HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ
Hạ
Tri Chương
Trường An " ẨM TRUNG BÁT TIÊN ", tám ông tiên trong rượu luôn say xỉn
và cho ra những vần thơ bất hủ lưu lại đời sau. Trong số đó, ngoài Lý Trích
Tiên LÝ BẠCH ra, còn có HẠ TRI CHƯƠNG người bạn tri kỷ của LÝ, người đã đưa LÝ
vào cung diện kiến Thiên Tử để thảo Hách Man Thư, để lại cho đời sau một giai
thoại tuyệt vời về Thi Tiên LÝ BẠCH... Riêng HẠ TRI CHƯƠNG, nhắc đến ông tức là
nhắc đến 2 bài thơ bất hủ mà người yêu thơ Đường không ai là không biết đến : HỒI
HƯƠNG NGẪU THƯ, tâm trạng và cảm xúc của một kẻ đi xa lâu ngày tìm về quê cũ !
Mời tất cả cùng đọc để thắm thía hơn với nỗi niềm của những kẻ tha hương dị quốc,
sẽ rất ngỡ ngàng khi về thăm lại quê hương cố thổ !...
其一 Kì Nhất
少小離家老大回, Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi,
鄉音無改鬢毛衰。 Hương âm vô cải mấn mao suy.
兒童相見不相識, Nhi đồng tương kiến bất tương thức
笑問客從何處來? Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai ?
回鄉偶書 Hồi Hương Ngẫu Thư
其二
離別家鄉歲月多, Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
近來人事半消磨。 Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
唯有門前鏡湖水, Duy hữu môn tiền kính hồ thủy ,
春風不改就時波。 Xuân phong bất cải cựu thời ba !
賀知章
HẠ TRI CHƯƠNG ( 659-744 )
Ông tự là Quí Chân, về già tự xưng hiệu là " Tứ Minh Cuồng Khách ", là thi nhân lại vừa là nhà Thư Pháp nổi tiếng đời Thịnh Đường. Ông người đất Vĩnh Hưng thuộc Việt Châu ( Huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang hiện nay ), đậu Trạng Nguyên khoa Ất Mùi ( 695 ), được phong là Quốc Tử Tứ Môn Bác Sĩ, Thiên Thái Thường Bác Sĩ. Ông tuần tự giữ các chức vụ Lễ Bộ Thị Lang, Bí Thư Giám, Thái Tử Tân Khách... Ông tính tình khoáng đạt, phóng túng, không thích gò bó, cùng với Lí Bạch, Trương Húc, Lí Thích Chi, Tiêu Toại... xưng là " ẨM TRUNG BÁT TIÊN " ( Tám ông tiên trong rượu ). 86 tuổi cáo lão về quê, chính lúc nầy, ông làm bài " Hồi Hương Ngẫu Thư " nêu trên rồi mất ở quê cùng năm. Tác phẩm phần nhiều thất tán, chỉ còn lưu lại khoảng 20 bài thơ mà thôi.
CHÚ THÍCH :
HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ : Có nghĩa Ngẫu nhiên viết ra ( cảm xúc của mình ) khi về lại quê hương.
HƯƠNG ÂM : Giọng nói của quê hương, như giọng Bắc, giọng Trung, giọng Nam...
MẤN MAO là Tóc mai. SUY là Suy tàn, Suy thoái, ở đây chỉ Tóc đã bạc màu. Câu nầy còn có dị bản là : " Hương âm vô cải mấn mao THÔI ! 鄉音無改鬢毛催 " THÔI là Thôi thúc, là Giục giã, là Đưa đẫy... Về Ý nghĩa trong câu thơ thì cũng như nhau mà thôi !
TƯƠNG KIẾN là Gặp Gỡ nhau. TƯƠNG THỨC là Quen Biết nhau.
NHÂN SỰ là Chuyện người đời, Chuyện giữa con người với nhau.
TIÊU MA 消磨 : TIÊU có 3 chấm Thủy, là TIÊU TRẦM là Chìm Đắm. MA có bộ Thạch bên dưới, là cái Cối xay bằng đá, là MA LUYỆN là Mài Dũa. Nên TIÊU MA là bị Dũa mài Chìm đắm, Ý chỉ Sự thay hình đổi dạng, không còn như xưa nữa.
KÍNH HỒ THỦY : là Mặt hồ nước trong như gương.
CỰU THỜI BA : là Những gợn sóng ngày xưa.
DỊCH NGHĨA :
Lúc còn nhỏ, còn trẻ, ta đã rời xa quê hương, nay đã lớn đã già rồi mới về thăm lại. Giọng nói và âm điệu của quê hương tuy vẫn không thay đổi, nhưng tóc mai thì đã bị thời gian thôi thúc mà bạc cả rồi. Vì thế nên, các em bé con kia gặp ta nhưng lại không biết ta là ai, nên mới cười hỏi là Khách từ nơi đâu đến đây vậy ?
Ly biệt quê nhà đã nhiều năm tháng qua. Gần đây, nhân sự cũng đã thay đổi hơn phân nửa rồi. chỉ có mặt hồ nước trong như gương ở trước ngõ, khi gió xuân thổi đến thì vẫn lăn tăn gơn lại những làn sóng như của năm xưa, không thay đổi gì cả mà thôi !
Thật là cảm khái ! Chữ " KHÁCH " trong câu " Tiếu vấn KHÁCH tòng hà xứ lai " vừa làm cho ta cảm thấy ngỡ ngàng, vừa có chút gì đó như mĩa mai trêu cợt. Rời xa quê hương lúc nhỏ, bây giờ trở lại thăm quê, lũ trẻ mới lớn vô tư nào có biết ta là ai, cứ tưởng ta là người khách lạ. Cũng may là giọng nói của quê hương vẫn còn đó, nếu không thì với sự tang thương biến đổi của tháng năm dài, không khéo ta cũng không biết ta là ai nữa : Ta từ đâu đến và đang đi về đâu đây ? Và nơi nào mới là quê hương của ta đây ? Ta trở về quê hương hay ta là khách của quê hương ?...
Bài thơ thứ hai cũng mở đầu như bài thơ thứ nhất : " Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa, Cận lai nhân sự bán tiêu ma ". Nhân sự thì đã tiêu ma thay đổi cả rồi, cũng may là những gợn sóng lăn tăn trước hồ vẫn còn lăn tăn như cũ : " Xuân phong bất cải cựu thời ba ". Nhân sự đổi thay nhưng thiên nhiên thì vẫn còn đó, làm ta nhớ lại đoản văn của Thanh Tịnh :"... Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước ..." Và cũng chính vì thế mà dù cho có cách trở muôn dặm quan san, dù cho quê hương có thay đổi muôn hình dạng trạng thì người lữ khách, lữ thứ tha hương vẫn tìm về nơi chôn nhau cắt rún, vẫn tìm về với quê hương cố thổ !
DIỄN NÔM :
BÀI 1
Trẻ nhỏ xa nhà, già trở lại,
Giọng quê còn đó, tóc như mây.
Nhi đồng gặp gỡ không quen biết,
Cười hỏi nơi nào khách đến đây ?
Lục bát :
Xa nhà lúc trẻ nay về,
Tóc mai bạc trắng giọng quê vẫn còn.
Tình cờ gặp lũ trẻ con,
Cười chào hỏi khách nước non quê nào ?
BÀI 2
Cách biệt quê nhà mấy nắng mưa,
Đổi thay thế thái nói sao vừa !
Duy chỉ như gương hồ trước ngõ,
Gió xuân vẫn gợn sóng ngày xưa !
Lục bát :
Xa nhà biết mấy tháng năm,
Nhân tình thế thái thăng trầm đổi thay.
Như gương hồ nước ngõ ngoài,
Gió xuân thổi vẫn gợn hoài sóng xưa !
Đỗ Chiêu Đức
Mời xem ngâm Thơ
Kính chào quý anh chị trong VTM, nhất là chào mừng chị
HLO đã trở lại thi đàn sau những chuyện buồn trong gia đình. Minh Tâm
xin gửi thơ họa bài của chị lấy cảm hứng từ bài HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ của
Hạ Tri Chương:
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa