Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Truyện rất ngắn nhưng rất cảm đông


Thương Mẹ
Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng
tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rửa
cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ. Áo con lành nhờ bàn tay mẹ.
Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy
như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu
sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô
cùng.

Tô Canh Chua Lá Me


Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi
ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên
chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến
bên má: “Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?” Chưa tan tiệc, Má xin
phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: “Sao má chẳng ăn gì?” Về nhà,
mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và
dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến…

Giật Mình

Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm.
Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”. Cuối tháng, lãnh lương.
Dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt
nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da,
giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…” Chợt giật mình. Mẹ cả
đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son màu gì.

Con Nhớ Mẹ

Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi: - Sao con khóc? - Con
nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng. - Mẹ đâu? Nhìn theo tay đứa bé, tôi
thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
Giọt Nước Mắt

Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh, phụ huynh. Những gánh hàng,
dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường. "Út, Út,
Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đậu đấy". "Con ăn rồi. Sao má lại ra
đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy... Mùa thi lại
về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt
muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh
xôi của má. Má ơi!".


Không Còn Răng

Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua
đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy
các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ,
các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối
mời mẹ. Các con nói vui: - Cua rang muối thật đó mẹ. Rồi chúng ăn rất
ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: - Còn răng
đâu mà ăn?!


Mẹ Già Rồi

Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn
nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ
chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen
sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một
chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già
rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Chị em không ai bảo ai,
nước mắt rưng rưng.


Má Lên Đây Làm Gì?


"Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy
lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi. - Má nghỉ bán một bữa lên coi con
lãnh bằng tốt nghiệp. - Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà
má lại ăn mặc thế này... - Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má
vào. Má... - Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia…
Tụi bạn con nó cười…! Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong
hội trường… Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị
P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".


Ngủ Một Mình

Nhà không lấy gì làm khá giả. Hai chị em phải ngủ chung một giường.
Năm tháng trôi dần, chiếc giường như càng nhỏ lại. Ðêm hè, nóng nực,
em trăn trở, khó ngủ. Em ao ước được như nhà nhỏ H, nhỏ D. Gia đình
tụi nó giàu, đứa nào cũng có phòng riêng, giường rộng, nằm dang hai
tay cũng không hết. Rồi chị lên xe hoa, về nhà chồng. Ðêm đầu tiên, em
ngủ một mình. Chiếc giường bây giờ rộng, thoải mái. Nhưng em vẫn trằn
trọc, khó ngủ…


Bàn Tay

Nhóm bạn gái của nó cứ ngồi lại là xúm xít coi tay. Lan có đôi tay búp
măng trắng nõn, Hằng có những ngón tay thon dài, mềm mại. Tự nhiên, nó
nhìn lại bàn tay mình, những vết chai nổi rõ, cứng ngắc. Nó vội vàng
giấu bàn tay chai sần sau lưng....
Hôm nay, bàn tay nó phụ mẹ giặt đồ thuê, bàn tay nó phụ ẵm em bé. Bàn
tay nó nhổ tóc bạc cho ngoại. Ba đau lưng, bàn tay nó đấm bóp...
Anh cầm tay nó nâng niu: giống tay mẹ anh - đôi tay tảo tần....


Trăn Trở


Buổi trưa, đang mơ màng, bầy chim sẻ ri ri trên kèo nhà, vài cọng cỏ
khô rơi xuống. Tôi nghĩ bầy chim se sẻ làm gì với những cọng cỏ khô
này?
Bắc ghế leo lên, tôi giật mình khi thấy một con chim se sẻ nằm trong
đụn cỏ giương mắt nhìn tôi.
Thời gian....Tôi lại leo lên, thấy con chim mẹ đang mớm mồi vào những
cái miệng hoác đói ăn của mấy chú chim con.
Đêm về trằn trọc. Loài chim còn như thế trong khi mình lại lớn lên
trong cô nhi viện. Vậy mẹ mình đâu?


Cha Con

Con ơi! Dậy ăn miếng cơm nguội rồi đi!
Trời còn khuya, tối mù, gai gai lạnh. Thằng bé độ chín mười tuổi, bật
dậy, mang giỏ,xách đèn thùng theo cha với cái lưới trên vai.
Đến con kinh lở, cha cõng con lội qua, không để con ướt, rồi lội trở
lại. Con ở một đầu lưới, mé bờ. Cha một đầu lưới, dưới nước. Kéo một
quãng, buông lưới. Cha lại lội kinh cõng con qua, giữ lưới bắt cá tép
dưới ngọn đèn dầu leo lét......
Gần sáng, cha con mang về đổi gạo. Cha đi dạy, con đi học.


Tiệc Sinh Nhật


Sinh nhật cháu nội tôi. Đủ mặt: ông bà nội, ông bà ngoại, cô ,bác,chú
, cậu ,dì,..Tiệc mừng là một trái dưa hấu, mua rẻ cuối buổi chợ chiều,
ở sạp hàng trái cây bán ế. Căn phòng đầy ắp tiếng cười, tiếng ca...và
truyện cổ tích.
Đã khá khuya...Cháu tôi mắt lim dim, còn hỏi gặng: " Rồi ....bà Tiên
áo trắng hiện xuống....phải không ngoại!"....


Ngày Vui Của Em

Ngày vui của em, anh không về. Trong thư ba viết:".... Nó là đứa chịu
nhiều thiệt thòi nhất trong nhà. Con ráng thu xếp. Mùa lúa vừa rồi nhà
mình thất quá.....".
Ngày vui của em, anh lang thang giữa Saigon náo nhiệt , lòng buồn rười
rượi. Gần hai tháng nay anh thất nghiệp. Đến cả chiếc vé tàu về quê
cũng không lo nổi...
Ngang qua nhà hàng sang trọng bày tiệc cưới linh đình, anh cúi đầu
bước nhanh như người có lỗi.....


Ba

Lớp 12 .Tôi không có thời gian để về nhà xin tiền ba như hai năm
trước. Vì thế ba phải đích thân hàng tuần đem tiền xuống cho tôi. Từ
nhà tới nơi tôi trọ học cách 15km. Nhà nghèo không có xe máy ba phải
đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba.
Tôi chuẩn bị mua hồ sơ đăng ký thi đại học, không có thời gian về tôi
lại nhắn ba. Lần này sau khi đưa 100 ngàn cho tôi, ba hỏi: "Còn dư
được đồng nào không con?"
Tôi đáp "Dạ dư 4 ngàn ba ạ"
"Cho ba 2 ngàn để lỡ xe hư như lần trước thì có mà sửa"
Ba đi rồi , tôi nhìn theo, nước mắt rưng rưng.


Lẽ Đời

Bà bán quán trước cổng trường qua đời trong một đêm giông gió. Những
tưởng đám tang bà sẽ rất ảm đạm và vắng lạnh bởi bà lâu rồi chỉ còn
sống một thân một mình. Những lũ trẻ trong trường đã đến tiễn đưa bà,
hàng hàng dài sau linh cữu. Ngày xưa, bà bán quà cho chúng, bà hỏi
thăm, nhắc nhở chuyện học hành của chúng . Và những buổi chiều tối, bà
để chúng ngồi chờ bố mẹ trong cái quán ọp ẹp của bà.


Đôi Kính Đen

Ông bà tôi vui thú điền viên ở tỉnh lẻ, các con có chồng vợ ra riêng,
thay phiên nhau về thăm ông bà mỗi tháng. Ông điện lên báo bà bị phát
hiện ung thư gan ở giai đoạn cuối. Mẹ tôi thu xếp công việc để lo cho
ông bà. Hôm tôi đưa mẹ về quê sẵn dịp thăm ông bà, nghe bà nói với mẹ:
- Hổm rày ba con cứ đeo kính đen ở trong nhà, con nói với ba trong nhà
có nắng bụi đâu mà đeo.
Bà đâu biết rằng ông cố giấu đôi mắt đỏ, khóc đếm từng ngày dần xa bà.
Mẹ!

Từ gánh ve chai của mẹ, con bước vào đời.... Và con đã không làm mẹ
thất vọng khi đưa cho mẹ tờ giấy báo đậu Đại học thủ khoa của mình.
Đôi bàn tay gầy gò lam lũ quen với đồ phế thải, cầm tờ giấy run run.
Cũng là giấy nhưng tờ giấy của con được chắt chiu từ sự nhọc nhằn của
mẹ, từ tình thương và nghị lực của con....
Lòng con chợt thắt lại khi mắt mẹ rưng rưng cầm đọc tờ giấy...ngược.
Thì ra những lá thư mẹ gửi cho con là nhờ người viết hộ!




(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...