Lời người dịch – Miriam Toews sinh năm 1964 tại Manitoba, Canada. Là tác giả của A Complicated Kindness, The Flying Troutmans, Irma Voth and Silent Light, All My Puny Sorrows, Women Talking. Bản dịch Việt ngữ trong số báo này trích từ Chương 23 tiểu thuyết A Complicated Kindness, một tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có Governor General’s Award (2004), CBC Libris Fiction Award, CBC’s Canada Reads. A Complicated Kindness lấy bối cảnh một thị trấn có tên East Village, với nhân vật nữ 16 tuổi Nomi Nickel sống với ông bố Ray Nickel, một tín đồ ngoan đạo của cộng đoàn giáo xứ địa phương. Mang những đặc tính chung của một thiếu nữ 16, Nomi xung khắc khá thường xuyên với giới chức thẩm quyền trong họ đạo, nhất là mục sư Hans Rosenfeldt. Sau khi chị ruột của Nomi bỏ xứ đi sống với bạn trai, và mẹ cô cũng biến mất một cách bí mật, Nomi quyết định ở lại với cha mình.
Họ trục xuất mẹ tôi. Họ tống cổ bà đi. Chữ chính xác là rút phép thông công. Mẹ con bị rút phép thông công, ba tôi bảo thế.
Tôi nói, À. Rồi gật đầu. Chuyện ấy trước đây tôi cũng có nghe.
Đại khái vậy, ba tôi nói. Dân thị trấn sẽ phải tụ tập ở sân nhà thờ và đoạn giao với mẹ tôi theo cách đặc biệt riêng của họ. Có nhiều cách khác nhau. Thường nhất là không đếm xỉa gì đến mẹ tôi nữa.
Ông To Mồm (1) và các vị bô lão cùng với các vị trợ tế và dân thường họp với nhau không đầy bảy hay tám phút trước khi quyết định dứt điểm Trudie – tên của mẹ tôi.
Tôi không biết mẹ tôi cảm thấy thế nào về chuyện ấy. Tôi chẳng bao giờ có cơ hội hỏi bà. Trong đầu tôi còn hình ảnh mơ hồ của mẹ ngồi ở cạnh giường, nhìn tôi. Tôi nhớ mẹ đặt tay lên cánh tay tôi, mẹ mặc áo len cổ lọ màu đen và chăm chú nhìn tôi. Tôi nghĩ mẹ cười cũng nụ cười rất thật mà chị tôi đã cười trước khi bỏ nhà ra đi. Một nụ cười đáng sợ. Nụ cười nói lên rằng chẳng còn thứ gì để mất nữa. Rằng mình được tự do, theo cái cách nói của Janis Joplin (2). Tôi nhìn mẹ đăm đăm vài giây đồng hồ nhưng trời tối và tôi không biết mẹ có nhận ra không. Mẹ vuốt ve cánh tay tôi, chầm chậm, và tôi nghe tiếng mẹ khóc tỉ tê, tôi vùi mặt vào chiếc gối bởi tôi không muốn nghe mẹ khóc. Rồi tôi cảm thấy bàn tay mẹ đặt lên đầu tôi, tôi biết sau đó mẹ đóng cửa nhẹ nhàng rồi bỏ đi.
Lúc đó tôi đâu biết mẹ đi luôn. Buổi sáng ba tôi đứng giữa phòng khách, nhìn qua khung cửa sổ thênh thang, ra xa lộ, và suốt ngày ba tôi thừ người ra. Ba không nói chuyện, không ăn uống. Ông chỉ đứng thừ ra đó, trong bộ đồ vét màu đen với nơ cổ, với mọi thứ chỉnh tề, hai tay đút vào túi, lắc những đồng xu. Suốt ngày chỉ có một âm thanh ấy, âm thanh của những đồng xu lanh canh chạm vào nhau.
Tôi biết sau khi mẹ tôi ra đi những cơn say của bà ngoại tôi trở nên tồi tệ hơn. Bà tự bịa ra những chuyện hoang đường. Ba tôi bảo bà kể có lần bà bị chôn vài ngày trong bê-tông nhưng đã xoay sở để sống sót. Bà nói khi Ông To Mồm chào đời bà vui không kể siết. Nó là thằng bé xinh đẹp nhất, bà nói, nhưng chuyện gì nó cũng hiểu theo nghĩa đen. Tôi chẳng thể nào bông đùa với nó được.
Ừ thì, ba tôi ậm ừ. Vậy thôi, chứ ba tôi biết nói gì hơn bây giờ? Tôi thực tâm tin ba tôi không ghét Ông To Mồm. Thày giáo Quiring của tôi bảo ý thức hệ – chứ không phải cá nhân – là thứ gây xáo trộn cho nhân loại. Ông To Mồm chẳng có thể làm gì khác hơn ngoài việc tống cổ em gái mình đi? Thật là ấm ớ hết chỗ nói.
Rồi một ngày nọ, khoảng một hai tháng gì đó sau khi mẹ tôi bỏ đi, tôi đi lòng vòng khu thị tứ, bắt gặp bà Klippenstein ngồi trong xe lăn trước nhà dưỡng lão Rest Haven, hai chân giấu trong chăn và cái mũ chỏm len màu đỏ trên đầu. Tôi hỏi bà đến thăm ai đấy, bà bảo không, bây giờ bà ở đây luôn rồi, cuối cùng các con của bà đã thắng trong vụ thưa gửi giằng co.
Tôi nhớ mẹ tôi vẫn chạy cuống quýt trong nhà, sửa soạn đến chăm sóc cho bà Klippenstein. Hầu như cứ cách một ngày, sau bữa tối là mẹ lại tíu tít quăng bông băng, băng keo thuốc, thuốc mỡ vào túi, vỗ tay nói, Nào, tôi đi đây! Chút nữa gặp lại! Bà Klippenstein vào nhà dưỡng lão và không còn sống lẻ loi trong nhà bà ta để cần người săn sóc nữa mà mẹ tôi vẫn đi đâu thế nhỉ?
Bà ở đây bao lâu rồi? Tôi hỏi bà Klippenstein. Bà lắc đầu. Rồi bà nắm lấy khung sắt của chiếc xe lăn và nhìn đăm đăm vào chốn xa xăm.
Xin hãy cất con về, lạy Chúa, cho con thành con người mới, bà nói. Tôi hỏi đi hỏi lại bà cũng nói giống hệt như thế. Xin hãy cất con về, cho con thành con người mới. Lạy Chúa, hãy đón nhận con, biến con thành con người mới.
Sau cùng tôi đành bỏ đi.
Mẹ tôi ra đi. Ba tôi và tôi lẻ loi. Chúng tôi cố gắng sống – bạn hiểu ý tôi mà, chúng tôi ăn, chúng tôi ngủ, ba đi làm, tôi đi học. Tôi bắt đầu lo việc giặt giũ áo quần. Xếp theo màu, chia thành nhiều lô nhỏ, giặt, sấy khô, gấp lại, và cất đi. Tôi quyết định để một số đồ của ba vào ngăn tủ của mẹ, bí tất, đồ lót và khăn tay. Vậy nên việc đầu tiên tôi làm là lấy đồ trong ngăn tủ của mẹ ra trong đó có sổ thông hành với hình mẹ, bức hình mà mẹ cho là mắt mẹ màu hạt dẻ, và lá thư của thày giáo Quiring.
Trên đường từ viện bảo tàng về nhà tôi nhìn xăm xoi vào mọi căn nhà. Tôi chạy băng qua những vòi nước ria. Lũ chó sủa vang. Tôi ngồi xuống bờ đường bên ngoài tiệm Vinny’s Pizza, vẫy tay với Bert mỗi lần anh lái xe qua như thể đó là lần đầu tiên, như thể anh là bạn thân thiết nhất của tôi và như thể đã hai năm trời hai đứa không gặp nhau. Về tới nhà tôi thấy ba tôi ngủ ngồi trên chiếc ghế ngoài sân, cuốn album hình đặt trên lòng. Tôi vào ga-ra, đề máy xe để xem đồng hồ cây số. Ba đã lái xe gần ba trăm dặm từ lúc tan học khi tôi đóng sập cửa. Tôi trở ra chỗ chiếc ghế, lấy tập album hình đem vào phòng ông, cất vào ngăn kéo cao nhất trong tủ đầu giường ông. Tôi lấy cái chăn quấn quanh chân ông và gỡ cặp mắt kính của ông ra đem vào nhà đặt lên bàn ăn. Một mảnh giấy nhỏ ghi: Con biết Samuel Champlain là ai rồi. Một câu hỏi nữa đây, tôi viết. Tại sao mẹ không cho con đi với mẹ? Tôi nâng cặp mắt kính lên ánh đèn nhà bếp, hà hơi lên kính và kéo gấu áo chùi rồi lại đặt nó xuống bàn. Tôi đổ một ít sà bông vào máy rửa chén, mở cho máy chạy rồi vào giường.
Một trận bão quá trời lớn hồi đêm làm những lỗ bịt miệng cống bật lên như nút chai sâm-banh, ba tôi kể. Ba mới nói nút chai sâm-banh, tôi nhắc. Tôi nghĩ sâm-banh nằm trong danh sách những thứ không được nhắc tới của ba bởi chúng gợi lên cái ý tưởng hưởng lạc. Một nắp bịt ống cống xuyên thủng cửa kính trưng bày của tiệm bánh Darnell làm chảy một dòng sông màu hồng những thạch và bột. Một chiếc bánh cưới nằm bẹp úp bên lề đường. Cối xay gió bị sét đánh và một cánh quạt khổng lồ bắt lửa bốc cháy rồi bay vào bầu trời đêm. Bầy thú trong viện bảo tàng lên cơn rồ. Ba tôi thấy hết mọi thứ. Ông thức dậy vào khoảng ba giờ sáng trong chiếc ghế ướt sũng nước mưa, và ông thức luôn, lái xe suốt đêm vòng quanh thị trấn xem cảnh vật tan hoang và bốc cháy.
Con muốn nói là, có gì thú vị đâu nào? Tôi hỏi ông.
Ông nhìn tôi như thể ông đã gặp tôi ở nơi nào đó, nhưng ở đâu mới được chứ?
Tôi ngủ suốt và nằm mơ thấy mình có một chùm lông ngực sum suê.
Thức giấc tôi thấy ba ngồi ghé một bên mông lên cạnh giường tôi. Hai tay khoanh lại, chân vắt chéo nhau và mắt chăm chú nhìn nền nhà.
Ô, con thức rồi, ông nói.
Ba làm gì ở đây? tôi hỏi.
Ba muốn nói vài điều, ông nói.
Thì nói đi, tôi nói, và ba kể về cơn bão. Tôi lắng nghe và gật đầu, rồi ba bảo đừng quá ngạc nhiên nếu sự việc hơi khác một tí khi con thức dậy. Rồi ông bỏ ra ngoài. Tôi nấn ná một chút rồi ngồi dậy và bước ra phòng khách để thấy chiếc ghế dài, chiếc ghế đơn và bàn tiếp khách không còn ở đó nữa. Tôi đi ra hành lang và thấy đôi giầy ngày Thứ Năm của ba có gài những tấm cạc nhỏ nhắc nhở những việc cần làm ngày hôm sau. Tôi nhặt một miếng lên đọc: Phát triển đường hướng mới cho đời sống. Thứ Sáu hẳn nhiên là những ngày lớn lao của ba. Điện thoại reo, tôi cầm lên, ba tôi ở đầu dây, ông bảo hãy thử cố gắng đi học xem sao. Ông nói ông biết điều đó chẳng có ý nghĩa gì với tôi và ông không la mắng hay rầy rà gì tôi nhưng lớp mười hai là thứ gì đó mà tôi cần cho tương lai.
Tương lai, tôi nghĩ, thật là hai chữ khôi hài.
Tôi nói ô-kê. Con sẽ làm. Tôi hỏi ba sao ba lại tống hết đồ đạc đi như thế, ông nói ông thích những khoảng trống bởi mình có thể hình dung thứ gì sẽ trám vào những chỗ trống ấy một ngày nào đó.
Chúng tôi im lặng một lúc lâu, thật lâu.
Rồi tôi bảo ông là tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi sẽ không bao giờ bỏ ông. Và ông nói, Ừ thì… Và không nói gì thêm nữa.
Nút chai sâm-banh, hở? Tôi nói. Ông nói bão kinh hoàng lắm kìa. Rồi ông bảo ông có buổi họp ở thư viện sau giờ học, tôi bảo tôi sẽ nấu một bữa ăn tuyệt ngon, sẵn sàng khi ông về và buổi tối hai cha con sẽ coi ti-vi với nhau sau đó ra phố mua cà rem ăn. Rồi chúng tôi chào tạm biệt.
Tôi nhìn xuống bàn bắt gặp mẩu giấy của ba. Ông trả lời câu hỏi của tôi, tạm xem là như thế đi. Mẹ không dẫn con theo vì lúc mẹ đi thì con đang ngủ.
Thì ra thế. Thiệt tình. Tôi đoán ý ba muốn nói là vì tôi đã không còn tin ở hỏa ngục nữa và khi ngủ tôi không còn bị ác mộng. Chắc vậy. Cũng khó nói. Tôi nghĩ tôi biết còn phần khác của câu trả lời, đó là mẹ biết ba cần tôi nhiều hơn là mẹ cần tôi. Tôi cam đoan mẹ bỏ thị trấn mà đi là vì nghĩ đến ba. Ba sẽ khổ tâm đến chết được khi phải chọn lựa giữa mẹ và Giáo Hội. Quyết định duy nhất mà ba đã từng chọn lựa mà không cần hỏi ý mẹ là mặc bộ vét và đeo cà vạt hàng ngày trong đời ông. Làm sao ông có thể đứng dậy và lăng mạ, trước công chúng, người đàn bà ông yêu hơn bất cứ thứ gì trên cõi sống này. Và làm sao ông có thể quay lưng lại với Giáo Hội, thứ mà một ngày nào đó, có thể tha thứ cho vợ ông và bảo đảm cho hai người một nơi chốn cạnh nhau, vĩnh cửu, trên thiên đàng. Ông bị vướng ở đoạn giữa một câu chuyện với đoạn kết không có hậu.
Ông mắc cùng một chứng bệnh như tôi.
(1) The Mouth: biệt danh nhân vật dùng để chỉ ông Mục Sư.
(2) Janis Lyn Joplin: ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhạc Rock, người Mỹ.
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa