Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2019

Dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng: Khuyến cáo 9 biện pháp phòng ngừa (Từ Blog phamvietdao5 )

Tính đến 9h ngày 14/3, dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng số lợn tiêu hủy là 23.442 con, gồm lợn bệnh và lợn cùng đàn.

dịch ta lon chau Phi
Một trong các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi: Hoại tử bề mặt da; xuất huyết dưới da (vùng tai, ngực, bụng). (Hình ảnh dẫn qua deheus.com.vn)

Tại cuộc Họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF) ngày 14/3, Cục trưởng Cục thú y Phạm Văn Đông nhận định: “Nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới là rất cao“.
Để phòng tránh, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan rộng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y khuyến cáo một số hướng dẫn cho người chăn nuôi lợn. Ngoài việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc ở khu vực nuôi, thu gom lợn, khu vực buôn bán lợn, người chăn nuôi cần chú ý:
– Không để lợn tiếp xúc với lợn rừng hoặc lợn từ những trang trại khác.
– Không cho lợn ăn thức ăn thừa.
– Không thả rông lợn ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi virus dịch tả lợn châu Phi.
– Không mua thịt lợn hoặc các sản phẩm từ thịt lợn ở những vùng bị nhiễm dịch. Bởi trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định như hiện nay thì nên hạn chế nhập mới gia súc về nuôi nhất là từ khu vực các tỉnh có nguy cơ cao. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập gia súc từ các trại chăn nuôi đã được công nhận an toàn dịch và có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật của cơ quan thú y.
– Thợ săn lợn rừng không nên tiếp xúc với lợn nhà sau khi đi săn


– Thợ săn và nông dân không nên để lại vật phẩm từ lợn nhà hoặc lợn rừng trên cánh đồng hoặc trong rừng
– Không để thức ăn hoặc rác thải ở những khu vực lợn rừng có thể xuất hiện.
– Hạn chế khách tham quan và thương lái vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại, đồng thời thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ và phương tiện.
– Tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc. Thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất 1 lần trong một tuần.
Trong trường hợp nếu phát hiện đàn gia súc có những biểu hiện như sốt cao, bỏ ăn hàng loạt,… trên thân xuất hiện các các triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi thì phải nhanh chóng báo cho chính quyền hoặc trạm chăn nuôi và thú y địa phương để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Một số dấu hiệu phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi:

Thể quá cấp tính (mức nặng nhất): lợn chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.
Thể cấp tính: lợn sốt cao (40,5 – 42ºC), không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống. Lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước.
Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.
Khi bệnh chuyển nặng, lợn di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở. Có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa; tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.
Thể á cấp tính: lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bị bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn.
Thể mãn tính: lợn có triệu chứng khác nhau, như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển.

Hỗ trợ theo giá cũ: Dễ xảy ra tình trạng bán chạy

Tại cuộc họp ngày 4/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay theo nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, bao gồm: 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Bộ này thừa nhận nhiều người chăn nuôi lợn vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Điều này có một phần nguyên nhân xuất phát từ bất cập trong công tác phòng chống dịch. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg; thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng quy định người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế các hầu hết các hộ chăn nuôi không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn. Thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian. Từ đó dẫn tới tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt; tăng 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái và lợn đực giống buộc phải tiêu hủy; bỏ điều kiện phải khai báo và có xác nhận của UBND cấp xã khi nuôi lợn vì không khả thi.

dich ta lon chau Phi
Vị trí các tỉnh công bố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi được đánh dấu trên bản đồ hành chính Việt Nam, khu vực đất liền. Tỉnh số 3: Hưng Yên; số 4: Hà Nam. (Nguồn bản đồ: bandovn.vn)

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, hơn 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộnghơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 3/3/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.
Tại Việt Nam, bắt đầu công bố dịch từ ngày 19/2, tính đến 9h ngày 14/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố; tỉnh phát hiện gần đây nhất là Nghệ An. Sau chưa đầy một tháng, tổng số lợn phải tiêu hủy là 23.442 con, gồm lợn bệnh và lợn cùng đàn.

Nguyễn Quân

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...