Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

MỘT THỜI CỦA KHU NANCY - Nguyễn Thị Hàm An

Pháp đã rút quân khỏi Việt Nam từ sau hiệp định Geneve 1954 nhưng vẫn còn nhiều khu vực mang tên Tây một thời được người dân nhớ. Như cầu Bạc Má Hồng (Mac Mahon), Lacaze toàn quán ăn người Hoa, Dakao đa số là dân trung lưu, riêng Nancy cũng có nhiều đặc điểm riêng.

Khu Nancy lấy tên từ chợ Nancy thuộc quận 1 (trước năm 1975 là quận Nhì). Nhà lồng chợ chính thức nằm ở khu đất ấy nhưng việc buôn bán lan rộng cả một đoạn đường Cộng Hòa cũ chạy ngang trước mặt lấn cả qua mặt đường bên kia thuộc quận 5. Một đầu chợ đi lên gặp Trần Hưng Đạo con đường huyết mạch nối liền Saigon-Chợ Lớn, và cuối chợ đi miết xuống gặp ngã ba Bến Chương Dương có cầu Bà Đô nay đã bị lấp để thành đại lộ,  vốn từ xưa khá vắng vẻ.

Nhà lồng là mấy dãy sạp đâu mặt nhau, song song hướng thẳng ra đường chứ không có tường kín bao quanh. Đây là ngôi chợ khá lớn vì tuy nhà lồng không to bằng chợ Bà Chiểu, Bàn Cờ, Vườn Chuối… nhưng bành trướng ra cả khúc đường rộng trước mặt, là nơi mua bán sầm uất cho cả một khu vực đông đúc với đầy đủ hàng hóa. 

Từ đây đi khá xa mới tới các ngôi chợ kề cận như chợ Cầu Kho, Thái Bình, Bàu Sen… Cho dù mở rộng địa giới đến tận đường Phan Văn Trị, Nguyễn Biểu, Nguyễn Trãi (quận 5), trường Petrus Ký… thì để có thể xác định ngay vị trí đó nằm ở đâu, người ta vẫn gọi chung là khu Nancy. 

Hình ảnh đẹp về chợ Nancy trước những năm thập 60-70

Đây là địa danh rất quen thuộc nên mặc dù có lúc chợ bị đổi thành Nguyễn Văn Cừ là tên mới sau này của đường Cộng Hòa, nhưng sau đó vẫn lại sửa “chợ Năng-xi” và rốt cuộc tấm bảng cuối cùng được gắn vẫn là “chợ Nancy”. Tuy nhiên khi cầu Nguyễn Văn Cừ bắt tay xây dựng vắt ngang rạch Bến Nghé nối liền quận 1 với quận 4, quận 8 thì chợ Nancy lâm vào tình trạng long đong: hết tản ra, thu vào nhà lồng mới… rồi cuối cùng bị giải tán hoàn toàn. Nhà lồng chợ từng dự định sẽ xây trung tâm thương mại có lầu và tầng hầm để xe nhưng dận bán hàng ngại lên lầu không có khách, Thành thử dự án dẹp bỏ, nay thành khoảnh công viên nho nhỏ với vài dụng cụ tập thể dục.

Do lịch sử lâu đời nên mặc dù chợ bị xóa sổ trên giấy tờ và cây cầu mới hoàn thành đông xe nghìn nghịt mắc cửi suốt ngày, người đi bộ khó từ bên đường này băng sang bên kia thì chợ vẫn không nỡ biến mất hẳn, vẫn rải rác bám lấy dọc hai bên lề đường thành một khu “chợ dạt” cũng đầy đủ thịt cá, gạo bún, hoa quả, tạp hóa… mỗi thứ một đôi hàng.

Khu Nancy xưa vốn là nơi ở của người dân lao động nghèo. Năm 1955, quân đội Quốc gia đánh nhau với quân Bình Xuyên của Bảy Viễn. Khi bị loại khỏi nội thành SG rút lui về Rừng Sát, quân Bình Xuyên đã nổi lửa đốt cháy nhiều nhà cửa của khu vực này. Sau đó, trên mảnh đất bị hỏa hoạn, chính phủ phân nền đất gia cư khoảng 3 mét x 8 mét. Do diện tích nhà nhỏ nên hình thành mật độ dân chúng rất đông. Các dãy nhà ngang dọc giao cắt đều đặn, phân thành các tiểu khu. Với rất nhiều con hẻm nhỏ thông nhau ngay ngắn thẳng tắp như vậy, khu Nancy giống y hệt như ô bàn cờ. 

Ở khu Nancy hiện có bệnh viện Nhi khoa Nancy nhưng không có cửa hàng thương mại nào lấy tên Bình Xuyên làm kỷ niệm, trong khi huyện Bình Chánh lại có một nhà hàng ẩm thực trùng tên Bình Xuyên.

Ngay sát chợ là Dạ lữ viện dành cho người lỡ độ đường. Về sau không phải trú chân nữa mà người nghèo tá túc luôn nơi đó. Lúc cao điểm hơn 120 người sống chen chúc trên diện tích 250 mét vuông. Dạ lữ viện đã có kế hoạch giải tỏa từ năm 2007 để xây chung cư nhưng đến nay vẫn chưa thấy chung cư đâu.

Một ngôi miếu Ngũ hành khá khang trang thường xuyên hương khói nhưng thập phương không ai biết vì tọa lạc khuất sau lưng chợ, chỉ có dân địa phương thường lui tới cúng bái.

Đầu thập niên 60, cạnh đó còn Quán cơm xã hội cùng thời với quán Anh Vũ của kiến trúc sư Võ Đức Diên. Người đạp xích lô, dân lao động… hay vào đó. Mỗi phần cơm gồm đủ món canh, món xào, món mặn. Riêng nồi cơm thật to để giữa phòng cho khách tự do ăn no không giới hạn. Phía bên kia đường là mấy tiệm tạp hóa, ở đó có “cô Quờn đốt chồng” là một vụ án nổi tiếng, sau này nhiều người già vẫn còn nhắc tới ngang với vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị bà trung tá Thức ghen tuông tạt axít. Mấy năm sau 75, cô Cẩm Nhung đi xin quanh quẩn khu Nancy. Cô mặc áo bà ba, xụp nón lá che kín mặt nhưng vẫn lộ chiếc gáy mịn màng, trắng trẻo đằng sau nhìn rất đẹp, vài bà đi chợ kín đáo nhìn nhưng không ai tò mò ra mặt. Ở góc ngã tư là cây xăng Shell có logo to hình con sò nhìn thấy từ xa.

Khu Nancy mặc dù nằm giữa trục lộ Trần Hưng Đạo nối Sài Gòn với Chợ Lớn, giáp ranh với khu Chợ Quán, khu Cầu Kho nhưng vẫn có vẻ yên ả, bình dị.

Ngay cuối chợ Nancy đến ngả ba Bến Chương Dương là cảng Thơm – gọi thế để phân biệt với cảng Mía ở chợ Cầu Ông Lãnh. Gần Tết rộn rịp ghe thuyền từ miền Tây đổ thơm trái lên suốt ngày. Chỗ này có cầu Bà Đô nay hoàn toàn mất dấu khi xây dựng đại lộ. Cây cầu ngắn ngủn này ít được biết tên do đánh mất chức năng cầu từ lâu, chỉ là một con dốc nhỏ trên khúc rạch ngắn rẽ ngang khi xưa nước vẫn trong, sau này cạn queo, rác lấp đầy. Cũng có lúc cầu Bà Đô từng được nhắc tới do tin đồn dân bán mì gõ thường câu trùng chỉ ở khúc rạch đó để nấu nước lèo cho ngọt nước! Lại cũng có cả một bến đò kín đáo. Đi xuống mép sông bằng lối đường đất hẹp như một con ngõ nhỏ, mấy tấm ván dài bắc xuôi cho người và cả xe đạp, xe máy xuống đò. Nhà sàn lấn ra sông nhiều quá nên đò quay mũi, mới chèo vài dạo hay máy nổ xành xạch vài tiếng đã lại thấy quay mũi lại rồi. 

Rẽ phải là là nhà đèn Chợ Quán. Quẹo trái là bệnh viện, khu an dưỡng riêng của nhà máy đèn nay là Ban quản lý công trình điện. Nhà máy Usine Belgique xây dựng vào năm 1952 thuộc tập đoàn BGI của Pháp chuyên sản xuất bia, nước đá cây và nước giải khát các loại. Sau này là Hãng nước ngọt Chương Dương. Kế đó là hãng dệt Hạnh Phước chiều tháng 4 năm nào, thiên hạ ùn ùn xông vào vác ra mỗi người cây vải, sau đổi thành nhà máy dệt số 6. Dần dần hàng vải VN thất thế, máy móc dời ra Thủ Đức, nhà máy cho trường Cao đẳng Công nghệ thuê làm chỗ dạy học rồi san phẳng, chờ mọc lên cao ốc. Buya-rô nhập cảng xi măng, gạo, thuốc tây của ông Nguyễn Đình Hân đóng tàu khuân hết gia sản kể cả… con mèo, con chó… di tản từ rất sớm nay là văn phòng của nhà máy xi măng Hà Tiên. 

Ven sông là dãy nhà mặt tiền đa số buôn bán vật liệu xây dựng: cát, gạch, xi măng… che khuất lớp nhà sàn sau lưng. Khu nhà sàn ổ chuột xả rác tự do là một phần nguyên nhân gây ô nhiễm kênh rạch nay đã giải tỏa trắng, đứng bên này bờ kè rạch Bến Nghè nhìn sang  bờ bên kia sáng đèn các tòa chung cư, trung tâm thương mại. Nước rạch đã trong dần, dân ghiền câu chiều chiều ra bờ sông thả cần. Vào những ngày kỷ niệm, ngành nông nghiệp thả cả ngàn con cá xuống rạch. Ngành du lịch tổ chức du thuyền chạy dọc con rạch.

Ra Trần Hưng Đạo, rẽ trái tới góc Nguyễn Biểu trước 75 một thời là rạp ciné Văn Cầm chiếu phim đen trắng với Kim Cương, Thanh Nga, Vân Hùng, La Thoại Tân… Cách đó vài căn hồi xưa là biệt thự cổ của tướng Nguyễn Bảo Trị, sau này xây thành rạp hát Lao Động rồi vũ trường Monaco 651. Sau vụ băng nhóm thanh toán đẫm máu, vũ trường đóng cửa luôn cùng với rạp Văn Cầm bị đập bỏ từ lâu. Rẽ về phía Saigon là tiệm làm trống Chi Lăng nổi tiếng trong giới, tiêm Huỳnh Đô đen xì vì chuyên bán than, bi da Thanh Liêm… Khu Nancy có hai nhà thuốc tây: một của dược sĩ Đặng Vũ Biền, một của dược sĩ Lưu Hữu Dung (em gái tác giả Quốc ca VN). Đền thờ Hồi giáo mới xây lại với phía sau lưng là nguyên một con hẻm toàn người Chàm tụ tập sinh sống. Cứ vào một ngày cố định trong tuần, xe ba gác chở đầy thịt bò đúng tiêu chuẩn Halal tới bán cho dân cư khu vực này. Có đến mấy tiệm phở bò, bò kho Muslim.

Góc Trần Hưng Đạo- Nguyễn Cảnh Chân xưa là bộ Lao Động cũ nay là nơi cấp thẻ căn cước. Có lúc dãy mặt tiền này chuyên bán nông ngư cơ, máy cày, máy nổ… nhưng nay thành dãy phố bán thiết bị y tế, salon xe hơi… 

Một con đường hẻm khá lớn song song với đại lộ Trần Hưng Đạo, một đầu trổ ra đường Nguyễn Cảnh Chân, đầu kia thóp lại thông với chợ Nancy được gọi là hẻm chùa Phật Ấn, là tên của ngôi chùa nhỏ giữa hẻm. Đây là khu vực sang trọng nhất khu Nancy vì bề ngang rộng rãi, trải nhựa bê tông, xe hơi có thể vào được, diện tích nhà ở đây cũng rộng, dài hơn các hẻm lân cận nên nhiều nhà mở hay cho thuê mở văn phòng, quán ăn, tiệm  quần áo…

Hình ảnh đẹp về chợ Nancy trước những năm thập 60-70

Khu Nancy qua các thời kỳ, được coi là nơi nhiều dân văn nghệ ở.. Trong hẻm người Chàm nối dài là nhà nghệ sĩ Hữu Phước và nhà báo Phương Hữu đối diện nhau. Ngoài mặt tiền Trần Hưng Đạo có lúc nhà văn Nguyễn Vỹ thuê một căn lầu sống thong thả. Thời hoàng kim của báo Phổ Thông phát hành đến hai mươi lăm ngàn số mỗi kỳ, ông đậu chiếc xe hơi dưới nhà. Khi Thời Nay xuất hiện dịch Selection ăn khách, Phổ Thông sụt xuống còn một ngàn số không ai mua, ông Nguyễn Vỹ cũng bán xe hơi và dọn đi nơi khác ở.

Đường Phan Văn Trị nằm ở ô dân cư bên kia đường Trần Hưng Đạo. Con đường này ngắn và nhỏ nên khi nhắc tới, thường phải thêm cái đuôi thuộc “khu Nancy” thì mọi người mới biết.

Mặt tiền Phan Văn Trị là nhà ông Hồ Hữu Tường, Tô Kiều Ngân, vào hẻm phía bên này là nhà văn Thượng Sỹ, phía bên kia nhà họa sĩ Tạ Tỵ. Nhà thơ Nguyễn Bính, nghệ sĩ hài Văn Chung có biệt danh “Sáu Nancy”… từng trú chân khu này. Nhà thơ Nguyễn Bính đặt tên Việt hóa là hẻm “Lan Chi ”

Đối diện họa sĩ là nhà Thanh Nam. “Ngay cạnh nhà Thanh Nam là nhà ban Hợp ca Hạc Thành của anh em nhạc sĩ Nhật Bằng, Nhật Phượng, Thể Tần, Hồng Hảo”. Đi sâu vào trong là nhà nhạc sĩ Hoàng Trọng có con gái gái Bạch La thường thấy có mặt trong ban Tuổi Xanh trên TV của bà Kiều Hạnh. “Thái Thủy (tác giả Lá thư Gửi mẹ), kịch sĩ kiêm “ngâm” sĩ và vũ sư (múa Trấn thủ Lưu đồn) Hoàng Thư, nhà báo Vũ Quang Ninh, quản đốc đài phát thanh Quân đội…Nhà này trước đây còn có văn sĩ Tạ Quang Khôi (xước danh Tạ ống khói) nhưng ít lâu nay ông “Ống khói” tạm biệt nơi này vô Đại học Sư phạm rồi… Hay đến đây là đàn anh Đinh Hùng, có khả năng đặc biệt vừa nằm vừa viết văn chương Tao Đàn mà chữ nghĩa vẫn rồng bay phượng múa. Có ông Vũ Khắc Khoan gõ muỗng vào ly mà “Hồ trường, hồ trường ta biết rót về đâu”. Có ông Mai Thảo với ông Phạm Đình Chương rượu uống tì tì, càng uống mặt càng tái đi. Có ông Anh Ngọc say ngất ngư mà vẫn hát “Anh đến thăm em một chiều mưa”. Có ông Tạ Tỵ ngày Tết chạy sang, sải chiếu ra, rút bất”. Đó là vài kỷ niệm về “xóm văn nghệ” mà nhà văn Phan Lạc Phúc kể lại.

Con đường này còn có nhà bảo sanh Lạc Hồng, như mọi nhà bảo sanh khác sau này biến mất nhường chỗ cho các phòng khám, bệnh viện…

Khu Nancy nhiều thay đổi. Nhiều căn nhà cấp 4, tầng trệt xây gạch, gác gỗ, mái tôn theo thời gian mục nát, dần dần thấp chũm theo những lần nâng mặt đường. Chủ nhà xây lại mới cao ráo đẹp đẽ, ngược lại thì bán đi với giá đất của quận nội thành để dạt ra ngoại thành mua được căn nhà rộng rãi, khang trang hơn.

Những căn nhà ở mặt tiền hay hẻm rộng vốn kín cửa êm ả nay theo trào lưu thị trường mở rộng cửa thành quán ăn, quán cà phê, ngân hàng, văn phòng, phòng khám nha khoa, thiết bị y tế, cửa hàng fast food…

Xa lộ Đông Tây cũng xóa đi các ngôi nhà Pháp cũ để thay thế bằng các cao ốc mới.

Khi linh hồn của khu Nancy là ngôi chợ không còn tồn tại, không còn dấu vết thì rồi một mai nhắc đến, chẳng còn ai biết Nancy ở đâu, từng một thời có địa danh Nancy.

Nancy chìm vào ký ức…

Nguyễn thị Hàm Anh

🌺🌺🌺🌺🌺🌺

 Năm 1963-65,từ trường SP.Saigon,chúng tôi: P.Hòa,Nghi Dung và mấy bạn ... hằng ngày  vào buổi chiều đón xe buýt  trên lề chợ Nancy ( ảnh số 2 ) về Q.8,xe qua cầu chữ Y,bạn Dung và các bạn xuống dốc cầu,tôi và vài bạn nữa về trạm cuối cùng gần bến Nguyễn Duy....Nhớ lắm ngày xưa.....Không có xe gắn máy nhưng đi lại cũng dễ dàng và hợp với túi tiền của SV . nghèo



 






1 nhận xét:

Trang Thơ Hà Đặng (T.12/2024 1) : MỘT NGÀY NÀO ĐÓ,CHẲNG HỀ XA, EM ĐẾM, ĐUƠC GẦN NHAU MÃI

Ảnh Quan Trần NGÀY NÀO ĐÓ Ngày nào đó ta không còn gặp lại Nước mắt hoài tuôn chảy chẳng ngừng trôi Người đi rồi tôi cảm thấy đơn côi Trong ...