Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

BẠN !?!? ,DI CHỨNG,BIẾT ĐÂU!!!, GIẢ TRÁ !!! - Thơ NKĐ


 
BẠN !?!?
 
Bạn bè chưa phải là đông
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông lại nhiều
Có người trở mặt , lắm chiêu
Sa cơ thất thế , giở điêu ngoa mà !
Chỗ làm nó đá chẳng thà
Sẵn sàng thể chỗ , rằng ta lắm tài
Chén cơm nó hất khỏi tay
Sa cơ nó lại bị đày thể thôi
Hôm qua đắc thắng nó cười
Hôm nay cúi mặt, úi giời nó đây !
Cuộc đời vay trả , trả vay
Bạn mà hại bạn, còn ai bên mình ?
Bạn đâu Dương Lễ , Lưu Bình
Bạn đâu mấy kẻ chung tình trước sau ?
14g40 . 19/8/2023.

 

2./ DI CHỨNG

 
Ta xót thương những con người chân chất
Cả một đời chân đất để lo toan
Dẫu bao kẻ ác nhân đều phó mặc
Kết cuộc rồi, thân xác cũng tiêu tan
Có đúng hay không, vô vàn là tro hủ ?
Mà người thân nhận, chứ biết gì hơn !
Người chết vậy, tủi hờn đà chế ngự
Người sống còn , tương tự kiếp tù nhân !
Tháng bảy này, xót người dân uổng tử
Đại dịch qua rồi, cứ nhớ mà đau
Đám đồ tể làm sao mà tha thứ ?
Cái cảm ơn, nhận đủ mấy ngàn đô !
Bao nhiêu kẻ ,cơ hồ đều xấu tệ
Mạng dân đen , mặc kệ, tựa bèo trôi
Kẻ tham nhũng nộp rồi, thì mạng thế
Có chết đâu, cái lệ ấy mà thôi !
Dân khốn khổ, chúng thời trăm tỷ
Dân quẩn quanh, sống chỉ trong rào
Muốn đi xin phép thôi nào
Phải qua " kit tét " đã giàu, giàu thêm
8g11 . 22/8/2023
 
 

3./ BIẾT ĐÂU!!!

Biết đâu mình sẽ mạnh giàu
Đám con xa xứ lại mau quay về !
Có ai chịu cảnh ly quê ?
Máu nào mà chẳng quay về với tim ?
Chim đi về tổ cố tìm
Làm thân chùm gửi , muộn phiền lắm thôi !
Rằng ta chung một giống nòi
Cùng sinh một bọc, người thời cố chia
Bài học bẻ đũa còn kia
Bẻ từng chiếc gãy , nguyên thì được đâu !
Bốn ngàn năm vẫn tự hào
Da vàng máu đỏ, nơi nào cũng thiêng
Rạng danh dân tộc Rồng Tiên
Làm nên lịch sử , hẳn nhiên mạnh giàu !
16g37 . 28/8/2023.
 
4./ GIẢ TRÁ ...
 
Phải đâu chỉ có một ngày
Vu Lan báo hiếu, thấy ai cũng làm
Sao không cố gắng trăm năm
Ngày nào cũng hiếu, cũng chăm sinh thành !
người nặng nợ chiếu chăn
Bỏ rơi cha mẹ, đoạn đành như không !
Già như trái chín, khó mong
Gió lay thời rụng, chờ trông ai nào ?
Có người cũng lạ làm sao !
Sống thời đói khổ, chết cao cỗ bàn !
Sống thời như ngọn nhang tàn
Chết thì nhang khói ngập tràn , làm chi ?
Hiếu thân giả trá làm gì ?
Thương cha , thương mẹ tội gì đua theo !
10g50 . 31/8/2023.
 
Mời Xem :


BAO GIỜ GẶP LẠI - Thơ Liên Nguyễn Và Bài Họa Của Các Thi Hửu


 

BAO GIỜ GẶP LẠI

Quạnh bóng em về giọt lệ tuôn,
Trần ai lắm mộng ngẩn ngơ buồn.
Ngày đêm mỏi mắt trông tin nhạn,
Sớm tối bơ phờ héo rũ muôn.
Để dạ u sầu câu hẹn mãi,
Cho lòng khắc khoải điệu chờ luôn.
Dòng trôi sóng cuộn tình cay đắng,
Đấy cảnh đâu người tiếng nói suôn.
Liên Nguyễn

HỌA 1 : TÌNH GỌI

Thương ai giọt lệ đổ sầu tuôn,
Mắt ướt phòng đơn chiếc thấm buồn.
Nhìn bóng trông chờ mơ bạn nhạn,
Mỏi mòn thổn thức đợi tình muôn.
Đôi câu nhắn gởi xa vời vợi,
Vài tiếng gọi thầm vọng khuất luôn.
Hy vọng mãi chơi vơi chuốt thảm,
Còn chăng chỉ văng vẳng lời suôn.
*
Chẳng lẽ tình đời khép đóng khuôn!?
HỒ NGUYỄN (27-8-2023)


HỌA 2 :DUYÊN THỜI CHỈ VẬY !?

Chẳng hiểu sao đời đắng đót luôn
Còn vương đủ chuyện trớ trêu buồn
Đêm thầm thở vắn vùi hư ảo
Tối chạnh than dài dấu lệ… muôn…
Trách kẻ trao tình gieo não lụy
Giận mình chuốc nợ ẳm phiền tuôn
Thương nhiều nhớ lắm dường như chỉ
Bởi số duyên thời mấy sẻ suôn!!! 

Mai Vân-VTT, 28/8/23
 

HỌA 3 : LẶNG NGẮM TÀ HUY…

Người Thơ đa cảm lệ thường tuôn
Lặng ngắm tà huy cũng thấy buồn
Nhung nhớ vu vơ nhìn lá rụng
Đau lòng thở thẫn bóng chim muôn
Thương vay khóc mướn… sầu thao thức
Giọt ngắn giọt dài… than thở luôn
Lực bất tòng tâm nào muốn thế
Chuyện đời đâu thể ước mơ suôn
Kiều Mộng Hà
Aug28th2023
 

Mời Quí Thi Hửu Họa Tiếp.....






Gì cũng chửi...

Xưa, có nhà văn nhận xét về người Việt là “ Gì cũng cười!” Cười mọi lúc, mọi nơi. Nghèo giàu, sướng khổ, vinh nhục gì cũng cười? Song có lẽ cũng đã... “ xưa rồi Diễm”, ngày nay lại có thêm nhận xét:
Người mình... gì cũng chửi? Chửi mọi lúc, mọi nơi, trên tầng cây số.
Nhà văn Nguyễn Văn Trung viết tác phẩm “Ngôn ngữ và thân xác”, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1968, trong đó có nhận xét: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt Nam. Đó là một hiện tượng rất phổ thông trong ngôn ngữ hằng ngày và cũng rất phong phú vì gồm rất nhiều lối văng tục, chửi tục, sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để xây dựng câu chửi, nhưng cũng nhằm rất nhiều ý nghĩa...”
Nhà Lý luận Phê bình Văn Học Nguyễn Hưng Quốc đã kỳ công trong một bài viết, thống kê “lai lịch” và ý nghĩa của từ “chửi” trong các bộ Tự điển của Việt Nam như sau:
Trước, trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes (1651), chỉ có hai từ chửi và chửi mắng; sau, trong Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), có thêm chửi bới, chửi rủa, chửi lộn và chửi thề; kèm theo một số thành ngữ như: chửi như tách nứa, chửi như gõ thoi; sau nữa, trong Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (1952), thêm: chửi bâng quơ, chửi vào mặt, chửi tục, chửi vung, chửi xối hay chửi xối xả.
Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1963), ngoài một số hình thức chửi trên, còn thêm: chửi bóng chửi gió, chửi chữ, chửi đổng, chửi xỏ.
Nhiều nhất là trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970) với một số kiểu chửi mới, chưa thấy trong các từ điển trước: chửi bỏ, chửi bông lông, chửi đùa, chửi khống, chửi lén, chửi tắt bếp, chửi thầm, chửi thề, chửi trổng, chửi vãi, chửi vụng, và chửi xiên chửi xéo.
Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng liệt kê một số thành ngữ bắt đầu bằng chữ chửi: Chửi cha không bằng pha tiếng, chửi chó mắng mèo, chửi lắm nghe nhiều, chửi như chó ăn vã mắm, chửi như mất gà, chửi như vặt thịt.
Ngoài ra, có nhiều từ hoặc thành ngữ khá phổ biến ngoài đời nhưng không hiểu sao lại không có trong từ điển: chửi cha, chửi xéo, chửi móc, chửi leo, chửi đông đổng, chửi té khói, chửi không kịp vuốt mặt, chửi như vãi trấu, chửi như tát nước (vào mặt), chửi tưới hột sen, chửi tá lả, chửi tá lả bùng binh, chửi búa xua, chửi tứ tung, chửi tứ tung lung tàng, chửi tùm lum tà la, chửi sa sả, chửi cho tắt đài, chửi thẳng vào mặt, chửi sủi bọt mép, chửi như hát, v.v…
Đấy là chưa kể các từ chửi gần đây như: Chửi tắt bếp, Chửi liên thanh, Chửi liên hồi kỳ trận, chửi huỵch toẹt, chửi ra rả, chửi rống, xả một trận, chửi tới tấp... cùng các ngôn ngữ mạng của thời đại @ như: “Ném đá, tặng gạch, xả street, tương đểu, chết... đầy rẫy trên các mạng xã hội hiện nay.
Chửi mọi lúc, mọi nơi, bất kể thời tiết mưa, nắng, nóng, lạnh. Chỉ cần không vừa lòng, trái tai, gai mắt là... chửi. Chửi như cái bệnh và cũng là đại dịch... lây lan khó có thuốc trị. Đặc biệt là “chửi góp”, “ chửi hùa”, “chửi ké”... đang là model “thịnh hành” trên các trang Facebook, khó có cách gì để ngăn chận được.
Trong cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng, xã hội thì có “cơm chửi, cháo chửi, phở chửi...” thậm chí “xe bus chửi, taxi chửi” v.v... các cơ quan công quyền, nhà nước, sếp... chửi thì nói là “huấn thị”, “giáo huấn”, trong trường học thì là “giảng moral, lên lớp”! Nhiều thể loại và hình thức chửi. Ghét, giận, nóng, thù: Chửi. Sung sướng, cưng nựng cũng... chửi, gọi là “mắng yêu” như: Tiên sư bố cái nhà anh... hay “Đ... má. Quá đã!”
Song nghệ thuật chửi... Từ sáng tới chiều. Chửi như hát, chửi có vần có điệu thì phải kể đến các bà, các... ông ngày xưa bị mất gà, mất vịt, mà dân gian còn truyền khẩu như sau:
Chửi mất gà: “Làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng. Sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy… ấy… ấy !
Bố cái thằng chết đâm, cha cái con chết xỉa ! Mày day tay mặt, mày đặt tay trái, nỡ ăn cắp của bà đây con gà. Này bà bảo cho chúng mày biết: Thằng đứng chiếu ngang, thằng sang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cái hài, thằng nhai thủ lợn… Con gà nó ở nhà bà là con gà. Nó bị bắt trộm về nhà mày thì thành con cú, con cáo, con thành đanh mỏ đỏ, nó sẽ mổ mắt, xé xác ông, bà, cha, mẹ, vợ , chồng, con cái nhà mày đấy… ây… ấy !
Mày mà ăn thì con gà nhà bà thì ăn một miếng chết một đứa, ăn hai miếng chết hai đứa, ăn ba miếng chết ba đứa, và ăn cả con gà đó sẽ chết cả nhà cả ổ nhà mày.
Cha tiên nhân ông nội, ông ngoại, ông dại, ông khôn, đồng môn chi rễ nhà mày nhá ! Mày gian tham đã ăn trộm ăn cắp con gà mái nhà bà. Rồi ra, nhà chúng mày chết một đời cha, chết ba đời con, đẻ non, đẻ ngược, chân ra trước đầu bước ra sau, để sót nhau. Chết mau, chết sớm ! Chết trẻ, đẻ ngang nhá.
Bốn thằng cầm cờ xanh đứng đầu ngõ, ba thằng cầm cờ đỏ đứng đầu làng, đưa đám tang cả nhà mày ra đồng làng chôn đấy. Mày có khôn hồn, mang trả ngay con gà đó cho bà, kẻo không bà đào mồ, quật mả cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỉ, thúc, bá, đệ, huynh, cô, dì, tỷ, muội nhà mày đấy.
Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước, nhớ đừng quên a… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy, bà tha cho mày...”
Mất vịt: “Tiên sư đứa nào bắt mất con Vịt xiêm lai nhà ông, Vịt ở nhà ông là con công con phượng, Vịt về nhà mày thành con cáo con diều hâu.
Bố mày là A, mẹ mày là B, ông cho vào ngoặc ông ‘khai căn’ cả họ nhà mày. Ông rủa mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt, mày tắm trong ao mày chết chìm trong chậu.
Ông ‘khai căn’ cả họ nhà mày xong rồi, ông ‘tích phân n bậc,’ ông bắt cả hang, cả hốc, ông cụ ông nội, cả tổ tiên nhà mày ra mà ‘đạo hàm n lần.’
Ái chà chà, mày tưởng nuốt được con Vịt nhà ông là mày có thể yên ổn mà chơi trò ‘cộng trừ âm dương’ trên giường với nhau à. Ông là trị cho tuyệt đối hết cả họ chín đời nhà mày, cho chúng mày biết thế nào là ‘vô nghiệm,’ cho chúng mày không sinh, không đẻ, không duy trì được nòi giống nữa thì thôi.
Ông sẽ nguyền rủa cho chúng mày đời đời chìm đắm trong ‘âm vô cùng,’ sẽ gặp tai ương đến ‘dương vô tận,’ cho chúng mày chết rục trong địa ngục, cho chúng mày trượt đến ‘maximum’ của sự ‘vô hạn’ tối tăm
Tiên sư nhà mày, mày tưởng ngày nào mày cũng rình mò ‘tiệm cận’ hàng rào nhà ông là ông không biết đấy à ? Ông là ông ‘giả thiết’ mày ăn cắp hơn hai chục con Vịt xiêm lai nhà ông, mày về mày vỗ béo để nhồi ‘đường cong’ cho con vợ mày, à... à… mày vẽ nữa đi, mày tô nữa đi. Mày tô, mày vẽ, mày nhồi cho đến khi ‘đường cong’ con vợ mày nó nứt toác, nó gẫy khúc ra, chọc xiên chọc xẹo đi, rồi đi lên đi xuống nữa vào, rồi có ngày con vợ mày sẽ hạ ‘vuông góc’ một mạch thẳng xuống ‘góc tù.’ ”
Và “Mất chó” mới sưu tầm, tân trang và bổ sung cho phù hợp: “Tiên sư cha ba, bốn đời cái đứa bắt chó nhà bà, chiều hôm qua bà cho nó ăn nó vẵn còn. Sáng hôm nay con bà gọi nó nó vẫn còn, mà bây giờ nó đã bị bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì buông tha thả nó ra cho nó về nhà bà, nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào mã thằng tam tứ đại nhà mày ra, bà khai quật bật săng thằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Ới cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia. mày mà giết chó nhà bà thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba. Mày xuống âm phủ thì quỷ sứ thần linh rút ruột mày ra a a a a …
Mày dám xơi thịt con chó yêu quí của bà í à? Bà là bà rủa cho mày ngóc đầu lên không được đấy con ạ ạ ạ ạ …
Cái con chó nó ở nhà bà nó là con cún con thỏ, chứ nó về đến nhà mày nó thành con sói, con cáo, con thần nanh mỏ đỏ, nó mổ chồng mổ cha mổ tiên sư ông bố ông cố nội mày ra thành trăm mảnh. Bà là bà vứt xuống ao cho cá nó rỉa, rồi bà lại đem lên bờ cho ruồi nó liếm đấy con ạ. ạ ạ ạ ạ…
Bà rủa cho mày là mày ngủ giường: giường sập, mày ngủ võng: võng đứt, mày thức mày cũng mơ thấy ma móc mắt mày ra, mày tắm ở ao mày chết chìm trong chậu, mày đi ra đường xe bò cán mày bẹp đầu, mày đi trên lề đường cây khô rớt xuống gãy cổ, mày uống được ngụm nước vào mồm máu đỏ mày phọt ra đằng mũi, máu trắng mày tuồn ra đằng tai, mày ăn miếng rau mày ói ra miếng thịt. Mày dám đớp thịt con chó của bà hở? Thì ối giời ơi tóc tai lông lá mày rụng sạch. Bà cuộn lại thành chổi bà quét hố xí í í í í ….
Hờ hờ...ờ... chúng mày nghe bà truyền đời đây. Hồn linh chó nhà bà sẽ về chửi gâu gâu, gấu gấu, từ sáng tới trưa, từ trưa tới chiều, từ chiều chí tối. Không cho cả làng cả xóm, cả họ nhà mày yên giấc ngủ mà trân tráo, thao láo ngó mắt lên bàn thờ nhà mày mà nổi cơn điên sằng sặc ra nhóa, nhóa... Bà về bà... đái rồi ra chửi tiếp nhóa, óa... óa... gấu, gấu...”
Thế mới biết để chửi được người ngoài... kỳ khu sưu tầm, tìm kiếm những từ ngữ độc địa còn phải có nội công thâm hậu mới có thể... truyền âm đến đối tượng nghe chửi để họ phải...”tắt bếp”, “tắt đài” mà nghĩ suy cặn kẽ lẽ đời cùng chung sống với nhau...
Trần Hoàng Vy ( Tác gi
 
TQĐ chuyển

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

HOA TRÊN ĐÁ - Thơ SôngThu và 19 Bài Họa Của Các Thi Hửu


HOA TRÊN ĐÁ

Duyên cớ nào đưa em đến đây
Mọc nơi kẽ đá diệu kỳ thay !
Vươn ra ánh sáng, chồi phơi phới
Đâm xuống khe sâu, rễ đủ đầy
Khắc nghiệt môi trường không gục ngã
Điên cuồng gió bão chẳng lung lay
Hoa xinh vẫn nở cho đời đẹp
Ngưỡng mộ làm sao sức sống này !
Sông Thu
( 27/08/2023 )

Các Bài Họa :
 
1./ NỤ HOA LAN
 
Vắng vẻ đồi cao em ở đây
Sống bằng kẽ đá lá tươi thay
Hè về nóng rực mềm phe phẩy
Đông đến lạnh cong tuyết phủ đầy
Bão táp phong ba em chịu đựng
Tiết trời ấm áp nụ hoa lay
Niềm vui nhỏ bé xin dâng hiến
Nét đẹp hoang vu đến chốn này …
Yên Hà
27/8/2023

2./ : HOA LẠ

Tơ duyên ta đã đến rồi đây,
Đá mọc hoa vờn sắc thắm thay!
Màu tím lóe xinh thân ưỡn ửng,
Chồi ưng đưa vút dáng đong đầy.
Gió ùa chẳng kéo sa mình sụp,
Nắng táp không nhèo nhạt ánh lay.
Em nở em đưa tình kéo gọi,
Ai mê man đắm đuối đây này!
*
Chuyện lạ trên đời chẳng có hai! 
HỒ NGUYỄN (27-8-2023)

  3./ HY HỮU
(Kẻ Đá Mọc Ra Cây Hoa)

Cơ duyên hy hữu “mọc” nơi đây
Kẻ đá hương thơm hoa đẹp thay
Tắm nắng ban mai, chồi nhánh đủ
Phơi sương sáng sớm, rễ cây đầy
Môi trường khắc nghiệt mà không ngã
Mưa gió điên cuồng cũng chẳng lay
Tô lục say mê tình cảm nở
Chuốt hồng ngưỡng mộ nghĩa dường này…!
MAI XUÂN THANH
August 27, 2023


 4./ HOA CHEN ĐÁ
 
Bất chấp đồi cao đá phủ đầy
Muôn hoa bát tiết mọc chen đây
Nắng chang, nước hạn không hề héo
Rễ liễu, phong cuồng chỉ nhẹ lay
Mạnh mẽ vươn mình an tịnh lắm
Tươi xinh thắm sắc lạ thường thay
Tồn sinh khắc nghiệt môi trường đó…
Tô đẹp thiên nhiên, cõi thế này…
CAO BỒI GIÀ
27-08-2023


5./ HOA THẠCH DẠI .
 
 Đá nở hoa vàng rực chốn đây
Sắc hương man dại vạt rêu thay
Ngọc từ suối mộng vươn xanh thẳm
Châu ở ghềnh mơ phủ biếc đầy
Ngọn thác ngày xưa xô lá động
Đỉnh trời thủa trước vỡ mù lay
Mầm ương sông núi về châu thổ
Hoang vắng lâm nguyên thạch hoá này ...
Rancho Palos Verdes 27 - 8 - 2023 CAO MỴ NHÂN


 6./ HOA TRÊN KẼ ĐÁ

Hoa trên kẽ đá mọc nơi đây,
Hớn hở mầu tươi tuyệt diệu thay !
Hãnh diện rễ sâu thân đứng vững,
Hoài mong nhuỵ thắm gió vương đầy !
Hoàng hôn nắng dịu bông vàng toả,
Hương sắc mưa nhuần bão khó lay !
Hỡi bướm ong vui tìm hút mật…
Hoa trên kẽ đá đẹp thơm này ! 
Liêu Xuyên ( 27/08/2023 )

7./ HOA ĐÁ

Bông tím lẻ loi kẽ đá đây
Thiên nhiên đẹp đẽ lạ kỳ thay
Gió rung nhè nhẹ chờ ong đến
Hơi ấm đong đưa ủ nắng đầy
Thềm vắng rêu phong nằm bất động
Lá hoa in bóng khẽ lung lay
Từ đâu em đến ta thầm hỏi
Đến đây mà ngắm cỏ hoa này!
Toàn Như

8./ HOA QUÂN TỬ

Kỳ hoa quân tử mọc nơi đây,
Kẽ đá vươn mình đẹp lạ thay!
Cắm rễ lòng sâu tìm đất sống,
Hứng sương gió lạnh cánh đong đầy.
Cười tươi mãi mãi khoe màu thắm,
Đứng vững không hề sợ gió lay.
Kẻ sĩ từng yêu đời bất khuất,
Đến xem kỳ thảo dị hoa này!
Đỗ Quang Vinh
28-8-2023


9./ Hoa Trên Đá

Đá mà lắm chuyện để bàn đây
Ai nấy đều khen ấy đẹp thay
Quanh mép ngo ngoe rêu trổ rõ
Giữa khe lởm chởm cỏ xen đầy
Nước chảy le the con cá lội
Sương gieo lất phất ngọn lau lay
Sinh tình tức cảnh Sông Thu xướng,
Huy mỗ rảnh rang tiếp họa này.
Thái Huy 8/27/23


10./ ĐÁ NỞ HOA

Em ở chốn nào ghé đến đây
Kiêu sa tự thuở chẳng hề thay
Ngước nhìn bốn hướng trời cao rộng
Chân dẫm khe sâu đá phủ đầy
Can đảm trơ gan cùng tuế nguyệt
Kiên cường sắt thép khó lung lay
Thân hoa yếu ớt nhưng bền vững
Nắng táp mưa sa hun sức này
Hưng Quốc
Dallas 8-27-2023

11./[CẢM HỌA "HOA TRÊN ĐÁ" THƠ - SÔNG THU]
SEN
 
Sen cười rạng rỡ dưới đầm đây
Sen nở tưng bừng rất đẹp thay
Sen ở bùn nhơ nào lấm láp
Sen cho hương sắc thật tràn đầy
Sen hồng đằm thắm càng tao nhã
Sen cội vững vàng chẳng lắt lay
Sen giữa sình lầy thân sáng sủa
Sen trông cốt cách đượm đà này!
Đức Hạnh
27 08 2023

 
12./ HOA TRÊN ĐÁ
 
Vách núi vươn ngời hoa trổ đây
Lặng thầm trên đá, diễm kiều thay
Cành ươm nắng sớm, màu tươi rực
Lá hứng sương mai, sắc thắm đầy
Vạn vật tồn sinh, lòng chẳng đổi
Muôn loài quyết sống, cảnh nào lay
Đêm thôi bão tố bình minh rạng
Gặp gỡ nhau vui  hiện hữu này.
Lý Đức Quỳnh
28/8/2023
 
13./THẾ ĐỨNG
 
Mưa nguồn đưa đẩy dạt vào đây
Phước lộc duyên trời may mắn thay
Kẻ đá nương thân mầm nảy nở
Khuôn ghềnh tựa kiếp rể loang đầy
Thân kè mép núi luôn vươn thẳng
Cành gác sườn khe chẳng động lay
Dáng trực thẳng mình trong thế đứng
Gió mưa chẳng bận đến thân này !
Trần văn Hạng
 
14./ GỬI PHẬN…

Chớ hỏi sao đời bám trụ đây
Nương mình gửi phận lạ lùng thay
Chênh vênh kẻ đá nom nhường thiếu
Lũng lẳng ngách nghiêng cảm mấy đầy
Bão tố cuồng phong thời chẳng gục
Mưa nhồi nước dội thể nào lay
Thân cằn sắc mượt hương đà lụn
Dẫu lạc loài nhưng tuyệt cú này!!!.
Mai Vân-VTT, 28/8/23. 
 
15./ HOA TRÊN ĐÁ,
 
Gió đưa hoa phấn lọt khe đây
Kẽ đá trở thành chỗ mọc cây.
Cắm rễ dầm sương, thân đứng vững
Vươn bông đội nắng, cánh bung đầy.
Đông sang lạnh lẽo nào hề hấn
Hạ đến oi nồng vẫn lất lây.
Bất chấp môi trường nhiều nghiệt ngã
Sinh tồn, Thạch Thảo lớn bằng nây!
DUY ANH
Florida, 08/28/2023
 
16./ HOA TRÊN ĐÁ.

Hữu hạnh ,hữu duyên lạc bến đây,
Hạt rơi khe đá nhiệm mầu thay.
Đất tơi nước ấm mầm non mướt,
Nắng gió vuốt ve cành lá đầy...
Không ngại tuyết sương hay lốc bảo,
Thân cây sừng sững lá hoa lay...
Lung linh nắng chiếu hoa vàng tím,
Ửng sắc màu tươi nét đẹp nầy.
Mỹ Nga, 27/08/2023 ÂL,12/07/Quý Mão.
 
17./ HOA TRÊN ĐÁ

 

Cớ sao hoa mọc giữa đâu đây

Nét đẹp phiêu diêu kỳ lạ thay

Núi đá hương thơm lan nhẹ toả

Mong manh son sắc nét tròn đầy

Dể thương Xuân Hạ không son phấn

Tô điểm thiên nhiên mặc gió lay

Che giấu Thu Đông dưới sỏi đá 

Yêu đời mãnh liệt sống nơi đây

Quang Nguyên

29/08/2023

 

18./ THẠCH THẢO


Chòm hoa thạch thảo tuyệt vời đây!
Kẻ đá mọc lên cũng đủ đầy 
Bông tím mây vờn không xáo động 
Lá xanh gió nhẹ chẳng đưa lay
Vươn cành khoe sắc xinh tươi lắm
Ươm nhuỵ phơi màu tốt đẹp thay!
Dù chốn khô cằn luôn khắc nghiệt
Hoa thơm vẫn nở ở nơi nầy
songquang 
20230831 
 
19./HOA RỪNG.
 
Từ trong kẽ đá nở nơi này,
Một đóa hoa rừng tuyệt diệu thay.
Tắm nắng khoe màu hương sắc đủ,
Phơi sương để sống rễ thân đầy.
Hấp thu khí núi mưa không chuyển,
Thở hít linh ngàn bão chẳng lay.
Tự tại an nhiên miền sạch bụi,
Dời xa khổ lụy thế gian này.
Mỹ Ngọc.
Sept. 1/2023.


Tạp Ghi và Phiếm Luận : RẰM THÁNG BẢY - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận : 

                                      RẰM THÁNG BẢY
                         

                                        TRUNG NGUYÊN TIẾT
        
       Từ đời thượng cổ, Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Tế Tổ 祭祖節, cúng tế ông bà vì đã bắt đầu mùa thu hoạch; Và vì tháng bảy là tháng bắt đầu cho giữa năm về sau nên được gọi là TRUNG NGUYÊN TIẾT 中元節; Ta gọi là Tiết Trung Nguyên. Theo thuyết TAM NGUYÊN 三元 của Đạo Giáo bắt nguồn từ đời Đông Hán là : Thiên quan thượng nguyên tứ phước, Địa quan trung nguyên xá tội, Thủy quan hạ nguyên giải ách 天官上元賜福,地官中元赦罪,水官下元解厄. Có nghĩa : Thượng Nguyên (Rằm tháng giêng) tế các quan trên trời nhờ ban phước lộc; Trung Nguyên (Rằm tháng bảy) tế các quan dưới đất mong được xá tội; Hạ Nguyên (Rằm tháng mười) tế các quan dưới nước cầu xin giải hết mọi tai ách. Sau đời Hán khi Phật giáo đã du nhập và được tryền bá rộng rãi trong dân gian rồi, thì gọi ngày Rằm Tháng Bảy là ngày VU LAN BỒN TIẾT 盂蘭盆節, ta gọi là ngày Lễ Vu Lan, ngày xá tội vong nhân là tha tội cho người chết, nên mới có tục lệ cúng Cô hồn Ngạ qủy 孤魂野鬼, là các hồn phách cô đơn và những con ma đói.
       Theo Kinh Chu Dịch, thì số 7 là con số của biến hóa phục sinh : "Phản phúc kỳ đạo, thất nhựt lai phục, thiên hành dã 反覆其道,七日來複,天行也。Có nghĩa : Cái đạo ngược xuôi tuần hoàn, trong bảy ngày sẽ trở lại, đó là vận hành của trời". Nên số 7 là số DƯƠNG, khí dương của trời đất tiêu hao và mất đi thì trong 7 ngày sẽ tái sinh có lại. Đó là sự tuần hoàn của ÂM DƯƠNG TIÊU TRƯỞNG 陰陽消長. Số 7 còn có sắc thái thần bí riêng mình như : Trên trời thì có THẤT TINH 七星, con người thì có THẤT TÌNH 七情, Cơ thể thì có THẤT KHIẾU 七竅, đến âm nhạc cũng có THẤT ÂM 七音, màu sắc cũng có THẤT SẮC 七色 (7 màu)... Nên theo Đạo giáo thì Tiết Trung Nguyên là ngày 14 (7+7) tháng 7, còn Tiết Vu Lan Bồn là ngày 15 (rằm) tháng 7.
               

      Tóm lại, tháng 7 là tháng bắt đầu thu hoạch nông phẩm; Người nông dân ngày xưa tin tưởng vào việc nông phẩm bội thu là do thần linh tổ tiên phù hộ, nên mới nhân dịp đầu Thu dùng những nông phẩm mới thu hoạch được hiến dâng lên để cúng tế ông bà tổ tiên cầu mong cho năm sau lại được mùa bội thu; Vì thế mà hình thành ngày Rằm Tháng Bảy là ngày LỄ TẾ TỔ. Đến đời Đông Hán theo thuyết "TAM NGUYÊN" của Đạo Giáo nên mới gọi TIẾT TRUNG NGUYÊN; Kịp đến khi Phật Giáo hòa nhập vào dòng tín ngưỡng của dân gian, thì ngày Rằm tháng bảy mới được gọi là LỄ VU LAN BỒN. Ba cái tục lệ tín ngưỡng nầy truyền đến đời Đường thì hợp nhất lại vào ngày Rằm Tháng Bảy : Dân gian thì cúng tế ông bà tổ tiên; Đạo giáo thì cúng tế các Địa Quan, các thần linh dưới đất để cầu xá tội; Phật Giáo thì cúng cô hồn ngạ qủy, xá tội vong nhân. Nói chung, tất cả mục đích cuối cùng đều xoay quanh hiếu đạo và nhớ đến cha mẹ ông bà tiên tổ mà ăn ở cho phải đạo làm người. 
      Đến tháng bảy thì mọi người đều muốn trở thành hiếu tử, ai cũng tỏ ra hiếu kính đối với ông bà cha mẹ như bài thơ "Trung Nguyên Tiết 中元節" của Tống Học Nghĩa 宋學義 sau đây :

               草木升溫金漫坡,    Thảo mộc thăng ôn Kim Mạn Pha,
               借籌祭祖賞山河。    Tá trù tế tổ thưởng sơn hà.
               百思不解紅塵事,    Bách tư bất giải hồng trần sự,
               一到中元孝子多。    Nhất đáo Trung Nguyên hiếu tử đa ! 
 Có nghĩa :
               Kim Mạn lên gò ấm cỏ hoa,
               Trên cao cúng Tổ ngắm sơn hà.
               Nghĩ hoài không hiểu đời sao lạ... 
               Hễ đến Trung Nguyên hiếu tử đa !
          
      Leo lên gò Kim Mạn nhiều hoa cỏ, mượn cớ để cúng mả cho Tổ Tiên mà nhìn ngắm cảnh núi sông; Nghĩ hoài cũng không sao hiểu được chuyện trên đời nầy, hễ cứ đến Tết Trung Nguyên thì ai cũng tỏ ra mình là người con có hiếu cả !
      Thường các lễ hội cúng bái cầu đảo đều diễn ra ở bên ngoài các Đạo Quán 道觀 (là Chùa của các đạo sĩ tu luyện) với các tục lệ như thả đèn trời, thả đèn hoa đăng dưới nước... cùng với các nghi thức Tế Địa Quan của các Đạo Trưởng như trong bài thơ "Trung Nguyên Nhật tặng Trương Tôn Sư 中元日贈張尊師" của Lệnh Hồ Sở 令孤楚 như sau :
         
               偶來人世值中元,    Ngẫu lai nhân thế trực Trung Nguyên,
               不獻玄都永日閒。    Bất hiến Huyền Đô vĩnh nhật nhàn.
               寂寂焚香在仙觀,    Tịch tịch phần hương tại tiên quán,
               知師遙禮玉京山。    Tri sư dao lễ Ngọc Kinh san.
   Có nghĩa :
               Nhân gian nhằm lễ Trung Nguyên,
               Huyền Đô tạm gác lặng yên cả ngày.
               Khói hương đạo quán không ai,
               Biết thầy đã lễ tận đài Ngọc Kinh.
 
      Ngọc Kinh Sơn là tên của núi Huyền Đô nằm trong dãy núi Côn Luân. Theo Đạo Giáo tương truyền đây là nơi của những người đắc đạo thành tiên ở, là nơi giáp ranh với Thiên đình trên trời.
 
      Việt Nam ta không có lệ thả đèn trời, nhưng trong dân gian lại có tục Thắp Đèn Trời, có nghĩa là khi thắp nhang cúng xong thì để yên các ngọn đèn và hương hoa ở ngoài trời cho đến sáng, như câu ca dao Nam Bộ sau đây :

                     Mỗi năm mỗi thắp đèn trời,
                 Cầu cho cha mẹ sống đời với con !

      Đây cũng là cách đơn giản chân thành biểu hiện tấm lòng của người con hiếu thảo đối với công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. 

      Tết TRUNG NGUYÊN truyền sang đến Việt Nam ta thì không còn mang sắc thái của Đạo giáo nữa mà hoàn toàn thiên về các nghi thức cúng bái cầu an của Phật Giáo; đặc biệt là đối với cha mẹ thì đây là mùa "Vu Lan Báo Hiếu"; chữ Nho gọi là VU LAN BỒN 盂蘭盆 : Còn gọi là VU LAN BỒN HỘI 盂蘭盆會 hay VU LAN THẮNG HỘI 盂蘭勝會. Căn cứ theo ghi chép của "Phật Thuyết Vu Lan Bồn Kinh 佛说盂蘭盆经",Vu Lan Bồn 盂蘭盆 là(ullambana)Tiếng Phạn là उल्लम्बन,Nghĩa gốc của VU LAN là "Treo Ngược", BỒN là "Cái Chậu", nên VU LAN BỒN 盂蘭盆 là: Cái Chậu dùng để đựng đầy ngũ qủa bách vị để cúng dường Phật Đà và Tăng Lữ để cùng cứu khổ cứu nạn cho chúng sinh bị treo ngược dưới địa ngục Âm Phủ được siêu sinh hóa kiếp.
    VU LAN BỒN theo PHẬT GIÁO 佛教 là ngày rằm tháng 7 Âm lịch, ngày xá tội vong nhân, thí thực cho cô hồn ngạ quỷ, nhưng theo ĐẠO GIÁO 道教 ngày rằm tháng 7 gọi là Tiết Trung Nguyên, là ngày đản sinh của Địa Quan Đại Đế 地官大帝, nên có lệ tế đất đai và cúng bái người chết, còn theo NHO GIÁO 儒教 thì là mùa thu hoạch, nên con cháu cúng tế ông bà tổ tiên. Kết hợp Tam Giáo và các tục lệ dân gian lại, nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là hoạt động của các chùa chiền trong lễ hội Vu Lan với sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ 目犍連救母.
               

      Mục-Kiền-Liên (tiếng Pali : Moggallāna; Tạng ngữ: མོའུ་འགལ་གྱི་བུ་, Hán tự : 目犍連; tên Latinh hóa : Maudgalyayana, Mahāmoggallāna hay Mahamaudgalyayana) hay gọi tắt là Mục-Liên (目連) (Sinh khoảng năm 568 - mất khoảng năm 484 trước Công nguyên ở nước Magadha, nay thuộc miền Bắc Ấn Độ) là một vị Tỳ-kheo của Phật giáo trong thời kỳ Phật Thích-Ca Mâu-Ni tại thế. Cùng với tôn giả Xá-Lợi-Phất 舍利弗, Mục-Kiền-Liên là một trong 2 đệ tử hàng đầu của Phật Thích-Ca. Ông đã đắc quả A-la-hán và trở nên nổi tiếng là bậc "Thần thông đệ nhất" (Manda Galỳayana) trong hàng Thanh văn đệ tử của Đức Phật.
       Theo truyền thuyết Phật giáo Bắc Tông, Mục-Kiền-Liên được cho là đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông qua đó biết mẹ mình đang lâm kiếp ngạ quỷ; ông hỏi Phật Tổ về cách cứu mẹ.
       Phật dạy rằng:
       “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó ”
      Theo lời Phật, mẹ ngài được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp 盂蘭盆法 ).
      Từ đó ngày lễ VU LAN ra đời.
              

      Trong khi Phật giáo thí thực cho các cô hồn ngạ qủy bằng ngũ cốc rau củ qua quả, thì Đạo giáo lại cúng bằng "tam sên", đọc trại của từ TAM SANH 三牲 là Heo, Gà, Cá. Nhớ hồi nhỏ khi thấy mấy ông thợ mộc động thổ cất nhà thường cúng "tam sên" bằng : Một miếng thịt ba rọi luộc, một qủa trứng gà và một con khô mực (hay một con tôm luộc) để tượng trưng cho TAM SANH; Còn ở các Đạo quán thì lại cúng rất linh đình với : Một con heo quay, một con gà luộc và một con cá rán; Các Đạo quán lớn cúng bằng NGŨ SANH 五牲 thì thêm một con bò và một con dê thui nữa ! Ta hãy nghe bài thơ "Trung Nguyên Tiết Hữu Cảm 中元節有感" của Vương Khải Thái 王凱泰 đời Thanh thì sẽ rõ :
 
                道場普渡妥幽魂,    Đạo tràng phổ độ thỏa u hồn,
                原有盂蘭古意存。    Nguyên hữu Vu Lan cổ ý tồn.
                卻怪紅箋貼門首,    Khước quái hồng tiên thiếp môn thủ,
                肉山酒海慶中元。    Nhục sơn tửu hải khánh Trung Nguyên !
  Có nghĩa :
                Đạo tràng phổ độ u hồn,
                Vu Lan cổ ý trường tồn mãi đây.
                Lạ thay giấy đỏ dán đầy,
                Núi thịt biển rượu mừng ngày Trung Nguyên !
         

       Lượm lặt trên mạng, kể lể cho vui lúc trà dư tửu hậu. Chúc cho tất cả mọi người đều có được một mùa Lễ VU LAN BÁO HIẾU có ý nghĩa, vui vẻ và... hiếu thuận với cha mẹ cũng như được con cháu hiếu thuận với mình !

          Hẹn bài viết tới !
                           
                                                                                       杜紹德
                                                                                 Đỗ Chiêu Đức       
Xem Thêm :

     Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan - ST : Hồ Nguyễn :


Ảnh Hiếm : BẮC BỘ 1900

Các nhiếp ảnh gia đã chụp được một số bức ảnh hiếm về Bắc Bộ những năm 1900. Nhờ vậy, công chúng có góc nhìn chân thực về diện mạo ở một số địa điểm tại Bắc Bộ và cuộc sống thường nhật của con người.

            Một bánh xe nước ở ngoại thành.

Đường  phố Hà nội 1900.

Nhà tranh san sát bờ sông Hồng

Hồ Hoàn Kiếm.

Một góc hồ Hoàn Kiếm. Một người dân đứng bên bờ ngắm cảnh và phía xa là Tháp Rùa.

Vườn Bách Thảo HN 1900.
     Hình ảnh tắm trâu quen thuộc ở làng quê miền Bắc Việt Nam.

      Phụ nữ lấy nước từ giếng làng

      Một tòa nhà mang phong cách kiến trúc Pháp nằm gần đường tàu ở Bắc Ninh.
        Các ngư dân kéo lưới ở bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng.




 

Hồn ma đêm Giáng Sinh (Báo Mai )

  Hồn ma đêm Giáng Sinh _ câu chuyện vượt qua lòng tham quỷ dữ Tất cả chúng ta đều từng gặp những người tham lam, và dường như với họ không ...