Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Những giấc mơ - Đào thị Thanh Tuyền

Ðã nhiều năm, chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi, tôi đang nằm ở tư thế nào khi vừa tỉnh giấc? Những giấc mơ muộn về sáng luôn khiến tôi quên để ý chi tiết này. Phải một lúc tôi mới nhớ, khi ấy mọi thứ đã thay đổi. Sau một hồi băn khoăn rồi mịt mù về tư thế nằm tôi lại nghĩ đến những giấc mơ. Tôi vừa thấy gì, đã làm gì, tại sao như vậy? Tư thế nằm có liên quan gì đến giấc mơ? Tôi điều khiển những suy nghĩ của mình đi vào khuôn khổ một logic nào đó nhưng tôi hoàn toàn bất lực!
Tôi vừa qua một chiếc cầu. Không phải. Tôi chưa đi qua. Chiếc cầu luôn gãy mất một nhịp và tôi kịp dừng lại ở nơi mong manh nhất của cuộc hành trình, một bước ngắn thôi, tôi sẽ rơi xuống dòng nước có thể đang cuộn xiết hay đang lặng lờ. Cuộc hành trình được tiếp nối đôi khi bằng một thân cây to tròn bắc ngang. Tôi lọ mọ trên đó cố gắng băng qua nhịp cầu gãy. Rồi làm thế nào qua được phía bên kia tôi hoàn toàn không biết bởi giấc mơ luôn bị cắt; hay, có nhớ cũng rất lơ mơ ở giai đoạn về đích này. Rồi có khi, không có một khúc gỗ nào cho tôi bò lần qua mà là trạng thái rơi không trọng lượng. Tôi bị hút xoáy xuống và cuối cùng là tỉnh giấc.
Giấc mơ về những chiếc cầu cứ lặp lại như thế. Ðôi lúc có thêm những tình huống kéo giấc mơ dài ra và câu chuyện luôn chấm dứt bằng một kết thúc không bao giờ có hậu; tỉ như, có khi, tôi rơi xuống dòng nước, lặn hụp trong đó. Có một điều rất lạ chưa bao giờ tôi thấy mình bơi được bởi tay chân luôn bị khóa chặt, lồng ngực bị chèn ép, phải cựa quậy hồi lâu mới thoát ra được.
Ðiều này có thể lý giải được bởi trong tiềm thức của tôi luôn có chiếc cầu tre lắt lẻo bắc ngang một dòng sông của tuổi thơ. Ngày ấy, cây cầu đó, chưa bao giờ thôi ám ảnh tôi bằng nỗi sợ hãi rất mơ hồ mỗi khi đạp xe đi qua. Dòng nước cuồn cuộn, đục ngầu vào mùa mưa lụt hay cạn trơ cát vào mùa nắng đều gây cho tôi nỗi bất an trong khoảng vài phút đồng hồ. Nín thở rồi cũng qua sông và cố gắng vượt qua. Ði trên sự bất an luôn là một thử thách và suy cho cùng, nỗi sợ cũng là một thứ chất kích thích mà đôi lúc con người bắt buộc phải dùng đến trong cuộc sống.
Có những con đường rất quen lặp lại trong nhiều giấc mơ đến nỗi, tôi biết, nó sẽ dẫn đến nơi nào, nếu băng ngang, rẽ dọc thì sẽ về đâu… Tôi biết mình sẽ phải chui qua những ô cửa sổ chật hẹp của một vài ngôi nhà để đi về một cái chợ. Nếu đi bằng con đường tắt, tôi sẽ gặp bãi tha ma… Tất cả thuộc làu!
Và ở chợ, tôi mua rất nhiều nhưng cuối cùng không có gì trên tay khi phiên chợ tan. Tôi là người sau cùng rời khỏi chợ. Khi ấy, những câu hỏi lại thường trực trong đầu: tôi là ai, tôi đến chợ để làm gì, tôi mua nhiều thứ nhưng sao lại về  tay không…
Lại có những con đường dẫn đến một cái chợ nào đó phải đi qua một dòng sông hay một hồ nước rộng mênh mông, mà trên đó, sự chòng chành của con đò hay chiếc thuyền thúng luôn là một ám ảnh rất tiêu cực, tôi tồn tại hay không tồn tại? Ðể khi mọi thứ gần như đến đích, tôi luôn thấy mình đứng ở một vị trí nào đó và hướng mắt nhìn về ngôi chợ có kẻ chen, người lấn tấp nập. Trạng thái cô đơn ập đến. Tôi đứng bên lề cuộc chơi, ở đó, có khi tôi muốn tham dự, có lúc lưỡng lự và thậm chí, có khi tôi bị ruồng bỏ, gạt ra một bên. Chắc chắn tôi rất buồn, nhưng, nỗi buồn như một loại thuốc an thần, giúp tôi nhìn lại, bình tĩnh và nhận rõ mình đang ở đâu, làm gì và phải làm gì khi tỉnh giấc!
Nhiều lúc tôi thấy nhặt được tiền. Rất nhiều những đồng tiền kim loại, cứ bới đất lên là thấy, lúc nhúc, lít nhít. Tôi cho chúng vào đầy căng những chiếc túi. Thế nhưng, bao giờ cũng vậy, ở ngay biên giới của mộng và thực tôi luôn thấy mình tay trắng. Một cảm giác nuối tiếc rất mơ hồ lại lảng vảng, tựa như mình đã đánh mất một thứ gì nhưng không biết đó là gì…
Tôi khó thể nhớ lại rành mạch những chi tiết  vừa xảy ra bởi nó rời rạc, chắp nối, gãy khúc, đứt đoạn… Rồi tôi tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên luôn là: tại sao những giấc mơ giống nhau đến độ tôi có cảm giác nó là xâu chuỗi kết nối thời gian, kết nối sự kiện. Dường như tôi có một đời sống khác tiếp nối mỗi ngày, thỉnh thoảng lại về chốn ấy, một nơi quen thuộc nhưng không đậm nét rõ ràng. Ðể rồi cuối cùng tôi bật trở lại câu hỏi ở trên: tôi đã nằm ở tư thế nào khi giấc mơ xảy ra?
Tôi bay. Có những giấc mơ không rõ hình hài, không có câu chuyện đầu, cuối… Nhưng, tôi luôn có trạng thái bay bổng giống nhau. Khi tôi thấy mình trượt trên một tấm ván, khi thì lăn nhanh trên chiếc xe chỉ có một bánh… Cái gì thúc phía sau khiến tôi phải chạy nhanh. Có thể ai đó đuổi theo, hay, nước triều dâng cao, đẩy những con sóng cuộn xô liên tiếp gần chạm đến tôi. Cuối cùng, tôi dồn hết sức mạnh bung người lên. Tôi thấy mình bay là là trên mặt nước hung hãn. Nước không liếm được tôi. Kẻ thù nhìn tôi bất lực. Và lúc, ở trạng thái thăng hoa  nhất, tôi tỉnh giấc.
Cũng có khi tôi bị truy đuổi đến tận cùng, chưa kịp bay thì tai họa ập đến. Ơn trời, chỉ là giấc mơ. Ðó là ý nghĩ đầu tiên. Tuy nhiên, nỗi sợ còn ám ảnh tôi đôi khi hết cả thời gian còn lại của đêm. Và, chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi mình đã nằm ở tư thế nào khiến dòng máu chạy về tim bị chặn lại trong tích tắc?
Có một thời gian dài tôi thường khóc nhiều trong những giấc mơ. Tiếng khóc đôi khi nghẹn lại, không thoát ra được khỏi cổ họng nhưng nước mắt luôn đẫm gối. Những lý do để tôi phải khóc thường là uất ức hơn tủi thân. Tôi bị động trước những chuỗi sự kiện có tính phán xét. Tôi thấy mình oan ức rồi tôi phẫn nộ nhưng mọi thứ  bị đè nén, dội lại và giữ chặt trong lồng ngực. Cuối cùng, nước mắt là vị cứu tinh giúp tôi thoát khỏi ngục tù của trạng thái bị ức chế, nhồi ép quá lâu. Nhiều khi tỉnh giấc rồi mà nước mắt vẫn còn tuôn đến nỗi tôi cảm giác mình có thể khóc tiếp tục, khóc nữa, khóc thật nhiều, như chưa bao giờ được khóc, cho hết những ấm ức, kìm hãm…
Những giấc mơ về nước mắt có thời gian kéo tôi đi lê thê qua những đêm sâu mà tôi hoàn toàn không biết và không hiểu được uẩn khúc nào trong cuộc sống đã khiến tôi có những giấc mơ như vậy!
Tuy nhiên, tôi biết điều tích cực của nước mắt, đó là tôi luôn cảm thấy đôi mắt mình rất trong trẻo mỗi khi tỉnh giấc. Trái ngược với những giòng nước mắt tuôn rơi vào ban ngày luôn khiến cặp mắt bị cay sè, nhiều khi khô rát, giọt nước mắt giấc mơ dường như gột rửa được tất cả những gì tồn đọng trong các hốc mắt. Bên cạnh nỗi muộn phiền hay sự uất ức nào đó còn vương lại, tôi có đôi mắt tinh anh và khoẻ khoắn hơn! Và, cũng có một điều rất lạ, đó là tâm trạng được làm mới bởi một phép thánh tẩy nào đó mà nước mắt là phương tiện giải thoát một bế tắc rất mơ hồ, không thực!
Có quãng thời gian tôi bị ám ảnh bởi câu nói của một người bạn thời đi học mà tôi không còn nhớ rõ từng từ ngữ hay âm điệu. Chưa bao giờ tôi tin bạn đã chết dù nhiều người khẳng định điều đó. Không ai thấy bạn trên cõi đời này từ sau năm bạn hai mươi bốn tuổi, nhưng cũng không ai tìm thấy xác của bạn.
Trong những giấc mơ, bạn luôn đến tìm tôi với một nụ cười và lời mời mọc. Bạn rủ tôi đi đâu đó và câu nói đầu tiên của tôi khi gặp bạn luôn là, có phải bạn đó không, bạn vẫn tồn tại bên tôi mà tại sao mọi người lại phủ nhận điều tôi khẳng định? Khi tỉnh giấc, tôi luôn hỏi tại sao bạn cứ về trong những giấc mơ mà bạn không xuất hiện bên tôi ban ngày, bằng xương, bằng thịt? Rồi tôi lại tiếp tục suy nghĩ với nhiều hy vọng rằng bạn vẫn còn đâu đó trên trái đất này, có thể là một dòng tu kín, hay, một cuộc sống ẩn dật đứng bên lề mọi cuộc chơi?
Thỉnh thoảng tôi cũng có những giấc mơ về nhiều người thân đã khuất. Ðó là những giấc mơ hạnh phúc và thật ngắn ngủi. Tôi hiểu, trí nhớ con người chưa bao giờ nhìn thấu hết những sự kiện được gọi là kỷ niệm, cũng như thế bàn tay con người chưa bao giờ cầm nắm hết cái gọi là hạnh phúc. Hạnh phúc luôn đi kèm với đớn đau, hạnh phúc là điều thiêng liêng, quý báu đôi khi chỉ có trong những giấc mơ. Rời xa giấc mơ, hạnh phúc là bọt bong bóng xà phòng chỉ cần một tác động nhẹ vỡ toang thành ngàn mảnh.
Rồi tôi lại lẩn thẩn suy nghĩ, mấy ai trên cõi đời này có diễm phúc được hưởng ân sủng trời ban? Quy luật được này mất kia luôn làm tôi cảm thấy mình chơi vơi, lo sợ. Tôi bỗng muốn nói lời cám ơn đời khi mình có được điều mà người khác không có hay họ phải cật lực, thậm chí phải chịu đau đớn để có được nó. Ðó là điều khiến tôi ít dám suy nghĩ về một thì tương lai dài. Hạnh phúc là hôm nay, đau khổ cũng chỉ là hiện tại. Mọi điều được – mất không bao giờ có ranh giới; nay được, mai mất, nay có, mai không là lẽ thường tình trong cuộc sống. Những suy nghĩ ấy thường khiến tôi thấy mình già đi, chậm lại. Rồi tự nhiên, những khuyết điểm hay lỗi lầm trong quá khứ như một đoạn phim tua lại rời rạc, đứt đoạn với những hình ảnh và giai điệu buồn đến rớt nước mắt!
Lại có một thời gian dài tôi thấy mình thường xuyên bị trễ học hay trễ một kỳ thi mà lý do chính chỉ vì loay hoay chọn lựa những bộ quần áo! Một điều hết sức phi lý đối với tôi – một người vốn quan niệm mọi thứ đều đơn giản, thậm chí đến mức xoàng xĩnh, tuềnh toàng. Những chiếc áo dài hay bộ đồng phục luôn làm tôi phải bận tâm rất lâu, hết mặc vào rồi lại thay ra. Cuối cùng, khi tôi đàng hoàng chỉnh tề thì vừa lúc chuông reo báo hiệu hết giờ. Mọi thứ đã muộn, mọi điều đến rồi đi mà không có sự chứng kiến của tôi bởi tôi mãi quẩn quanh kiếm tìm những điều hết sức vô nghĩa.
Có khi tôi thấy lửa cháy. Bầu trời sáng rực màu lửa. Lý do gây ra đám cháy tôi hoàn toàn không biết và tôi cũng hoàn toàn bị động trước hoàn cảnh. Tuy nhiên, giấc mơ về lửa bao giờ cũng ngắn. Nó thoáng qua không rõ hình hài, không có câu chuyện đầu cuối. Lửa nóng và lan nhanh, nhưng con người có thể chế ngự nó một cách nhanh chóng giảm thiểu tối đa sự thiệt hại. Lửa không như nước, lầm lì, từ từ mà sự tàn phá bao giờ cũng khốc liệt.
Ðể rồi, luôn đọng lại trong tôi những suy nghĩ, người ta thường sợ cái gì trước mắt mà ít suy nghĩ về ảnh hưởng khủng khiếp của mối ẩn họa tiềm tàng? Sức mạnh của băng giá đôi khi còn ghê rợn hơn sức mạnh của lửa, bùng chóng, nhưng tàn lụi cũng nhanh nếu trên con đường đi của nó không còn thứ gì có thể khơi lại sự cháy!
Giấc mơ bao giờ cũng là quá khứ. Có quá khứ đẹp, có quá khứ buồn. Tôi chưa bao giờ có những giấc mơ về thì tương lai như một dự báo dù tôi đã nghe (hay đọc) khá nhiều điều gọi là điềm báo mộng. Tôi không thích và không bao giờ tò mò những gì thuộc về phía trước. Ðối với tôi, giấc mơ luôn là kỷ niệm, ôn lại, gợi nhớ và đôi khi để  nhìn lại. Chỉ có điều khiến tôi băn khoăn, có phải giấc mơ luôn liên quan đến tư thế nằm và những sự kiện diễn ra trong suy nghĩ hay trong cuộc sống?
Những đêm về sáng, tôi thường tỉnh giấc bởi trạng thái sinh học của cơ thể như một chu kỳ lặp lại của thói quen mỗi ngày. Tôi cố nhớ những giấc mơ như người đứng trước một ngõ cụt buộc phải quay đầu lại cho đến khi tiếng chuông ngôi nhà thờ đầu phố vang lên khuấy động sự yên tĩnh của suy nghĩ một cách giục giã, nôn nao. Tôi có thể nhớ tôi vừa thấy gì, cảm nhận gì nhưng, chưa bao giờ tôi trả lời được câu hỏi tôi đã nằm ở tư thế nào khi vừa tỉnh giấc?


Hoàng Tường
Hoàng Tường
DTTT

1 nhận xét:

LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT - Thơ Thái Huy và 10 Bài Thơ Họa Của Các Thi Hửu

Bài Xướng   LƯƠNG TÂM CẠN KIỆT Thế giới hẳn ai cũng ngỡ ngàng Mỗi ngày cuộc chiến một leo thang Vì đâu vậy nhỉ nên cơ sự? Bởi lý do chi hóa ...