Thứ Ba, 16 tháng 8, 2016

NGẪU THÀNH (Thơ Nguyễn Trãi ) và các Bài Cảm Hứng

   偶 成                         Ngẫu Thành 2

世上黃梁一夢餘   Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư, 
覺來萬事總成虛   Giác lai vạn sự tổng thành hư.
如今只愛山中住   Như kim chỉ ái sơn trung trú,
結屋花邊讀舊書   Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
                    阮廌                             Nguyễn Trãi

Dịch nghĩa

Đời này cũng như một giấc mộng kê vàng mà thôi
Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực
Thế nên ngày hôm nay mới thích ở trong núi
Làm nhà cạnh vườn hoa và đọc những sách cũ xưa.

Dịch Thơ:

      CHỢT VIẾT RA

Cuộc đời như giấc mộng trôi qua
Muôn việc gẫm suy ảo chính là
Nay núi tìm về theo ý thích
Dựng lều sách cũ đọc cùng hoa
                           Quên Đi.

CHUYỆN NGẪU NHIÊN

Cuộc đời như giấc mộng vừa trôi

Tỉnh giấc thực - hư chuyện đã rồi

Ẩn núi bây chừ ta chỉ thích

Dựng lều đọc sách ngắm hoa thôi!


Nguyễn Đắc Thắng


CHỈ MỘT GIẤC KÊ VÀNG
( Phỏng theo bản dịch của anh Quên Đi )

Giấc mộng kê vàng mới thoáng qua,
Thành công, thất bại, ảo thôi mà.
Nay ta ở núi tùy duyên phận,
Sách cũ lều thơ đọc ngắm hoa !

Mai Xuân Thanh
( theo vần điệu của anh Quên Đi )
Ngày 13 tháng 08 năm 2016.


Cùng các bạn yêu thơ Việt,
Hôm nay chủ nhật, mở máy lên gặp bài thơ của cụ Nguyễn Trãi do bạn Quên Đi giới thiệu, thật vui ! Nhưng trước khi góp thơ thì xin có vài lời thư giản cùng quí bạn.
1.- Trong thơ của Nguyễn Trãi có 2 bài mang tên Ngẫu Thành (ngẫu nhiên mà thành ra), một bài 'bát cú' cụ làm lúc cụ "hết việc, ngồi không" khi cụ còn tại chức và bài này là khi cụ đã về hưu. Hai bài đều mang tên Ngẫu Thành. Ý là, cụ muốn giải thích chuyện : Khi đang tại chức mà ngồi không và khi đã về hưu, lại có việc làm. Cả hai cái việc trái khuấy ấy xảy ra đều là chuyện ngẫu thành cả, nghĩa là không phải đến từ ý muốn của mình. Chúng ta trong đời chắc cũng có nhiều vị có cùng hoàn cảnh như cụ Nguyễn Trãi ?
2.- Câu 2 : Giáo lai, vạn sự tổng thành hư 覺來萬事總成虛 : Tỉnh giấc, muôn việc thảy rồi ra không có gì. Bạn Quên Đi diễn xuôi : Muôn việc khi nghĩ lại tất cả cũng không hề thực. Như vậy là bạn đã hiểu sai câu thơ, vì bị câu thơ trước ám ảnh. Giấc kê vàng là một ví dụ, còn chuyện đời của tác giả thì vẫn là chuyện thực đã xảy ra. Cụm từ覺來này có 2 âm đọc : Giác lai và Giáo lai. Đọc Giác thì Giác là hiểu biết, còn đọc Giáo thì giáo là thức giấc. Ở đây, xét theo văn cảnh, thì phải đọc Giáo với nghĩa Thức giấc (anh chàng Lư Sinh khi thức giấc mới hay những gì mình vừa trải qua đều chỉ là chuyện trong mộng). Hư : Hư là hư không, là chuyện đang thực trở nên không có gì, khác với : Không hề thực là chuyện chưa hề xảy ra. Câu thơ của tác giả là muốn đem câu chuyện anh chàng Lư Sinh để biện giải cho cuộc đời của chính tác giả, chứ không phải là kể chuyện Giấc kê vàng của Lư Sinh. Nguyễn Trãi là nhà chính trị, thơ ông, tất nhiên không nói chuyện xuông. Có vậy, ông mới được thế giới ngưỡng mộ, họ ngưỡng mộ về tư cách của ông chứ không phải thi tài của ông. Họ đâu có thưởng thức được thơ ông như chúng ta.
3.- Bài thơ này, câu cuối có 2 dị bản. Trong các quyển Thi Lục và Thi Tuyển đều chép là :
Kết ốc, hoa biên, độc phụ thư (Dựng nhà, bên hoa, đọc sách của cha).
Riêng bản Dương Bá Cung thì chép như bạn Quên Đi :
Kết ốc, hoa biên, độc cựu thư (Dựng nhà, bên hoa, độc sách cũ).
Vậy, chúng ta nên chọn câu nào ? Câu chép trong các quyển tuyển lục thơ hay câu của Dương Bá Cung ? Tôi nghĩ : câu trong các cuốn tuyển thơ đúng hơn. Chữ Phụ tuy nghĩa đen của nó là cha, nhưng phụ cũng có thể để chỉ những sách của các hiền triết đời trước đáng bậc sư phụ. Còn Cựu thư thì chỉ để nói chung chung : các sách cũ, sách gì cũng được, là chỉ để đọc giải khuây. Nếu cụ chỉ đọc sách để giải khuây, chắc cụ không đến phải chịu cảnh thảm thương lúc đã về trí sĩ : Tru di tam tộc (Ba họ bị giết). Họ giết ba họ nhà cụ là kết tội cụ đang mưu tính chuyện phản nghịch. Chữ cụu thư, như vậy, chỉ là chữ đã bị chữa lại lúc sau, cho nó thành trung dung, không đụng chạm đến ai. Giờ đây, tôi nghĩ, ta nên quên chữ Phụ, chữ Cựu đi, cụ muốn đọc sách gì đó là quyền của cụ.
Cũng nên nói thêm là cụ Nguyễn Trãi đã được UNESCO vinh danh nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của cụ, năm 1980 tại Paris.
                                                     Chuyện ngẫu nhiên mà ra
                                               Cuộc đời, rốt lại, giấc kê vàng;
                                               Thức giấc, muôn điều thảy huyễn mang.
                                               Vào núi, giờ đây, ta chỉ thích :
                                               Dựng nhà, đọc sách cạnh hoa trang.
                                                                       Danh Hữu dịch
Chúc các bạn vui vẻ !
Danh Hữu.

Kính Vườn Thơ Thẩn, Thầy Danh Hữu và anh Quên Đi

Em chỉ xin được góp ý về phạm vi chữ HƯ trong bài thơ. Đây là một sự mạo muội với thành ý học hỏi từ Quý Thầy, Quý Sư huynh và những vị có hiểu biết vấn đề trong VTT. Với kiến thức hạn chế của mình, ắt hẳn sẽ có nhiều thiết sót và sai trái, em rất muốn học hỏi và rất cần được chỉ dạy thêm.

Theo em nghĩ mình nên giải thích từ HƯ với nghĩa từ nguyên của nó là đối với THỰC và xác định là nó thuộc cái thế giới HƯ song song với cái thế giới THỰC. Nếu nói như Anh Quên Đi (QĐ) là “tất cả cũng không hề thực” không có nghĩa là nó không hiện hữu mà là  nó thuộc cái thế giới HƯ. Còn nếu nói như Thầy DH cho rằng HƯ là không có gì” thì cũng không ổn bởi gì nó có chứ, có cái thế giới (cõi) HƯ riêng của nó như mạng ảo hiện nay chẳng hạn. Nghĩ như vậy và đối chiếu với bài thơ thì cũng vẫn thích hợp với tâm sự của cụ Nguyễn Trãi mà Thầy DH đã phân tích. Hai câu đầu là hồi ức về những ngày làm quan đã qua, nó là một chuỗi sự kiện có thực nhưng lại thuộc cõi HƯ so với hiện tại được diễn tả ở hai câu sau là công việc dựng lều đọc sách mới thuộc về cõi THỰC lúc ông về hưu.

Nguyễn Đắc Thắng 

Bài của Danh Hửu:

Gửi anh Thang Nguyen và những bạn quan tâm,

Cám ơn anh đã góp ý kiến về chữ "HƯ". Tất nhiên về mặt Hán tự thì thường mỗi chữ đều mang nhiều ngữ nghĩa tùy chỗ sử dụng. Sở dĩ có chuyện này là vì chữ Hán do nhiều dân tộc góp sức hoàn thành, mà ngày xưa đâu có thông thương như hiện nay (có radio, internet sách vở in-ấn bán khắp nơi) nên mỗi tác giả tùy nghi viết theo ý và tiếng nói của xứ mình, gia dĩ mỗi dân tộc đều phát âm khác nhau, suy nghĩ khác nhau. Nước Tầu là một nước đa chúng tộc và đa ngôn ngữ. Sau này, khi làm tự điển, người ta mới dựa vào văn ý để cho nó một ngữ nghĩa xác định, và vì có chữ đến từ nhiều nguồn nên mà nảy sinh ra lắm ngữ nghĩa là vậy. Dù đã có tự điển nhưng nhiều chữ người ta vẫn chưa thống nhất được với nhau.

Anh bạn chia ra hai dạng : thế giới Hư và thế giới Thực, đó là chuyện của Tôn giáo, không phải của Từ ngữ. Cũng như không có chuyện "Thế giới ảo" mà chỉ có "Thế giới mạng". Làm sao ảo được khi nó ở dạng hiện thực, đâu phải hễ bạn tắt máy đi là nó biến mất, chỉ là bạn không nhìn thấy nó chứ nó vẫn hiện diện, bật máy lên là lại thấy ngay. Ảo thì làm sao bạn trả tiền qua mạng được ? Nhiều người bị mất tiền cũng chỉ vì tưởng lầm Interrnet là ảo, mình tắt máy là xong, nên bị tụi harker vào trộm mật mã, rút hết tiền trong tài khoản (máy bạn tắt nhưng nếu bạn vẫn còn kết nối Internet thì bọn xấu ở xa vẫn có thể vào đọc những gì có trong máy bạn, nếu bạn không cài đặt chế độ bảo vệ, và nếu bạn không cẩn thận, bị chúng lừa vì trả lời Mail những quảng cáo bịa đặt, trúng thưởng v.v... giúp chúng biết ID của bạn). Như vậy, đâu có gì là ảo đâu ! Ngay cả khi bạn comment trong Facebook, nếu cần, người ta cũng truy ra bạn là ai và đang ở đâu, trừ phi bạn dùng máy công cộng.

Cái gì có rồi tự nhiên biến mất mới gọi là Hư, còn cái chưa có thì là chưa có (Vô無), không thể gọi là Hư虛 được. Như từ "hư hao, hư hỏng" trong tiếng Việt. Có nghĩa là : Thực là cái đang có, Hư là cái vừa mất đi. Đã mất đi rồi thì làm sao coi nó như còn là một thế giới được, nó đâu còn hiện hữu nữa ! Chỉ trong y học, thì Hư là để chỉ trạng thái đối cực với Thực, như khí hư, huyết hư ... cũng nghĩa là trước khi nó thành Hư (suy kiệt) nó đã ở dạng tốt tươi.

Tác giả Nguyễn Trãi về ở ẩn nơi Côn Sơn, tỉnh Hải Dương, trong một dinh thự có tên là động Thanh Hư của ông ngoại, hoàng thân Trần Nguyên Đán, chứ không phải ông vào núi cất lều như nhiều bạn tưởng tượng. Đây là nơi mà Nguyễn Trãi đã từng ở từ lúc lên 5 cho mãi đến khi ông ngoại mất mới về ở cùng cha mẹ. Câu chót : Kết ốc hoa biên theo tôi chỉ là tác giả xử dụng phép đảo ngữ cho hợp niêm : Kết hoa ốc biên (Kết hoa dựng thành giàn bên chái nhà) làm nơi đọc sách.

Góp ý đôi khi tôi cũng ngại, không những vì ít có bạn tham gia mà còn vì người Việt chúng ta không quen lối phản biện như người Tây phương, dễ giận những ai khác ý với mình. Ở trong nước, người ta đã từng đưa nhau ra tòa, chỉ vì cãi nhau vấn đề chữ nghĩa Truyện Kiều. Tôi sống ở ngoài nước, quen với văn hóa phản biện của phương Tây, bạn Thang Nguyên không nên rào đón làm gì. Tôi chỉ bàn về chữ nghĩa, ngoài ra, tôi không cần biết đến thứ gì khác. Bạn cứ tự nhiên, nếu muốn tôi góp lời bạn cứ đặt vấn đề, biết gì tôi nói nấy và tôi chỉ nói ý của tôi. Tôi ở nước ngoài tất nhiên tôi không có dịp đọc sách ở trong nước, mà bên Tây này lại không có tiệm bán sách Việt (chỉ bên Mỹ thì mới có nhiều tiệm). Bạn không nên lo là tôi cóp ý của người khác khi đưa ý kiến. Và tôi cũng rất mong muốn được bổ túc thêm những gì tôi chưa biết.

Thân chào quý bạn

Danh Hữu
Assomption, 15/8/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...