Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Cách bảo vệ 9.999 phòng Tử Cấm Thành khỏi hỏa hoạn hàng trăm năm

Lửa chính là mối đe dọa lớn nhất với thắng cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc do công trình này có nhiều kết cấu gỗ.

Trong lịch sử, 9.999 phòng của Tử Cấm Thành (Bắc Kinh, Trung Quốc) luôn phải đối mặt với nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn khắp nơi, từ hàng nghìn ngọn đuốc chiếu sáng trong cung cho tới khả năng sét đánh khi trời mưa. Do đó, Cố Cung cần một hệ thống phòng cháy chữa cháy đơn giản mà hiệu quả từ hàng trăm năm trước.
Một phần của hệ thống đó là 308 vạc làm bằng sắt hoặc đồng. Một vạc lớn có thể chứa tới 3.000 lít nước. Mỗi ngày, các thái giám đều phải thay nước sạch cho vạc để đảm bảo không có mùi hôi thối, theo China Plus.
Sử sách dưới thời Hoàng đế Càn Long ghi rằng những chiếc vạc đồng mạ vàng có đường kính 1,66 m, nặng gần 1,7 tấn. Chi phí đúc chúng tốn hơn 500 lượng bạc (một lượng bằng khoảng 50 gr), dát thêm 3 kg vàng quanh thân một số chiếc. Tới nay vẫn còn 18 chiếc vạc dát vàng đặt trong Điện Thái Hòa, Điện Bảo Hòa và Càn Thanh Môn, theo South Morning China Post.
Những chiếc vạc có nhiều kích cỡ và kiểu dáng. Sản phẩm dưới thời nhà Minh có hình dáng tự nhiên, vòng khoen đơn giản gắn bên ngoài. Trong khi đó, thiết kế dưới triều Thanh lại có dáng bầu tròn với miệng nhỏ, đầu sư tử ngậm khoen điêu khắc tinh xảo. 
Nhiều du khách tới Tử Cấm Thành hay chạm tay vào vạc đồng để lấy may. Ảnh: Tall Tales.
Nhiều du khách tới Tử Cấm Thành hay chạm tay vào vạc đồng để lấy may. Ảnh: Tall Tales.
Vào mùa đông, những hào nước trong Cố Cung đều đóng băng, quan lại phải tìm cách để những vạc nước không chịu chung số phận. Mọi vạc đồng đều được đặt trên đá tảng có lỗ tròn chính giữa, thái giám đốt than cháy bên trong để đun nước.
Ngoài ra, người xưa cũng có công cụ để phun nước vào đúng chỗ. Ngày nay, lính cứu hỏa dùng vòi rồng để phun nước, nhưng người Trung Quốc trước đây đã dập tắt đám cháy ở những nơi cao hay xa bằng "jitong". Thiết bị này có hai đầu. Khi chữa cháy, người ta đặt xô nước vào một đầu "jitong" và đẩy đầu còn lại, nước sẽ bắn lên.
Theo lệnh của Hoàng đế Khang Hy, một đội quân mang tên "Jitong" thành lập với trách nhiệm phòng cháy chữa cháy. Năm 1905, biệt đội "Jitong" được đổi tên thành đội cứu hỏa với quy mô từ 100 đến 200 người, theo CGTN.
Dưới thời nhà Minh và nhà Thanh, hơn 20 vụ cháy lớn đã xảy ra ở khu vực này. Tất cả đều có một đặc điểm chung. Thiên An Môn giống như một ranh giới, lửa chỉ cháy ở nội cung hoặc ở bên ngoài. Nguyên nhân là Thiên An Môn nhìn ra một con đường rộng 30 m, phân cách hai khu vực trên, ngăn lửa lan qua cổng thành.
Cuộc chiến chống lửa - kẻ thù đáng gờm nhất của Tử Cấm Thành - 1
Ngọ Môn là cổng lớn nhất trong Tử Cấm Thành, nằm ở phía nam cung điện. Ảnh: ZBKC.
Hai bức tường ở phía Đông Hoa Môn và Tây Hoa Môn của Cố Cung cũng đóng vai trò làm rào cản. Các bức tường sừng sững gợi nhớ tới kết cấu nhà gỗ với kèo, cột nhưng thực tế được xây bằng đá.
Những họa tiết trên các vật dụng bằng gỗ không đơn thuần chỉ nhằm trang trí - chúng giúp niêm phong và bảo vệ đồ đạc trong cung. Từng lớp sơn được tô vẽ có chủ đích theo nhiều lớp, trong khi đó những mảnh giấy có hoa văn được dùng để bảo vệ bề mặt từng vật dụng.
Tử Cấm Thành được xây dựng từ 600 năm trước, ngày nay người Trung Quốc vẫn gặp khó khăn khi di chuyển giữa các điện nếu hỏa hoạn xảy ra, và không thể lắp đặt vòi chữa cháy trong công trình lịch sử này. Dù có các thiết bị chữa cháy tiên tiến như xe cứu hỏa, robot, các phương pháp chống cháy cổ xưa hiện vẫn được sử dụng.

Hoả hoạn xảy ra tại Bảo tàng Cung điện trong Tử Cấm Thành vào năm 2016. Ảnh: Xinhua.
Hoả hoạn xảy ra trong Tử Cấm Thành vào năm 2016. Ảnh: Xinhua.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...