.
            Thanh thoát tiếng đàn mộc mạc,
            lẫn trong tiếng suối như thơ.
 Lục bát :
            Hắt hiu xóm núi lạnh tràn,
            Hơi thu nhà cỏ một gian sương mờ.
            Nắng xuyên song cửa lơ thơ,
            Cây cành thưa lá ao hồ nước dâng.
            Vượn buồn trái rụng bâng khuâng,
            Xạc xào nai đạp lá rừng vàng khô.
            Đàn tranh mộc mạc lửng lơ,
            Hoà cùng tiếng suối như mơ đêm trường.

                                       Đỗ Chiêu Đức


--Bản dịch của Mai Lộc-- 

Thu Sớm Trong Núi 
 (1)
Trong rừng núi , đã nghe lạnh sớm , 
Mái tranh nghèo , thu chớm , mờ sương . 
Ngoài song lá úa nắng vương , 
Ao đầy vắng lạnh , khói dường như mây. 
Hoa trái rụng trên cây vượn hú 
Đạp lá vàng một lũ hươu nai . 
Gảy đàn thanh thoát lòng ai , 
Bạn cùng suối nước đêm nay riêng mình . 
(2) 
Trong núi lạnh heo may , 
Mái nghèo sương khói bay . 
Song ngoài nắng lá úa , 
Ao vắng nước tràn đầy . 
Qủa rụng , vượn đâu đến , 
Lá vàng vẳng hươu nai . 
Gảy đàn lòng tĩnh lặng , 
Suối nước bạn đêm nay .


Phương Hà phỏng dịch 
THU SỚM TRONG NÚI

Cái lạnh mùa thu đến sớm hơn
Nhà tranh tĩnh lặng vắng hơi sương
Lưa thưa lá úa trên cành nắng
Lạnh lẽo hồ trong tựa mặt gương
Thấp thoáng vượn tìm hoa quả rụng
Xạc xào nai đạp  lá vàng vương
Gẩy cây đàn mộc ngân cùng suối
Thanh thản lòng ta nhẹ lạ thường.

Phương Hà

 Xem lại :Về Tống Từ : VỌNG GIANG NAM - SIÊU NHIÊN ĐÀI TÁC của Tô Đông Pha (Đỗ Chiêu Đức,PKT,,Quên Đi,Mai Xuân Thanh



1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...