PHÙNG
TẤN ĐÔNG
Đã
40 năm xa xứ, thơ ông như một ấn chứng của những liền lạc trong tâm thức người
Việt sau những đoạn lìa, mất mát, những ngộ nhận không tránh khỏi bởi chiến
tranh, và chính thơ đã soi sáng con đường hòa hợp bởi mãi mãi thơ mang những tự
tình dân tộc khó lòng dứt bỏ…
Ông
sinh ngày 10.11.1942 tại làng Vân Lâm (Kim Bảng, Hà Nam). Đời thơ Du Tử Lê cũng
như thân phận của bao người Việt xa xứ, lúc nào cũng mang “nỗi sầu xứ” gần như
chung mệnh. Sau Hiệp định Genève 1954, Lê Cự Phách – tên thật của ông – cùng
gia đình di cư vào Nam. Đầu tiên ông định cư ở phố cổ Hội An, sau đó ra Đà Nẵng.
Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn, theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An và
Đại học Văn Khoa. Bút hiệu Du Tử Lê lần đầu xuất hiện vào năm 1958 cùng bài thơ
“Bến tâm hồn” đăng trên Tạp chí Mai, xuất bản tại Sài Gòn.
Ngay
ở bài thơ đầu tay, ông đã nói về một xa lìa của hồn mình với dòng sông xứ Bắc,
với mây trời, mưa lũ, với “bờ hoang, bến quạnh” và dường như từ thuở tuổi 16 đã
chất ngất trong ông một “nỗi niềm cố lý”: “Lênh đênh hồn phủ phương này/ Thương
mưa Hà Nội nhớ mây Hồng Hà/ Mười năm dài những xót xa/ Bờ hoang bến quạnh thiết
tha ngọn nguồn…”. Khi đọc “Năm mười sáu tuổi tôi chính thức khai sinh tên tôi
lần thứ hai/ sau lần khai sinh của bố mẹ/ Từ đó tôi bắt đầu làm thơ/ tôi bắt
đầu sống – bắt đầu đời tôi/ như con sông bắt đầu ra biển” (Tôi, Du Tử Lê), nhà
phê bình Nguyễn Thị Khánh Minh phát hiện “A. Vừa bắt đầu là có điểm hẹn với bao
la rồi. Biển. Nhưng người thơ ơi. Bước hăm hở ấy qua mấy ghềnh thác?”
(www.dutule.com).
Rồi
trong dài dặc chiến tranh, trong vai một người lính của chế độ cũ, người thơ Du
Tử Lê thường nói về sự cô đơn, điêu linh, hoang hoải, sự tàn hủy cả tạo vật bên
ngoài lẫn bên trong tâm thức con người của chiến tranh: “đêm có sông/ có đồng
cát lở/ đêm có khăn tang/ quấn phủ đầu mình/ đêm vuốt mặt anh – đêm ủ mặt em/
đêm có một mình – có một mình anh”. Du Tử Lê chọn nói về tình yêu đôi lứa như
một miền đất hứa để cứu vãn những tàn hoại của chiến tranh, nhưng chung cuộc
thơ vẫn là kẻ thua cuộc: “Người về đâu không người không về đâu/ chiều chưa mưa
nên chiều chưa thay màu/ tôi cây me đứng rung từng lá/ lá vàng rồi tôi cũng
vàng theo…/ khi người về tôi không buồn không trông/ lòng tôi sông nước đủ trăm
dòng/ quanh co một nỗi buồn vô hạn/ qua suốt một đời vẫn nhớ thương” (Khi người
về).
Trước
1975, những người yêu thích tình ca thời chiến ở miền Nam thường nghe những bài
hát mà ca từ được trích để phổ nhạc là thơ Du Tử Lê, như “Trên ngọn tình sầu”
(nhạc Từ Công Phụng), “Khi cuộc tình đã chết” (nhạc Phạm Đình Chương),… Thơ Du
Tử Lê thường viết về những cuộc tình dang dở, những chia biệt buồn sầu, đau đớn
trên nền cảnh chiến tranh, tao loạn với ngôn từ gần gụi, dễ cảm nhưng không
thiếu những thi ảnh lạ do sự chọn lựa đầy thi tính của người viết – điều đã
khiến ngôn từ vừa tàn hủy vừa tái sinh khi được đứng cùng nhau trong câu chữ
kiểu “tóc thề nẻo gió”, “mắt xa nghìn núi lạ”, “ngực hai mươi hai mốt”, “một
hồn đầy môi người”, “mắt lá me”, “môi đưa bão gió”, “nhớ cơn mơ lẻ”, “đêm bưng
mặt”, “máu rất buồn”…
Thơ
ông luôn ngơ ngác trước định phận tao loạn của tình yêu và thân phận trong thời
chiến: “Như con chim bói cá/ tôi lặn sâu trong bùn/ hoài công tìm ý nghĩa/ của
cảnh tình hôm nay” (Khúc thụy du). Quê hương và người tình luôn đồng nhất trong
ông như một tình tự dân tộc, niềm yêu miên viễn mà ông khó dứt bỏ, vì lẽ ấy
chăng, mà năm 1977 khi xa cố xứ, ông có bài “Khi tôi chết hãy mang tôi ra
biển”: “Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển/ đời lưu vong không cả một ngôi mồ/
vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ hồn không đi sao trở lại quê nhà/ khi tôi chết
hãy đem tôi ra biển/ nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi/ bên kia biển là quê
hương tôi đó/ rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì…”. Thơ ông từ đó càng thêm day
dứt vì nỗi sầu xứ như ông thú nhận: “Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn”.
Du
Tử Lê được giới nghiên cứu đánh giá là một khuôn mặt độc đáo – vừa rất dân tộc,
vừa rất đương đại của thơ Việt hải ngoại. Thơ ông được chọn (một trong 5 tác
giả Việt Nam) để in vào cuốn “Thế kỷ XX: Thi ca Việt Nam” khi tái bản tuyển
tập: “World Poetry An Anthology of Verse From Antiquyti to Our Present Time”
(Tuyển tập thi ca thế giới từ xưa đến nay) của Nhà xuất bản W.W.Norton, New
York, năm 1998.
Du
Tử Lê có nhiều đóng góp vào việc cách tân thơ lục bát theo lối chấm, phẩy, cách
dòng giữa câu kiểu như “đứng. đi. tôi đó. nói. cười/ lúc quay lưng lại tôi
ngùi, ngậm tôi”, “cuối cùng đời xuống mênh mông/ hồn đi thu bãi, lòng không,
tiếp trời” (Mưa hình dung H.T). Du Tử Lê có những câu thơ hay đến “lạnh người”
khi ông nhớ người mẹ, nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ cả chiếc nhau mình: “Gọi
ai gió nổi bốn trời/ chiếc nhau tôi lạnh phía đời bên kia” (Thấy bình minh trên
sa mạc Utah, Nhớ Mẹ Già).
Cuối
cùng, thì người thơ đa đoan với nỗi buồn nhớ ấy đã quay về tuổi nhỏ, với dòng
sông cố lý bằng hành trình “thiền ý” – một quy hồi tâm tưởng và một “điểm hẹn
rực rỡ” (chữ của Khánh Minh) đầy nhân bản ở nẻo về: “Cúi xuống một dòng sông/
nhớ gì không bé dại?/ nghe tự hồn lược gương/ tuổi thơ quành bước lại…”.
Ông
có hai lần trở về quê hương sau 1975, lần thứ nhất bằng tác phẩm, đó là tập
“Thơ Du Tử Lê” do NXB Văn nghệ TPHCM in năm 2005, và lần thứ hai ông về bằng
xương bằng thịt vào đầu tháng 6.2014, đồng thời với việc xuất bản tập thơ “Giỏ
hoa thời mới lớn” (Cty Truyền thông Liên Việt, NXB Hội Nhà văn ấn hành 2014).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét