Thứ Ba, 5 tháng 3, 2019

Radio FM 974 – Melbourne :Syria: Jinwar - Nơi Người Phụ Nữ Yazidis Làm Lại Cuộc Đời Sau Khi Thoát Khỏi Quân Khủng Bố ISIS



Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 04/03/2019

   Berivan, cô con gái người Yazidis, vừa tròn 15 tuổi vui mừng hớn hở chạy tới nhập vào đám đàn bà con gái đang nhảy múa trên khoảng sân rộng, cái áo chụng dài thêu vàng truyền thống, lấp lánh rực một màu dưới những vạt nắng sáng ấm của trời mùa đông. Berivan nắm tay người bạn thân, cả hai cười ngặt nghẽo, chen vào một trong mấy cái hàng đã có người đứng nối đuôi sẳn từ trước, đang dậm chân từng bước một theo nhịp điệu của một bài hát dân ca Kurdish.
   Berivan và bà mẹ là người từ Sinjar ở Iraq, nơi được gọi là quê nhà của sắc tộc Yazidis, nhưng cũng giống như hàng ngàn người Yazidis khác, họ đã bị quân khủng bố ISIS bắt cóc năm 2014 khi quân này tràn qua chiếm đất từ bên kia biên giới Syria. Ở một chỗ cách đây thật xa trong vùng sa mạc phía tây, quân ISIS gần như đã mất gần hết phần đất cứ điểm cuối cùng còn lại Baghouz nhưng vẫn còn ít nhất 3 ngàn người phụ nữ Yazidis không biết số phận họ ra sao. Lực lượng quân đội “Syrian Dân Chủ”, được sự hỗ trợ của Hoa kỳ đã di tản được nhiều thường dân từ vùng này trong thời gian tung quân tấn công dứt điểm quân ISIS, hơn 4 năm sau ngày nhóm này nổi lên chiếm một phần đất rộng lớn ở Syria và nước láng giềng Iraq, lập nên cái gọi là “vương quốc hồi giáo”, ISIS đã mất hết, chỉ còn cố thủ một vùng nhỏ nhoi ở Baghouz, một cái làng gần biên giới.
   Có hơn 40 xe vận tãi lớn chở đàn ông, đàn bà và trẻ em rời vùng chiến trận hôm thứ sáu tuần qua, theo lời tường trình của những thông tín viên AFP, đang có mặt cùng với quân SDF tại các điểm chốt đóng quân bên ngoài khu làng. Hầu hết là đàn bà và trẻ em, quần áo phủ đầy bụi bám nhưng cũng có đàn ông, quấn khăn che mặt, ngơ ngác và mắt quầng thâm lơ láo, đàn bà đứng bám vào thành xe, lắc lư theo nó trên đường rời làng, đây là lần di tản bằng xe lớn thứ nhì trong vòng ba ngày qua. Cũng cạnh đó, trên một cái xe cam nhông lỡ, ba người đàn ông, lấy tay che mặt, xem ra không muốn bị người ta quay phim hay chụp hình, một người đàn bà cũng che mặt kín mít, đưa ngón tay trỏ của bàn tay phải lên cao, dấu hiệu của người hồi giáo, được phóng viên báo chí hỏi tình trạng ở Baghouz như thế nào, người thanh niên lắc đầu “không tốt”. Phát ngôn nhân của quân SDF, Adnan Afrin cho biết, có hơn 2000 người Yazidis được xem là hiện đang còn kẹt trong các khu kháng cự của quân ISIS, cần thêm nhiều xe vận tãi nữa để có thể đưa họ đi. Một khi cuộc di tản hoàn tất, quân SDF sẽ tổng càn quét, tống nhóm ISIS ra khỏi cứ điểm cuối cùng mà họ đang cầm cự, khoảng nhỏ vài cây số vuông. Được hỏi, sau khi thường dân thoát ra hết, thì quân SDF sẽ làm gì với nhóm ISIS này, Afrin không chần chừ trả lời ngay, ISIS chỉ còn một sự chọn lựa duy nhất, chiến đấu hay đầu hàng.
    Trong thời gian bị bắt giữ, đàn ông Yazidis bị tập trung lại, bắn chết rồi quăng xác xuống các hố chôn tập thể, đàn bà thì cưỡng bức đem bán như nô lệ tại các chợ, trao tay từ tên ISIS này qua tên ISIS kia, phục vụ tình dục cho bọn họ,trẻ con Yazidis bị tẩy não, tôn thờ ISIS, chuyện tự tử là chuyện thường xảy ra, ngay cả những ai đã trốn thoát được sau nhiều năm bị hiếp dâm và làm thân nô lệ, vẫn còn nhiều người bị khủng hoảng tinh thần đáng ngại trong việc sống còn, vì không có tiền bạc hay giấy tờ tùy thân.
   Berivan và mẹ cô đã lạc mất gần hết những người thân khác trong gia đình nhưng một trung tâm cộng đồng cho phụ nữ mới thành lập gần Qamishli, ở phía đông bắc Syria, đã cho hai mẹ con một dịp may bắt đầu làm lại cuộc đời từ con số không. Berivan cười lớn nói rằng cô rất thích ở đây, cô thích đi học, thích học môn toán và muốn sẽ trở thành một người cắt và uốn tóc khi cô lớn lên. Jinwar, tên của trung tâm, là trung tâm dành cho phụ nữ duy nhất, được lập nên và điều hành bởi những người phụ nữ Kurdish, nơi đây phụ nữ có thể sống một đời sống tự do, không ai, không một thứ quyền lực nào có thể áp đặt không chế họ được. Trung tâm khai trương tháng 11 năm ngoái, 12 trong số 30 căn nhà gạch là nhà của những gia đình người Kurdishs, Yazidsis và Á Rập.
   Những người phụ nữ tự xây nhà cho chính họ, làm bánh mì và nuôi gia súc, trâu bò, làm ruộng, nấu nướng và ăn uống chung với nhau. Thứ bảy vừa qua, những người dân sống ở các làng bên cạnh được mời đến tham dự lễ tốt nghiệp của một nhóm phụ nữ ở trung tâm Jinwar, sau khi học học xong khóa học về thuốc men y tế căn bản. Họ ăn cơm với thịt gà, ca hát nhảy múa suốt buổi chiều rồi cùng bàn bạc làm thế nào trồng mùa mận, lựu mới và trồng cây ô liêu ở đâu cho tốt. Bà Barwa Darwish, 35 tuổi nhanh nhẩu, cho biết họ dựng lên nơi này, từng cục gạch cho chính họ, bà Darwish đến Jinwar với bảy đứa con sau khi làng bà ở tỉnh Deir Ezzor được giải phóng khỏi tay quân ISIS và chồng bà đã chết khi đánh trận chống bọn ISIS.
   Jinwar là nơi mà từ đó ý tưởng dân chủ là động lực nhóm lửa cho sự thành hình Rojava, được tạm gọi là một tiểu quốc do người Kurdish quản trị trong vùng đông bắc Syria từ khi cuộc nội chiến ở nước này xảy ra năm 2011. Vùng này vốn đã chịu đựng nhiều hổn loạn, trước sự hiện diện của kẻ thù mọi phe, ISIS, Thổ Nhĩ kỳ, và quân chính quyền Assad, xem quân Kurdish YPG là tổ chức khủng bố. Cuốc cách mạng của phụ nữ, như tên gọi người ta biết tới là  thành phần chánh yếu của cái triết lý sống còn Rojava, bắt nguồn từ sự căm thù các hành động giết người dã man của ISIS, những người đàn bà Kurdish ở Rojava đã tụ họp nhau lại lập ra các toán quân chiến đấu chống bọn ISIS, sau đó phụ nữ Á rập và Yazidis tình nguyện gia nhập tạo nên trận tuyến giải phóng chị em họ.
   Tại Jinwar tuy nhiên, cũng còn nhiều trở ngại nhỏ trong sự sống chung lúc đầu, khi các gia đình đầu tiên mới đến, trẻ con Á Rập không chơi chung với trẻ con người Kurdish nhưng chỉ trong vòng hai tháng, mọi sự đã thay đổi thấy rõ, trẻ con giờ vui đùa với nhau nhiều hơn trước. Darsim, mẹ của Berevan, giống như câm khi mới đến Jinwar, vì tinh thần vẫn chưa ổn định, ký ức kinh sợ vẫn còn ám ảnh đâu đó, nhưng dần dà, từng chút từng chút, bà bắt đầu nói ra tiếng lần nữa. Chuyện làm ở Jinwar chưa chịu dừng lại, vườn cần trồng thêm cây cối, sách vở cần có trên kệ của thư viện trống trơn, thêm nữa, bên cạnh trung tâm giáo dục học hành, họ cũng có một cái hồ tắm đầy nước trong mùa hè, ở đó, đàn bà con gái được thảnh thơi bơi lội lần đầu tiên, cái mà gần như là đặc quyền của đàn ông tại hầu hết vùng Trung đông. Đàn bà con gái ở Jinwar cũng đã bỏ phiếu cho việc học lái xe và nghề may vá.
   Tuy nhiên, người ta e ngại là những cái gì đang xây dựng lên ở Jinwar chưa hẳn yên và có thể sụp đổ, chưa rõ là chuyện gì sẽ xảy ra một khi quân Hoa kỳ rời khỏi nơi này trong vài tháng nữa, chiến trận có thể bùng nổ trở lại khi quân ISIS vẫn còn lẩn quẩn xa gần. Theo cô Nujin, người thiện nguyện viên của tổ chức cứu trợ quốc tế, trưởng ban điều hành cộng đồng JInwar, Jinwar là một nơi hòa bình và trung tâm tỵ nạn cho cuộc chiến, cho nên làm thế nào có thể mang súng đạn tới đây, nếu họ cần bảo vệ cho chính người dân nơi này, nhưng cô hy vọng là, Jinwar sẽ không bao giờ phải đối mặt với tình thế đó.

Thuyên Huy
Mon 04.03.2019

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...