Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2019

Vì sao dịch cúm năm 1918 lại gây tử vong ở mức cao? (Từ Nghiên Cứu Quốc Tế )



Nguồn: Why the flu of 1918 was so deadlyThe Economist, 09/11/2018
Biên dịch: Lê Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Đại dịch cúm được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1918 có lẽ là thảm họa tồi tệ nhất của thế kỷ 20, nếu không nói là từ trước tới nay. Loại virus gây ra đại dịch đã lây nhiễm cho 500 triệu người, hơn một phần tư dân số Trái Đất vào thời điểm đó, và giết chết khoảng 50 triệu đến 100 triệu người. Đến năm 1921, khi đại dịch cuối cùng cũng thoái lui, nó đã làm giảm 2,5% đến 5% dân số thế giới. Để so sánh, Thế chiến I đã giết chết khoảng 17 triệu người, và Thế chiến II khoảng 60 triệu người. Tại sao dịch cúm năm 1918 lại gây ra số lượng tử vong ở mức cao như vậy?
Đó là một câu hỏi hóc búa mà các nhà khoa học đã xem xét trong suốt một thế kỷ, bởi vì dịch cúm năm 1918 cũng là một sự bất thường trong lịch sử các đại dịch cúm. Ước tính có khoảng 15 dịch cúm như thế trong 500 năm qua, nhưng số người bệnh và người chết không được thu thập một cách có hệ thống cho mãi đến cuối thế kỷ 19. Trong số năm đại dịch cúm đã được ghi nhận từ năm 1889, không có dịch cúm nào ngoài dịch cúm năm 1918 đã giết chết hơn 2 triệu người. Trong một đại dịch cúm bình thường, 0,1% những người mắc bệnh bị chết, nguyên nhân chính là do suy hô hấp nặng. Năm 1918, con số đó là 5-10%.
Có hai trường phái chính lý giải nguyên nhân khiến cho dịch cúm năm 1918 trở nên đặc biệt. Đầu tiên, điều mà một số bằng chứng đã chỉ ra, là loại virus cúm năm đó rất mạnh. Bộ gen của virus cúm năm 1918 đã được giải mã vào năm 2005, sau khi được lấy từ một mẫu bệnh phẩm được bảo quản từ ​​các nạn nhân được chôn cất trong các ngôi mộ ở Alaska. Sau đó nó được khôi phục. Sử dụng loại virus này, Aartjan te Velthuis, một nhà virus học tại Đại học Cambridge, và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng trong quá trình sao chép không hoàn hảo vật liệu di truyền (hay còn gọi là RNA), virus cúm năm 1918 – tương tự như virus cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm lan truyền ở các loài chim và cũng có thể lây nhiễm cho người – đã sản sinh ra các đoạn RNA (RNA fragments), hay RNA nhỏ, nhiều hơn so với virus cúm theo mùa nhẹ. Những RNA nhỏ này tác động vào một thụ thể của con người được gọi là RIG-I và sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Càng nhiều RNA nhỏ thì phản ứng càng mạnh và càng gây ra nhiều tác động viêm nhiễm. Cả virus năm 1918 và H5N1 đều được biết là gây ra viêm phổi nghiêm trọng. Thực tế có tranh luận về việc liệu chính bản thân virus hay phản ứng miễn dịch của cơ thể đã gây ra số người chết lớn đến vậy năm 1918.
Cách tiếp cận thứ hai xem xét các yếu tố bên ngoài đối với virus, chẳng hạn như tình trạng của thế giới khi nó bùng phát. Chẳng hạn, theo Paul Ewald, một nhà sinh vật học tiến hóa tại Đại học Louisville ở Kentucky, không phải ngẫu nhiên mà đại dịch cúm gây chết người lớn nhất lại xảy ra đồng thời trong một cuộc thế chiến. Về mặt tiến hóa, chiến lược tối ưu cho một loại virus lây nhiễm trực tiếp giữa người với người, như virus cúm, là làm giảm độc lực của nó, từ đó giữ cho vật chủ của nó sống đủ lâu để lây nhiễm sang càng nhiều vật chủ mới càng tốt. Cuộc chiến có thể đã can thiệp vào quá trình đó. Ở mặt trận phía Tây, cuộc sống ở các chiến hào đã khiến một số lượng lớn quân lính không thể di chuyển trong nhiều ngày và nhiều tuần. Trong những trường hợp đó, Tiến sĩ Ewald lập luận, áp lực đối với virus trong việc giảm độc lực đã được giảm bớt.
Hai trường phái nêu trên không loại trừ lẫn nhau. Một bài học hữu ích có thể được rút ra từ đại dịch năm 1918 là đôi khi hậu quả tồi tệ nhất của chiến tranh là những điều không lường trước được, và có thể đến dưới dạng một căn bệnh chết người bao trùm toàn cầu.

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Chữ TÂM - Đỗ Chiêu Đức

Tạp Ghi và Phiếm Luận :                                      Chữ TÂM   TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể, nên...