Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

Về Bài "Đây Thôn Vĩ Dạ " Của Hàn Mặc Tử" - Ngân Triều




 Người bình thơ có phương pháp, có tấm lòng nên bình thơ ko chê vào đâu được. Nhưng nghĩ cho kỹ thì còn 1 điều khuất tất vì chưa nắm được hoàn cảnh sáng tác của "Đây thôn Vĩ Dạ" nên có thể chưa "thổi mạnh hồn thơ".(Sorry, xin đừng cho là tôi múa rìu nhé!)
Hàn Mặc Tử sáng tác bài thơ nầy một cách xuất thần và lúc ấy cơn bệnh ngặt của nhà thơ đang ở vào giai đoạn cuối.
Số là Tác giả có một người ngưỡng mộ ở thôn Vĩ Dạ (thôn dành cho gia tộc hoàng gia), yêu thơ và yêu người. Tuy nhiên, tình yêu đó đã chia xa vì gia đình cô gái Huế không đồng ý. Có một người bạn rất thân với cô gái Huế, khi ấy biết trường hợp của HMT và khuyên cố nhân nên gởi lời thăm hỏi để xoa dịu phần nào một tài hoa sớm nở tối tàn. Cô gái ấy liền gởi cho HMT một cánh thiệp với lời thăm hỏi đơn sơ trên một cánh thiệp bình thường nhưng ko dám ký tên vì e ngại dư luận về đường tình vẩn đục.
Cánh thiệp đó có khóm trúc, có con thuyền nhỏ đang đỗ giữa dòng sông và có vầng trăng tròn.
Quả nhiên, HMT vô cùng cảm kích khi nhận được thư của người xưa và trong một thoáng đã xong ngay bài thơ chỉ có 3 khổ thơ réo rắt, trải lòng:
Đây thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc?
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nươc buồn thiu hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó!
Có chở trăng về kịp tối nay?

Khách đường xa, mơ khách đường xa.
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?


1-Khổ thơ đầu:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc?
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Thác lời cố nhân băn khoăn, mời mọc(Sao anh không về chơi...?). Hồi tưởng những kỷ niệm xưa (Nhìn nắng hàng cau) và nhấn thêm cảnh tươi thắm ngoạn mục của hàng cau thân rêu trắng, lá xanh trong nắng vàng (nắng mới lên) và cảnh xanh tươi, mát mẻ đặc trưng của cả vườn cây quý tộc (Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc?) Và nhớ rất rõ khuôn (mặt chữ điền), khuôn mặt của một người con gái không đẹp lắm nhưng phúc hậu, bao dung. Khuôn mặt đó như e ấp, kín đáo, rõ là một cái đẹp thuần phác, nết na. (Lá trúc che ngang mặt chữ điền.)
 
2- Sang khổ thơ thứ hai:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó!
Có chở trăng về kịp tối nay?
Hoài niệm về cuộc tình dang dở, chia xa, ẩn dụ một cách bóng bẩy, mượt mà. (Gió theo lối gió, mây đường mây):
Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.
Giây phút chạnh lòng, Thế Lữ.
Nỗi buồn đó đã từng réo rắt tâm tư của tác giả. Buồn như dòng nước trong tấm thiệp (thực) và hình ảnh hoa bắp lay động từng đợt cúi đầu trong cơn gió mạnh một cách vô hồn(Liên tưởng). Dòng nước buồn thiu rồi cũng trôi qua, hoa bắp cúi đầu một lúc...rồi lại đứng thẳng bình thường. Chạnh lòng về mối tình đà cất cánh bay xa đó, tôi (HMT) rất buồn nhưng có lẽ thời gian luôn làm lành những vết thương lòng. ( Gió theo lối gió, mây đường mây,Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay). Rõ ràng, lời ít ý nhiều đầy sắc thái biểu cảm!
Lại nhìn đến tấm thiệp, có con thuyền và vầng trăng sáng tỏ (thực):Thuyền ai đậu bến sông trăng đó! Là câu cảm thán nhấn mạnh. Để rồi tự hỏi một cách mộng mơ bằng một câu hỏi tu từ có màu sắc riêng chủ thể "Có chở trăng về kịp tối nay?"(mộng).
 
3-Đọc khổ thơ cuối:
Khách đường xa, mơ khách đường xa.
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Tâm tình vẫn cho người con gái ấy một cách trân trọng và bóng bẩy. Tôi (HMT) lại nhìn vào tấm thiệp, nào thấy em đâu! Chắc rằng "em" đang mặc áo trắng, làn da trắng (liên tưởng), ở nơi đó, mùa nầy có nhiều sương khói, cho dẫu có hình bóng em bên khóm trúc, có in trên tấm thiệp (tác giả cứ cho là vậy/ thực) nhưng tôi (HMT) nào thấy em đâu! (mộng mơ). Chỉ nhìn thấy một hình ảnh mờ (mường tượng trong tâm khảm): "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh"
Câu cuối rất kín đáo, sâu sắc. Cuộc tình giờ đã vậy. Em biết không, rằng anh (HMT) vẫn mãi yêu em! Yêu một cách đậm đà. "Đậm đà" là tình cảm nồng nàn, trọn vẹn, không bao giờ nhạt phai. Phiếm chỉ đại từ "ai" như đã ngầm thể hiện nỗi lòng mình trước một hiện thực khó lòng bộc trực. (Ai biết tình ai có đậm đà?)
Cuối cùng, tôi (NT) xin mượn câu kết của tác giả (người đã cho tôi chút cảm hứng để hoàn thành bài bình sơ lược nầy.
"Trải qua bao năm tháng, cái tâm tình của Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi và day dứt trong lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau đớn ấy có sức bay bổng kì lạ” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng và tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ.
Đây là một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt cuộc đời luôn thổn thức tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã biến những nỗi đau thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ, mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất là bài “Đây thôn Vĩ Dạ”.(1)
 
Ngân Triều
---------------------------------------------------------------------------------
Ghi chú: (1) Đoạn cuối nầy, trích trong bài "Đọc lại bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử do bạn Thu Ngân sưu tầm.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...