Nguyễn Quang Thiều
14 - 6 - 2019 Trước giờ khai mạc buổi đọc thơ ở Đài Bắc mà tôi tham gia, một người đàn ông trắng trẻo, vẻ thư sinh nhưng với đôi mắt buồn đến trước tôi và hỏi “ Anh là người Việt Nam à?”. Một giọng tiếng Việt là lạ. Giọng nói tiếng Việt đó không phải của một người Châu Âu học tiếng Việt nhưng cũng không chắc chắn là của một người Việt. Người đàn ông đó là Lưu Kiến Sinh. Tên của ông làm cho tất cả chúng ta nhận ra đó là họ tên của một người Trung Quốc. Chẳng đợi tôi hỏi, ông tự giới thiệu nhanh về mình. Ông là người Hoa ở Chợ Lớn sang Đài Loan sinh sống đã gần 30 năm.
Dù đã biết ông là người một trăm phần trăm gốc Trung Quốc nhưng tôi vẫn vui khi gặp ông. Mặc dù tôi hay có dịp đi nước ngoài và có lúc đến một nơi xa xôi như chưa bao giờ nghe nói thì ở ngay Đài Bắc tôi vẫn cứ xúc động khi được nghe giọng nói tiếng Việt vang lên. Lưu Kiến Sinh đọc báo thấy có một nhà thơ Việt nam đến Đài Bắc dự Liên hoan thơ Đài Bắc 2007. Ông đến để gặp một người từ mảnh đất ông đã sinh ra, lớn lên và phải rời bỏ ra đi. Ông rời khu người Hoa ở Chợ Lớn ra đi năm 1979. Một năm buồn cho cả người Việt và người Hoa sống ở mảnh đất này.
Buổi tối ấy, Lưu Kiến Sinh chọn một chỗ ngồi gần cuối hội trường. Ông lặng lẽ nghe các nhà thơ đọc thơ. Khi tôi kết thúc phần đọc thơ, ông không đến bắt tay chúc mừng tôi như những người Đài Loan khác có mặt ở đó. Ông vẫn ngồi im lặng và nhìn về phía tôi. Chỉ khi đêm thơ kết thúc và những người bạn Đài loan đến dự đêm thơ đó đã chia tay tôi, ông mới đến trước tôi và nói rằng ông đã im lặng để nghe tiếng Việt qua giọng đọc thơ của tôi. Tôi nhìn ông và chỉ thấy ánh buồn sâu thẳm từ đôi mắt ông. Lúc đó, tôi cảm giác như ông là một cái gì đó xa xôi và khuất một nửa trong bóng tối.
Sau đêm thơ, mấy người bạn nghệ sỹ Đài Bắc rủ tôi đi chợ đêm. Chợ đêm ở Đài Bắc. Chúng tôi đi lang thang và trò chuyện về mọi thứ. Thi thoảng tôi chợt nhớ có Lưu Kiến Sinh đi cùng, tôi quay lại kiếm tìm ông và vẫn thấy ông lặng lẽ đi sau chúng tôi. Hình như ông chẳng tham gia vào bất cứ câu chuyện nào của chúng tôi. Nhưng ông không rời bỏ chúng tôi nửa bước. Trong chuyến đi chơi chợ đêm đó, Lưu Kiến Sinh chỉ hỏi tôi một câu là Hà Nội bây giờ ra sao và có chợ đêm như ở Đài Bắc không.
Lưu Kiến Sinh đã đến thăm Hà Nội hai lần sau năm 1975. Trước năm 1975, ông chỉ biết đến Hà Nội qua những trang viết của Nhất Linh. Ông nói với tôi cho đến bây giờ ông vẫn giữ mãi hình ảnh của Hà Nội qua văn của Nhất Linh. Gần 30 năm sống ở nước ngoài, ông chưa một lần trở về Trung Quốc cho dù đó chính là nơi cụ kị ông sinh ra và lớn lên. Nhưng cứ vài năm ông lại trở về Việt nam và tìm cách đi Hà Nội khi nào có thể. Sau khi phải rời bỏ Việt Nam ra đi năm 1979, Lưu Kiến Sinh định cư ở Đài loan một thời gian. Nhưng ông vẫn cảm thấy trống vắng và hoang mang. Một cái gì đó làm cho ông cảm thấy ông không thể nào yên lòng. Cái gì? Ông cũng không biết một cách rành mạch và đầy đủ. Thế rồi ông quyết định sang Pháp làm ăn và sinh sống. Ông đã yêu một cô gái người Bắc Kinh sang Pháp du học. Rồi họ lấy nhau và sinh một cậu con trai. Bao nhiều lần vợ ông tha thiết rủ ông về Trung Quốc để thăm gia đình cô. Ông chỉ im lặng và không một lần trở về Trung Quốc.
Sau gần mười năm sống ở Paris, ông vẫn thấy ông chưa ở đâu cả mà vẫn lang thang trên con đường nào đó trên mặt đất này. Ông nói với tôi rằng mỗi tối trở về ngôi nhà ở Paris ông vẫn thấy gió lạnh thổi vào lưng. Có lẽ đó là cách nói của ông để nói về sự trống vắng nào đó chăng? Và gần mười năm ở Paris, theo ông, công việc có ý nghĩa nhất của ông là dịch tác phẩm của Nhất Linh sang tiếng Hoa và in trên một tờ Trung Hoa Báo xuất bản ở Pháp. Khi còn ở Chợ Lớn, ông đã dịch Nhớ rừng của Thế Lữ sang tiếng Hoa và xuất bản trên tờ báo tiếng Hoa ở Sài Gòn năm 1972. Tôi tự đoán lý do vì sao ông lại yêu bài thơ Nhớ rừng như thế. Có một khoảng u tối và một khát vọng mạnh mẽ trong thân xác mong manh và gương mặt yếu đuối của một người đàn ông là Lưu Kiến Sinh. Thế là sau nhiều năm ở Paris, ông lại trở về Đài Bắc. Ông vẫn đi tìm một nơi trú ngụ. Một nơi mà mỗi tối để ông trở về không còn thấy gió lạnh thổi vào lưng nữa.
Trong những ngày ở Đài Bắc, buổi nào có tôi đọc thơ là ông lại đến. Vẫn như lần đầu tôi nhìn thấy, ông lặng lẽ tìm một chỗ ngồi hơi khuất ánh sáng và nghe thơ. Tôi không biết ông đến để nghe thơ hay nghe giọng nói tiếng Việt. Ông cũng sáng tác thơ nhưng không nhiều và sáng tác bằng tiếng Trung Quốc. Mấy năm nay ông viết ca khúc. Ông có ý định xuất bản một CD những ca khúc của ông ở Việt Nam. Ông hỏi tôi ông có thể thu âm những ca khúc của ông ở Việt Nam không ? Ông vẫn ao ước lời những ca khúc của ông được dịch ra tiếng Việt và được hát ở Việt nam.
Một chiều được nghỉ, tôi và ông lang thang dọc một số đường phố ở Đài Bắc. Trời có gió và bắt đầu se lạnh. Khi chúng tôi ngồi nghỉ trên một chiếc ghế ở khu phố đi bộ, tôi đề nghị ông hát một bài hát của ông cho tôi nghe. Ông cúi đầu một lát rồi cất giọng hát bằng tiếng Trung Quốc. Có một người đi vào trong rừng và không bao giờ trở lại…Đấy là lời bài hát mà ông dịch ra tiếng Việt cho tôi nghe. Trong gió lạnh ở một chốn xa lạ và với đôi mắt lúc nào cũng buồn và xa xôi và giọng hát của ông đã làm cho tôi rơi vào tâm trạng giống như tâm trạng của ông gần 30 năm nay. Tâm trạng của người luôn thấy gió lạnh thổi vào lưng ngay khi ta đã ở trong một ngôi nhà hay ngay cả khi ta đang ngồi bên bếp lửa nhưng lại không phải là ngôi nhà hay ngọn lửa nơi ta sinh ra và lớn lên.
Có lẽ điều ấy đã gợi cho tôi hiểu được chút nào đó về số phận của một con người như ông. Bây giờ, hàng ngày ông đi làm như một công chức. Ông là một chuyên viên kỹ thuật máy tính. Ông nói ông bắt đầu nghề này từ khi thế giới có những chiếc computer đầu tiên. Ông đã ly dị vợ mấy năm rồi. Con trai ông giờ làm việc ở Pháp. Mỗi năm nó về thăm ông một lần. Vào ngày nghỉ cuối tuần, hầu như ông chẳng đi đâu chơi. Ông chỉ có một thú vui là ra công viên chơi cờ tướng. Ồng là một tay cờ thượng thặng ở đất Đài Bắc. Khi ông còn sinh sống ở Paris, ông đã được tiếp cờ một danh thủ cờ tướng của Trung Hoa khi ông này sang thăm Pháp. Ông nói với tôi trong trận giao hữu đó ông đã thắng. Ông nói đến chiến thắng. Tôi đã chờ đợi một nụ cười trên gương mặt ông. Nhưng từ gương mặt ấy tôi vẫn chỉ thấy một đôi mắt buồn. Có điều gì bí mật nữa làm ông mang một gương mặt buồn bã và xa xôi như thế ? Và gió lạnh gần 30 năm qua thổi vào lưng ông giờ cũng thổi vào lưng tôi.
Cho đến lúc này, lòng tôi mỗi lúc một vang lên nhiều hơn câu hỏi: Lưu Kiến Sinh, ông là một người Trung Hoa hay là một người Việt? Cố hương của ông là ở đâu hay ông chẳng có một cố hương nào? Lúc này, tôi nghĩ đến nguồn cội tâm hồn và nguồn cội ký ức của một con người. Tôi cho rằng : mỗi con người đều có hai bản lí lịch. Một bản lí lịch thô thiển và vô cảm để chúng ta trình báo. Còn một bản lí lịch của những đau buồn và những giấc mơ. Ông không có ước mơ trở về Trung Quốc không phải vì ông không yêu mảnh đất của tổ tiên ông. Ông nói với tôi ông chỉ trở về Trung Quốc của tổ tiên ông sau khi ông chết, còn đang sống ông không bao giờ có cảm giác sẽ trở về Trung Quốc của thời hiện tại. Ông không tìm được tình yêu với một Trung Quốc của bây giờ. Và điều ấy đã làm cho ông đau đớn suốt cuộc đời mình.
( lược trích từ cuốn NGƯỜI, nxb Phụ Nữ năm 2010 )
Người Trung Quốc mà còn không yêu Trung Quốc thì Trung Quốc cần phải điều chỉnh lại các hành động của TQ rồi
Trả lờiXóa