Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

Ngân Bình: Cho Con Hạnh Phúc Vuông Tròn- Ngân Bình (T>Vấn và Bạn Hửu )

                                                               Hình (Bảo Huân)

          -Tại sao anh lại bỏ cái khăn dơ vào tủ áo?

          -Tại quên chớ sao. Hỏi ngu.

          -Vậy sao? thì ra ở chung với cái thứ ngu lâu ngày cũng bị lây.

          -Đàn bà… công ngôn dung hạnh đâu mà nói chuyện với chồng vô phép, vô tắc.

          -Chồng chớ bộ ông cố nội sao mà phải lễ phép.

          -Vợ với con. Cái thứ chẳng ra gì!

          Rầm… rầm! Xoảng..xoảng!

          Tất cả bực tức Phú đổ dồn lên những vật dụng vô tội rồi bước ra ngoài, đóng mạnh cánh cửa. Cả căn nhà như rung rinh theo cơn giận hung hãn của anh. Tôi ngồi xuống thảm, gục mặt lên chiếc bàn con, tự hỏi trong nỗi chán chường “Mình đã rơi vào thảm cảnh này từ bao giờ?”.  Hai vợ chồng đã đến tuổi về hưu. Cái ngày mà trước đó gần hai mươi năm, cả hai đều mơ ước được sống thong dong, không vướng bận con cái, để có thể đi bất cứ nơi nào mình muốn. Bạn bè cũ rủ rê:

          ”Ê! nghỉ vài tuần qua đây chơi rồi về cày tiếp”.

”Bây giờ chưa được, chừng nào hưu mới rảnh rang mà đi chơi thoải mái”.

Bây giờ hưu rồi thì sao? Nhìn mặt nhau còn không muốn, nói gì đến chuyện đi chung. Chưa bao giờ nỗi thất vọng lại tràn ứ như ngày hôm nay. Chưa bao giờ chúng tôi lại nặng lời với nhau như ngày hôm nay vì một chuyện không đáng.

          Tôi muốn trút bỏ những ý nghĩ nặng trĩu đang quanh quẩn trong đầu, nên đứng lên thay quần áo, thả bộ ra công viên, nơi có con lạch nhỏ uốn cong theo con đường tráng xi măng dành cho những người tập thể dục, đi bộ. Khoảng không gian êm ả với những ngọn gió hiu hiu lung lay cành lá cho tôi một cảm giác nhẹ nhàng. Nỗi buồn phiền chừng như dịu lại. Tôi ngồi xuống chiếc ghế dài, thả tầm mắt đi rong. Chợt, một hình ảnh dễ thương đập vào mắt. Người đàn ông da trắng đang ngồi trên tảng đá thả câu cùng chú chó nhỏ với thảm lông màu nâu nhạt, xinh xắn quấn quýt bên cạnh, thỉnh thoảng lại dụi mặt vào lưng chủ, rồi lùi ra sau, thủ thế sủa vang. Ông quay sang, hất hàm rày la bằng giọng trìu mến “Bad boy! bad boy”. Chú chó nằm dài xuống cỏ, giương mắt nhìn ông, sủa khe khẽ, giống như một đứa trẻ nũng nịu “Con không hư, con ngoan lắm mà”. Ý nghĩ đó làm tôi cảm thấy vui trong lòng, nên bước xuống con dốc, đến gần. Chú chó bất chợt quay lại, gầm gừ hù dọa. Người đàn ông buông cần câu xuống, chạy đến ôm chú chó vào lòng, sau khi nói lời xin lỗi và cho biết con vật bé bỏng này rất hiền lành, hiếu khách. Tôi khom người, nhìn sâu vào đôi mắt nâu tròn xoe, thân thiện vuốt đầu nó. Sau khi trao đổi vài câu xã giao với người đàn ông, tôi ngồi xuống bãi cỏ để chờ xem cá cắn câu, nhưng chờ mãi vẫn không thấy động tĩnh. Người đàn ông cắm cán câu xuống đất, rồi rủ tôi đến chiếc băng đá gần đó, trò chuyện rôm rả cho đến khi chào từ giã để về nhà kịp giờ đi làm.

Đứng trước cửa nhà, nhìn thấy chiếc Toyota của Phú, tôi chần chừ không muốn bước vào. Căn nhà -cái tổ ấm ngày xưa- hình như đã trở thành hỏa ngục, kể từ ngày những đứa con trưởng thành và lần lượt tung cánh đi tìm tương lai. Hai vợ chồng ra vào đối mặt nhau, những câu chuyện hằng ngày càng lúc càng lạt lẽo, càng lúc càng ngắn ngủi và cuối cùng chỉ còn lại những lời nói sẵng lè, cộc lốc. Đã có lúc tôi giật mình lo lắng khi nhìn hạnh phúc đang từng bước lặng lẽ ra đi. Không phải Phú đèo bồng, ham mê của lạ như những người đàn ông hư hỏng thời nay. Cũng không phải tôi thay lòng, đổi dạ, mà tự nhiên những bất đồng, những mâu thuẫn đã có ít nhiều  trong đời sống chung bấy lâu nay, ngày càng chồng chất nặng nề. Điều lạ lùng là tuổi đời càng cao thì sự sân si dường như càng phát triển. Hai vợ chồng, không ai nhường ai. Ai cũng sẵn sàng hạ thủ đối phương của mình không chút đắn đo, áy náy. Từ đó, tôi chợt nhận ra có một lằn ranh giữa sự gắn bó và tan vỡ đã hiện hữu.  Điều đáng sợ mà tôi đang nhìn thấy là cái ranh giới mong manh như hơi thở ấy có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào. Đã nhiều lần tôi băn khoăn tự hỏi, làm sao để bồi đắp cái nền móng gia đình đang bị lở loét bởi những đợt sóng âm ỉ nhưng đầy nguy hiểm. Có lẽ, chúng tôi cần một khoảng cách. Cái khoảng cách phải có là điều cần thiết để cứu vãn tình trạng tệ hại hiện tại.

          Tôi ngồi xuống thềm nhà, nghĩ ngợi một lúc rồi bấm số gọi Yến Vi.

          -Căn nhà của con đã có người mướn chưa?

          -Dạ chưa! có ai muốn mướn hả mẹ?

          -Ơ… không… mẹ muốn đến đó ở một thời gian!

          Yến Vi hoảng hốt kêu lên:

          -Ba mẹ có chuyện gì hả?

          -Không, chỉ là sức khỏe của mẹ lúc này kém, bác sĩ nói mẹ cần một chỗ yên tĩnh để tịnh dưỡng. Con biết mà… bạn bè của ba hay ghé qua nhà mình nhậu nhẹt, đôi lúc mẹ rất mệt mỏi.

          Yến Vi yên lặng một lúc rồi hỏi tiếp:

          -Mẹ nói với ba chưa?

          -Con bằng lòng thì mẹ mới nói. 

          -Dạ được.

                                        ***

Và tôi chỉ báo tin cho Phú khi chuẩn bị dọn đồ đạc ra xe. Phú gầm gừ như con thú bị thương:

          -Riết rồi em coi anh chẳng ra gì! muốn ở thì ở, muốn đi thì đi, chẳng thèm hỏi một lời.

          Tôi nhẹ nhàng:

          -Hỏi anh để gây gỗ như thế này hả?

          -…

          -Em nghĩ hai đứa cần phải sống xa nhau vài tháng để có thời gian suy nghĩ lại những gì đã xảy ra trong cuộc sống của mình, nhất là những lúc gần đây. Nếu sau này chết đi rồi bị sa hỏa ngục thì em phải chấp nhận, vì không có quyền lựa chọn. Nhưng cái hỏa ngục trần gian này mình có thể cất nó đi thì tại sao lại phải chịu đựng. Có lẽ anh và em, cả hai đều cảm thấy là gánh nặng của nhau. Ngày trước, mình nhường nhịn nhau, vì sợ ảnh hưởng đến con cái. Vả lại, em cũng nghĩ rằng, những lo toan trong cuộc sống đã tạo áp lực, khiến hai đứa dễ sinh bực bội, cắng đắng nhau, có lẽ sau này con cái thành tài, đời sống thong dong, thoải mái thì gia đình sẽ êm ấm hơn. Nhưng thực tế đã cho thấy, hình như mỗi ngày mình càng đối xử với nhau tệ bạc hơn và sẵn sàng cứa vào trái tim nhau những vết cắt rướm máu bằng lời lẽ vô tâm, độc ác. Em thật lòng muốn gìn giữ hạnh phúc gia đình, dù nó đã rạn nứt. Em hy vọng chuyến đi này sẽ giúp em thay đổi, để em có được một tấm lòng bao dung, một cái nhìn cởi mở hơn và như thế mình mới có thể ở cạnh nhau cho đến hết cuộc đời. Phần anh, nếu anh thấy rằng không thể tiếp tục cuộc sống này, với em, với người vợ không có đủ công, ngôn, dung, hạnh như anh vẫn thường nói thì anh có thể rẽ sang hướng khác. Nói thật, em sẽ không trách móc anh một lời, vì em biết chính em cũng góp phần tạo ra thảm cảnh.

          Phú không nói một lời, anh nhìn tôi như nhìn một người xa lạ và cũng không buồn giúp khi tôi hì hục kéo lê hai chiếc vali nặng trĩu ra cửa.

                                      ***

Căn nhà của Yến Vi chỉ cách nhà tôi bốn con đường, nên sáng sáng tôi lại thả bộ ra công viên, ngồi xuống tảng đá cạnh bên người đàn ông da trắng có cái tên rất dễ gọi  -Tom. Chú chó nhỏ tên Dallas là cái gạch nối kết tôi và Tom đến gần nhau một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong lúc Tom thả câu. Những câu chuyện về xã hội, đời sống, công việc, và gia đình. Một lần Tom chợt hỏi:

          -Ông nhà đâu sao chẳng bao giờ thấy đi cùng với bà?

          Tôi dọn một nụ cười thật tươi cho lời nói dối:

          -À! ông ấy còn phải đi làm.

          -Còn bà? chẳng lẽ hưu rồi sao?

          -Ừm… tôi phải ở nhà để nấu ăn cho chồng, săn sóc vườn tược, dọn dẹp nhà cửa.

          -Còn mấy đứa nhỏ?

          -Chúng chạy theo việc làm, nên đứa nào cũng ở xa, vài tháng lại về thăm ba mẹ để gia đình quây quần, sum họp và quan trọng nhất là được ăn món Việt Nam do chính tay mẹ nấu.

          Tom đưa ngón tay cái lên:

          -Một gia đình hoàn hảo. Tôi rất ngưỡng mộ các gia đình của người Á đông, vợ chồng gắn bó với nhau suốt đời. Thời gian tham chiến ở Việt Nam, tôi thấy có nhiều phụ nữ bị chồng đánh đập, hành hạ, nhưng họ vẫn chịu đựng và tiếp tục sống, tiếp tục hầu hạ chồng không than van, không oán trách. Phụ nữ Việt Nam thật đáng khâm phục.

          Tôi mỉm cười, muốn nói với Tom, cái thời ấy đã xa rồi, phụ nữ chúng tôi bây giờ muốn được sống cho mình, vì mình chứ không phải vì phong tục, đạo lý, vì thể diện hão. Tom vẫn vô tình:

          -Tình nghĩa vợ chồng của người Việt Nam rất thắm thiết, thủy chung. Tôi có một anh bạn, vợ mất đã sáu năm, vậy mà đến bây giờ anh ấy vẫn sống độc thân và luôn nhắc đến người vợ đã chết bằng sự tiếc thương nồng nàn, sâu đậm.

          Trước khi ra về Tom vẫy tay, dặn dò tôi đến ba lần:

          -Mai gặp nhau nhé. Tôi sẽ giới thiệu cho bà gặp anh bạn của tôi.

                                                ***

-Mẹ à! khi nào mẹ trở về nhà?

          Tôi nhìn thẳng vào mắt Yến Vi, hỏi:

          -Con cần lấy nhà lại để cho mướn phải không? Nếu vậy, hàng tháng mẹ sẽ trả tiền cho con.

          Yến Vi xịu mặt xuống:

          -Mẹ nghĩ là con sẽ lấy tiền của mẹ sao? Điều con muốn là mẹ về nhà, chứ ba mẹ, người nào cũng ở một mình làm sao con an tâm, lỡ chuyện gì xảy ra đâu có ai hay. Với lại… mẹ ở một mình, không cảm thấy buồn sao?

          Tôi đưa tay vuốt tóc, dáng điệu thảnh thơi.

          -Con không biết mẹ thích đọc sách báo và mê phim bộ sao? mẹ đâu cần thiết phải có người nói chuyện.

          -Vậy mà con nghe Tuấn An nói, lần nào đến thăm mẹ cũng gặp bác… bác gì nó không nhớ tên. Tụi con thắc mắc không biết bác ấy là ai?

          Tôi trầm ngâm một lúc rồi nói:

          -Bác là bạn của mẹ, ngày xưa học chung đại học Văn khoa ở Việt Nam. Tình cờ mẹ gặp lại cách đây vài tháng.

          -Sao mẹ không dắt bác đến thăm ba. Con nghĩ mẹ nên cẩn thận, lỡ ba biết được ba sẽ buồn.

          Bằng giọng bực dọc, tôi hỏi:

          -Mẹ liên lạc với bạn cũ là sai à?

          -Không sai! nhưng dù sao…  bạn trai cũng bất tiện, nếu mẹ và bác gặp nhau trong căn nhà chỉ có hai người.

          Thấy tôi có vẻ khó chịu, Yến Vi đứng lên. Không chào một tiếng nó lặng lẽ bước đi. Tôi nhìn đồng hồ trên tường. Mười một giờ. Có lẽ Bình sắp đến. Tôi ra phòng khách, tựa cửa chờ đợi chiếc xe quen thuộc dừng lại dưới bóng cây râm mát trước nhà.

          Thật là một điều bất ngờ khi tôi gặp Bình, nơi Tom vẫn thường câu cá. Tom giới thiệu, đây là anh bạn mà ngày hôm qua tôi kể chuyện với bà. Tôi nhớ lại câu dặn dò của Tom trước khi chia tay “Mai gặp nhau nhé. Tôi sẽ giới thiệu cho bà gặp anh bạn của tôi”. Tưởng Tom chỉ vui miệng nói thế, không ngờ anh giữ đúng lời hứa. Bạn của Tom nhìn tôi khá lâu khi tôi cúi đầu chào. Cái nhìn có chút sỗ sàng khiến tôi hơi ngượng ngùng không dám ngước mắt lên nhưng trong lòng lại lầm bầm, người đâu mà vô duyên. Ngay lúc tôi còn chưa biết nói gì cho đúng phép xã giao thì anh chàng à lên một tiếng khiến Tom giật mình tròn mắt.

          -Yến Phương phải không?

          Mắt tôi cũng tròn không kém Tom.

          -…

          -Bình, Văn khoa năm bảy bốn, cùng nhóm với Khải Bốn Mắt, Thủy Tong Teo.

          -Ồ! tôi nhớ rồi.

          Cả hai chúng tôi mừng rỡ, chuyện trò tíu tít, quên mất Tom đang lúi húi thu dọn đồ đạc ra về. Từ ngày đó, mỗi sáng tôi và Bình gặp nhau nơi công viên. Thỉnh thoảng, Bình ghé qua nhà, chúng tôi cùng uống trà, nhắc chuyện ngày xưa. Đôi lúc Bình mang theo cây đàn để hát lại những bản nhạc của một thời kỷ niệm tuổi học trò. Nhưng có một bài tôi chưa từng nghe, Bình đã rót vào tai tôi bằng giọng hát trầm ấm, ngọt ngào “Mối tình đầu của tôi là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ, là bài thơ còn hoài trong vỡ, giữa giờ chơi mang đến lại mang về…”. Và tôi đã ngẩn ngơ hồn phách khi Bình thú nhận, tôi là mối tình đầu thầm kín của anh. Để từ đó, đêm đêm trong giấc mơ chập chờn, tôi thấy mình trở lại trường cũ bằng những bước chân vô tư của thời áo trắng hồn nhiên và lãng mạn. Đối với Bình, tôi không cảm nhận được tình cảm tôi dành cho anh một cách chính xác, nhưng rõ ràng ngày tháng sống của tôi như có ý nghĩa hơn. Tôi không còn cau mày giận dữ, cong môi trợn mắt, để hơn thua với người đàn ông mà tôi gọi là chồng mỗi khi gặp nhau ở nhà Yến Vy. Đôi khi nghĩ đến Bình, tôi cười một mình khi nhớ đến lời của Tom “Tôi có anh bạn, vợ mất đã sáu năm mà đến bây giờ anh ấy vẫn sống độc thân và luôn nhắc đến người vợ đã chết bằng sự tiếc thương nồng nàn, sâu đậm”. Có thật thế không? Vì từ ngày gặp tôi, Bình không bao giờ nhắc đến người vợ quá cố của anh mà chỉ tóm lược bằng một câu ngắn gọn, vợ anh qua đời lâu rồi. Nhưng Bình lại hỏi rất cặn kẽ về gia đình tôi. Tôi cũng không có lý do gì để giấu giếm, nên Bình biết hết những buồn phiền, thất vọng và quyết định ly dị mà tôi đang sẵn sàng tiếp nhận, nếu nó xảy ra.

                                      ***

Kết thúc bất ngờ cho cuộc tái ngộ của tôi và Bình là lá thư mang con dấu Savannah, GA. Tôi cầm lá thư trên tay với nỗi hụt hẫng, bàng hoàng. Chuyện gì đã xảy ra? Tại sao Bình lại lặng lẽ rời khỏi nơi đây không một lời giã từ?

          Tôi nhớ, cách đây một tuần Bình đã gặp Yến Vi khi đến thăm tôi. Thấy vẻ bối rối của tôi, Yến Vi vội vã đứng lên, lễ phép chào Bình rồi xin phép ra về. Bình nhìn theo cho đến khi cánh cửa khép lại.

          -Chắc con gái của Phương sẽ nghĩ không tốt về anh.

          -Anh có làm gì xấu đâu mà sợ.

          -Anh không làm điều xấu, nhưng anh không muốn bị con của Phương hiểu lầm anh đang xen vào tình cảm của ba mẹ nó. Ngày xưa, anh yêu thầm Phương, nhưng bây giờ tình yêu đó được thay thế bằng sự quý trọng. Anh quý Phương, vì được gặp Phương là anh được sống lại thời tuổi trẻ của mình. Đối với gia đình Phương, anh luôn mong ước vợ chồng Phương sẽ dẹp bỏ tự ái để hòa thuận với nhau. Thứ nhất là cho con cái vui. Thứ hai là để vợ chồng già nương tựa nhau mà sống cho đến hết cuộc đời. Cái phần đời còn lại ngắn ngủi lắm Phương ạ!

          Tôi ngỡ ngàng nhìn Bình. Thì ra, tôi đã quá chủ quan khi nghĩ rằng mình vẫn còn đủ hấp lực làm chao đảo trái tim của Bình. Thì ra, tôi đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng, trong lúc mình đang bồi hồi nhớ lại những giây phút gặp gỡ, thì Bình -nơi căn phòng vắng vẻ- có lẽ cũng đang ôm đàn để hát bài hát quen thuộc “mối tình đầu của tôi…”.

          -Nghe lời anh đi Phương! hãy gọi điện thoại hoặc trở về nấu một bữa cơm ngon cho anh ấy. Người đàn ông, dù già thế mấy thì trong họ cũng có một đứa trẻ con, thích được yêu thương và nuông chìu.

          Tôi cắt ngang lời Bình bằng giọng nói gay gắt -không biết là vì giận chồng hay giận Bình.

          -Nếu phải trở về sống bên cạnh anh ấy, em thà chết còn sướng hơn. Anh về đi, em không muốn nghe thêm một lời nói nào của anh nữa.

          Bình đến cạnh tôi, lặng thinh không nói một câu. Tôi đang chờ bàn tay Bình vỗ về trên bờ vai mỏng. Nhưng không… từng bước chân xa dần, xa dần. Rồi tiếng cửa đóng lại vừa đủ cho tôi nghe, để biết rằng cả hai chúng tôi đã bị ngăn cách bởi cánh cửa vô tình. Từ ngày ấy Bình không trở lại thăm tôi.

          Cầm phong thư trong tay, sau một phút phân vân tôi quyết định quăng vào hộc tủ. Nhưng… cuối cùng lại mở ra đọc.

          Phương mến,

          Cám ơn Phương và khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng thật êm đềm mà anh và Phương đã có được với nhau.

          Bằng lòng quý mến chân thành, bằng nỗi ước ao tha thiết, anh mong một ngày rất gần Phương sẽ trở về nhà để bắt đầu cuộc sống mới. Cuộc sống vì người, cho người, chứ không phải vì mình và cho mình. Không phải anh khoác lên người chiếc áo đạo đức giả tạo để lên giọng dạy đời cho Phương nhưng đây là lời khuyên rất thực tế lấy từ kinh nghiệm sống của anh.

          Vợ anh qua đời sáu năm là sáu năm anh sống trong niềm ân hận. Ân hận vì không biết nâng niu cái hạnh phúc đang có trong tay. Ân hận vì anh không quan tâm đến người vợ đầu ấp, tay gối mà chỉ nghĩ đến bản thân mình. Vợ anh có nhiều ưu điểm mà vì lòng dạ hẹp hòi anh chỉ nhìn thấy khuyết điểm của cô ấy, trong khi anh thì khuyết điểm đầy mình nhưng cái tôi lại che khuất tất cả. Có thể nói, cái tôi là cái tồi tệ nhất của con người. Vì nó mà bạn bè ly tán, vợ chồng đổ vỡ. Hãy dằn nó xuống. Hãy ném nó đi thật xa Phương ạ!

          Có lẽ Phương đang rất giận anh. Nhưng Phương biết không, ngày hôm ấy, khi trở về nhà, anh bị ám ảnh mãi bởi ánh mắt của con gái Phương. Ánh mắt chứa đựng sự trách móc lẫn van nài. Anh biết mình đã bị hiểu lầm và anh không muốn kéo dài sự hiểu lầm đáng tiếc ấy.

          Hiện tại, anh đang sống với đứa con trai duy nhất vừa tìm được việc làm ở thành phố này. Cuộc sống bình dị, an lành với hình ảnh người vợ yêu dấu không bao giờ phai nhạt trong trái tim anh. Nghe có vẻ cải lương quá phải không Phương? nhưng đó là sự thật. Một sự thật đau lòng là người ta chỉ trân quý và tiếc nuối những gì đã mất đi…

          Tôi bỏ thư vào phong bì, nhớ lại câu nói của Yến Vi tối hôm qua “Ba mẹ cứ như vậy làm sao bên đàng gái họ dám gả con cho Tuấn An”. Câu nói khiến tôi quyết định trở về nhà dù lòng chưa muốn.

                                          ***

Tôi bước ra vườn, nhắm mắt lại để thưởng thức khoảng không gian yên ắng, thanh tịnh lần cuối cùng. Nhìn vào bên trong, thấy Yến Vi và Tuấn An đang khệ nệ mang đồ đạc của tôi ra xe với tất cả nỗi hân hoan mà lòng buồn xao xiết, như ngày nào không đành dứt áo bước lên tàu rời bỏ quê hương. Lá thư của Bình đã làm tôi thao thức suốt đêm. Tôi nghe lời Bình cố tìm kiếm những điểm tốt của Phú, cố dỗ dành trái tim mình phải hết dạ yêu chồng như thời trăng mật. Và tôi miên man cầu nguyện một cách chân thành “Xin Chúa cho con biết dẹp bỏ tự ái. Xin Chúa ban cho con thêm lòng yêu thương, bớt giận hờn…”.

Dọn một nụ cười thật tươi tôi đưa tay bấm chuông. Cánh cửa bật mở, khuôn mặt Phú hiện ra lạnh lùng, nghiêm khắc với câu nói như ly nước sôi tạt vào mặt.

          -Ủa! chịu về rồi à?

          Ngay lúc ấy tôi nhận ra một điều, trong lòng tôi chữ tình đã hoàn toàn biến mất chỉ còn lại độc nhất một chữ ghét. Ghét cay, ghét đắng người đàn ông mà tôi sẽ phải tiếp tục chung sống đến hết cuộc đời này cho hạnh phúc con cái được vuông tròn []

Ngân Bình

 

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...