Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

Khuất Đẩu: Viết ngắn giữa mùa COVI (12)- CÓ NHỮNG ĐÊM VỀ SÁNG…

 

Cõi người ta – Tranh: Thanh Châu

Đây là những đêm cuối đời, dài tưởng chừng như vô tận, chờ mãi mà trời vẫn chưa chịu sáng. Ngoài phố đêm, tiếng nổ cành cạch của xe chở hàng về khuya, rồi tiếng còi toe-toe cố kéo dài ra để đánh thức những người dậy sớm đi tắm biển, mãi mới nghe được bước chân rời rạc của những người sáng sớm tập thể dục, đi bộ.

Cái thân tứ đại suốt một đêm dài cũng đã mỏi quá rồi, nghiêng bên nào cũng đau cũng nhức, cứ muốn nằm dài mãi ra rồi chảy tan thành nước.

Ừ nhỉ, chết mà được như cục nước đá để ngoài trời, cứ mỏng dần, mỏng dần rồi tan biến lúc nào không hay, thì hay biết mấy. Chỉ cần đặt một cái thau hay cái chậu dưới gầm giường, rồi nằm im mà nghe xương thịt của mình nó tan chảy ra, nhỏ xuống từng giọt không hơn là nằm khò khè giữa tường trắng lạnh căm? Ít giờ sau, người nhà cứ việc bưng đi đổ, thế là xong một đời!

Cả triệu người chết vì con covid 19 cũng khỏi phải thiêu, khỏi phải chôn, cứ việc đặt những cái ống dẫn vào một cái hầm có khử trùng, xem ra rất tiện lợi và cũng rất kinh tế (đừng nhầm kinh thế).

Nhưng nói như Nguyễn Gia Thiều, trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán/ chết đuối người trên cạn mà chơi, nghĩa là ông trời bé cũng nghịch ngợm lắm, mà lại nghịch ác nữa nên mới bắt phải chết khô như cá chết trên cạn, chứ đâu chịu để cho chết ngon lành như thế. Kể ra, nghĩ cũng buồn cho cái giống người!

Nhưng mà thôi, trời chưa cho chết thì hãy cứ sống, còn một phút một giờ cũng rán mà sống.

Gabriel Marquez, tác giả Trăm Năm Cô Đơn lừng lẫy, chẳng những muốn sống mà còn muốn yêu và được yêu nữa kìa. Một nhân vật của ông, dù đã từng ngủ với hơn 500 người đờn bà, vẫn chưa biết thế nào là tình yêu, nên trong đêm sinh nhật thứ 90, ông ta muốn ăn mừng với một em bé hãy còn trinh!

Thế rồi mụ chủ chứa cũng kiếm được cho ông một em mà theo lời bà nói là hãy còn mặc tã lót, nên phải cho uống hợp chất đồng với lá cây gì đó để em khỏi hoảng sợ.

Khuya, ông đến thì thấy em nằm cong cong như đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Ông có thử lay em dậy nhưng em vẫn ngủ mịt mù. Không biết làm gì hơn, ông nằm ru em ngủ, với tên em do ông phịa ra. Những đêm sau cũng vậy, rồi ông bỗng nhận ra rằng nằm bên em mà không làm gì hết, nhưng vẫn cứ muốn gần em,  đấy chính là tình yêu. Thế là ông khởi sự yêu em như trai 17, cũng ghen tuông cũng lo sợ, sau cùng ông trao tặng hết tài sản cho em và cùng em bước sang tuổi 90 với tiếng chuông nhà thờ đang đổ hồi ngân nga như chúc mừng!

Ôi chao, quá tuyệt vời là trí tưởng tượng của nhà văn xứ Nam Mỹ, thảo nào người ta gọi ông là nhà văn huyền ảo. Nhưng ở cái xứ Macondo thì được chứ ở xứ này, vào đồn công an là cái chắc!

Thế thì hãy đến Bhutan, một xứ sở nằm dưới chân Hy mã lạp sơn, được coi là nơi đáng sống nhất trên trái đất này, chứ không phải Tàu hay Mỹ. Một nơi mà mọi người đều sống chan hòa cùng với thiên nhiên, chỉ nghe tiếng gió thổi, tiếng nước chảy, ngoài ra không có tiếng còi xe nhức óc, không tiếng nhạc xập xình của ba bảy, ngay cả rạp xi nê dường như cũng không có.

Nhưng mới đây, công viên quốc gia của họ được liên hiệp quốc cho tiền để bảo tồn, thì xì thẩu bên kia núi chìa cái túi tham không đáy ra bảo lày là đất của ngộ á, hãy đưa tiền cho ngộ á!

Thế thì biết sống nơi nao, hỡi trời!

Những đêm về sáng, trời không mưa mà vẫn nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn, nghe đi rời rạc trong hồn… là vì vậy. Mà hồn của người già thì từ lâu đã không có tấm liếp nào nữa che gió về, nên nó cũng đã xơ xác tả tơi lắm rồi.

Thử nghĩ đến bạn bè, lại giật mình thấy mình quạnh hiu hơn nữa. Không kể những bạn đã ra “đi” lúc tuổi còn xanh, chỉ kể những bạn sắp già hay cùng già, những năm gần đây thôi, thì mười người đã “đi” hết bảy còn có ba! Rồi lại sẽ “đi” thêm hai nữa chỉ còn một, mà người sau cùng chưa “đi” lại chính là mình, thì thật kinh khủng quá!

Cứ tưởng tượng, sáng ra mở mạng chẳng thấy ai nhắn nhe gì mình, rồi suốt một ngày dài cũng không một tiếng điện thoại nào reo, trong khi cuộc sống vẫn ầm ầm lướt qua bỏ lại mình đứng trơ trọi như một trụ cây số bên đường thiên lý cũ, ngay cả chút nắng chiều cũng không thèm dừng lại, thế thì thật tội nghiệp cho những ai phải sống dai!

Có nhiều người bảo không cần đi đâu xa, chỉ cần làm theo lời Phật dạy là đã sống an nhiên tự tại được rồi. Tiếc rằng tôi  không được cái duyên làm đệ tử của Ngài và vì tôi trộm nghĩ, con đường giải thoát mà Ngài khó nhọc mới tìm ra được cũng chỉ đủ cho riêng Ngài thôi. Mỗi người đều có một con đường của số phận mình, không thể thấy con đường kia to rộng hơn mà bỏ đường này để sang đường đó được.

Đó là chưa nói tới con đường đến Niết Bàn xa thăm thẳm và cao chót vót, với hàng tỷ tín đồ từ nhiều ngàn năm qua, chen chúc nhau đến nghẹt cứng như thành phố giờ cao điểm kẹt xe, thì cái gọi là an nhiên tự tại cũng chỉ là một phép “tự sướng” mà thôi.

Vậy thì pha thêm một tách cà phê, đốt thêm một điếu thuốc, mở một đĩa nhạc mà lớp trẻ gọi là nhạc sến già, một mình chờ sáng cũng có thể tự bằng lòng mà rằng, mình cũng đang được an nhiên tự tại đây!

Thôi nhé, chào ngày mới! Mừng vì được sống thêm một ngày!

Khuất Đẩu

Viết giữa mùa ôn dịch


LIÊN KHÚC TÌNH THƠ TÓC MAI

 LIÊN KHÚC TÌNH THƠ TÓC MAI

              

                ( Cảm ý từ bài thơ Gió Mang Tiếng Hát của VHP Hải Vân )


GIÓ MANG TIẾNG HÁT - vhp Hải Vân 

 

E:\Bà Nội\HÌNH TỔNG QUÁT\BẠN MỚI\VHP HẢI VÂN.jpg

 

Gió mang tiếng hát bâng quơ,

Sầu dâng như một bài thơ lạc vần,

Như dây vũ lạc dây văn,

Sắt cầm lỗi nhịp vỡ tan cuộc tình.

Âm vang tiếng hát bập bềnh,

Tưởng chừng tiếng khóc thuở mình chia tay!

Đường tình sao lắm chông gai

Sầu cay khóe mắt tóc mai ngắn dài!

Lắng nghe trong gió tiếng ai

Nửa than nửa trách đắng cay xé lòng

Dở dang không được như mong

Xin ai cho vẹn chữ Đồng lai sinh.

 

Vhp.Hải Vân


 🌿🌿🌿🌿🌿

1-  TÓC MAI QUẤN QUÝT LÁ ME BAY - vkp đạm phương

                               C:\Users\Ba Ngoai\AppData\Local\Temp\Temp1_KHU VIỆN ĐẠI HỌC.zip\IMG_0575.JPG

* Tháng Tư dào dạt nhớ thương

Chinh nhân áo trắng bên đường trường xưa

Lá me vàng rụng như mưa

Rơi trên tóc rối... gió đưa bay vèo

Tóc mai quấn quýt vói theo

Những mong cột chặt tình nghèo sinh viên

Luật khoa lính biển nợ duyên

Sóng thần chia cắt... triền miên khổ sầu

Tìm anh em biết tìm đâu?

Hồ con Rùa vắng chim câu gọi đàn

        Ngóng trông lúc giảng đường tan

Thấy anh đứng đón rộn ràng niềm vui

Khung trời Đại học bùi ngùi

Ước chi em được kéo lùi thời gian

Cùng nhau xây đấp mộng vàng!!!

Tháng Tư 2017- Vkp đạm phương


   🍁🍁🍁🍁         


  2- TÓC MAI SỢI NGẮN SỢI DÀI vkp phượng tím


https://scontent-hkt1-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/70795800_1366658556855038_4106520443337310208_n.jpg?_nc_cat=108&_nc_sid=730e14&_nc_ohc=Vw5tV6pqeRkAX9DFo_2&_nc_ht=scontent-hkt1-1.xx&oh=9666fc3da9fce6970302ed214163b32b&oe=5F98E66E


Năm lăm năm trước học chung

Dòng đời xô đẩy... không cùng gối chăn

Cuối đời tình muộn khô cằn

Xa xôi nghìn dặm, khó khăn mọi bề...

*

Ba năm trước, anh quay về

Tìm em nơi bến hẹn thề ngày xưa

Bất ngờ gió bão mây mưa

Dưới tàng cây đụt, anh vừa ướt vai

Còn em nước thấm tóc mai

Sợi ngắn dính trán, sợi dài quấn anh...

*

Lấy nhau không được... thôi đành!

Chứ đâu dám trách Cao Xanh Trời Già

Triệu thương tỷ nhớ xót xa

Gởi người bên ấy bài ca Thu Sầu

Giọt buồn... giọt trách... mưa Ngâu!!!

                        Saigon tháng 9/2019- vkp phượng tím 


🍂🍂🍂🍂🍂

 

 3- DÀNH PHẢI TÌM QUÊN – vkp phượng ngày nay


Tóc mai sợi trắng sợi đen

Cố nhân - hình bóng thân quen đâu rồi?

Để trang tình sử cuối đời

Không ai viết nốt những lời yêu thương

Mây bay chín hướng mười phương

Mà  sao lại có một phương không về?

Cho nên nơi ấy ủ ê

Phong ba gió bão trăng thề rụng rơi

Con chim bói cá chơi vơi

Mặt hồ chao đảo cuốn trôi ước nguyền

Thì thôi – đành phải tìm quên!!!

                    E:\Bà Nội\HÌNH TỔNG QUÁT\HÌNH CẢNH ĐẸP SƯU TẦM\MÂY  HÔN +.jpg

                          

                    E:\Bà Nội\HÌNH TỔNG QUÁT\HÌNH NGUÒI MINH HỌA\CHIM B CÁ TÌM TRĂNG.jpg

                          

                           Saigon Tháng 9/2020 - vkp phượng ngày nay


🍂🍂🍂🍂🍂🍂🍂

Cảm Tác “ Vẹn Một Chữ Đồng Lai Sinh 
Qua thơ “Gió Mang Tiếng Hát” - Vhp.Hải Vân

Trời mưa lật đật tay quơ...
Gió đưa văng vẳng nghe thơ mấy vần...!
Đàn kêu lạc điệu vũ văn
Tơ duyên, Nguyệt lão lỡ tan mối tình
Thuyền trăng gợn sóng lềnh bềnh
Nghe như thở vắn khi mình nắm tay
Cây hồng nào chẳng có gai
Bẻ hoa châm chích nhức tai than dài
Vi vu nghe tiếng gọi ai...
Than thẩm sợ trách đắng cay đau lòng
Chia tay cách biệt còn mong
Kiếp sau sẽ vẹn chữ Đồng tái sinh

Mai Xuân Thanh
Ngày 30/09/2020

HỒ DZẾNH = Bài viết của Vũ Thư Hiên



Tôi đọc Hồ Dzếnh rất sớm, lúc mới lên mười. Cha tôi thường mang về cho tôi những cuốn Sách Hồng cho trẻ con, mỗi cuốn là một chuyện cổ tích. Chúng được kể với giọng dí dỏm, dễ hiểu, lôi cuốn. Lại có cả một cuốn sách thơ cho trẻ con, không nhớ là của ai, trong đó có hai câu còn đọng lại lâu trong trí nhớ:


Hôm qua trời đổ mưa rào,
Mặt trời sợ ướt lẩn vào đám mây.

Cuốn sách đầu tiên, đích thực sách, mà tôi được đọc, là Chân Trời Cũ.
Một ngày, mẹ tôi mua Chân Trời Cũ về. Bà đọc chăm chú, có lúc thừ người ra, lấy tay dụi mắt – bà khóc thầm.
Chờ cho mẹ đọc xong, quên nó rồi, đi vắng rồi, tôi mới dám lấy nó ra từ trong giỏ kim chỉ của bà. Lệ trong nhà là thế, trẻ con không được đọc sách người lớn.
Tôi không biết nói về cảm giác của tôi là thế nào khi đọc Chân Trời Cũ. Một nỗi xúc động bất ngờ trong tâm hồn trẻ thơ chăng? Có thể không phải thế, hoặc không rõ ràng là thế. Những câu chuyện bình dị về những kiếp người, được viết bằng thứ tiếng Việt chân chất, không uốn éo, không màu mè, gợi nhớ những gì tôi đã biết, đã thấy trong cuộc sống bé bỏng của mình. Chúng để lại trong tôi ấn tượng mạnh chưa từng có.
- Anh là người thày đầu tiên dạy tôi yêu văn – tôi nói với Hồ Dzếnh - Còn hơn thế, anh làm cho tôi hiểu tiếng Việt của ta đẹp đến là nhường nào.
Nghe tôi, Hồ Dzếnh cười bẽn lẽn. Tôi dùng đúng chữ phải dùng – anh bẽn lẽn thật sự. Mặt anh đỏ lên, mắt anh chớp chớp, anh lúng túng trước lời khen. Những con người lớn thật sự bao giờ cũng mang trong mình một đứa trẻ.
- Anh hiểu tôi rồi đấy – anh khẽ nói với tôi, như nói một mình – Tình yêu đối với văn chương không bắt đầu bằng cái gì khác ngoài tình yêu ngôn ngữ. Chuyện để kể thì ai mà chẳng có. Nhưng để viết nó ra, cho nó có hình hài, cho nó sống dậy, cho nó đi lại, trò chuyện được với mọi người thì ngôn ngữ là cái quan trọng hàng đầu. Và duy nhất. Nó quyến rũ mình, nó hút hồn mình, nó rủ rê mình, và sau hết, xúi giục mình cầm lấy cây bút.
Tôi được nghe lời tâm sự này vào một đêm khuya ở ngôi nhà nhỏ của anh, số 80 Hòa Mã, khi Hà Nội đã ngủ yên.
- Tiếng Việt là âm nhạc, anh ạ. Thoạt kỳ thuỷ, những câu văn xuất hiện như một dòng nhạc. Nó ngân nga mãi trong đầu trước khi mình cả gan đặt bút lên trang giấy trắng những chữ đầu tiên. Nó là một cái gì đó mơ hồ, ta chưa thể hình dung, một cái gì rất mơ hồ, như mây như gió, ta không nắm bắt được nó, không làm chủ được nó, không sai khiến được nó, cái ấy cứ cục cựa không thôi ở trong đầu, đòi được thoát ra. Ta như bị bức bách phải cho nó đi xuống trang giấy, thành một vần thơ, hoặc một câu văn. Sau đó thì vần thơ ấy, câu văn ấy, sẽ tự kéo theo nó những chữ khác, những câu khác. Và cứ thế, một bài thơ, hay một truyện ngắn ra đời.
Tôi trích ở đây một đoạn trong Chân Trời Cũ tả người khách tha hương ngồi bên bến đò vắng tanh vắng ngắt trong chiều tà. Giở nắm cơm ra nhai trệu trạo, đoạn đứng lên bắc loa miệng gọi đò: “Tồ ui!” Trời đã ngả màu tím. Khách không tin còn đò. Nhưng rồi con đò ở bờ bên kia cũng rời bến sang với khách. Đêm ấy khách được ngủ đỗ trong nhà cô lái đò tốt bụng.
Mấy tiếng tù và khuya rúc lên, bay vào gian nhà vắng. Lắng biết mọi người đã ngủ yên cả, vị thần tử của giang sơn Trung Hoa vắt chân chữ ngũ, khe khẽ ngâm một bài thơ cổ, qua nỗi xúc động đột nhiên tụ lại trong người:

Uỵt loọc, vú thày sướng mủn thín,
Coóng phống, dì phố, tui sàu mìn,
Cú chấu sèng ngồi Hồn Sán sì.
Dề pun, chống séng tâu hác sin.
(Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa, đối sầu miên,
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự,
Dạ bán, chung thanh đáo khách thuyền)1
Ngay lúc ấy, từ gian buồng bên, nổi lên mấy tiếng gì như chuột rúc. Lữ khách, thấy đứt mạch cảm hứng, càu nhàu trong bóng tối:
- Ấy dà! Cẩm tố xỉ a! (Chà! Lắm chuột thế!)
Nhưng đó không phải tiếng chuột rúc. Đó là tiếng người con gái chở đò ban tối cười qua hai làn môi khép kín.

Cuốn Chân Trời Cũ văn gồm nhiều truyện ngắn, theo ghi chú của tác giả thì nó được viết vào tháng Giêng năm 1940, xuất bản lần đầu năm 1942. Nó được tái bản nhiều lần về sau này. Tôi rất nhớ hai câu kết của truyện ngắn Ngày Gặp Gỡ:
“Người khách sang sông chiều muộn ấy về sau này là cha tôi. Và cô lái đò, là mẹ tôi“.
Không hiểu sao mà câu sau cùng này lại biến mất trong lần tái bản sau cùng. Mà tôi cho rằng đó là câu khép chuyện hay nhất. Nó mới giản dị làm sao! Mới đẹp làm sao!
Tôi có lần viết ở đâu đó: “Tôi có hai người thầy: Hồ Dzếnh chỉ cho tôi thấy cái đẹp trong ngôn ngữ giản dị; Nguyễn Tuân, ngược lại, dạy tôi cách sử dụng những từ cầu kỳ đúng chỗ để tăng sức mạnh của câu văn. Cả hai cho tôi hiểu tiếng Việt là âm nhạc, đích thực là âm nhạc, với những tiết tấu riêng, với sự xen kẽ của những toàn hài và cung chướng để đưa người đọc đi xa hơn, cùng với liên tưởng bất giác để bay xa, vượt lên trên những con chữ”.
Hồi ấy, còn nhỏ, tôi chưa gặp thơ Hồ Dzếnh. Lớn lên, đọc anh tôi mới hiểu ra tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ theo nghĩa đen, đã ảnh hưởng tới anh mạnh đến thế nào.

Trời đẹp như trời mới tráng gương
Chim ca ánh sáng rộn ven tường
Có ai bên cửa ngồi hong tóc
Cho chảy lan thành một suối hương.2
Một khúc khác:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Ðể lòng buồn tôi dạo khắp trong sân,
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần...
Tôi nói khẽ, gớm, làm sao nhớ thế!
...
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ;
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề,
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ,
Cho nghìn sau ... lơ lửng ... với nghìn xưa....3
Và :
Trời không nắng cũng không mưa,
Chỉ hiu hiu rét cho vừa nhớ nhung.
Chiều buồn như mối sầu chung
Lòng im nghe thoảng tơ trùng chốn xa
Ðâu hình tầu chậm quên ga
Bâng khuâng gió nhớ về qua lá dày 4

Hay bài thơ Chiều đã được Dương Thiệu Tước phổ nhạc mà nhiều người thuộc nhưng không biết, hay quên, là những vần thơ của Hồ Dzếnh:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây ...

Tôi không rành lý luận văn học. Tôi cũng không có ý định nghiên cứu về văn Hồ Dzếnh. Cái đó không phải việc của tôi – tôi không có cả tài năng lẫn hứng thú. Tôi có đọc một số bài nghiên cứu về Hồ Dzếnh. Trong những bài này có khá đủ dữ kiện để người đọc biết về Hồ Dzếnh với tư cách một văn tài. Nhưng tôi còn muốn nhiều hơn – một chân dung Hồ Dzếnh, con người và cuộc đời.
Sau khi được làm quen với Hồ Dzếnh, tôi tìm đọc lại vài tác phẩm của anh. Ngôn ngữ trong những tác phẩm ấy tất nhiên khác với ngôn ngữ hiện đại. Nhưng nó không lỗi thời. Cái đẹp vẫn còn đó nhờ sức mạnh của ngôn từ giản dị.
Năm 1986 Hồ Dzếnh vào Sài Gòn. Lần gặp gỡ này tôi được gần anh nhiều hơn những buổi tối ngắn ngủi ở ngôi nhà phố Hòa Mã. Ngắn ngủi là vì muốn nghe chuyện anh lắm tôi cũng không thể ngồi quá khuya, khi chị bắt đầu đi ra đi vào, có ý nhắc đã đến giờ anh đi ngủ.
Ở Sài Gòn hôm nào anh cũng đến rủ tôi đi ăn sáng. Bắt đầu bằng một bát phở ở một quán theo anh là rất tuyệt ở chân cầu chữ Y, đoạn đi tiếp, uống cà phê ở một quán khác, gần nhà hàng Bát Đạt trên đường Trần Hưng Đạo, nó cũng tuyệt không kém. Một người bạn sành ăn sành uống đã cho anh lời khuyên, nó được anh nắn nót ghi vào mảnh giấy nhét trong túi ngực.
Tôi chở anh đi bằng xe Honda 67. Chúng tôi phóng vèo vèo trên phố xá. Ngồi sau, anh ôm cứng tôi, luôn cục cựa, hết quay phải lại quay trái. Không biết trong những chuyến cưỡi ngựa xem hoa ngày ấy có làm anh nhớ đến Cô Gái Bình Xuyên năm 1945 hay không. Nó là tác phẩm lần đầu và cũng là lần duy nhất Hồ Dzếnh rời miền ký ức thân quen để bay lên những tầng trời tưởng tượng. Một thư sinh Bắc Kỳ lạc bước vào Hòn Ngọc Viễn Đông gặp một nữ tướng cướp. Chàng yêu nàng. Nàng yêu chàng. Một hôm nàng đi cướp, bị bắn. Xót nàng, băng bó cho nàng xong chàng mới ôm nàng trong lòng, mới thủ thỉ bảo nàng hãy ở nhà, chàng sẽ đi làm công việc nguy hiểm ấy thay nàng. Nữ tướng cướp nghe chàng, cười rũ. Nàng ép đầu chàng vào ngực mà bảo: công việc ấy không phải của anh mà, anh hãy cầm số tiền này rồi về Bắc đi. Nơi này, việc này không phải dành cho anh.
- Tôi không giàu tưởng tượng – nhắc đến Cô Gái Bình Xuyên, anh cười mình – Cái gì dính với tôi, với những kỷ niệm trong đầu thì tôi viết được, hễ bịa là y như rằng hỏng, anh ạ.
- Ờ, Cô Gái Bình Xuyên không quá tồi, nhưng với anh, tôi nghĩ nó là một thất bại.
Tôi nói toạc, không sợ anh giận. Chúng tôi quen nói với nhau thật thà, không kiêng nể.
- Nghề của ta thế đấy. Cái mình viết đã thả ra là không cách nào đuổi theo để bắt nó về. Vì vậy mà viết xong tôi thường để đấy rất lâu rồi mới cho in.
- Nghĩa là anh còn nhiều bản thảo đắp chiếu?
Hồ Dzếnh cười, tránh câu trả lời.
Hồ Dzếnh viết thận trọng. Nhưng chỉ chừng ấy tác phẩm đã được anh thả ra cũng đủ làm phong phú thêm nền văn học mà ta quen gọi là tiền chiến. Những gì anh viết còn cho ta thấy được một hiện tượng khác - ấy là một người nước ngoài hoàn toàn có thể sáng tác bằng tiếng Việt không khác gì người Việt.
Nghe nói người Hoa khuyến khích con trai Hoa lấy vợ Việt nhưng ngăn cấm con gái Hoa lấy chồng Việt. Chuyện này có thật - người ta làm thế là để bảo vệ nòi giống, và cả mở rộng nòi giống nữa. Chẳng thế mà những người Tàu tha hương giữ gìn tiếng Hoa lắm lắm, cho dù có lưu lạc đến tận đẩu tận đâu trên địa cầu. Hơn bất cứ cộng đồng di dân nào, người Hoa coi mất ngôn ngữ là mất gốc. Tiếng bản địa đối với họ vĩnh viễn là ngôn ngữ thứ hai, chỉ đủ dùng trong giao tiếp là được, không cần hơn. Thời tôi, nhiều người Hoa thuộc thế hệ thứ ba thứ tư vẫn không nói sõi tiếng nơi mình sinh sống. Trường hợp Hồ Dzếnh là hãn hữu. Mặc dầu theo phong tục của người Hoa, anh ắt phải học và rành tiếng Hoa hơn tiếng Việt. Anh sáng tác được bằng tiếng Việt ắt hẳn do anh có mẹ người Việt, và tiếng mẹ đẻ của anh đã chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn anh.

Hồ Dzếnh và tác giả, 1986


Cuộc gặp gỡ nhiều ngày với Hồ Dzếnh ở Sài Gòn cho tôi hiểu anh thêm. Chúng tôi có đủ thời gian cho những chuyện tâm tình.
Cũng trong cuộc gặp gỡ này tôi mới biết trong sâu thẳm tâm hồn, Hồ Dzếnh có một vết thương khó lành và không đáng có. Dù anh đã có một chỗ đứng trong văn đàn Việt Nam, anh vẫn luôn cảm thấy có sự phân biệt: anh là nhà văn, nhưng là nhà văn người Tàu, hoặc tử tế hơn: nhà văn gốc Hoa.
Mặc dầu người Hoa đến Việt Nam đã ăn đời ở kiếp trên đất này, đã chôn nhiều thế hệ cha ông ở đây, đã được người bản địa hiền hoà mở rộng vòng tay đón nhận, coi như người trong gia đình lớn các tộc người cùng sống chung với nhau trên một mảnh đất, nhưng đã xảy ra không ít cảnh đau lòng.
Sử sách còn ghi trận quân Tây Sơn tàn sát một vạn sinh linh người Hoa ở cù lao Phố vào thế kỷ 18. Trong cơn thịnh nộ: “Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó ngựa xe tan tác/ Đánh cho nó mảnh giáp không còn/ Đánh cho nó biết nước Nam anh hùng có chủ”, đến đàn bà trẻ con người Hoa cũng không thoát khỏi ngọn giáo lưỡi gươm thù hận.

Theo thống kê không mấy chính xác, năm 1978 và đầu năm 1979 đã có hai vạn rưởi người Hoa vượt biên giới phía bắc để trở về Trung Quốc. Nhà nước Trung Hoa đỏ đặt tên cho nó là “nạn kiều”. Tất cả bắt đầu bằng một tờ truyền đơn giả mạo tựa hồ của chính quyền Trung Quốc kêu gọi người Hoa mau mau trở về tổ quốc để tránh một cuộc “tắm máu” sắp xảy tới. Tờ truyền đơn do một tên vô danh tiểu tốt ở Quảng Ninh học tiếng Trung ở Nam Ninh (Trung Quốc) thảo ra, dưới sự khuyến khích của tên quan thầy nắm công tác tổ chức ở trung ương. Tác giả tờ truyền đơn về sau leo lên một trong những chức vị cao nhất trong hệ thống nhà nước. Công lao được ghi nhận của y là đã xua đuổi được hàng vạn người Hoa ra khỏi Việt Nam mà không tốn một viên đạn. Tôi không viết tên chúng ra đây – chúng không đáng được nhắc đến.

Thế là những con người, chứ không phải những con vật, đã ăn đời ở kiếp trên đất nước ta bồng bế nhau, dắt díu nhau, bỏ ruộng, bỏ vườn, bỏ nhà cửa, bỏ mồ mả cha ông chạy về cái đất nước mà tổ tiên họ đã bỏ đi để tới đất này. Ở mảnh đất bỏ đi ấy, những địa danh chỉ được mơ hồ biết đến, được nhớ tới, trong những truyền thuyết và những chuyện kể về đêm của những ông già bà cả. Giờ đây họ mếu máo chạy về một chân trời xám xịt đầy một màu máu của đủ thứ cách mạng long trời lở đất, hết cái này đến cái khác, mà họ được nghe từ những đồng bào sống sót trốn qua biên giới.
Tổng số người Hoa rời khỏi Việt Nam từ Bắc chí Nam trong thời kỳ này lên tới gần một triệu trong số gần hai triệu người Hoa sinh sống ở Việt Nam, theo một con số thống kê.
Kim Lân, theo tôi quan sát, là bạn thân nhất của Hồ Dzếnh, Nhưng hình như có những tâm sự chua xót Hồ Dzếnh chưa hề nói với bạn. Không phải anh có điều gì phải giấu giếm. Chỉ là anh không muốn nói, không muốn kể, những chuyện đau lòng.
Tôi may mắn hơn. Tôi được nghe anh kể những gì đã xảy ra với anh trong năm 1978:
“Tờ truyền đơn ấy có tác động kinh khủng. Người ta tin nó là thật. Họ chép lại, trao tay nhau, rồi lời đồn loang xa. Thế là người Hoa ùn ùn kéo đi. Có gì trong nhà mang ra bán cho bằng hết, bán rẻ như cho, lùng sục mua vàng. Nhẫn một chỉ, nửa chỉ, vài đồng cân, mua hết, không cân kẹo, không phân biệt thật giả, dắt tất tật vào lưng quần. Lưng đeo ba lô, vai khoác tay nải, họ dắt díu nhau lên đường. Nước mắt lưng tròng, họ hối hả đi, thất thểu đi. Thảm lắm, Tội nghiệp nhất là những gia đình Hoa Việt - chồng đi, vợ ở lại, vợ đi, chồng ở lại. Những đứa con mếu máo chia tay nhau, đứa đi đứa ở, xảy đàn tan nghé. Tôi có anh bạn bác sĩ đông y người Hoa, vợ Việt, hai đứa con, một trai một gái. Anh chồng mang theo con trai, vợ ở lại với con gái. Bao nhiêu là nước mắt. Chia tay họ, tôi khóc ròng”.
- Còn anh thì sao? – tôi hỏi.
- Tôi không đi.
- Tất nhiên, anh còn đang ngồi đây với tôi mà.
Hồ Dzếnh thở dài:
- Tôi không thể đi. Nơi này là quê hương tôi, là đất nước tôi, là tình yêu của tôi. Tôi không thể bỏ.
- Những người ra đi không lôi kéo anh?
- Có chứ. Người ta đến nhà rủ tôi đi cùng. Hằng ngày. Người ta thương tôi, lo sợ cho tôi.
- Còn chính quyền?
- Chính quyền?
- Người ta có làm khó anh nhiều không?
- Có đấy. Họ đến nhà, giục gia đình tôi đi. Không phải một lần. Tôi lánh mặt. Họ hỏi vợ tôi: “Bao giờ ông bà mới chịu đi?”
- Chị trả lời thế nào?
- Nhà tôi bảo: “Tôi không biết. Thuyền theo lái, gái theo chồng, câu ấy chẳng lẽ các ông không biết. Trong nhà ông nhà tôi là người quyết định, không phải tôi. Các ông đi mà hỏi ông ấy!”
- Ông ấy không chịu giáp mặt chúng tôi. Chúng tôi biết – ông ấy đang ở trong nhà.
- Ông ấy đi từ sớm, lúc tôi còn ngủ. Thức dậy đã không thấy ông ấy đâu. Chắc ông ấy không ngủ được, dậy xong là đi. Các ông thử tìm ở mấy quán cà phê xem có ông ấy có đấy không?
“ Rồi họ cũng tóm được tôi – anh tiếp – Bảo tôi đi theo. Đi thì đi. Ngồi lên command-car, hai người của chính quyền ngồi hai bên. Như sợ tôi chạy. Công an, tôi nghĩ. Họ đưa mình đi đâu đây? Xe rẽ vào Hỏa Lò, anh ạ. Cái Maison Centrale này người Hà Nội có ai không biết. Tôi tự hỏi: “Mình làm gì mà họ bắt cơ chứ”? Xe đỗ lại trong một cái sân rộng.
Tôi hình dung cái sân Hỏa Lò sạch bong với mấy dàn nho queo quắt. Tôi đã đứng đây vào thời thuộc Pháp khi đi thăm cha tôi. Tôi cũng đã đứng đây chờ được đưa vào xà lim, thời cách mạng.
“Theo chân họ, tôi bước vào một căn phòng trống huếch trống hoác, ở tường hậu có một cái bàn giấy. Lấy thêm ghế, phân ngôi chủ khách. Chủ ngồi trong. Tôi ngồi ngoài. Mời uống trà. Thuốc lá sang, Thăng Long bao bạc hẳn hoi. Chuyện trên trời dưới đất. Sau hết, mới vào đề:
- Anh nhất định không chịu ?
- Tại sao tôi lại phải đi?
- Người Hoa đi cả, anh ở lại làm gì?
- Nhà tôi ở đây, vợ con tôi ở đây, đi đâu? Việc gì tôi phải đi? tôi nói.
Họ nhìn nhau, cười. Cứ như họ nghe một câu trả lời ngớ ngẩn của người điên. Tôi bặm môi lại, không nói thêm câu nào nữa. Nói làm gì? Có nói họ cũng chẳng hiểu. Với họ, tâm hồn con người là thứ vớ vẩn, họ không thể hiểu, không thèm hiểu. Rồi họ đứng lên, ra hiệu cho tôi đi theo”.
Anh im lặng, nhớ lại.
- Họ đưa anh đi đâu?
“Qua một cửa lớn làm bằng nhiều song sắt. Rồi một cửa nhỏ, cũng bằng song sắt. Nó dẫn vào một hành lang mờ mờ tối, hai bên là những cánh cửa sơn xám có then cài với những cái khóa bằng đồng”.
Tôi thảng thốt:
- Đó là khu xà lim 1. Tôi từng ở đấy. Họ giam anh?
Hồ Dzếnh trầm ngâm. Rồi cười buồn:
“Lúc ấy tôi cũng nghĩ thế - mình sẽ bị giam ở đây. Nhưng không, họ không giam tôi.
Một anh có vẻ là cấp trên trong hai người mở nắp cái ô nhỏ bên trên cánh cửa, kiễng chân nhòm vào, rồi ra hiệu cho tôi nhòm theo. Cái lỗ quan sát ấy tôi biết qua sách. Người Pháp gọi nó là le judas. Tôi không phải kiễng chân, tôi cao hơn anh ta, Nhòm vào, tôi giật bắn mình - bên trong là một cái xác trần truồng, gày đét. Nghe động, cái xác hé mắt. Hoá ra là một người sống. Tất nhiên, anh ta không nhìn thấy tôi, cái lỗ ấy chỉ cho anh ta thấy hai con mắt. May, không phải một người quen. Tiếp theo, họ mở thêm vài cái ô như thế nữa, vẫy tôi lại, nhưng tôi lắc”
– Rồi sao?
“Họ đưa tôi về nhà, cũng trên chiếc command-car ấy. Trên xe, chúng tôi không ai nói với ai câu nào. Chỉ khi mở cửa xe cho tôi xuống, người công an cấp trên mới đặt tay lên vai tôi: “Anh thấy rồi đấy – anh muốn về Tàu hay muốn ở lại trong cái chỗ anh vừa thấy?”
Câu chuyện Hồ Dzếnh kể làm tôi bàng hoàng.

Lại thêm một cái không thể ngờ có thể xảy ra trong cuộc cách mạng mà tôi đi theo từ thuở thiếu thời. Những người mà tôi từng gọi là đồng chí bên trong cái vỏ bọc cách mạng đã hành xử tàn nhẫn đến thế đấy, với một nhà văn không hề chống lại họ.
Đoạn hồi ức này không có tham vọng nào hơn là thêm vài chuyện vặt vào những gì nhiều người đã viết về Hồ Dzếnh.
Lần gặp anh ở Sài Gòn là lần cuối. Sau đó chúng tôi cũng không có thư từ, điện thoại cho nhau. Tin nhắn cuối cùng anh gửi cho tôi là bài viết thay cáo phó trên tờ Văn Nghệ,

                      * *
*

Tháng 8 năm 1991, tôi ở Warszawa.
Một buổi chiều, sau khi uống cà phê ở quán U Szwejka trên quảng trường Konstytucji, tôi thả bộ tới đường Marszałkowska thì một chiếc taxi trờ tới. Ắt hẳn anh lái nghĩ tôi là một du khách đang lớ ngớ tìm đường.
Ngạc nhiên làm sao, vừa ngồi vào xe, lên tôi thấy bên mình một tờ báo tiếng Việt.
Một hàng tít lớn đập vào mắt :”Nhà văn Hồ Dzếnh không còn nữa”.
Xem ngày tháng thì thấy tờ báo mới ra hôm qua. Chắc hẳn người khách trước tôi là người Việt vừa đi từ phi trường Okiecie vào thành phố đã bỏ lại.
Tôi bàng hoàng. Tôi ít khi nghĩ tới cái chết, cho chính mình, cũng như cho những người tôi biết. Sự sống vốn chẳng là vô hạn với bất cứ ai – biết là thế, nhưng bất ngờ vẫn cứ là bất ngờ. Thậm chí trong hành trang của tôi vẫn còn đấy cái đồng hồ quả quít cổ mặt sứ tôi mua ở chợ đen Donbass để gửi cho Hồ Dzếnh. Có lần nào đó anh nói với tôi anh thích đồng hồ quả quít hơn đồng hồ đeo tay. Nó gợi nhớ cái đồng hồ của cha anh - vật còn lại lâu hơn mọi thứ khác sau khi cha anh qua đời và mẹ anh phải bán đi tất cả.
Tôi nhoài lên ghế trên, hấp tấp nói lại địa chỉ. Thay vì về nhà, tôi bảo anh tài xế đưa tôi đến chỗ khác. Ở thương vụ Việt Nam tôi có thể nhờ gửi tin nhắn bằng telex nhanh nhất về cho con rể.
Các con tôi đã có mặt trong tang lễ, thay tôi tiễn đưa nhà văn mà tôi yêu mến đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Thêm một lần, tôi tin ở tâm linh. Nó có thật hay không có thật tôi không biết. Bằng sự tình cờ hi hữu, Hồ Dzếnh gửi cho tôi lời nhắn cuối cùng:
“Tôi đi đây. Chào nhé!”.

9.2016
Vũ Thư Hiên


Những tác phẩm đã xuất bản của Hồ Dzếnh:

- Quê Ngoại (thơ, gồm những bài góp nhặt từ năm 1935 đến 1942, xuất bản năm 1943);
- Hoa Xuân Đất Việt (thơ);
- Chân Trời Cũ (tập truyện ngắn, xuất bản năm 1942 (nhà xuất bản Hoa Tiên);
- Một Truyện Tình 15 Năm Về Trước (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh (nhà xuất bản Hoa Tiên)
- Hai Mối Tình hay Tiếng Kêu Trong Máu (truyện dài, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh (nhà xuất bản Hợp Lực, 1968);
- Dĩ Vãng (tiểu thuyết)
- Những Vành Khăn Trắng (tiểu thuyết, ký bút hiệu Lưu thị Hạnh);
- Đường Kẽ Mãnh (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật ,số 187, 12-12-1943);
- Nhà Nhiều Con (truyện ngắn, Trung Bắc chủ nhật, số 206, 11-6-1944).
- và nhiều truyện ngắn khác đăng rải rác trong các giai phẩm xuất bản thời tiền-chiến.

Chú thích :

1 Bài thơ Phong kiều dạ bạc của Trương Kế, đời Đường.
2. Xuân ý.
3. Ngập ngừng
4. Mùa thu năm ngoái


(V.Nga chuyển)

Khủng bố ở Paris : Cơn ác mộng lại tái diễn (Thụy My Blog )

 

Ngay trong lúc đang diễn ra phiên tòa xử vụ khủng bố Charlie Hebdo ở Paris, lại xảy ra vụ tấn công mới ngay trước tòa soạn cũ của tuần báo trào phúng, hung thủ là di dân người Pakistan « vừa mới hơn 18 tuổi » trên giấy tờ. Mỗi năm, chính quyền Pháp chi ra ít nhất 2 tỉ euro để chăm sóc các « trẻ em vị thành niên » nhập cư lậu, trong đó có không ít người khai gian tuổi.  


Từ nhân chứng vụ Charlie Hebdo trở thành nạn nhân

Libération nói về « Tấn công ở Paris : Một hành động được khẳng định và những vùng tối », Le Figaro dành hai trang báo lớn cho « Quỹ đạo đặc thù của một người Hồi giáo ‘đơn độc’ ». La Croix nhận xét « Tại Paris, vụ tấn công bằng dao phay làm sống lại ký ức tháng Giêng năm 2015 », tương tự với Le Monde « Vụ tấn công ở đường Nicolas-Appert : Cơn ác mộng quay trở lại ».

Trong khi phiên tòa xử các vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015 đang diễn ra tại tòa án hình sự đặc biệt Paris từ ba tuần qua, hôm thứ Sáu 25/09 lại xảy ra một thảm kịch mới ở ngay trước trụ sở cũ của Charlie Hebdo. Một người đàn ông dùng dao phay chém vào đầu vào mặt hai người trên lề đường rồi chạy trốn – bằng métro, với khuôn mặt đầy máu, chiếc áo thun màu xanh đọt chuối và đôi giày đỏ. Anh ta bị bắt vào lúc 12 giờ 30 trước nhà hát opéra Bastille, và lập tức nhận tội.

Hai nạn nhân bị thương nặng, một nữ tiếp tân 28 tuổi và một nam nhân viên 32 tuổi đều là người của Premières Lignes, một công ty sản xuất chương trình truyền hình đóng tại cùng tòa nhà với Charlie Hebdo, đang trong lúc nghỉ giải lao. Thủ phạm không biết rằng tuần báo trào phúng sau vụ khủng bố đã dời tòa soạn đến một bunker mà địa điểm được giữ bí mật và được bảo vệ chặt chẽ. Vấn đề là nếu gõ từ « Charlie Hebdo » trên Google, vẫn cho ra địa chỉ cũ là đường Nicolas-Appert, Paris.

Các nhân viên của Premières Lignes từng là những nhân chứng đầu tiên trong vụ khủng bố Charlie Hebdo, nay  trở thành nạn nhân, và khu phố bỗng dưng sống lại cơn ác mộng cũ. Những cánh cửa đóng chặt, bàn ghế được dùng để chận lối vào, những tiếng la hét, tiếng còi xe cấp cứu, cảnh sát bao vây, các trường học gần đó bị phong tỏa, bộ phận hỗ trợ tâm lý được cấp tốc lập ra ở tòa thị chính quận 11…Theo La Croix, nếu sự tàn bạo của vụ tấn công gây sốc, thì sự tái diễn này cũng làm người dân choáng váng.

Được cưu mang, vẫn khủng bố để « trả thù cho Mohamet »

Le Figaro và Le Monde cùng nêu ra việc hung thủ Hassan A., từ Pakistan đến Pháp bất hợp pháp năm 2018 cùng với hai người em. Anh ta khai rằng sinh năm 2002, có nghĩa là lúc ấy mới 16 tuổi, nhưng trông già hơn rất nhiều nên chính quyền địa phương đã yêu cầu cho kiểm tra xương để xác định tuổi thật. Tuy nhiên tòa án Cergy-Pontoise đã bác, và Hassan được cơ quan trợ giúp xã hội cho trẻ em (ASE) trợ cấp ăn ở và đào tạo nghề, giúp tìm việc. Sau hai năm được Nhà nước Pháp cưu mang, và chuẩn bị nhận việc tại một công ty xây dựng với cơ hội được hợp thức hóa giấy tờ, anh ta lại tiến hành khủng bố để trả thù việc « vẽ biếm họa nhà tiên tri Mohamet ».

Hassan khẳng định hành động một mình, nhưng có 9 người đang bị câu lưu để điều tra, trong đó có một người em trai và sáu người Pakistan chung phòng với nghi can. Le Figaro cho biết thêm, năm 2019 số trẻ em vị thành niên người nước ngoài không có cha mẹ đi cùng nhập cư lậu vào Pháp lên đến 40.000 người, chính quyền địa phương phải chăm lo cho số này cho đến tuổi trưởng thành, và tiêu tốn ít nhất 2 tỉ euro mỗi năm. Riêng về di dân Pakistan, không ít người khai là từ Afghanistan để dễ xin tị nạn.

Trong khi đó Le Monde thuật lại tại tòa án hình sự Paris, hai người vợ góa của hai anh em Kouachi – các hung thủ đã thảm sát toàn bộ ban biên tập Charlie Hebdo – một mực nói rằng không hay biết gì về âm mưu của chồng. Tất nhiên là trong phòng xử án không ai tin lời khai này. Cả hai tên sát thủ đều thất nghiệp, vậy gia đình sống bằng gì ? Vợ của Said Kouachi nói rằng sống nhờ vào trợ cấp cho người khuyết tật của bà ta, còn vợ của Chérif Kouachi khai anh ta mua quần áo rồi bán lại trên mạng. Chủ tọa phiên tòa cho biết cảnh sát ghi nhận người vợ góa của hung thủ không hề tỏ ra xúc động khi xảy ra vụ tàn sát các nhà báo Pháp.

« Hãy đối mặt không sợ hãi »

Le Figaro chỉ trích tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chần chừ chưa đưa ra tuyên bố « chống ly khai », tuy ông đã trực tiếp trao đổi với đơn vị trực chiến cũng như gia đình từng nạn nhân, và thủ tướng, bộ trưởng Nội Vụ đã có những phát biểu về vụ khủng bố ở đường Nicolas-Appert. Đành rằng tổng thống thứ Sáu tuần này sẽ lên tiếng « một cách thẳng thắn », nhưng tờ báo cho rằng chờ đến một tuần lễ là quá lâu.

Trong bài xã luận, Le Monde kêu gọi « Khủng bố : Hãy đối mặt không sợ hãi ». Dù là hành động của một cá nhân đơn lẻ hay của những tên khủng bố thuộc một mạng lưới, đây là mối đe dọa thường trực cho tự do ngôn luận.

Vụ tấn công mới, xảy ra chỉ hai ngày sau khi 100 tờ báo Pháp cùng đăng lá thư ngỏ cổ vũ người dân bảo vệ quyền tự do căn bản này, càng củng cố lời kêu gọi : « Những kẻ thù của tự do cần phải hiểu rằng tất cả chúng ta đều là đối thủ kiên quyết của chúng, dù có những quan điểm và niềm tin tôn giáo khác nhau ». Năm năm sau các vụ khủng bố Charlie Hebdo, Montrouge, Hyper Cacher, nước Pháp cũng như các nền dân chủ trên thế giới cần tiếp tục đối mặt không sợ hãi trước những kẻ gieo rắc hận thù.


❤❤❤❤

XEM THEM :Charlie Hebdo : Vụ 11 tháng 9 của nước Pháp

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

THU XA - Thơ Songquang và Bài Họa Của Các Thi Hửu


THU XA

Mùa Thu đã đến ở nơi đây!
Em có hay chăng lá rụng đầy?
Sương tỏa nhạt nhòa gầy ngọn liễu,
Gió đùa lay gợn khỏa làn mây.
Hàng tre xào xạc ngoài hiên đó,
Cánh nhạn chơi vơi tận chốn nầy.
Gác nhỏ quê người sầu lữ thứ,
Một mình hiu quạnh nỗi niềm tây.

Songquang (22/9/2020)


Họa 1 : VÀO THU


Gió vừa hiu hắt thoáng qua đây
Sương khói hoàng hôn đã tỏa đầy
Có tiếng mưa ru buồn rặng liễu
Thêm lời chim hót nhớ đường mây
Vật vờ lá rụng âm u đó
Hoang hoải sông trôi vắng lạnh nầy
Nước chảy về đâu,sao chẳng nói ?
Để lòng hóa sóng dạt bờ tây !…

Lý Đức Quỳnh
23/9/2020



Họa 2 :GỬI CÁNH VẠC BAY


Gió lạnh Thu buồn trở lại đây
Lá xanh ngan ngát hãy còn đầy
Bầu trời xám xịt lơ thơ nắng,
Rặng núi đen ngòm lởn vởn mây
Tiếng vạc thiết tha về chốn cũ
Mùa đông tấp tểnh tới nơi này
Trăm điều muốn gửi phương xa ấy...
Có hiểu lòng tôi, nặng nỗi tây?

ThanhHoà




Họa 3 : XIN GỬI CHÚT THU


Heo may, thu đã thoảng rồi đây
Lá giã cành tươi, gốc phủ đầy
Rừng viễn ngơ vàng, vàng sợi nắng,
Khoảng xanh gợn trắng, trắng vòm mây
Hơi nồng quán cũ, hành ai đó
Gió lạnh phương xa, ghẹo gã này
Ước gửi chút se về cố xứ...
Gói theo trọn nỗi kẻ trời tây.

CAO BỒI GIÀ
23-09-2020



Họa 4 : THU XA


Bóng cũ hình xưa đã khuất đây
Còn trơ gác vắng lá rơi đầy
Xanh lơ góc biển ngàn con sóng
Trắng xóa khung trời một sắc mây
Khách chẳng hay ra niềm khổ đó
Người không hiểu được nỗi đau nầy
Ai về thắp lại lò hương cũ
Sưởi ấm đêm dài lạnh gió tây

Viễn Khách
September 23, 2020



Hoa 5 :THU


Lãng đãng mùa thu nhẹ đến đây
Trong vườn, xác lá đã rơi đầy
Hơi may vương vấn lay làn tóc
Sác xám mơ màng nhuộm đám mây
Đắm thắm cúc vàng bên cửa ấy
Dịu dàng lau trắng cạnh sông này
Con thuyền đậu bến chờ con nước
Chiều xuống loang mờ tím góc tây.

Sông Thu
( 23/09/2020 )



Họa 7 : THU XA


Mong mãi rồi Thu cũng đến đây...
Đường khuya gió cuốn bụi tung đầy
Sương mờ lãng đãng che thâm lá
Đèn sáng ơ hờ rọi khuất mây
Nguyệt tỏ song thưa thương chốn ấy
Đèn lu gối chiếc tủi nơi nầy
Quê cha đất mẹ xa vời vợi
Lạnh buốt tâm hồn bởi gió tây!

Thanh Song Kim Phú
CA, Sep/23rd /2020



Họa 8 :TIẾNG THU


Lào xào trong lá tiếng thu đây
Từng bước bâng khuâng kỷ niệm đầy.
Lành lạnh gió chiều hiu hắt phố
Mơ màng đồi núi chập chùng mây.
Tri âm da diết tình quê đó
Lữ thứ buồn tênh đất khách nầy.
Man mác tuổi già vàng ký ức
Ác tà lặng lẽ đã về tây!

MaiLoc
( Cali thu phân 2020 )



Họa 9  THU BUỒN


Người ở đâu, sao lạc tới đây
Thì gom lá rụng, đổ sân đầy
Ngô đồng một cánh vương sương khói
Thiên hạ bao thu thả tóc mây
Buồn bã thêm ư mùa mộng đó
Nhớ nhung thầm nhỉ cõi mơ nầy
Kéo không gian lại cho đầm ấm
Chiều đã vàng nơi biển phía tây...

Utah 23 - 9 – 2020
CAO MỴ NHÂN




Họa 10 : ́CHIỀU THU TÍM

Rừng đã thay màu khắp đó đây,
Heo may sương muối lá rơi đầy.
Mặt hồ phẳng lặng mờ rêu cỏ,
Đáy nước trong veo ẩn bóng mây.
Trời lạnh chim tìm nơi ấm khác.
Hoa khô bướm bỏ chốn buồn nầy.
Nắng vàng vừa tắt, chiều thu xuống

,Nhuộm tím hoàng hôn tím hướng tây.

Mỹ Ngọc.
Sep. 23/2020.



Họa 11 :THU BUỒN


Thu nhớ tình xưa ấp ủ đây
Sài Gòn ký ức, cảm thương đầy
Cố nhân muôn thuở, nằm quan ải
Bạn cũ ngàn năm, ngắm bóng mây
Tê tái Cô Vy, lây ở đó
Tơi bời Vũ Hán nhiễm bên này
Định cư đất khách buồn hiu quạnh
Gối lẻ chăn đơn xứ viễn Tây

Mai Xuân Thanh
Ngày 23/09/2020


Họa 12 :THU SANG


Thu đã đến rồi nay ghé đây!
Cho ta nhớ lại áng thơ đầy.
Em còn quyến luyến tình tơ liễu,
Ta ướm đong đầy nghĩa gió mây.
Lá lấp góc ôm hình ảnh đó,
Mây bay vòng lãng ánh tia nầy.
Xa xôi lạc bến đời phiêu bạt
Vui có gì đông lại ghé tây?

HỒ NGUYỄN
(24-9-2020)



Họa 13: NHẶT BÓNG THU


Lại lá rơi vàng ngập chốn đây
Vì sao cảm xúc cứ dâng đầy
Người đi ảo não trông trời nhạn
Kẻ ở u hoài dõi áng mây
Trở giấc Xuân qua lời nhạc cũ
Lay đêm hạ biệt tiếng đàn nầy
Thời gian cứ phủ dần năm tháng
Nhặt bóng thu về buốt gió tây


Minh Thuý Thành Nội
Tháng 9/23/2020


Họa 14 :ĐI DẠO DƯỚI TRỜI THU

Thu vừa thấp thoáng đến quanh đây
Mới biết hồn em mộng vẫn đầy
Bên suối...dịu dàng nai cợt bóng
Trên ngàn...nhè nhẹ gió đùa mây
Tiêu dao...dừng bước ven bờ đó
Thưởng lãm...ngắm hoa góc núi này
Mặc kệ thói đời đen hay trắng
Một mình thanh thản giữa trời tây !

Thy Lệ Trang


Họa 15 :MỪNG THU VỀ



Thu nào tháng tám mới về đây
Làng Cốm quê ta hạnh phúc đầy
Múi bưởi chua ngon chìa háy nguyệt
Khoanh hồng giòn ngọt hướng trêu mây
Nếp mùa dẻo dẻo chuyên canh đó
Hạt cốm thơm thơm đặc sản nầy
Du khách qua thăm vui sẩy giã
Tức cười lóng ngóng mấy ông tây.

Trần Như Tùng




Họa 17 :THU LƯU VONG


Mấy chục thu rồi mãi ở đây
Nỗi đau xa xứ cứ đong đầy
Quê Cha vẫn khuất theo làn gió
Đất Mẹ còn mờ với bóng mây
Khối kẻ điên cuồng mê thuyết ấy
Vài người thấm thía thấu ngu này
Chiều vàng lá rụng rơi đầy ngõ
Tỉnh mộng nhìn mình lạc cõi Tây

Nông gia hai lúa NJ
Vào thu năm 2020




Họa18 :THU TIẾC THƯƠNG ĐẦY !

Đọc Xuôi :


Đây đến Thu rồi lá rụng đây,

Gió chiều lơ lững tiếc thương đầy !

Ngây thơ dáng cũ sầu tơ liễu,

Mát đẹp đường xưa rũ bóng mây !

Giây phút cách chia niềm hận đó,

Tháng năm buồn luỵ nỗi đau nầy !

Cây tàn úa héo nay già cội…

Lây lất kiếp đời nhớ mái tây !


Đọc Ngược :


Tây mái nhớ đời kiếp lất lây,

Cội già nay héo úa tàn cây.

Nầy đau nỗi luỵ buồn năm tháng,

Đó hận niềm chia cách phút giây.

Mây bóng rũ xưa đường đẹp mát,

Liễu tơ sầu cũ dáng thơ ngây.

Đầy thương tiếc lững lơ chiều gió…

Đây rụng lá rồi Thu đến đây !

Liêu Xuyên




Hoa 19 :ĐẾN KHI NÀO


Chiều về bảng lảng ghé thăm đây
Treo nỗi buồn riêng chất ngất đầy
Thương nhớ ngợp trời vàng úa lá
Mong chờ hoen lệ mịt mờ mây
Không gian mờ ảo đồi thông nớ
Kỷ niệm lung linh suối thác này
Phải sống ly hương chua xót quá
Đến khi nào nối lại đông tây ?

PHƯỢNG HỒNG




Họa 20 :HỎI THU


Thu đã về chưa quạnh quẻ đây
Cho thôi nức nở lệ Thu đầy
Câu thương Thu trước bay cùng gió
Lời nhớ Thu nào lẫn khuất mây
Vướng víu hồ Thu đôi mắt ấy
Tình Thu lay động trái tim nầy
Có nghe Thu hỡi hoài mong đợi
Thu vắng xa rồi lạnh mái tây

K.P




HỌA 21 THU SANG


Thu đã đến rồi nay ghé đây!
Cho ta nhớ lại áng thơ đầy.
Em còn quyến luyến tình tơ liễu,
Ta ướm đong đầy nghĩa gió mây.
Lá lấp góc ôm hình ảnh đó,
Mây bay vòng lãng ánh tia nầy.
Xa xôi lạc bến đời phiêu bạt
Vui có gì đông lại ghé tây?

HỒ NGUYỄN (24-9-2020)



CÂY CHÈ THANH HOÁ VÀ GIỐNG CHÈ NGON YÊN LƯỢC (Kỳ 1)

   HOÀNG TUẤN PHỔ



Cây chè từ xa xưa mọc hoang ở nhiều nước thuộc vùng Đông Á. Người Trung Quốc và người Việt Nam biết dùng chè rất sớm để làm thuốc và thức uống hàng ngàn năm trước. Các tỉnh Bắc và Trung Việt Nam đều trồng chè. Nổi tiếng đất chè là Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Nam, Lâm Đồng...
Thanh Hóa cũng là đất chè. Chè Thanh đi vào phương ngôn, tục ngữ phản ánh đặc sản của ngon vật quý nhiều vùng miền của đất quê Thanh.
- Đồn rằng Kim Tử lắm chè
Tống Sơn lắm mía, chợ Nghè lắm khoai.
- Bánh đúc chợ Go
Chè xanh làng Núi
Tằm tơ làng Hồng
Làng Vạc trồng bông buôn bông
Cổ Đô dệt lụa, Trà Đông đúc nồi.
- Làng Các tốt đất trồng chè
Bái Sơn xấu đất trồng tre đan giành
Bao giờ chè tốt chè xanh
Thì coi cô gái lấy anh cũng vừa.
- Đi thì mỏi gối trối lè
Không đi thì nhớ bánh lá nước chè Tâm Quy.
...
Ngoài loại chè thông dụng bà con nông dân thường gọi chè xanh, chè tươi, rừng Tâm Quy (hay còn gọi là Tam Quy thuộc xã Hà Tân, huyện Hà Trung) có loại cây mài lái, hái lá nấu với nước Khanh Tam Quy (một thứ nước khe trong rừng Tâm Quy chảy ra). Nước chè mài lái cho hương sắc đặc biệt, phong vị cũng đặc biệt. Tiếc một điều chưa ai nghĩ đến việc gây giống cây mài lái sườn đồi hay gieo giống vườn nhà, trong khi vườn đồi Hà Trung khắp nơi như bát úp và suối rừng khe núi không chỉ riêng Tâm Quy. Nước Khanh trong vắt, không có chất sắt, chất phèn... tương tự nước mưa. Nếu ta dùng nước mưa nấu lá chè mài lái cũng sẽ được nước chè mang phong vị nước chè Tâm Quy người ta đã khen ngợi.
Chè xanh làng Núi đặc biệt hơn đất vườn nhà là đất cát pha thịt và loại đất thịt lắm màu. Làng Núi nói trên là núi Go xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, chất đỏ bazan non, một hiện tượng bồi tích của sông Mã và sông Chu. Đất đỏ núi thấp này trồng chè rất tốt cho lá nấu nước uống ngon.
“Chè xanh làng Núi” đúng là xanh um cả một vùng đồi, làng đồi, ngày ngày người dân hái bán chợ Go bên sông và nhiều chợ trong vùng. Chè tiêu thụ không hết, diện tích chè thu hẹp dần, nhường chỗ cho các loại cây lấy củ và cây công nghiệp.
Bà con dân tộc ít người, nhiều nơi uống chè dung hái từ lá cây dung: Cây dung là loại cây rừng, có thể cao tới 5m, thân thẳng đứng, gỗ trắng, thớ mịn nhưng dễ nứt, chỉ để làm củi. Lá và vỏ theo phân tích khoa học có chất tanin và một số hợp chất khác. Theo kinh nghiệm dân gian, lá dung làm chè uống có tác dụng tiêu cơm. Lá và vỏ sắc đặc uống chữa bệnh đau bụng thông thường nhưng dai dẳng. Trong những bồ thuốc Mường của các bà mế bán thuốc ở chợ Vườn Hoa thường có lá dung chữa bệnh đau dạ dày, nhưng theo kinh nghiệm nhiều người đã dùng chỉ có tác dụng đối với chứng đau dạ dày do thừa chất chua.
Dân đồng bằng, nhà nghèo không tấc đất cắm dùi thường uống nước vối, vối lá và vối nụ. Một cây vối đủ lá uống quanh năm. Giống vối thân gỗ, không to cao, rậm rà chiếm nhiều đất. Nó đứng khiêm tốn sau nhà, trước sân, bên bờ rào làm cõi, hoặc đầu ngõ như người lính gác. Lá vối uống tươi, mỗi ấm tích chỉ cần vài ba lá pha nước sôi, hương vị thơm ngon. Gần đây nhiều hội nghị dùng nước vối thay nước chè xanh, chè khô. Nước lá chè vối trong xanh màu ngọc bích trông đẹp mắt, cho mùi thơm nhẹ, một phong vị đồng quê đặc sắc.
Vối vườn ngon, vối rừng chát. Vỏ vối rừng là vị thuốc tác dụng như vối Trung Quốc, Đông dược là Bắc Hậu phác, Nam dược là Nam Hậu phác. Đại y sư nổi tiếng Trung Quốc Trương Trọng Cảnh trong phương dược dùng vị Hậu Phác Bắc phối hợp với một số vị khác chữa chứng thổ tả, thương hàn, kiết lỵ có vi trùng độc... Trong Nam dược, thầy thuốc nam cũng dùng vỏ vối rừng tác dụng như Bắc dược. Ngoài ra còn dùng nước sắc Nam Hậu phác chữa các vết loét, sưng tấy ngoài da thịt và vết khâu sau khi mổ tái phát, phụ nữ sau sinh uống nước vối để phòng trừ vết sây sát trong dạ con là kinh nghiệm dân gian tốt.
Cây chè xanh, chè tươi có mặt ở hầu khắp trung du, đồng bằng tỉnh Thanh. Nhà vườn đất hẹp cũng trồng vài mươi gốc chè để tự túc nước uống, khỏi chợ búa “tốn kém”, phiền hà. Hình ảnh chiếc điếu cày, cái nùn rơm, ấm nước chè xanh là bộ ba đặt ở bờ ruộng khá phổ biến đối với người nông phu thời xưa.
Cây chè xanh, chè tươi ưa đất cao như bờ ao góc vườn, không cần diện tích rộng, nhưng cần thông thoáng. Một số nơi, sau mùa gặt hái, người ta không quên trải một lớp rạ lũn chung quanh gốc chè để giữ độ ẩm và tăng lớp mùn xốp cho nó. Chè xanh vườn chỉ cao độ hai ba mét, thân tỏa chia nhiều cành nhánh, không tốt rầm rà vì luôn luôn thu hoạch, đủ nấu nước hàng ngày và quanh năm suốt tháng.
Chè xanh vườn lá to, lá mỏng, lá nhỏ, lá dày, chợ quê nào cũng có, vì đối với dân ta uống chè là thói quen, là thú vui đã thành phong vị, phong tục lâu đời. Đến nỗi người ta thành nghiện, càng đặc càng thích, vò chè để đun, rồi giã chè để nấu:
Chú tôi tốt tóc đen răng
Hay uống chè đặc, hay nằm ngủ trưa
Trời nắng lại khấn trời mưa
Đêm nằm chỉ ước cho thừa trống canh.
Xưa nông thôn có những cụ già tuổi cao, mỗi ngày ăn một bữa cơm, uống hai bữa chè xanh mà vẫn vui khỏe: Dân ta uống chè xanh như người Tây uống cà phê. Nó là thói quen, một cái thú, lâu đời thành phong tục, “khách đến nhà không trà thì thuốc”. Có ấm chè ngon, đôi bạn ngồi đối ẩm mới thú. Hàng xóm với nhau, nấu xong ấm chè xanh, chỉ cần “ới” lên một tiếng, anh bạn đã vượt qua hàng rào bờ chè mạn, xuất hiện ngay trước bếp. Nước vừa chín, rót ra bát ô tô bốc mùi thơm phức, làn khói lụa mỏng tang tỏa bay là là trên mặt bát nước. Họ ngồi xổm ngay trong bếp hoặc lấy cái gốc cây làm ghế, hai tay bưng bát ô tô nước vừa thổi nóng phù phù vừa húp sì sụp. Uống thế mới ngon, mới thú. Họ uống xong mới phẩm bình: Chè vườn nhà hay chè mua ở chợ, đất miền đồi hoặc đất đỏ bazan... Đó là “đạo trà” của bác nông dân người Thanh thời xưa. Phải kèm theo điếu thuốc lào Thượng Đình, miếng trầu cay leo cây cau giữa vườn “nhất trụ kình thiên”, mới đủ bộ, đưa khoái cảm tâm hồn lâng lâng bay vút.
Tuổi thọ cây chè xanh rất cao, bề ngang hai tay ôm không xuể, gió bão không chuyển, sâu bệnh không kinh. Hoa chè thơm ngát, sắc trắng tinh điểm nhụy vàng, dùng ướp trà hương cho mùi trà độc đáo. Nụ chè ủ khô uống đậm đà, thơm ngon. Quả chè ba thùy cho hạt to truyền giống đời sau thêm đông đúc. Gỗ chè trắng, gọt nõ điếu hút kêu giòn tan, khoét miệng sáo diều, cánh diều mùa hè bay cao, tiếng sáo thổi kêu vi vu, nghe du dương điểm tiếng cồng chiêng lúc gần, lúc xa, tưởng chừng ở thế giới nào vọng tới.
Ngoài trồng chè tự túc, hái bán ở chợ kiếm đồng tiêu vặt, dân Thanh còn biết chế biến chè thành thứ hàng hóa thị trường:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo, xem nôm Thúy Kiều.
Đó là thú ăn chơi phong lưu công tử. Xưa trà Mạn Hảo, ta phải mua của Bắc quốc. Đời Lý – Trần, người Thanh Hóa, huyện Ngọc Sơn (sau đổi tên Tĩnh Gia) chế biến chè Am Các ngon nổi tiếng, khách thương mua bán trao đổi các tỉnh ngoài và bán ra ngoại quốc. Làng này hái lá núi Tuân Thiềm về giã nát phơi trong râm mát cho khô, nấu nước uống giải khát mát tận tim phổi. Chè núi Am Các do làng Vân Trai sản xuất đóng bánh gói lại thành từng gói mang nhãn hiệu Các Sơn trà xuống thương thuyền chu du ngoại quốc đem hương vị Bồng lai tiên cảnh để kết nối duyên tiên mọi miền thiên hạ:
Bồng Lai Am Các chè tiên
Trai xa được vợ gái quen được chồng.
Thế kỷ XV, thời Lê sơ đã quan hệ hàng hóa với nhiều nước, tàu thuyền buôn bán nhộn nhịp vào ra sông Lạch Bạng, đỗ chật bến Cửa Ngọc, thơ nôm Quốc Âm Lê Thánh tông miêu tả:
Chan chan thuyền khách sào chưa nhổ
Sình sịch tàu ai cọc hãy cằm.
Đó là thuận lợi để làng Vân Trai phát triển nghề thủ công thu nhiều mối lợi mang thương hiệu “Các Sơn trà”.
Núi Am Các huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), sách Đại Nam nhất thống chí đời Nguyễn mô tả như một dãy trường thành lô xô ngọn thấp, ngọn cao, khí hậu mát mẻ thích hợp sự sinh trưởng một giống chè ngon, quanh năm làng Vân Trai thu hái, chế biến bán ra thị trường cho mối lợi đáng kể. Trước Đại Nam nhất thống chíVân đài loại Ngữ của Lê Quý Đôn cũng chép như vậy.
Chè Các Sơn không mọc trên núi cao mà sẵn dưới chân núi, bao quanh chân núi, do chỉ gặt hái không gieo trồng nên khó sinh tồn và phát triển lâu dài. Từ thế kỷ XVII về sau, không còn nghe ai nhắc đến chè núi Các hay Các Sơn trà. Nhưng đất có lim lim lại mọc. Chúng ta lại gặp những dải đồi chè thấp giữa miền trung du phía Tây Tây Bắc huyện Thọ Xuân giá trị như rừng nguyên sinh Các Sơn trà tái hiện. 

                                        Hoàng Tuấn Phổ/8/2020 
(Còn tiếp)

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...