Ào ạt tràn ra các vùng biển khắp thế giới và đánh bắt theo kiểu tận diệt, ngư dân Trung Quốc đang đe dọa môi trường đại dương toàn cầu.
Các tàu cá Trung Quốc ở đảo Hải Nam. Ảnh: Xinhua
|
Các vùng nước lạnh giá ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản có
nguồn cá mòi, cá thu, cá trống và sò điệp dồi dào. Đây được xem là một
trong những vùng đánh bắt trù phú nhất châu Á. Thế nhưng, hiện tại,
nguồn lợi tự nhiên này của Nhật Bản đang bị đe dọa bởi những kẻ đánh bắt
trộm táo tợn.
Một hạm đội tàu cá Trung Quốc với khoảng 200 chiếc hồi đầu tháng tới và
thả neo ngay tại rìa Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Nhật. Các tàu
trên được cho là đã sử dụng những biện pháp đánh bắt hủy diệt như dùng
lưới vét để "quét sạch" mọi sinh vật biển, một quan chức Nhật tiết lộ
với tờ Time.
"Khu vực này là nơi sinh sản nên họ đang đánh bắt rất nhiều sinh vật
nhỏ", vị quan chức giấu tên cho biết. "Nó ảnh hưởng khủng khiếp tới
ngành ngư nghiệp Nhật".
Một số tàu Trung Quốc thậm chí đã đi vào vùng biển của Nhật Bản, làm
gia tăng căng thẳng trong khu vực, khiến Bộ trưởng Ngoại giao Nhật phải
triệu đại sứ Trung Quốc, yêu cầu giải thích. Nhưng Nhật không phải quốc
gia duy nhất đang phải chứng kiến sự tàn phá do hoạt động đánh bắt thủy
sản Trung Quốc.
Nhiều nhà bảo vệ môi trường khẳng định hoạt động đánh bắt "ba không" -
không tuân thủ luật pháp, không bị quản lý và không báo cáo - của Trung
Quốc đang tiệm cận "điểm khủng hoảng" tại những khu vực dễ tổn thương
nhất thế giới. Trong khi đó, các vùng biển ven bờ Trung Quốc hiện thường
xuyên rơi vào trạng thái cạn kiệt hải sản.
Trung Quốc mỗi năm đánh bắt khoảng 13 triệu tấn cá trong vùng biển nước
mình, cao hơn từ 4 - 5 triệu tấn so với ngưỡng bền vững. Những lo
ngại của Bắc Kinh về vùng biển gần bờ đang trở thành tin xấu cho các
vùng biển ở những khu vực khác, khi tàu cá Trung Quốc lũ lượt kéo tới
các địa điểm này.
Dữ liệu từ các nhóm môi trường cho thấy nhiều "hạm đội đánh bắt xa bờ"
với hàng trăm tàu đang không ngừng triển khai kiểu đánh bắt "ba không"
để thu lời nhiều triệu USD từ nguồn tài nguyên thủy sản.
Các nhà bảo vệ môi trường cảnh báo nếu không hành động ngay, thế giới
sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hàng loạt loài thủy sản. Ngoài ra,
kiểu khai thác tận diệt này còn đe dọa sinh kế của không ít người, ảnh
hưởng an ninh toàn cầu.
Tây Phi là nơi có những vùng đánh bắt màu mỡ nhất thế giới song khoảng
1/3 thủy sản được đánh bắt ngoài khơi Tây Phi hiện do ngư dân Trung Quốc
khai thác bất hợp pháp, Steve Trent, giám đốc điều hành tổ chức phi
chính phủ Environmental Justice Foundation, khẳng định.
"Nó đang diễn ra ở quy mô đáng báo động và lớn chưa từng thấy", ông Trent cảnh báo.
Hầu hết cư dân vùng Tây Phi nghèo khó phải trông cậy vào nguồn thu nhập
cũng như dinh dưỡng từ hoạt động đánh bắt. Tuy nhiên, các tàu cá Trung
Quốc sử dụng những kỹ thuật phi pháp như "lưới vét", vốn bị Liên Hợp
Quốc cấm từ năm 1992, đã khiến lượng cá đánh bắt được ngày một ít và
kích thước cá cũng ngày càng nhỏ đi.
"Hai hoặc ba tàu đánh bắt công nghiệp có thể quét sạch các vùng biển
gần bờ, ví dụ như ở Sierra Leone, trong thời gian ngắn nếu họ dùng thiết
bị và phương thức đánh bắt hủy diệt", Trent nói. "Không cần tới vài
trăm hay vài nghìn, chỉ cần vài tàu cũng đủ sức gây thiệt hại lớn".
Che giấu danh tính
Tàu cá Trung Quốc dàn hàng để đối phó tuần duyên Hàn Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: AFP
|
5 năm trước, hầu hết tàu hướng tới các vùng biển Tây Phi là của Đài
Loan hoặc Hàn Quốc. Nay, đa phần chúng đều đến từ Trung Quốc. Các tàu
này cố ý gây trở ngại cho nỗ lực ngăn chặn hoạt động đánh bắt "ba không"
bằng cách che giấu danh tính.
Thông thường, họ sẽ thay đổi tên trên thân tàu, treo cờ nước khác, hoặc
chạy trốn ra hải phận quốc tế nếu bị tàu tuần tra địa phương truy đuổi.
Nhưng gần đây, ngày càng nhiều tàu che giấu vị trí thật bằng cách can
thiệp vào Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS). AIS là bộ phát tín hiệu định
vị truyền tới vệ tinh toàn cầu, cung cấp thông tin vị trí một con tàu.
Suốt ba năm qua, tổ chức phi chính phủ SkyTruth, Mỹ, đã phối hợp với
Google và nhóm hoạt động môi trường Oceana phát triển một hệ thống theo
dõi toàn cầu mang tên Global Fishing Watch, giúp giám sát tàu cá theo
thời gian thực.
Bjorn Bergman, nhà nghiên cứu hàng đầu thuộc SkyTruth, tiết lộ ông từng có lần phát hiện một tàu Trung Quốc với biểu hiện lạ.
Theo tín hiệu AIS, con tàu ở hải phận quốc tế ngoài khơi New Zealand,
nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, nó thực tế lại nằm trên vùng biển ngoài khơi
Nam Mỹ. "Rõ ràng, con tàu hoạt động ở khu vực Eo Magellan", ông Bergman
nói.
Sau đó, bằng cách đối chiếu dữ liệu AIS với dữ liệu quan sát quang học
cùng nhiều dạng dữ liệu khác, SkyTruth xác định có ít nhất 40 tàu Trung
Quốc phát tín hiệu AIS không chính xác.
Nhưng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc khẳng định không tàu nào
của nước này phát tín hiệu định vị giả mạo hay sử dụng cách thức đánh
bắt phi pháp. Bộ này cũng nhấn mạnh Trung Quốc tuân thủ nghiêm chỉnh
luật pháp hàng hải quốc tế.
"Chúng tôi đã tiếp nhận một khiếu nại từ Nhật và đang tiến hành điều tra", ông này cho biết.
Một đại diện từ Bộ Ngư nghiệp Trung Quốc thêm rằng các hệ thống AIS
trên tàu cá được kiểm tra nghiêm ngặt khi lắp đặt, đồng thời cơ quan
chức năng định kỳ vẫn kiểm tra.
"Các công cụ đánh bắt phải tuân thủ quy định của luật pháp Trung Quốc, bất kỳ ai vi phạm sẽ bị trừng phạt", người này nói.
Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc xem vấn đề dư thừa công suất là
đáng lo ngại. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 24/8 còn ca ngợi một
chiến dịch hoạt động chung với Lực lượng Tuần tra Bờ biển Mỹ tại Thái
Bình Dương, mà theo báo cáo đã ngăn chặn "hàng trăm" tàu cá đánh bắt phi
pháp.
Dù vậy những chính sách ở thượng tầng dường như đang bị trì hoãn ở khâu
triển khai. "Chúng tôi đã phản đối rất nhiều lần nhưng họ chỉ phớt lờ",
quan chức từ Bộ Ngư nghiệp nói.
Các nhà hoạt động môi trường hiện kêu gọi giới chức Bắc Kinh phải quản
lý tốt hơn hoạt động đánh bắt của tàu cá, giảm tình trạng dư thừa công
suất, và chấm dứt trợ cấp nhà nước cho hoạt động đánh bắt. Họ cũng muốn
Trung Quốc cũng như chính phủ toàn cầu phải ra quy định bắt buộc lắp đặt
hệ thống AIS, và các bên phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu dữ liệu AIS
không chính xác.
Bên cạnh đó, mã định danh tàu duy nhất, một mã số cố định tương tự như
số máy trên mỗi ôtô, cần trở thành quy định bắt buộc đối với mọi con tàu
trên thế giới.
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị đổ ra Biển Đông từ tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc, tháng 8/2015. Ảnh: Xinhua
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét