Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

FM974 Melbourne :Syria: Những Đứa Trẻ Không Ai Nhận Của Các Bà Mẹ ISIS Ngoại Quốc

Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 25/03/2019

   Có khoảng 7000 người đàn bà và trẻ con từ hơn 40 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Úc và Âu châu, đang sống tại các trại tỵ nạn ở vùng đông bắc Syria, nơi đây họ là những người “không ai muốn” vì họ là những người theo và ủng hộ cái gọi là “vương quốc hồi giáo ISIS”, trong số đó có vài trăm đứa trẻ không có cha mẹ theo hay bị lạc, nhiều đứa còn quá nhỏ không hơn 5 tháng tuổi.
   Để làm giảm bớt phần nào tình trạng căng thẳng, dễ lưu ý hơn giữa các nhóm người có quốc tịch ngoại quốc, từ các quốc gia như Nam Dương, Kyrgyzstan, Somalia và Trinidad & Tobago, ban điều hành LHQ chia họ riêng  vào hai trong hai trong ba trại , bao gồm Ain Issa, al –Roj và trại chật cứng người al- Hawl nơi em bé trai, con của cô Shamima Begum chết không hơn hai tuần trước đây. Theo người đại diện cho cơ quan UNICEF vùng Trung đông, Geert Cappelaere, không ai muốn họ tại trại tỵ nạn, các nước bản xứ cũng không muốn họ trở về, ở đó chờ nước thứ ba đến nhận cho đến định cư. Khoảng 5000 trẻ em tại các trại này được xem là con của người ngoại quốc, theo tổ chức “Save the Children Syria”, con số này không tính những đứa trẻ Iraq nhưng con số chính xác là bao nhiêu khó xác định được vì số người đến trại mỗi ngày quá nhiều. Giữ tài liệu theo dỏi trẻ con không có ai đi theo càng khó hơn vì bọn nó thường chuyền tay từ gia đình này sang gia đình khác.
   Nội trong ba tháng qua đã có khoảng 58 ngàn người mới tới, 90% là đàn bà và trẻ con, phần lớn từ cứ điểm cuối cùng còn sót lại của quân ISIS, làng Baghouz, theo như lời của ông Ghassan Mediah, trưởng toán văn phòng UINCEF gần trại al- Hawl, sát biên giới Iraq. Đã có 123 người chết, kể cả 108 đứa trẻ trên đường tới trại này hay không lâu sau đó khi vừa đến. Con số người tới làm điên đầu các tổ chức cứu trợ vì hiện họ đang gặp trở ngại không ít trong việc cung cấp chỗ ở, thực phẩm, thuốc men và chuyện học hành. Điều kiện vệ sinh quá tệ cho nên người quản trị trại lo rằng sẽ có dịch bệnh kiết lỵ
xảy ra trong nay mai và vì quá đông người, hỏa hoạn cũng có thể xảy ra do nấu nướng và lò sưỡi, đã có ít nhất hai đứa nhỏ chết tuần qua vì chuyện này. Cũng theo người này, những gia đình từ vùng ISIS ra, đến trại tỵ nạn sau sáu bảy giờ ngồi chen nhau trên mấy cái xe vận tải cũ không mui, hôi hám thường dùng chở thú vật dưới cái lạnh dưới không độ, con nít đã chết trên đường tới trại hoặc trên đường tới bệnh viện, tất cả đều bị thiếu dinh dưỡng và thiếu nước.
   Hầu hết những đứa trẻ mới tới im lặng tuyệt đối, không nói không cười, ngay cả có vết thương trên người hay không áo lạnh không giầy dép, dù trời đang buốt lạnh, bọn nhỏ này cũng không khóc. Đàn bà ngoại quốc và con cái của họ bắt đầu tới trại tỵ nạn 18 tháng trước đây nhưng số người đã tăng lên quá nhanh trong mấy tuần qua, khi quân Kurdish mở cuộc tấn công lớn dứt điểm cứ điểm cuối cùng còn lại của bọn ISIS, theo một nguồn tin đáng tin, giới cầm quyền ở đây quyết định tách rời nhóm người ngoại quốc khỏi các nhóm khác vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chính yếu là vì xét họ là người của quân ISIS. Về phần những người đàn bà ngoại quốc, họ cũng đưa ra nhiều lý do, làm thế nào có mặt ở Syria, rất nhiều người trong số đó nói rằng, họ không biết chồng mình đưa đi đâu, họ nghỉ đi tới Thổ nhĩ kỳ nhưng cuối cùng lại vào Raqqa, có người thì nói họ được tuyển dụng trên mạng Facebook và các trang mạng xã hội khác trong đó thấy phong cảnh đẹp đẽ và đời sống thần tiên của “vương quốc Hồi giáo ISIS”. Số khác thì tự nguyện mang hành lý tìm đến theo ý muốn của mình, biết rõ cái gì họ đang làm, đi tới Raqqa với con cái không có chồng theo, rồi thì chuyện con gái vị thành niên đi theo cha mẹ lấy chồng ở đây sau những năm sống với quân ISIS và giờ thì đám con gái này lại có con cái của chính họ.
   Bất cứ lý do gì viện dẫn cho sự có mặt tại các trại tỵ nạn hiện giờ, họ cũng cần được có chỗ ở tử tế, có thức ăn nước uống cũng như săn sóc y tế, nhưng theo nhân viên điều hành trại thì, nhà ở là điều mà họ lo trước nhất tại các trại tỵ nạn, con số người ở trại al – Hawl trong tháng 12 đã là 9500, hôm nay lên tới 68.000, họ nghỉ sẽ tới 75.000 trong nay mai, nhưng con số tối đa mà trại có thể lo liệu chỉ đủ cho 55.000 người mà thôi, đây là chuyện cần giải quyết trước nhất, bất cứ loại lều vải nào cũng cần, dù cũ hay mới hay đến từ đâu. Tại trại al- Hawl, nơi người mới tới và nơi chờ thanh lọc đã đầy hết, hàng trăm gia đình buộc phải ngủ bên ngoài, chịu đựng bùn lầy và mưa gió nhiều đêm trước khi lều vải được mang tới. Trường học cũng là một vấn đề khác, năm ngoái UNICEF đã chuẩn bị cho 4000 đứa trẻ  ở tuổi đi học nhưng sau khi số người tăng lên nhiều quá, số học trò giờ đã là 22.000 em. Theo lời của một trong mấy nhân viên điều hành trại, mỗi một đứa trẻ mà người này hỏi tới, từ 6 tới 14 tuổi, đều trả lời chưa bao giờ tới lớp học vì chiến trận, loạn lạc gần như chiếm hết cả khoảng đời, một đứa trẻ như vậy, chưa hề biết trường học, người ta phải bắt đầu từ đầu, làm sao mang cho chúng nó trở lại tuổi thơ, chơi đùa, và hy vọng, một cuộc đời mới khác biệt với phần đời mà chúng đã thấy trước đây.
   Nhóm “Save the Children” cho biết đã tố chức nhiều thứ sinh hoạt cho trẻ em ở ba trại tỵ nạn và nhắm tới việc giúp các người đàn bà ngoại quốc tham gia  sinh hoạt với người khác, cho tới giờ này thì các hoạt động này chỉ giới hạn vào việc hàng ngày như nấu nướng hay đổ dầu vào để đốt lửa lò nấu, vì trời mùa đông khá lạnh nên không có gì làm nhiều hơn. Cái khó khăn khác của ban điều hành là vấn đề không ổn định về tâm thần của lớp người mới tới, nhất là với trẻ con.  Quá nhiều em có tác phong cần lưu ý, hoặc là cọc cằng khiêu khích hay lánh xa, hay sợ hãi khi nhìn thấy phi cơ bay trên trời, là một thí dụ. Nhiều em cho biết đã chứng kiến nhiều vụ chặt đầu, hay bạo động khùng khiếp, giải pháp tốt nhất để hóa giải chuyện này là đưa trẻ em đến trường học, ở đây sẽ dẫn dắt chúng dần dần bình tâm trở lại một cuộc sống bình thường.
   Trở lại với cô Shamima Begum, cô này di chuyển từ trại al – Hawl tới trại al- Roj không lâu sau khi sinh con tháng rồi, đứa bé tên Jarrah chết hôm thứ năm, người ta chôn em bên cạnh hai em khác chết vì phỏng lửa. Theo Ủy ban Cấp cứu quốc tế (IRC), có ít nhất 100 đứa trẻ chết trên đường tới trại tỵ nạn hai ngay trong trại, có khoảng 240 đứa tới trại không có cha mẹ hay thân nhân gì cả. Số phận của trẻ con tại hai trại này chưa biết sẽ ra sao một khi mà, chính quyền các quốc gia gốc của mẹ bọn nó, xem ra không thích thú gì chuyện nhận người này, Begum, người phủ nhận mọi giá trị cuộc sống Anh quốc nhưng lại yêu cầu cho phép trở lại nhà ờ Anh, được thông báo quốc tịch Anh của cô đã bị tước bỏ, có nghĩa là tình trạng quốc tịch của đứa con không rõ ràng và vì thế không có bất cứ một trách nhiệm hợp pháp nào từ Anh về việc trợ cấp phức lợi gì cả.
   Hiện giờ, ngoại trừ chính phủ Pháp, cho thấy có thể đồng ý nhận con của ít nhất một cặp vợ chồng người Pháp. Gia nã Đại tuyên bố, các bà mẹ có quốc tịch nước này, nếu đến được tòa lảnh sự Gia nã Đại thì họ sẽ được nhận về, điều này khó mà xảy ra vì, muốn như vậy, đầu tiên họ phải trốn ra khỏi trại, rồi vượt biên giới Thỗ, Iraq, Jordan hay Lebanon, đem con theo suốt hành trình, nhưng làm sao trốn trại. Cho dù có được trở lại nhà, những người đàn bà này, chắc chắn sẽ phải đối diện với các tội danh nặng nề về khủng bố của luật pháp các nước sở tại.
   Begum, mới 19 tuổi có hai đứa con khác với người chồng gốc Hòa Lan, hai đứa con này cũng đã chết trong cùng hoàn cảnh trước đó khi vợ chồng Begum ra đầu hàng quân “dân chủ Syria”, những người đàn bà ngoại quốc khác như Begum cho biết họ sợ số phận mình không khác gì. Một người đàn bà Gia nã Đại ở trại al – Hawl, ngao ngán, tuyệt vọng, thốt lên, chuyện gì sẽ xảy ra cho cô bây giờ đây, nhưng trẻ con vô tội, phải tìm cho nó một con đường sống.

Thuyên Huy
Mon 25.03.2019
Xem Thêm  Melbourne :Ấn Độ: Dân Làng Liloripathra – Sống và Chết Theo Khói Than Đá
  

1 nhận xét:

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...