Chuyện
tưởng tượng, những trùng hợp vô tình từ tên người tới tình tiết, nếu có là điều
ngoài ý muốn của người viết.
Để
nhớ đám bạn cùng thời, cùng lớp đã nằm xuống khi đời chưa quá tuổi hai mươi.
Buổi văn nghệ cuối năm, chia
tay nghỉ hè, trước ngày bải trường hai hôm, do nhà trường tổ chức, bắt đầu sau
giữa trưa, trong phòng ăn lớn của nam ký túc xá, chấm dứt tốt đẹp hơn dự định,
nắng vẫn còn lưa thưa, trời chưa hẳn về chiều, tiếng ve những ngày đầu mùa hạ gọi
nhau đâu đó, kéo dài, lúc nhặt lúc khoan trên hàng phượng già, dọc theo con đường
trải sỏi đỏ, dẫn xuống cái cổng đình gạch xưa, loang lỡ cũ, ngó qua trường phía
bên kia, nở rộ hoa một màu đỏ bầm, Mẫn đứng tần ngần, ngay góc tường rào, nuối
tiếc nhìn theo, đám con gái trong ban văn nghệ, có Thảo, người hát bài “Không bao giờ quên anh”, mà Mẫn cố công
đánh đàn tập tới tập lui với số vốn liếng
tài nghệ học lóm, được cả trường khen nức khen nở, học lớp đệ tam, nước da ngâm
ngâm bánh ích, và nụ cười dễ thương khó tả, từng nhóm hai ba, nói cười, thong
thả thả bộ xuống dốc đường, ở một khoảng khá xa dưới đó, bất chợt cô nàng quay
nhìn lại, Mẫn thẩn thờ vẫy tay chào, bên phía xóm chài, nằm cuối cái thung lũng
hẹp vắt ngang trường, đầy hoa cỏ dại, dọc theo bờ nhánh sông “nắng trong mưa đục”, chia đôi phố chợ tỉnh,
lác đác dăm ba căn nhà vừa lên đèn sớm dù mặt trời vẫn chưa chịu bỏ đi.
Được sự hỗ trợ từ hội phụ huynh học sinh tỉnh, trường chọn thầy An, dạy
Pháp văn làm trưởng ban tổ chức và thầy giao việc chọn lựa, sắp xếp người ca
người kịch từ các lớp, lớn nhỏ, hát hò cho cô Hoài dạy toán lo liệu, sau khi
bàn bạc với Nguyên, người có chút ít tài năng về thơ văn và nhạc nhiết, học lớp
đệ nhị, ban văn nghệ được thành lập, với một số “ca sĩ cây nhà lá vườn” của trường, phần đông là mấy lớp dưới, vì
xem ra đàn chị đệ nhị đệ nhất quá bận rộn với thi cử nên không ai tham gia, ngại
chuyện đi đứng tập tành, trống đàn, âm thanh được phía bên quân y viện tỉnh cho
mượn vì có quen qua lại gì đó với cô Hoài, rồi cũng được sự đồng ý của họ, gian
phòng trống, không có học trò ở của nam ký túc xá được tạm chọn làm nơi đến đi
tập dợt. Nằm trên lưng chừng đầu con dốc, bên cạnh cái đình làng cỗ xưa, âm u
ma quái, tính từ ngoài đường Trần Hưng Đạo, không xa trường bao nhiêu, sau ngày
nghe tin này, nhất là sẽ có đám con gái, chiều chiều tới đây ca hát, bọn con
trai lớn nhỏ “tóc đồng chân ruộng” từ nhà quê lên trọ, xôn xao ồn ào, bàn tán
không ngớt “trong lớp ngoài sân”, mấy
đứa nhỏ rụt rè vu vơ, mấy anh lớn hơn lăng xăng, tiếp tay tiếp sức dù chẳng có
mấy ai biết đàn biết hát, chuyện đó để làm gì, người nào cũng tự biết, cười thầm
với nhau, không ai nói ra.
Mẫn chơi thân với Nguyên từ những ngày mới vào đệ thất, cũng lang thang
phận đời ở trọ nhà này nhà kia, hết xóm chài tới chợ Mít Một, xuôi đất Thánh
tây ngược chợ Cũ, trước khi vào ký túc xá, Mẫn hiền, ít nói, nhưng mau mắn, quê
trên Cầy Xiêng, có người anh trai lớn, bị tật một chân đi khập khễnh từ lúc
sinh ra, được linh mục Cha xứ làng Cao Xá đưa vào làm người lao công quét dọn ở
văn phòng quận Phước Ninh, gia đình nghèo, sống bằng nghề làm ruộng làm rẫy, da
ngâm, hơi xấu một chút so với đám bạn cùng trang lứa, học tương đối chứ không
khá lắm, tuy nhiên có tính ưa thích văn nghệ, nhiều lần cố tập làm thơ, hy vọng
có ngày được đăng lên báo Tin Sáng, Trắng Đen gì đó nhưng bị Nguyên chê, nên bỏ
ngang, nhảy qua tập tự đánh đàn, cây đàn ghi – ta thùng cũ của ai đó cho Mẫn mượn,
đem vô ký túc xá, sau bữa cơm, không chiều nào mà không thấy anh ta ngồi trên bậc
xi măng tam cấp, ngay cổng vào, tình tang tiếng mất tiếng còn, hết “Ai cho tôi tình yêu” rồi “Nửa đêm ngoài phố”, trước khi đèn lên mới
lửng thửng, tay sách tay đàn vào phòng học, đám nhỏ khoái chí vây quanh, vỗ tay
tán thưởng, vậy cũng đủ vui, quên nổi nhớ xa nhà, cho nên ban nhạc, gọi là ban
nhạc cho có tên chứ có ai đâu, Nguyên vừa lo tập giọng, tập hát, Mẫn đàn đệm và
trống thì có anh Lân, lớp đệ nhất và là đại diện cho học sinh nam ký túc xá,
bên cạnh đó còn có cả một ban “ăn có”,
Triệu, Hội, Châu, chạy vòng ngoài, gõ gõ âm thanh, cắm điện kéo dây, sắp ghế ngồi,
lo nước uống.
Suốt hơn một tháng, ba ngày trong tuần, sau giờ tan học, cô Hoài tập họp
đám con gái được chọn lại, trên phòng thầy Tổng giám thị rồi dẫn họ qua nam ký
túc xá, cách trường chỉ có cái cổng và khúc quanh con đường, cô ở lại đó, hỏi
han trông chừng, thêm thắt ý kiến, chờ xong, cô trò dắt nhau ra về, thường thì
ít khi nào muộn, mấy đứa nhỏ lớp đệ lục, đệ thất học cô môn toán, lấm la lấm
lét, thập thò, rón rén ngoài cửa sổ ngó vào, con gái mà không nhìn sao được, giờ
cơm chiều mấy ngày đó thường thì mấy cô nấu bếp dọn dẹp có phần hơi trễ vì tụi
học trò, tới giờ ăn mà đứa nào đứa nấy, cứ tụm năm tụm ba trước cổng, “nhìn để mà nhìn” đám con gái ra về, khuất
mất sau cổng đình xa xa dưới kia, rồi mới chịu vào phòng ăn, và dường như cơm mấy
ngày này dư nhiều hơn thường lệ.
Chiều thứ bảy, mưa lâm râm, trời vẫn còn chút nóng hâm hấp, giờ cơm
trong nhà ăn ký túc xá vắng tanh, lác đác không bao nhiêu đứa, đám học trò lớp
nhỏ, đã đón xe về quê từ chiều thứ sáu hôm qua, mấy bà chị làm ở nhà bếp, bưng
lên dọn xuống, không màng hỏi han vì đã quá quen với cảnh này, từ trên phòng ngủ
xuống, thấy Mẫn ngồi “trầm tư mặt tưởng”
một mình, ngay cái bàn đặt sát khung cửa sổ, ngó xuống dốc đường, phần cơm còn
đầy, Nguyên kéo ghế ngồi cùng một bên và nhìn về cùng hướng dưới đó, nói nhỏ “cũng chuyện đó”sau mấy ngày tập hát, không
ai ngờ Mẫn đã phải lòng thương thầm Thảo, người mà anh đã cố công đàn, tập cho
cô nàng bài “Không bao giờ quên anh”, từng nốt nhạc một. Thảo khá đẹp, cái đẹp
của cô con gái vừa qua tuổi mười bảy, trộn lẩn “một chút nhà quê một chút phố chợ”, mấy hôm tập hát, cái ngồi sửa
thế nhiều lần và cái nhìn chết hồn của Mẫn, Nguyên thừa biết là “thằng bạn nhà mình” đã có gì là lạ rồi,
Thảo, quê Phước Trạch Gò Chùa, có hai nhà, ở hai bên đường ngã ba vô chợ xã, một
gia đình ở và cái kia là căn bán tạp hóa lớn nhất ở đây, cô nàng còn một người
chị lớn, đã lập gia đình dưới Mỹ Tho, và đứa em trai kế nhỏ hơn nhiều tuổi,
đang học trường trung học Gò Dầu, là cháu, gọi ông cựu cai tổng Triêm Hóa bằng
cậu hai, gia đình họ lên xuống Sài Gòn hà rầm vì có nhà cửa ở đó.
Thảo có giọng hát khá hay, có hồn, nói năng chậm rãi, từ tốn, vui tánh
hay cười dù không nói nhiều như mấy cô khác, Mai Phương, cô bạn thân cùng lớp,
cũng là người trong đám, với bài “Tình
yêu trả lại trăng sao”, đi đâu, dịp nào cũng bài này cho nên bạn bè thường
đặt cho cái biệt danh “Phương trăng sao”,
có lẽ, cô Hoài cũng nhận ra nổi lòng của anh chàng Mẫn, nên lâu lâu thấy cô đưa
mắt nhìn anh ta cười thông cảm, những lúc tạm ngưng, nghỉ một chút, Mẫn cũng đứng
lên ngồi xuống, hỏi han Thảo chuyện nọ chuyện kia, có Mai Phương kế bên phụ họa,
nên giúp thêm anh ta phần nào chút tự nhiên và thoải mái, giữa cái ồn ào của tiếng
người, lạ quen mới chớm, không ai nghe họ nói gì nhưng dường như thấy Mẫn nhiều
vui hơn buồn, rồi bạn bè thấy Mẫn bận bịu với cây đàn nhiều hơn là sách vở. Hôm
tổng dợt cuối cùng cho buổi trình diễn ngày hôm sau, Mẫn nói qua nói lại gì đó
rất nhiều với Mai Hương trong lúc nghỉ tập, khi Thảo theo cô Hoài đi đâu đó xuống
nhà bếp, vì cả nhóm con gái sẽ ở lại ăn cơm chiều với mọi người trong ban văn
nghệ, thì ra Mẫn nhờ Mai Phương đưa giùm cho Thảo, lá thư dài mà anh ta đã “viết đi sửa lại” mấy ngày qua, với hy vọng
nhận được trả lời ngày đầu, mùa tựu trường năm tới.
Tựu trường, Thảo không trở lên
Tây Ninh, chuyển về trường Lê Văn Duyệt, cùng với hai đứa con của ông cậu cựu
cai tổng, Mẫn náo nức đứng chờ bên kia đường, xế cổng vào của con gái, từ sáng
sớm trong mấy ngày liền, cho tới chuông reo vào học ngưng bặt, lũi thũi vào lớp
lặng thinh, cái tin đậu tú tài một xem ra đã vứt vào một góc trời nào. Ngày
thêm ngày, hết mưa chiều nắng sáng, sông cứ nước lớn nước ròng, cây đàn ghi ta
đem trả lại cho người chủ và đám con trai lớp nhỏ, năm nay đã lớn hơn chút,
không còn có dịp ngồi quanh nghe, hát theo “giọng
trống giọng mái”, cái bậc tam cấp xi măng cũng đành bơ vơ, từ đó nam ký túc
xá vắng đi tiếng đàn tình tang mỗi khi chiều về nắng tắt. Mẫn lặng lẽ, ít nói
đi, cười gượng gạo, vẫn còn ngồi tựa cửa sổ phòng ăn nhìn xuống cái cổng đình,
che một nửa dãy lầu lớp học con gái bên kia đường, bạn bè cùng lớp cùng trọ, biết
chuyện nhưng không ai biết phải nói gì, một vài lần Nguyên tình cờ thấy Mẫn lầm
lũi, đếm bước một mình ở một góc sân trong cái vắng lặng, lưa thưa người của
chiều thứ bảy, bỏ mặc sách vở trở mình
trong ngăn tủ, gặp Mai Phương vài lần sau giờ tan trường nhưng cô nàng
cũng không biết gì hơn, dường như đối với anh, tất cả, đất trời cỏ cây đã trở
thành vô nghĩa.
Cuối năm, mỗi người một ngã, cũng màu đỏ bầm hoa phượng cũng tiếng ray rứt
ve sầu, bạn bè nắm tay từ giã, chờ ngày thi, hẹn mai mốt gặp lại, ở đâu đó
nhưng chưa biết chỗ nào, nhưng sẽ không có mấy ai trở lại trường, người mang
theo chút vui, người mang theo chút buồn của những tháng ngày “bảng đen thầy ghế học trò”, hôm chia
tay, ngay trước cái cổng đình, đường lên ký túc xá, hai người nhìn nhau không
ai nói lời gì, lên xe rồi, Nguyên nhìn lại sau, qua khung cửa kiếng, lờ mờ màu
hơi sương pha chút nắng sáng, xe qua khỏi khúc quanh, Mẫn vẫn còn vẫy tay chào,
cái vẫy tay rã rời và lạc lõng. Không may, Mẫn rớt tú tài hai, vào lính, trong
khi đám bạn bè xưa, trong đó có Nguyên “áo
mới quần thơm” bắt đầu làm quen với “bàn
thư viện ghế giảng đường đại học”, rời trường bộ binh Thủ Đức không hơn một
năm sau, Mẫn về với sư đoàn 7, xuôi ngược xuống lên theo chiến trường Mỹ Tho,
Kiến Phong, Gò Công, Bến Tre, Kiến Tường của miền tây sông nước. Ngày Mẫn vai
ba lô, chân giày trận xuống trình diện đơn vị cũng là ngày làm lễ đính hôn của Thảo
với Trường, nhà có căn phố tiệm lớn, bày bán vải vóc, phân bón, nông cụ, xế ngã
ba, đường ngang qua trường tiểu học Gò Dầu, sắp sửa xong năm thứ ba kỹ sư công
chánh Phú Thọ, Thảo cũng vừa xong tú tài hai, gia đình hai bên quen biết nhau
cũng khá lâu, vì thỉnh thoảng ba mẹ Thảo có lên xuống nhận hàng hóa về bán trên
chợ Phước Trạch, hai bên bằng lòng, Thảo ghi danh vào trường Luật, học cho vui,
chờ Trường tốt nghiệp xong sẽ chọn “ngày lành
tháng tốt” làm đám cưới.
Trung tuần tháng sáu năm 1972,
hai trung đoàn của quân Bắc Việt, tấn công chi khu Long Khốt và Măng Đa, nằm dọc
hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây ở Kiến Phong hai lần, nhưng bị quân VNCH đánh bại,
thiệt hại nặng, buộc phải rút lui về bên kia biên giới
Miên, Mẫn được đặc cách thăng chức ngay mặt trận, lên lon Trung úy, rồi nắm chức
đại đội trưởng không lâu sau đó, viết thư thăm Nguyên đôi ba lần nhưng không nhắc
nhở gì tới chuyện của những ngày tháng cũ, thư trả lời, thương bạn, Nguyên chẳng
đá động “vết thương lòng” của Mẫn làm
gì, giòng cuối thư lúc nào cũng là lời cầu nguyện bình an và nhiều may mắn. Chiến
trận vẫn cứ tăng mà không bớt, khói lửa, đạm bom xem ra có phần khốc liệt hơn,
quân Bắc Việt, ồ ạt tung người vào “sinh
bắc tử nam” từ “đồng ruộng
bùn lầy, đất cày sỏi đá cho tới rừng sâu núi hiểm, cao nguyên hun hút gió lạnh
mưa mùa”, cũng trong năm này, một số đông sinh viên các trường đại học,
quên chuyện sách đèn, công viên ghế đá, lần lượt kẻ trước người sau “giã biệt kinh kỳ” khăn gói vào quân trường,
theo lệnh tổng động viên, đường phố Sài Gòn hình như “vắng mưa vắng người” từ những ngày tháng đó.
Từ ngày chuẩn úy Trường xuống nhận chức trung đội trưởng, chào hỏi lệnh
lạc thì nhiều chuyện riêng tư quê quán, Trường người ở Gò Dầu, đầu năm cuối
Phú Thọ thì bị động viên, có người yêu cũng gần trong quận, vừa đính hôn chưa
cưới, chừng đó thôi, Mẫn chưa có dịp “hàn
huyên tâm sự đời lính” gì thêm, vì trách nhiệm, phải lo đối phó ngày đêm với
áp lực của gần hai trung đoàn quân Bắc Việt, đặt hậu cứ tại Chi Phú, đang cố
tình mở hành lang bên bờ kinh Nguyễn Văn Tiếp với chủ đích nhắm vào quận Cái
Bè, Mỹ Tho. Quân Bắc Việt bất ngờ đánh các đồn Thầy Yến, Phật Đá và khu trù mật
Thiên Hộ rồi các đồn bót của VNCH, dọc con kinh La Răng, định tiến ra hướng quốc
lộ 4, quân sư đoàn 7 VNCH quần thảo nhau dữ dội , từ con kinh con rạch,
bờ ruộng đường đê, đại đội tổn thất nặng, số lính bị thương được trực thăng bốc
đưa về quân y viện Định Tường, trong số đó có Mẫn, bị thương cánh tay vì mảnh đạn
pháo không nặng lắm, và Trường phần bụng dưới ngực vì trúng trái B40 quá gần,
có phần nguy kịch, máu ra nhiều, nhiều đến nổi người y tá đi theo toán di tản
thương binh cứ lắc đầu, lắc cổ trên suốt chuyến bay.
Tỉnh lại, đở cánh tay quấn chặt băng bột vải trắng đã ngã màu, Mẫn nhìn qua
giường bên, dưới cái ánh sáng không đủ sáng lắm của trời chập choạng chiều, Trường
nằm đó, tấm ra trắng phủ kính cả thân người, chỉ còn chừa khuôn mặt, chay nước
biển treo lủng lẳng phía trên đầu gường nhỏ từng giọt một, trong cái ống cao su
dài kéo xuống, che khuất dưới cổ, mặt Trường xám một màu xám ngắt, lành lạnh, mắt
nhắm nghiền, ngoài khung cửa sổ, mặt trời mới đó đã xuống thật nhanh, hững hờ
đi ngủ sớm, ở một phía trời xa xa bên kia, tiếng súng lớn nhỏ, tiếng phi cơ gầm
thét vẫn còn vọng về từng chập một, lạnh lùng và rờn rợn. Xuất viện, trở lại đơn vị, một đại đội khác đã
đến thay chỗ cho đại đội của Mẫn, tạm về Cái Bè chờ bổ sung, chưa kịp làm quen
biết mặt số lính mới thì, hai hôm sau, tin từ tiểu đoàn cho biết Trường đã chết,
mặc dù nhóm bác sĩ quân y, ngày đêm ròng rã, tận lực, cố sức làm mọi cách nhưng
cuối cùng đành bỏ cuộc, tay vuốt mặt người không may nằm xuống quá sớm với nổi
buồn quen thuộc, nổi buồn mà hình như họ đã đối diện với nó hàng ngày từ những
ngày đầu cuộc chiến.Thay vì để quân đội lo chuyện mai táng, gia đình đem Trường
về Gò Dầu, chôn tại cái nghĩa địa nhỏ, nằm xéo sâu phía trong, bên này tỉnh lộ
lên Tây Ninh, sau lưng chỗ trạm xe lôi xa lam lên xuống hay ngừng đón khách, đi
về các xã ấp quanh vùng, cách rạp chiếu bóng quận vắng người xem, không mấy xa,
xế ngã ba con đường xuống bờ sông dưới chợ.
Chuyến xe đò sáng, sớm nhất, đầu
ngày về tới Gò Dầu, từ ngày Trường chết, mới đó mà đã hơn một tháng rồi, trời vẫn
chưa kịp đủ nắng, gió từ miệt sông lùa về mang theo chút hơi nước lành lạnh, xe
ngừng ngay đầu đường xuống chợ, Mẫn bước nhanh tìm nhà Trường, để còn kịp về Cầy
Xiêng thăm gia đình, mấy năm rồi chưa có lần nghỉ phép, tiệm vắng, cửa đóng cửa
mở, hàng hóa không bày ra trước mái hiên nhiều, Mẫn đứng tần ngần, đứa con gái
nhỏ chứng mười hai mười ba từ trong chạy ra chào, cho biết mọi người đã đi ra mộ
Trường, hôm nay là bữa cúng “thất tuần”,
Mẫn cám ơn, ngoắc tay đón chiếc xe lôi máy từ dưới hướng chợ lên, không có khách,
gật đầu cười, không nói gì, anh lái xe quẹo trái, chạy theo đường trong, ngang
hông dãy phố đầu chợ, thay vì ra đường lớn.
Giữa hạ, lưa thưa mấy cây phượng, rực đỏ hoa, nở rộ ngập một màu bên này
lề đường, bến xe ồn ào, người mua bán, kẻ xuống lên, gió hắt từng cơn, bụi lùa
dài theo mỗi một chuyến xe vội vã rời bến, ở một chút không xa phía trong kia,
nghĩa địa nằm phơi mình, nghèo nàn, giữa trời chói chang nắng, mộ bia cái cao
cái thấp, thiếu bóng mát, hỏi người đàn bà bưng cái thúng, đựng trái cây từ
trong đám người lố nhố, quây quầng xung quanh nấm mộ mới xây ở cuối góc, đi ra,
tìm đúng chỗ, Mẫn bước vội tới, đã có mùi nhang thơm tỏa lên và tiếng than thở
dài của ai đó, ông sư già của chùa Thạnh Lâm vừa đọc xong hồi kinh cầu siêu phổ
độ, Mẫn đứng tần ngần phía sau chờ, nhóm người quỳ bên mộ đứng lên, không thấy
khăn tang, quay ra, thấy người lạ, một người chị gái, tay còn cầm bó nhang chưa
mở, bước vội lại hỏi, Mẫn giới thiệu mình, chưa hết câu, chị đã nắm lấy anh ta,
sụt sùi, vừa kéo tới đám người vừa gọi to “ba
má ơi, có bạn cùng đơn vị của em Trường, từ dưới Mỹ Tho lên thăm”, cùng lúc
đó Thảo, từ bên phía kia nấm mộ, bước qua, cả hai nhìn nhau chết trân, Mẫn kịp
chào hai tiếng “thưa hai bác”, trước
khi thốt lên “Thảo”, rồi không nói được
lời gì thêm nữa. Trở lại chợ, chào ba mẹ Trường, Mẫn xin phép đi vì sợ trễ chuyến
xe chiều về Tây Ninh, đưa nhau ra ngoài bến xe, ngay ngã ba cây xăng, sát cạnh
hàng rào chi khu quận, Mẫn vẫn không biết nói gì nhiều hơn, Thảo cũng cố tìm điều
gì muốn nói nhưng rồi lại lặng thinh như cái lặng thinh của ngày cô không về lại
trường năm đó, xe tới, mắt rươm rướm đỏ, Thảo đưa cho Mẫn miếng giấy nhỏ, ghi địa
chỉ dưới Sài Gòn, Mẫn cầm lấy, không biết vui hay buồn, xe từ từ ra đường, Thảo
nói vói theo, cố át tiếng ồn ào của người, của máy nổ, “nhớ đến, Thảo chờ anh”, trên xe Mẫn nhìn xuống gật đầu, đứng bên lề
đường Thảo bật khóc.
Mẫn quyết định không đến như đã hứa bằng cái gật đầu, tại bến xe ở Gò Dầu,
hôm gặp lại Thảo trên đó, nhờ Nguyên nhắn lại với cô nàng giùm, với lý do phải
trở xuống đơn vị gấp vì tiểu đoàn anh phải chuyển quân tới mặt trận mới, gần
biên giới Miên, lời đáng tiếc và xin lỗi, khi ghé Sài Gòn thăm và ở lại với
Nguyên, tạm ngủ qua đêm để hôm sau về Cái Bè, lâu ngày không gặp nhau, biết bao
nhiêu chuyện nói hoài không hết, chuyện cũ chuyện bây giờ, đêm xem chừng quá ngắn,
chuyện yêu Thảo của ngày nào đó, lá thư gởi đi không có thư về, cả năm nhớ từng
chữ một, cái lâng lâng, cái náo nức chờ ngày tựu trường không làm sao quên được
nhưng giờ đây, những thứ đó, có chăng chỉ là chút kỷ niệm, buồn vui, cho mớ
hành trang đời, mang theo xuôi ngược muôn phương ngàn hướng, nhưng Mẫn buộc phải
quên, hết rồi, đã hết thật rồi, một khi Thảo đã là người của Trường, nếu ai đó,
cũng còn dễ nói, nhưng đằng này, Trường là một chiến hữu, người cùng chịu chung
số phận đời lính, cùng sống chết có nhau, Mẫn không muốn trở thành một kẻ phản
bội, phản bội người nằm xuống, nặng tội, “tội
với đất trời tội với hồn thiêng sông núi”, uống tách cà phê đen chia tay ở
cái quán cốc liêu xiêu, dựng dã chiến bên bờ rào xa cảng Phú Lâm, hai người
nhìn nhau, cười muốn khóc, biết có còn lần nào uống lại tách cà phê như lần này
nữa không, tiếng người lơ gọi, tiếng còi xe vang lên trong bến, Mẫn bỏ đi,
Nguyên đứng đó nhìn theo, bóng Mẫn duỗi dài, nghiêng theo chiều nắng sớm vừa
lên từ bên kia cánh đồng khô nước, miệng thì thầm “đi về bình an nghe Mẫn”.
Nguyên ngồi chờ Thảo ở cái quán nước, đầu khúc quanh bồn binh Duy Tân, ngó
qua cổng trường Luật, mưa bất chợt về giữa trưa, trời bỗng dưng tối xầm, tưởng
chừng như Sài gòn hôm nay đi ngủ sớm, bụi đường lăn lóc cuộn tròn theo từng giọt,
từng giọt nước rớt xối xả theo chiều gió ngược từ hướng sông lên, mang theo mùi
hơi đất nằng nặng, để đưa cho nàng địa chỉ KBC của Mẫn như đã hứa, hôm gặp cô
ta, chuyển lời nhắn không đến được của Mẫn, nhưng đã không còn cần nữa rồi, tin
Mẫn tử thương trong trận sư đoàn 7 VNCH, đánh qua Konpong Tabek, bên kia biên
giới Miên làm Nguyên bỏ trường hai ba ngày, trong bóng đêm, nằm một mình trên
gác trọ, muốn khóc cũng không khóc được, lang thang giữa phố phường đông ngập
người xe, lặng thinh, ngồi thu mình trong một góc vắng tại cái quán cà phê bên
lề, hồn tan tác buồn theo từng bước chân ngập ngừng, của người lính “giày đinh áo trận” nào đó, ngở ngàng, lạc
lõng trong giòng “ngựa xa như nước áo quần
như nêm” của đường phố Sài Gòn, không phải tình nhân nhưng với Nguyên, Mẫn
mất đi, anh thấy lòng quặn thắt “người đi
một nửa hồn tôi chết, một nửa hồng kia bỗng dại khờ”, không còn nữa ly cà
phê cuối cùng, pha chút đậm đắng “đi về
bình an nghe Mẫn” hôm chia tay ở xa cảng Phú Lâm, giờ thì Mẫn cũng sẽ đi về
bình an nhưng bình an của trời đất hư không miên viễn.
Ngồi đối diện nhau, mưa thôi không còn nặng
trút, nhè nhẹ lất phất đong đưa trên những tàn lá hai bên đường, nắng chầm chậm
lên, long lanh một màu vàng nhạt, Nguyên nghèn nghẹn nói hết những gì mình muốn
nói, Thảo chết lặng nghe, hai bàn tay run run, cái cặp da đen bạc màu rớt xuống
bàn, nửa khép nửa hở, hai ba cuốn sách văng ra, dưới lề, tờ giấy trắng đâu đó, chưa
kịp viết địa chỉ của Mẫn, lạnh lùng trôi theo dòng nước, xuôi hướng về ngang
trường Luật, Nguyên đứng dậy từ giã, Thảo òa lên bưng mặt khóc nức nở, nghẹn
ngào, bài hát ngày xưa “Không bao giờ
quên anh” nghe văng vẳng đâu đây như lời kinh gọi hồn, pha tiếng chuông lễ
chiều bên nhà thờ Đức Bà nảo nuột đổ, đã trễ thật rồi, chút muộn màng của ngày
gặp lại Mẫn ở Gò Dầu hôm nào, giờ chỉ là một “chút muộn màng để nhớ”.
Thuyên Huy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét