Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

NGƯỜI ĐÀN BÀ CÔ ĐƠN VÀ CON CHÓ HOANG-Truyện Của Trương Quang (Văn Việt (


Vào khoảng tháng ba năm 1980, anh nhận được một lá thư của ba anh gửi sang từ quê nhà. Thư cho biết gia đình vừa tình cờ nhận được tin tức của một người chị họ bên nội của ba anh, vốn biệt tích từ sau ngày đất nước bị chia đôi, hiện nay đang sinh sống ở một vùng nào đó trên đất Pháp. Ba anh đề nghị, nếu có cơ hội, anh nên thử tìm cách liên lạc thăm viếng người mà anh sẽ gọi bằng bà o (cách xưng hô ở miền Trung), chắc hẳn đang rất khao khát tình thân tộc sau bao nhiêu năm sinh sống đơn chiếc ở xứ người.
Tất cả chỉ khởi đầu như thế. Anh đọc lá thư một cách lơ đãng, như mỗi buổi chiều về đến nhà, tay quơ vội vàng đống thư nhận được trong ngày, xé tung từng phong bì, đọc lướt qua loa nội dung bên trong một cách vô thức. Đọc mà như không đọc, vì cái đầu anh vẫn còn váng vất nỗi ngao ngán của một ngày làm việc ít khi hứng thú và nạn kẹt xe triền miên hàng ngày trên đường. Mẩu tin như một khúc củi khô trồi lên trên mặt sông mênh mông, chỉ vừa mới lắng xuống sau những cơn chấn động thủy triều ồ ạt. Anh đã đọc và nghe ở đâu đó những trường hợp tương tự, về những cuộc hội ngộ kỳ diệu đã xảy ra, thường rất bất ngờ (đôi chút tâm linh mầu nhiệm) sau chiến tranh. Thường thì anh không tin lắm, và cũng vì thế anh đã quên đi. Rất vô tình và vô tâm.
Vài tháng sau, cũng trong cơn vô thức lãng đãng hàng ngày, anh nhận được một lá thư với nét chữ rất lạ. Khúc củi khô tưởng đã quên lại trở nên rõ nét, định dạng rõ ràng, khi anh đọc những hàng chữ ngắn ngủi bên trong. Người đàn bà tự giới thiệu, cho biết vai vế trong dòng họ, hoàn cảnh ra đi trước đây và mô tả điều kiện sống hiện tại của mình. “Cô hiện đang sống một mình ở một vùng núi thuộc vùng trung tâm nước Pháp, trong một căn nhà nhỏ đầy đủ tiện nghi. Cô mong sẽ có một ngày con và gia đình đến thăm cô để thỏa tình mong nhớ…”.
Sau này, anh được biết lá thư có đoạn tả cảnh nhẹ nhàng nhưng đầy tự tin đó (và những lá thư sau nữa) là do một người láng giềng của bà o viết với giá mười quan Pháp một lần (!). Người viết thuê gốc miền Nam, không rành danh xưng xứ Huế, nên đã tự tiện sửa chữ o thành cô. Bà o tội nghiệp của anh vốn không được học hành, mù chữ cả ta lẫn tây, tuy có mắt cũng như mù. Suốt những năm dài sống xa quê hương, người đàn bà đơn độc đó hẳn đã phải lệ thuộc hoàn toàn vào lòng thành của người đời. Tính nhẩm từ tuổi của ba anh, có lẽ bà o đã xấp xỉ thất tuần. Anh nghĩ, quỹ thời gian của người đàn bà không còn nhiều và ngày tháng ở vùng núi non thường thì dài lê thê, nên vợ chồng anh đã quyết định cùng hai con đi thăm bà o vào mùa hè năm đó.
                                  ***
Nơi bà ở là một thung lũng nhỏ nằm giữa một vùng núi non trùng điệp, thuộc Massif Central của nước Pháp. Đó là những dãy nhà tập thể bằng đá hộc thô sơ, vốn được chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp xây dựng sau thế chiến thứ hai, dành cho công nhân khai thác mỏ than trong vùng và gia đình trú ngụ.
Vào khoảng năm 1955, các hầm mỏ này bị đóng cửa, công nhân phải tản mác tứ phương. Cái địa điểm lạc lõng trong cộng đồng phát triển của xã hội hậu chiến Pháp đó bỗng dưng trở thành một nơi lý tưởng để đón tiếp đợt ‘hồi hương’ đầu tiên cho những gia đình có liên quan đến quân nhân của quân đội viễn chinh Pháp trở về từ Việt Nam. Phần lớn họ là những người đàn bà quê mùa chân chất, không xác định được gốc gác bản quán rõ ràng. Những đứa con lai họ mang theo là gạch nối duy nhất nhưng mù mờ, giữa đất người và quê nhà của họ. Bà o của anh không có đến cả một đứa con hợp chủng và, như nhiều người đàn bà khác, chưa bao giờ mường tượng ra được đầy đủ khuôn mặt của kẻ đã ‘hóa thân’ cuộc đời mình, trong những cơn biến loạn đã thình lình đến, đầy tai ương và bất ổn trong thời chiến tranh ở quê nhà.
                                       ***
Anh đã loay hoay lái xe trong vùng rừng núi hoang vu đó hàng giờ, nhưng không tìm ra được một ai trên những con đèo quanh co để hỏi cho ra cái lối rẽ nhỏ dẫn vào thị trấn mang một tên gọi không thấy ghi trên bản đồ. Những dãy nhà phố đìu hiu màu xám tối nằm quanh một công viên nhỏ, đóng cửa im lìm như những người nhàn tản đã tháo giày, quấn chăn mền ngủ yên từ lúc mặt trời lặn.
Cuối cùng anh cũng tìm được đến nơi, sau hàng giờ đi lạc vòng quanh những đoạn đường vắng vẻ, chỉ có cây và cỏ. Khu nhà tập thể nằm yên vắng giữa một cánh đồng trống trải trước khi nối tiếp với bìa rừng âm u. Chỉ có tiếng côn trùng râm ran không dứt. Thế nhưng, khi anh dừng xe trước cổng một bờ rào, loay hoay đọc số nhà ẩn sau mấy vòm cây leo dưới ánh sáng mù mờ hắt ra từ căn nhà duy nhất còn chong đèn, cả một dãy nhà trước mặt như thức giấc đồng loạt và một loạt đèn được bật lên cùng một lúc. Rồi bất chợt tiếng chó sủa náo nức phát ra từ phía ngôi nhà nằm sâu ở phía trong. Anh đưa tay hé mở cánh cửa hàng rào trước nhà. Một con vật phóng nhanh qua mảnh vườn tối đen, sục sạo vào hai bàn chân của anh. Anh cúi xuống, vỗ lên đầu con vật, thở ra nhẹ nhõm, ngạc nhiên không hiểu tại sao con chó có thể nhận ra mình. Có tiếng lép lẹp xẹp phát ra từ con đường tráng xi-măng giữa những táng cây rậm, rồi ánh đèn pin di chuyển đến gần anh.
“Quang đó hả, tưởng mi lạc ở mô trong rừng rồi. Vợ, con mi mô?”.
Quay sang con chó, bà nạt: “Cún, vô nhà mau!”.
Bà o chui đầu qua cửa kính, hai tay lần mò theo những tiếng lục đục trên xe và những giọng chào hỏi còn ngái ngủ.
“Ui chao, mấy cháu đây hả, cả ngày ngồi trên xe, tội nghiệp rứa?”.
Người đàn bà dáng thấp lùn bé nhỏ, di chuyển sau cái bóng của mình, lăng xăng đi trước dẫn đường vào nhà.
“Tau dậy từ sáng sớm, nấu cơm chờ mấy đứa bây”.
Có tiếng xì xào từ nhà láng giềng. “Cháu bà cụ đến rồi. Thôi, đi ngủ. Một giờ sáng rồi còn gì”. Một ánh đèn, rồi nhiều ánh đèn tắt phụt. Dãy nhà đen đúa trở lại im lìm, nhẹ nhàng trầm mình trong đêm khuya.
Anh khệ nệ mang những chiếc túi xách chạy theo vợ con, chợt nhớ là mình chưa chào hỏi bà o gì cả. Đêm tối đen như mực, không cho anh thấy rõ khuôn mặt của bà. Con chó quay trở lại, quấn quýt liếm quanh hai gót chân của anh, theo mãi đến bậc thềm nhà.
Anh bước vào căn nhà không kịp nhận ra vóc dáng và đồ vật chung quanh. Sau đó cả nhà ăn bữa cơm nhiều món bà o đã bỏ công chuẩn bị từ sáng sớm, nhưng không ai nuốt được những món ăn đặc biệt của xứ Huế cay thốc lên tận mũi, trong cái mệt mỏi rã rời sau một ngày dài ngồi trên xe. Rồi anh đã thức dậy giữa tiếng hót rộn ràng của vô số loài chim, tự hỏi không biết hôm qua (hay sáng nay) mình đã đi ngủ lúc nào.
Khi anh mở cửa bước vào căn phòng khách, bà o vội vàng thu xếp những vật dụng trên chiếc phản gỗ nhỏ, giọng tỉnh táo như chưa từng ngủ.
“Bữa ni tau nấu bánh canh Nam Phổ cho mấy đứa ăn”.
Bà chùi hai bàn tay dính đầy bột vào thân áo, nói nhỏ:
“Cứ để cho mấy cháu ngủ. Croissants và cà-phê để sẵn trên bàn đó. Mi uống đi”.
Con chó vàng nằm thu mình yên lặng trên tấm mền trong góc phòng, mắt nhìn bà tò mò như trẻ con nhìn mẹ.
Anh pha một ly cà-phê không đường, mang ra đứng ngoài thềm. Nắng tươi rói như được lọc qua những mảng lá xanh non còn lưu lại từ mùa xuân, phủ xuống che hết khoảng sân và lối nhỏ tráng xi-măng dẫn ra hàng rào trước nhà. Những con gà con đang xúm xít, ríu rít bên gà mẹ; một con gà trống đứng từ xa lơ đãng như khách bàng quan.
Anh rời thềm nhà, bước ra giữa vùng nắng, ngửa mặt hứng bầu không khí được ướp lạnh qua đêm từ những cánh rừng bao quanh, khứu giác bỗng dưng thức tĩnh, rộn ràng bởi một loại mùi tổng hợp như có ai đó bất ngờ mở chiếc bầu phù phép cho luồng khói thơm bí hiểm thoát ra. Bà o ra đứng bên anh, tay vạch những đám lá xanh ngăn ngắt, xếp hàng thẳng đều trên những vồng đất đan chen trật tự, nhắc tên từng loại rau đã từng phủ đầy khu vườn nhỏ sau nhà anh ở Đà Nẵng. Bà chỉ từng luống rau húng quế, húng mùi, húng lủi, tía tô, kinh giới, răm, cải bẹ xanh, cải xoong… ; một giàn mướp, bí đao, khổ qua và su hào… Một mảnh ‘vườn quê’ và ‘bà mẹ quê’ được bà mang theo từ miền Bắc Việt Nam nghèo nàn (“Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu/ Có đàn, có đàn gà con nương náu / Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều/ Nuôi một đàn con chắt chiu/ Bà, bà mẹ quê…”) đặt vào một khoảnh đất xa lạ thuộc vùng trung du nước Pháp. Theo nhu bà o kể, những vồng rau đó đã thực sự nuôi sống bà trong suốt thời gian hơn ba mươi năm được ‘hồi hương’ về quê ‘chồng’.
Có những cái bà không mang theo được cùng với những hạt giống trong cái túi vải nhỏ, để gieo trồng một ‘mầm mống quê hương’(bà o không có con cái) trên đất người xa xăm, mà đã có sẵn trong căn nhà bà đã được chia của phu mỏ than bản xứ để lại. Sáng nay, khi vợ anh và các con thức dậy, theo bà ra góc vườn, đứa con gái nhỏ chưa đầy năm tuổi của anh đã chạy trở lại ôm lấy anh, hốt hoảng. Nó nhất định không vào cái nhà xí và xấp giấy vệ sinh cắt ra từ những tờ nhật báo, rất thường gặp ở vùng quê nghèo ở miền Bắc, mặc dù bà o đã cố vỗ về thuyết phục. Chiều hôm đó, đến lượt vợ anh lại ngạc nhiên dắt hai con, khệ nệ bưng theo hai nồi nước sôi, theo bà xuống hầm… để tắm!
Cái nghèo dù được thể hiện ở hai vùng đất khác nhau, xa xôi cách biệt ngàn trùng, vẫn giống nhau đến lạ lùng như hai giọt nước, đến nỗi một người như anh, vốn đã sống, học hành và làm việc ở quê nhà cho tới gần ba mươi tuổi và chỉ xa quê hương chưa đến hai mươi năm, cũng tự đặt cho mình câu hỏi, làm sao bà có thể sinh sống và tồn tại trong một hoàn cảnh và điều kiện như thế, ở một nơi được gọi là ‘tây phương’; điều mơ ước trong đời của bao nhiêu người? Câu trả lời thật giản dị, bà đã ‘tồn tại’ trong hơn bốn mươi năm ở xứ người với ba vật thể thuần Việt thân thiết, sớm tối không bao giờ tách rời: mảnh vườn rau, con chó vàng và chiếc bàn thờ tổ tiên.
Nơi bà dùng cho việc thờ cúng trên cái gác gỗ rộng thênh thang khiến anh vừa ngạc nhiên vừa thương cảm. Trên một dãy bàn dài, bà trưng bày tất cả những gì quí giá và dâng cúng những gì có được cho ‘bề trên’. Những tấm hình được đặt ngang dọc, đứng ngồi, bán thân, truyền thần, đủ hạng tuổi và giới tính… Anh đặc biệt để ý đến một tấm hình đen trắng đã mờ, có dạng một người trung niên mặc áo đại trào, đầu đội mão, chân mang hia thêu, ngồi chễm chệ trên một chiếc ngai bên cạnh một người đàn bà trang phục xưa, trang trọng nhưng giản dị hơn. Bà cô trịnh trọng cắm mấy cây nhang, cúi thấp người vái lạy, lầm thầm giới thiệu cho tôi ra mắt ‘Đức ngài Ngự’ Thành Thái và bà Minh Phi. Ôi, bà Minh Phi họ Trương, thứ phi sủng ái của vị vua thứ mười của triều Nguyễn, lại có thể xuất hiện trên bàn thờ của một người đàn bà cô đơn, chất phác nơi chốn thâm sơn cùng cốc này được sao? Nhưng lần này thì đứa con gái nhỏ bé của tôi lại tò mò, thích thú nghe kể chuyện đời và gốc gác ‘hoàng gia’ (!) của tổ tiên dòng họ của bố.
Theo Trương gia bản phổ, họ Trương vốn cải từ gốc họ Lê để tránh nạn kỳ thị lý lịch thời vua Lê chúa Trịnh, quê quán ở tỉnh Thanh Hóa, phủ Hà Trung, tổng Hạ Bạn, huyện Tống Sơn, theo phò chúa Nguyễn Kim vào khai khẩn, dựng cơ đồ ở miền Trung từ những ngày đầu tràn đầy gian khổ. Trong suốt cuộc hành trình tìm đất sống và xây dựng một vương triều riêng lẻ ở Đàng Trong, các thế hệ họ Trương nối tiếp đã cung cúc phục vụ dưới trướng nhiều chúa Nguyễn. Phần lớn họ là lính cấm vệ, thường gần gũi các bậc quân vương, nên cũng như các thái giám, họ cam phận làm những cái bóng vô danh trong chốn hoàng cung, hoàn toàn chìm vào cái hộp đen ‘thâm cung bí sử’ không bao giờ hé mở ra dưới mắt thần dân thường. Về điều này, lời mở đầu của gia phả họ Trương sau này ghi lại không mấy rõ ràng, nhưng đủ gợi đôi chút nuối tiếc: Tổ tiên ta về các đời thứ mười, thứ chín, chỗ ở chưa ổn định; cho đến đời bà Tổ tỉ mới có tên tự, nhưng tên chữ thì thất truyền, không lấy gì làm căn cứ để khảo thuật. Đến đời ông Tổ thứ tám, …, mới có họ tên rõ ràng; nhân đó lập làm ông Thủy tổ của dòng họ Trương.
Cũng nhờ luôn luôn ở vị trí cận kề với các chúa và các vị vua sau khi vương triều Nguyễn được thiết lập, đã có nhiều người họ Trương được phẩm trật và tước cao trọng hay được tuyển phò mã (dưới triều Minh Mạng và Thiệu Trị). Cũng có lúc có người đã bị ‘biếm’, mất hết phẩm trật và quyền uy (vì thua trận quân Tây Sơn ở Quảng Nam). Tuy nhiên, phải đến đời vua Thành Thái, họ Trương mới thực sự ‘đặt chân xuống đất’ và khẳng định vị thế xứng đáng của những công thần trung thành.
Có thể trong một lúc không vướng bận mối căm hận thực dân Pháp, vua Thành Thái đã thuận chuẩn cấp cho bà thứ phi họ Trương một khoảnh đất để xây từ đường đầu tiên trong khu ‘ngự thiện’ thuộc phường Trung Hậu, gần hồ Tịnh Tâm, trong khu Đại Nội; và một vùng đất khác ở Bàu Vá, bên cạnh lăng mộ của hai vị phò mã và công chúa, để di dời mồ mả tổ tiên từ Thanh Hóa vào và nơi chôn cất cho các thế hệ họ Trương kế tục. Ba anh có lúc đã kể với niềm tự hào là một hôm đích thân ‘ngài ngự’ đã đi xe song mã cùng bà thứ phi đến vái trước bài vị của dòng họ Trương ở ngôi nhà thờ vừa thiết lập, sau khi ban sắc phong cho bà chức Minh Phi.
Có lần thấy anh chăm chăm nhìn phần sói trên đầu của mình, bà o vén mớ tóc còn lại, cho anh thấy những vết sẹo dài và sâu.
“Hồi nhỏ tau cực lắm. Nhà đầy ‘tập ấm’ mà tau không được học chữ, phải ở nhà gánh nước, nấu ăn…, bị đánh đập, cực như con chó”.
Bà dừng lại một lúc, chiếc đầu bạc trắng trĩu xuống, nhưng không giận hờn, chỉ thấy hai mắt vốn đã mờ càng thêm tối tăm.
“Nhưng so với bà Minh Phi, thân là vợ vua mà còn khổ hơn tau nhiều…”.
Vị vua được cho là yêu nước, chống Pháp quyết liệt đó, mỗi lần ức chế chuyện nước non và ‘bọn tây dương’ ngỗ ngược tiếm quyền, lại vung thước ngọc lên cái đầu trần không vương miện của người thứ phi sủng ái họ Trương. Những lần xả stress tàn bạo đó đã để lại những vết thương không bao giờ lành, như một bằng chứng chống đối lại số phận của vị vua tự thấy mình bất lực và tuyệt vọng. Những lần như thế, bà nội anh đã phải nhờ người lương y cạnh nhà chế chút thuốc keo lá và rễ cây, giao cho cháu gái nhỏ xin lính cấm vệ lén mang vào Trinh Minh phủ trong Tử Cấm thành, để bà phi xoa lên những vết thương trên đầu cho bớt đau và chóng được liền da.
Để thưởng cho đứa cháu nhỏ xấu số và xấu dạng nhưng tốt nết và trung thành, bà phi đã thu xếp để cô cháu gái được gặp một sĩ quan Pháp trong một cuộc dạ hội ở cung đình. Cuộc hôn nhân được sắp xếp vội vã để cô dâu có thể kịp theo chồng ra chiến trận ở miền Bắc. Chuỗi thời gian gần ba mươi năm sau đó là một mảng đen dài, như những mảng đen khác trong gia phả họ Trương, không ai trong họ tộc được biết về cuộc hôn nhân được sắp xếp ở cung đình kia và cũng không ai biết người cháu gái đó đã sinh sống thế nào, ở đâu, sau lần biệt tích ấy…
Cô gái trẻ đó đã được thổi phồng lên như một chiếc bong bóng và đã bay lên theo gió về một phương xa, rồi nhanh chóng bị người thả bóng lãng quên hoàn toàn. Ngài Ngự sau đó bị đày qua đảo Réunion cùng con trai. Bà thứ phi xuống tóc vào chùa Diệu Đế để chứng tỏ lòng trung trinh với người chồng bị ‘phế’ và được an táng trong khuôn viên chùa sau khi qua đời vào một năm nào không ai rõ, cũng không thấy ghi lại rõ ràng trong gia phả sau này.
Thật ra, những ‘mảng tối’ đó có hé lộ một phần. Anh nghe nói khi hết hạn lưu đày, trở về thăm Huế năm 1954, vị vua bị phế Thành Thái đã lên gặp bà thứ phi và trước khi rời chùa đã quay lại nói một câu đặc biệt khẩu khí của mình: “Mụ vô chùa như rứa là tốt, không theo ta đi lưu đày, nhưng ở lại cũng không… làm đĩ cho Tây. Ta khen!” .
Mọi chuyện tưởng đã đi vào quên lãng, cho đến khi ba anh đã nhận được tin bà còn sống, gần mười năm sau cuộc chiến tranh thứ hai vừa chấm dứt. Như một phép mầu từ trên trời giáng xuống, người con gái lỡ thời tội nghiệp của bà Minh Phi bất ngờ tái hiện (người chồng sĩ quan Pháp đã tử trận ở Ninh Bình năm 1953), ở một nơi cách xa quê hương bản quán hàng vạn dặm đường, tuổi đã gần bảy mươi và vẫn cô đơn hơn bao giờ hết.
***
Bà o của anh đã không đem chia sẻ niềm tự hào về dòng họ ‘hoàng tộc’ với láng giềng đồng hương, mà mang hai đứa con của tôi đi dọc hết những con đường trong ngôi làng nhỏ, dừng lại ở tất cả những cánh cửa mở ra vì vừa hiếu kỳ vừa hiếu khách, luôn luôn mong ngóng được gần gũi chút hơi hướm quê nhà. Hầu như chỉ có ông bà già còn sống trong ‘cái làng thuần Việt’, được thu gọn trong sáu dãy nhà liền nhau, dọc theo ba con đường trải đá dăm. Những người trẻ tuổi (một số có hai dòng máu) đã lần lượt rời bỏ cái thung lũng bốn mùa thông xanh lá, như những con chim thoát lồng khao khát tìm không gian mới.
Những cư dân già nua đó đã sống và (có người đã) chết ở trên mảnh đất lạ này như thể chưa từng ra khỏi căn nhà, ngôi đình, bờ ao, bụi tre, cây đa, cổng làng… của bất cứ một cái làng nghèo mạt và tối tăm ở quê nhà miền Bắc. Họ cũng áo the quần lĩnh, nhai trầu, ngồi đồng cốt, hát chầu văn, quan họ, làm thơ, hát đối… với nhau. Họ cũng gây gổ, mỉa mai, buôn chuyện, nói xấu lẫn nhau, sĩ diện, khoe của, giận hờn nhau vì những chuyện vặt vãnh, nhưng cũng dễ bỏ qua chuyện cũ; keo kiệt, bủn xỉn với chính mình từng đồng xu kẽm, nhưng lại rất hào phóng đóng góp, rộng lượng chia sẻ và đầy lòng nhân ái, tương trợ khi có hội hè, giỗ chạp, cưới hỏi, đám tang hay bệnh tật xảy ra bên hàng xóm. Họ đã cũng cùng nhau ‘thỉnh’ một vị sư nữ về làng, mở ruột tượng trút tiền dành dụm góp phần chung xây một ngôi chùa trên đồi, để có nơi đi về trong tiếng kinh kệ và phó thác thân xác tạm mượn nơi cửa Phật, khi xuôi tay từ giã cuộc đời buồn thảm ở xứ người.
Ở cuối cuối con đường làng, anh dừng lại dưới chân đồi, nhìn lên những chiếc bóng thấp thoáng trên những bậc tam cấp dẫn lên chánh điện của ngôi chùa mới xây. Tượng Phật bà Quan Âm đứng trên bệ bông sen, một tay bắt ấn, một tay cầm chiếc bình như đang giỏ từng giọt cam lồ xuống những chiếc đầu bạc tha hương, trong những chiếc áo màu lam thuần thành, đang sì sụp khấn vái giữa khói hương lan tỏa trong gió chiều. Anh bước lên những bậc thang theo về phía họ, lòng trải ra bình yên, như đang thực hành thiền bộ.
***
Cuối ngày thứ tư, gia đình anh phải từ giã bà để tiếp tục cuộc hành trình xuống miền cực Nam nước Pháp. Dù chỉ xa nhà gần hai mươi năm, anh cũng đã quen dần với quán lệ của xã hội Bắc Âu. Mọi sự đều phải được dự trù, lập trình chặt chẽ, không có kẽ hở, sít sao từng giây phút. Nhưng anh không thể giải thích cho bà o điều giản dị nhưng phức tạp như thế. Bà câm lặng không nói gì suốt buổi chiều trước đó, chỉ lặng lẽ làm một bữa cơm thịnh soạn đầy những món Huế đãi gia đình anh. Vợ và con anh quây quần bên bà sau bữa ăn, hẹn sẽ trở lại thăm bà vào mùa hè năm tới.
Sáng sớm hôm sau, bà thức dậy thật sớm, cùng với con chó đi bộ ra trung tâm mua đủ các món đặc sản địa phương, nén chặt một chiếc giỏ lớn làm quà và thức ăn đi đường cho cả nhà. Khi đưa cả nhà ra đến đầu ngõ, bà níu tay anh lại, nói như van vỉ:
“Sang năm mi nhớ đưa mấy đứa về nghỉ hè với o. O sẽ xây nhà vệ sinh, buồng tắm đầy đủ tiện nghi. Nhớ nghe con, o chờ.”.
Anh lặng im, không trả lời. Bà cũng không nói thêm một lời nào nữa cho tới khi tất cả đã ngồi vào hết trong xe. Anh còn phải lái xe xuyên qua Massif Central đầy những khúc đèo quanh co, rồi đổ xuống vùng Gironde để bắt đầu một chuyến thăm gia đình bên vợ. Con đường của anh còn dài tăm tắp và những ngày tháng sắp đến của anh thì không thể dự đoán được.
Trước khi xe rẽ vào khúc quanh ở cuối đường, anh dừng lại để cả nhà vẫy chào từ giã bà lần cuối. Trong nắng sớm chan hòa, dáng bà đứng lom khom cạnh con chó trung thành như được tạc tượng, bất biến với thời gian. Cuộc sống của bà cũng tựa đã đóng băng, như những tảng đá nặng chồng chất lên nhau, không hề dịch chuyển, trong hơn ba mươi năm qua.
Anh mím môi quay xe vào ngõ rẽ, không nhìn lại. Trong đầu anh hiển hiện hình ảnh con chó vàng dụi đầu, giấu mõm vào giữa hai gót chân bà. Đôi mắt con chó buồn như trẻ thơ. Bỗng chốc, dáng bà o chao đảo như muốn khuỵu xuống mặt đường trải đá, và trong một tích-tắc tất cả tan biến, như đột ngột xóa khỏi bộ nhớ.
Con gái anh từ băng sau xe ghé đầu vài tai mẹ, thì thầm: “Bà khóc…”. Vì tôn trọng người già cả, anh, vợ và các con không bao giờ hỏi và cũng chưa biết tên tục của bà là gì. Từ đó, bà o được các con anh gán cho một cái tên thật lạ, nhưng thân thiết, Bà Khóc.
***
Anh và gia đình còn ghé thăm bà một mùa hè nữa rồi chỉ liên lạc qua thư từ, cho đến một hôm anh nhận được điện thoại của một người phụ nữ trong làng báo cho biết phải đưa bà vào bệnh viện trên tỉnh, cách xa làng hơn ba mươi cây số, vì bệnh nặng. Hơn ba mươi năm hít thở khí độc từ than đá đốt lò sưởi và nấu nướng đã phá nát hai lá phổi và hủy hoại phần lớn nội tạng của một thân thể đã quá hao mòn. Một ngón chân cái bị nhiễm độc lở lói do không được chữa trị kịp thời, đã xâm thực vào xương tủy, lan ra tận mắt cá chân. Bác sĩ quyết định cắt ngón chân bị hư không thể phục hồi, nhưng đã quá trễ. Hai mắt bà cũng kéo màn, mờ hẳn vì tác dụng của bệnh tiểu đường kéo dài từ nhiều năm.
Điều đáng buồn là trong chuyến di chuyển định mệnh này, một lần nữa bà lại bị tước đoạt, không kém tàn bạo, khỏi vòng tay của bà những vật thể thân thiết (không chỉ là những hoài niệm) đã từng gắn chặt bà với quê hương bản xứ. Qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời, bà được số phận nghiệt ngã trả lại nguyên hình một con người cô đơn tuyệt đối. Bà nằm một mình trong căn phòng vắng lặng của một bệnh viện vùng quê nằm lọt giữa một rừng thông mênh mông, vắng bóng người và tiếng người (bà không hiểu và nói tiếng Pháp), lúc nào cũng hướng hai đôi mắt đã mù lòa ra phía cửa phòng, nhưng không trông ngóng gì cả.
Bà biết quá rõ, khoảng cách xa xôi, tuổi già và cũng đang bị bệnh tật truy đuổi ráo riết, những đồng hương láng giềng không thể thường xuyên thăm viếng bà được. Và gia đình anh thì ở mãi tận trên Bắc Âu!
***
Anh quyết định lấy máy bay đến Lyon và từ đó đi taxi thẳng đến bệnh viện. Bà o đưa những ngón tay lần mò trên mặt anh, thì thầm:
“Quang đây hả. Mi tới thăm o một mình à? Vợ con mi khỏe không?”.
Nước mắt bà ứa ra từ hai con mắt đã mất khả năng nhận biết. Mười ngón tay khô đét của bà cấu chặt vào vai anh.
“Chắc tau sắp về với ông bà rồi…”.
Cuộc thăm viếng của anh không giúp được gì để nối lại cuốn dây huyết thống đã lơi lỏng của dòng họ, dù chỉ vài phút giây ngắn ngủi, cho bà. Vào cuối đời, bà không mang theo được mảnh vườn rau và bàn thờ tổ tiên, ngoài con chó vàng. Bà chỉ mang theo bộ cánh lụa vàng xứ Huế, nhưng không thể khoác ngoài bộ đồng phục bệnh nhân. Con chó vàng cũng phải nằm ngoài hành lang, nhìn vào phòng nơi bà nằm với đôi-mắt-hiền-như-trẻ-thơ, ngóng chờ khi bà được người y tá đẩy xe lăn ra hành lang thở chút khí trời vào giữa buổi sáng và cuối buổi chiều. Những lần người-chó đoàn tụ, bà ôm đầu con chó, đút từng khoanh chả lụa vào miệng con vật, thầm thì những lời vỗ về thương yêu, nhưng con chó nhất quyết nhè ra, không ăn.
***
Vào một ngày đầu năm âm lịch, anh được báo tin bà đã ra đi qua điện thoại viễn liên. Anh thắp một nén nhang, cắm lên bàn thờ gia tiên vẫn còn sáng đèn cầy, hương trầm thơm và hoa quả tươi cúng Tết. Nghe nói linh hồn người chết, sau khi bỏ lại thân xác mượn trên cõi trần, có siêu năng vượt thời gian và không gian để về cõi hạnh phúc miên viễn.
Cuối cùng bà đã trở về với quê hương và tổ tiên dòng họ ở cái xứ Huế muôn đời buồn thảm và u uất. Người dân Huế sống như thể để trả một món nợ truyền kiếp bí hiểm nào đó mà họ đã không hề dự phần gây ra. Bà o đã để lại tất cả ở cõi trần mảnh vườn, con chó vàng và bàn thờ gia tiên, để thoát ra ngoài cái số phận đen đúa, vốn không phải là một cuộc sống mà là một số kiếp và bay lên nhẹ nhàng tựa sương khói. Không ai (kể cả thượng đế trên cao) có thể buộc bà trở lại tiếp tục số kiếp gian khổ mà bà vừa thoát khỏi. Tôi lầm thầm khấn vái cho hương hồn bà sớm được siêu thoát.
Trong cuộc điện thoại, người đàn bà lai Pháp (nói tiếng Việt rành rẽ với với một giọng thuần Bắc) cho anh biết đã khâm liệm bà với bộ áo cánh lụa Huế và an vị bà trong khuôn viên chùa. Tất cả chi phí cho việc ra đi đã được bà o trù liệu và đã phó thác việc thực hiện từ trước cho Hội Ái hữu Người Cao tuổi của làng. Số tiền còn lại, hộp đồ trang sức và ngôi nhà của bà được cúng toàn bộ vào quỹ chùa, theo đúng như ý nguyện của bà và anh, là người được bà chỉ định thừa kế.
Điều anh muốn thừa kế là con chó vàng (để giữ lại một phần nào hình ảnh của bà). Nhưng theo lời kể qua điện thoại, con chó đã bỏ đi biệt tích một thời gian sau đám tang của bà, rồi trở về loanh quanh bên ngôi mộ vừa mới đắp.
Sau ngày giỗ 49 ngày, có người đi lễ chùa ra thăm, thấy con chó đã chết từ lúc nào, đầu gác lên mộ cỏ còn xanh…
… Như một đứa trẻ dụi sâu vào ngực một người mẹ.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...