Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

Cấy ghép đầu - tham vọng vượt qua giới hạn con người

Ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên trên thế giới dự kiến diễn ra vào năm 2017, và tranh cãi xung quanh nó đang tăng lên từng ngày.

cay-ghep-dau-tham-vong-vuot-qua-gioi-han-con-nguoi
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Sergio Canavero, người dự kiến sẽ thực hiện ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017. Ảnh: Alamy
Theo Newsweek, trong khi một số người coi nhà giải phẫu thần kinh người Italy Sergio Canavero là một thiên tài tiên phong, thì số khác lại coi ông như bác sĩ Frankeinstein trong tiểu thuyết kinh dị cùng tên.
Bác sĩ 51 tuổi đã lên kế hoạch này trong nhiều năm và tới năm 2013, ông tuyên bố đã sẵn sàng tiến hành phẫu thuật. Vào năm 2015, sau khi nhận được rất nhiều email và thư từ các ứng cử viên, ông đã tìm được ứng viên thích hợp.
Valery Spiridonov, một nhà khoa học máy tính 31 tuổi người Nga, mắc bệnh teo cơ tủy Werdnig-Hoffman. Tình trạng bệnh tật của căn bệnh di truyền rất hiếm gặp này đã khiến anh không thể tự ăn uống hoặc vệ sinh cá nhân. Nhiều lần anh đã tuyên bố sẵn sàng thử các phương pháp có nguy cơ tử vong cao để thoát khỏi tình trạng này, thậm chí còn lập một trang Facebook tên là Desire for Life (khao khát sống).
"Tôi sợ", anh nói. "Nhưng mọi người không hiểu rằng tôi không có nhiều lựa chọn".
Vào tháng 1/2016, Canavero cho biết đã tiến gần đến mục tiêu của mình, bằng cách tiến hành một loạt các thí nghiệm trên động vật và tử thi người, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học Trung Quốc và Hàn Quốc. Việc cấy ghép đầu Spiridonov lên cơ thể của một người đang trong tình trạng sống thực vật dự kiến ​​sẽ diễn ra tại Đại học Y Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc.
Bác sĩ Canavero cũng làm việc chặt chẽ cùng với giáo sư Xiaoping Ren của trường Đại học này, người đã thực hiện cấy ghép đầu khỉ và hơn 1.000 ca cấy ghép đầu chuột.
Quá trình cấy ghép
Quá trình cấy ghép sẽ gồm hai giai đoạn. Đầu tiên là "nối mạch máu đầu mạo hiểm", mà Canavero gọi tắt là "HEAVEN" và giai đoạn nối cột sống Gemini.
Ca phẫu thuật dự kiến kéo dài 36 giờ với sự tham gia của ít nhất 150 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, nhà tâm lý học và các kỹ sư thực tế ảo. Chi phí vào khoảng 26 triệu USD.
Đầu tiên, cơ thể và đầu sẽ được làm lạnh để các tế bào không chết khi thiếu oxy trong khi phẫu thuật, bác sĩ Canavero giải thích với New Scientist. Cổ của bệnh nhân sẽ được cắt rời và các mạch máu quan trọng sẽ được nối với các ống trong lúc tách rời cột sống và cơ thể bằng lưỡi dao mổ nano carbon trị giá 260.000 USD.
Chiếc đầu sau đó sẽ được chuyển sang cơ thể cấy ghép. Hai phần cột sống của đầu và thân sẽ được nối với nhau bằng polyethylene glycol, có tác dụng làm cho chất béo ở màng các tế bào khớp với nhau.
Phần cơ bắp và cung cấp máu sau đó sẽ được khâu lại. Bệnh nhân sẽ ở trong trạng thái hôn mê từ 3-4 tuần để cơ thể tự phục hồi trong khi các điện cực cấy ghép kích thích tủy sống để làm các kết nối thần kinh mới vững chắc hơn.
Nếu thành công, bệnh nhân sẽ cần 12 tháng để hồi phục.
cay-ghep-dau-tham-vong-vuot-qua-gioi-han-con-nguoi-1
Valery Spiridonov, người tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu. Ảnh: Australscope

"Về lý thuyết, có thể nhiều thứ sẽ thành công nhưng các kết quả thuận lợi nhất của bệnh nhân có lẽ chỉ tốt hơn trường hợp của diễn viên Christopher Reeve một chút", John Adler, một nhà giải phẫu thần kinh và là giáo sư danh dự tại trường Y khoa, Đại học Stanford, chia sẻ với Newsweek.
Christopher Reeve thủ vai trong bộ phim Siêu nhân hồi thập niên 80 bị liệt toàn thân sau cú ngã ngựa năm 1996 và qua đời 9 năm sau đó vì lên cơn đau tim. Spiridonov có thể sẽ bị di chứng tổn thương não nghiêm trọng hoặc bị một căn bệnh tâm thần chưa từng gặp trước đây, nếu sống sót sau ca phẫu thuật.
"Tôi không mong muốn điều này xảy ra với bất kỳ ai. Tôi cũng sẽ không đồng ý để bất kỳ ai làm thế với mình vì có nhiều thứ còn tồi tệ hơn cả cái chết", bác sĩ Hunt Batjer, chủ tịch mới đắc cử của Hiệp hội phẫu thuật thần kinh Mỹ, nói với CNN.
"Công việc này không có tính khả thi. Thật điên rồ", một người đồng hương của bác sĩ Canavero trong lĩnh vực này, Lorenzo Pinessi, Giám đốc Khoa Thần kinh tại Đại học Turin, cho biết.
Arthur Caplan, người sáng lập của Phòng Đạo đức sinh học tại Trường Y thuộc Đại học New York và có lẽ là người chỉ trích bác sĩ gay gắt nhất bác sĩ Canavero gọi ông là "một gã lang băm, thùng rỗng kêu to và tự đề cao mình", người "bán rong những hy vọng sai lầm".
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này quan tâm tới bác sĩ người Italy, người sẽ công bố 7 bài báo trên các tạp chí Surgery (phẫu thuật) và CNS Neuroscience & Therapeutics (Khoa học thần kinh và trị liệu học) vào các tháng tới đây, có vẻ như đang quá chú ý vào những gì truyền thông đưa ra hơn là chờ đợi các bằng chứng khoa học đáng tin cậy.
Khả năng thành công
Ý tưởng này có một lịch sử khá khủng khiếp. Năm 1908, nhà sinh lý học người Mỹ Charles Guthrie cấy ghép đầu cho một con chó và thấy lỗ mũi trên cái đầu hoạt động lại.
Trong những năm 1950, người đi tiên phong trong công nghệ cấy ghép của Liên Xô, Vladimir Demikhov đã nối 20 cái đầu chó con vào thân chó trưởng thành mà vẫn giữ nguyên đầu cũ, sử dụng một "máy khâu mạch máu" để giảm thiểu thời gian  không cần oxy. Những con chó này sống thêm được một tháng và ông đã ghi lại được những biểu hiện lạ lùng như cái đầu mới cố gắng cắn vào tai đầu cũ và "kéo như thể cố gắng tự tách mình ra khỏi cơ thể".
Nhà giải phẫu thần kinh Mỹ Robert White đã thực hiện thành công một ca ghép đầu trên một con khỉ vào năm 1970. Nó đã bị liệt từ cổ trở xuống nhưng đã có thể nghe, ngửi, nếm và di chuyển, tuy nhiên nó chỉ sống được 9 ngày.
Bác sĩ Canavero là một người hâm mộ lâu năm của Tiến sĩ White, người từng viết: "Truyền thuyết Frankenstein, trong đó toàn bộ một con người được tạo nên bằng cách may các bộ phận cơ thể khác nhau với nhau ... sẽ trở thành hiện thực lâm sàng vào đầu thế kỷ 21".
Michael Sarr, biên tập viên tạp chí Surgery và bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Mayo, Minnesota, trước đó đã bày tỏ lo ngại về "nhiều vấn đề đạo đức và nhiều cân nhắc về sự tán thành và khả năng gây hậu quả tiêu cực của việc cấy ghép đầu" .
Nhưng ông cũng đánh giá kỹ thuật của bác sĩ Canavero có tiềm năng trong việc điều trị bệnh nhân tổn thương tủy sống do chấn thương.
"Ông ấy hơi kỳ quái nhưng là một người nghiêm túc. Đây không phải là khoa học viễn tưởng, mà là khoa học nghiêm túc. Đã có các công trình thực nghiệm hỗ trợ cho ý tưởng ghép màng thần kinh".
Học viện phẫu thuật thần kinh và chỉnh hình Mỹ đánh giá bác sĩ Canavero đang "bước vào giải phẫu thần kinh với mục tiêu vượt qua giới hạn của con người".
 
Nguyễn Thành Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Họa : GIỌT SẦU ĐÊM MƯA - Thơ Sông Thu

Mời Nghe Nhạc : Mời Họa : Giọt Sầu Đêm Mưa Lệ nhỏ cùng mưa những giọt sầu Âm thầm day dứt suốt canh thâu Đèn soi bóng chiếc mờ phên vách Gió...