Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

GIÁ TRỊ CỦA LỜI NÓI

  Ca dao Việt nam có câu:
"Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
.
                                         (Ca dao)
      Có lẽ câu ca dao này đối với mọi người ai cũng đều đã nghe và đã biết; có lẽ cũng hiểu rõ được ý nghĩa của câu trên, nhưng để thực thi theo lời khuyên của câu ca dao này thì lắm người của chúng ta dường như đã không làm được mà đôi khi còn làm ngược lại. Những người ngạo mạn đã vi phạm, bị thiên hạ chế lại câu trên thành ý mai mĩa như sau:
"Lời nói không mất tiền mua,
Dại gì không nói kẻo thua người đời."
      
Hay:
"Lời nói không mất tiền mua,
Dại gì không nói hả hua miệng mình."
       Câu này không có trong từ điển ca dao của Việt Nam đâu, do người ta  tự nghĩ, chế ra vậy theo thực sự cuộc đời là thế.
       Thiết nghĩ, nếu như ai ai cũng đều tuân theo câu ca dao này, thì cuộc sống sẽ tươi đẹp biết là mấy.
       Sáng ra không phải vừa bưng tách cafe vừa tròn mắt la lên khi đọc tin tức: "Trời ơi, chỉ vì câu nói mà xảy ra án mạng”. Trời ạ, có câu nói thôi mà đến nỗi phải vác dao đi trả thù...... thế là xong mất đi cái vị cafe vốn ngon lành của nó, thay vào đó là bắt đầu một ngày đầy u ám của cuộc sống và dường như việc đó xảy ra thường lệ chỉ bắt nguồn từ lời nói không mất tiền mua đó.
      Cũng vì “lời nói không mất tiền mua” đó, đôi khi biến yêu thương thành thù hận, biến sự quí mến thành ganh ghét, biến sự tôn trọng thành khinh bỉ và đôi khi chỉ lời nói đó có thể làm cho đối phương trở nên dè chừng, khép mình lại với thế giới riêng của họ, và đôi khi nó lại đẩy con người ta vào một thế giới khác có thể tốt có thể xấu dựa vào lời nói của mình có được lựa lời hay không.
       Lời nói không mất tiền mua, thật sự chúng ta không cần phải bỏ tiền để mua lời nói, nhưng lời nói đó chính là vốn liếng của chúng ta, và vốn liếng này chúng ta cần phải tích trữ mãi mãi suốt cuộc đời ta, và lúc đó bạn sẽ nhận được lời lãi từ cái vốn liếng này dựa vào việc bạn tích trữ thế nào.
      Một câu ca dao lời lẽ đơn giản, nhưng mà để làm theo thì là một quá trình, chúng ta cần phải ghi nhớ và trì luyện trong cuộc sống của chúng ta cũng như câu "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói". Lời nói là một phương tiện mà ai ai cũng có thể sử dụng trong giao tiếp, từ một đứa bé lên năm tới một người cao tuổi, từ một người giàu có danh giá đến những người nghèo khổ, cơ cực; từ một người ngoài xã hội đến một người có Đạo và mang phẩm tước trong Đạo nữa.
      Trong cuộc sống, đó là một công cụ tốt nhất để thể hiện mình và để đạt được mục đích mình mong muốn. Xã hội loài người là một xã hội có tổ chức, có văn hóa, mỗi người đều phải lựa lời, phải chọn lời hay, ý đẹp để giao tiếp và ứng xử. Khi ta sử dụng những lời hay, ý đẹp, lại lựa lời, chọn những lời nói khéo léo, tế nhị thì người nghe vừa lòng, dễ dàng tiếp thu ý kiến của ta, ta thể hiện được mình là một con người văn minh lịch sự, làm cho người khác phải cảm phục và kính trọng. Nếu ai ai cũng lựa lời mà nói thì quan hệ giữa người với người trong xã hội sẽ trở nên thật tốt đẹp. Vì vậy, câu ca dao là một lời khuyên tốt, rất đúng đắn và có ý nghĩa hết sức tích cực. Thực hiện tốt lời khuyên này, ta sẽ luôn thành công trong cuộc đời, trong sự nghiệp. Tuy rằng “lời nói chẳng mất tiền mua”, nhưng thực ra là nó vô giá. Không có gì có thể rút lại được lời ta vừa nói, nên trước khi nói “phải uốn lưỡi bảy lần”, phải đắn đo lựa lời mình định nói. Một lời nói có thể làm hại người khác nhưng cũng có thể làm cho người khác sung sướng. Lời nói không phải bỏ tiền ra mua, vì ai ai cũng có thể có được, nhưng phải nói thế nào để lời nói trở nên đắt giá mới là việc khó, bắt buộc ta phải bỏ nhiều công sức để suy nghĩ, trau chuốt cho tốt đẹp.
       Trong xã hội không phải ai cũng hiểu và làm theo được câu ca dao này. Có những người vì nghĩ rằng lời nói quá rẻ (không mất tiền mua), dễ sử dụng mà đã coi thường việc lựa lời trước khi nói. Trong giao tiếp, họ dùng những lời lẽ thô tục, thiếu thiện chí mà không biết rằng tác hại của nó sẽ rất lớn. Họ tự đánh mất đi nếp sống văn minh, coi thường đạo đức xã hội. Lời nói đối với họ là một cái gì đó rất tầm thường, rẻ mạt. Có người lại bộp chộp, không suy nghĩ trước khi nói, quên mất câu căn dặn của ông cha:
Một lời nói quan tiền thúng thóc,
Một lời nói dùi đục cẳng tay
.
       Lại có những người ăn nói không đúng chỗ, nói năng với người trên như nói với bạn bè mình. Nói năng với người Đạo như bung xã ngoài cộng đồng, khó nghe, khó chịu. Những người như thế sẽ không bao giờ có thể đạt được mục đích của mình, vì người nghe sẽ khó tiếp thu, để lại những ấn tượng không đẹp cho người nghe về người chủ của lời nói thiếu đắng đo, suy nghĩ đó. Lời nói không đắt nhưng chính thành quả của lời nói tạo ra mới là đáng giá, được kính trọng. Mặc dù không tốn kém, không mất tiền mua nhưng nếu biết sử dụng lời nói hợp lí, bất cứ điều gì cũng có thể diễn ra như mong muốn.
Tuy nhiên, lựa lời mà nói không có nghĩa là xuê xoa, bỏ hết những lời phê phán, góp ý của mình khi thấy người khác sai trái, ông cha ta đã dạy: Thuốc đắng đã tật, sự thật mất lòng. Cho dù có làm mất lòng bạn bằng những lời góp ý thì đến một lúc nào đó, bạn sẽ hiểu và yêu quý ta bởi những lời góp ý đó chỉ để cho bạn tốt hơn.
       Trong quan hệ bạn bè, ruột thịt, cũng không vì lựa lời mà nói tỏ thái độ nhún nhường, sợ sệt, bỏ chín làm mười, dẫn đến nói những lời không đúng sự thật. Đọc và hiểu câu ca dao này, ta phải có được thái độ chân thành, thẳng thắn. Lời nói đẹp là sợi dây vô hình giúp cho con người xích lại gần nhau. Người nào càng biết lựa lời mà nói thì người ấy sẽ càng có nhiều bạn tốt. Cũng khuyên người ta trong việc ăn nói, ứng xử, ca dao có câu:
Thổi quyển phải biết chuyển hơi,
Khuyên người nói phải lựa lời khôn ngoan
.
       Đọc lại những bài ca dao về ứng xử trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam, ta thấy dù ca dao thể hiện bằng nhiều hình thức nhưng đều có chung một nội dung, ta phải biết lựa lời mà nói. Lời nói rẻ mà không hề rẻ chút nào. Câu ca dao là một lời khuyên bổ ích, giúp con người hoàn thiện và giúp xã hội văn minh hơn. Do vậy, mỗi chúng ta đều phải luôn ghi nhớ và thực hiện tôt lời khuyên này. Làm như vậy là ta đã tự học tập, tu dường phẩm chất đạo đức, tự tôn trọng mình và tôn trọng người khác.
       Trong cuộc sống hằng ngày, để có thể hiểu biết nhau, thông cảm nhau, thương yêu nhau và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, con người dùng lời nói để làm phương tiện trao đổi thông tin mà cùng nhau sống vui vẻ hòa hợp. Ðôi khi khác vùng miền không cùng ngôn ngữ, nhưng con người cũng có thể hiểu biết nhau qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, thái độ, hay giọng nói. Trong cuộc sống, chúng ta thường dùng lời nói để trao đổi thông tin, để diễn đạt ý tưởng hoặc để bày tỏ, biểu lộ tâm tư tình cảm của mình… Nói chung, nhờ lời nói mà con người có thể thông cảm và hiểu nhau nhiều hơn. Do đó, sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Nói thì dễ nhưng nói như thế nào để không mất lòng người nghe, nói như thế nào để người nghe cảm thấy dễ chịu thoải mái, lần sau muốn được nghe nữa. Vì thế ông bà ta có lời khuyên rằng: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”.
       Lời nói khi thốt ra thì không thể nào chạy theo lấy lại được cho nên trước khi nói, ta phải nên suy xét cho kỹ càng rồi mới nói.
 “Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
       Hai câu trên muốn gửi gắm cho chúng ta một bài học đạo lý sống ở đời bằng lời nói chân thành, để ta và người nghe được kết nối sự yêu thương nhau. Vậy lời nói là gì? Lời nói là một phương tiện giao tiếp bằng ngôn ngữ, có thể giúp ta thông tin, bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, trao đổi kinh nghiệm để được yêu thương bằng trái tim hiểu biết mà vui vẻ sống hòa hợp với nhau, nhất là trong sinh hoạt Đạo. “Lời nói chẳng mất tiền mua” tại sao ta không biết “Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” lại càng có ý nghĩa và có tính cách bắt buộc phải nghe theo để bảo vệ tình bằng hữu, tình anh chị em trong cùng mái nhà chung có chung cái nóc cao nhô lên hai chữ “THƯƠNG YÊU”của Đức Chí Tôn Thượng Đế.
                                                                   *
Tài liệu nhiều nguồn do Hồ Xưa sưu tầm và bố cục lại____________________
      

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...