Tại sao hay gọi người làm việc nghĩa là 'Mạnh Thường Quân'? Câu hỏi mà mỗi chúng ta đều muốn giải đáp. Theo các nhà nghiên cứu thì Mạnh Thường Quân là một điển tích được dùng rất phổ biến trong cuộc sống để chỉ việc làm, nghĩa cử giúp đỡ người khác trong lúc khó khăn mà không vụ lợi.
Nhờ cách ứng xử nghĩa tình, “đồng đội” Mạnh Thường Quân hạng nào cũng có, làm gì cũng được, là một khối nhân tài và trí óc tập trung
Trong văn học có nhắc nhiều đến điển tích Mạnh Thường Quân, nhất là trong các áng văn kêu gọi về tình nghĩa.
Chuyện Mạnh Thường Quân có chép trong Xuân Thu Chiến Quốc như sau:
Mạnh Thường Quân là người nước Tề, vốn giàu có, nhưng tính hiếu khách, trọng người hiền nên suốt đời làm chuyện chiêu hiền đãi sĩ. Ai bị đói khổ đều đến nhờ Mạnh Thường Quân giúp đỡ và Mạnh Thường Quân không từ chối một ai, do đó các tôn khách phục dịch cho Mạnh Thường Quân có hơn ngàn người. Trong số đó người tài nhiều, người bất tài cũng không ít.
Tuy nhiên, Mạnh Thường Quân là người không vụ lợi, nên ai giúp đỡ được thì giúp, không đòi hỏi. Do đó, số người tài dẫu ít nhưng cũng làm cho các bậc vua chúa có óc đồ vương định bá muốn được Mạnh Thường Quân giúp đỡ.
Bấy giờ, nước Tần muốn chiêu dụ người hiền để tìm cách chế ngự các nước khác, vua Tần hỏi tướng quốc Hướng Thọ:
-Nước ta đang cần người hiền, ta nghe bên nước Tề có Mạnh Thường Quân, dưới tay hơn một ngàn tân khách, trong đó nhân tài cũng nhiều, ta làm sao được một người như Mạnh Thường Quân?
Hướng Thọ tâu:
-Nếu Đại Vương muốn có Mạnh Thường Quân sao không cho người đi triệu?
Vua Tần nói:
-Mạnh Thường Quân là người nước Tề, chắc gì vua Tề đã chịu cho sang nước ta.
Hướng Thọ nói:
-Nước Tần và nước Tề lâu nay liên minh, không ai xâm lấn ai, Đại Vương lấy tình nghĩa ấy cho người trong hoàng tộc đến cầu viện, xin vua Tề cho Mạnh Thường Quân sang giúp củng cố thế lực cho nước Tần. Sau này, Tần và Tề sẽ liên minh chế ngự chư hầu, như thế chắc vua Tề cho Mạnh Thường Quân sang giúp.
Vua Tần nghe theo, sai Kinh Dương Quân sang Tề thỉnh Mạnh Thường Quân.
Các tân khách khuyên Mạnh Thường Quân không nên đi.
Vua Tề sợ mất lòng vua Tần nên sai Mạnh Thường Quân sang Tần.
Mạnh Thường Quân cùng với hai ngàn tân khách đi đến Hàn Đan vào yết kiến vua Tần.
Mạnh Thường Quân có cái áo lông chồn trắng như tuyết, dù lạnh đến đâu, mặc vào cũng thấy ấm, liền đem dâng cho vua Tần.
Vua Tần thấy áo quí, mặc vào cung khoe với nàng Yên Cơ.
Nàng Yên Cơ nói:
-Áo lông hồ cừu cũng nhiều người có, lấy gì làm quí.
Vua Tần nói:
-Giống chồn nếu không sống được ngàn năm thì không có bộ lông trắng như tuyết. Áo này lấy ở lông nách con chồn sống lâu năm dệt thành nên quí hơn vàng.
Bấy giờ khí trời còn ấm, vua Tần cởi áo lông hồ cừu giao cho viên giữ kho cất, rồi chọn ngày lập Mạnh Thường Quân lên làm Thừa tướng.
Vu Lý Tất sợ Mạnh Thường Quân cướp mất địa vị mình, nên sai một mưu sĩ đến nói với vua Tần:
-Mạnh Thường Quân là người nước Tề, dù sao cũng vì nước Tề hơn nước Tần. Nếu sau này, Mạnh Thường Quân có mưu ngầm gì thì nước Tần ắt lâm nguy.
Vua Tần đem việc ấy bàn với Vu Lý Tất.
Vu Lý Tất nói:
-Lời bàn ấy rất phải, không nên dùng Mạnh Thường Quân là người nước Tề.
Vua Tần hỏi:
-Nếu vậy ta phải cho Mạnh Thường Quân về nước Tề hay sao?
Vu Lý Tất nói:
-Mạnh Thường Quân đem theo hai ngàn tân khách ở lại nước Tần đã hơn một tháng nay, tất biết hết chuyện nội tình nước Tần rồi. Nay cho về thì nước Tần nguy hại. Nên giết đi.
Vua Tần nghe theo, liều sai người đưa Mạnh Thường Quân ra nơi khác để tìm cách hại ngầm.
Bấy giờ, Kinh Dương Quân vì đi sứ sang Tề thỉnh Mạnh Thường Quân, được vua Tề và Mạnh Thường Quân đón tiếp tử tế nên cảm nghĩa, nay thấy vua Tần nghe lời Vu Lý Tất định ám hại Mạnh Thường Quân nên đến nói với Mạnh Thường Quân biết.
Mạnh Thường Quân thất kinh, hỏi kế thoát thân. Kinh Dương Quân nói:
-Trong cung có nàng Yên Cơ được vua yên mến, nói gì vua cũng nghe. Nếu ngài có thứ báu vật nào đem theo, tôi sẽ vì ngài đem tặng cho Yên Cơ để nàng giúp một tiếng ắt ngài thoát nguy.
Yên Cơ nói:
-Tôi chỉ thích áo hồ cừu trắng, nếu có tôi sẽ giúp cho, còn ngọc bích tôi chẳng thiếu gì.
Kinh Dương Quân báo lại cho Mạnh Thường Quân biết. Mạnh Thường Quân nói:
-Tôi đem theo chỉ có một áo hồ cừu, mà đã tặng cho vua Tần rồi, còn đâu nữa.
Trong lúc đang bí lối, Mạnh Thường Quân nghĩ đến các tân khách của mình, một kho tàng trí tuệ có thể gỡ rối bất kỳ lúc nào, nên cho mời một số tân khách đến vấn kế.
Mạnh Thường Quân kể lại sự ngờ vực và ý đồ hãm hại của vua Tần, việc này có thể nhờ nàng Yên Cơ lo liệu được nhưng nàng buộc phải tặng nàng một chiếc áo hồ cừu, mà chiếc áo hồ cừu Mạnh Thường Quân chỉ có một cái nay đã tặng cho vua Tần rồi, còn biết phải làm sao?
Trong đám tân khách có một người bước ra nói:
-Tôi có cách tìm được áo hồ cừu.
Mạnh Thường Quân hỏi:
-Ngài có cách gì tìm được?
Tân khách đáp:
-Tôi có thể làm chó đi ăn trộm được.
Cả đám tân khách đều cười lớn. Mạnh Thường Quân không còn cách nào khác hơn đành chấp nhận.
Đêm ấy, người tân khách giả dạng giống như chó, chui qua cổng, lẻn vào kho, sủa lên mấy tiếng không khác gì tiếng chó sủa. Người giữ kho tưởng chó thật, không để ý, người khách lẻn vào trong đợi người gác kho ngủ say mới lấy trộm chìa khóa, mở kho lấy ra chiếc áo hồ cừu của Mạnh Thường Quân vừa rồi dâng tặng cho vua Tần.
Lấy được áo, người tân khách đem về trao cho Mạnh Thường Quân, ai nấy đều mừng rỡ khen:
-Nếu không có tài làm chó thật chẳng biết cách nào để lấy trộm được áo.
Các tân khách lại bàn:
-Việc phải làm gấp, nếu để chậm lộ chuyện thì nguy.
Mạnh Thường Quân vội cho mời Kinh Dương Quân đến trao chiếc áo hồ cừu, nhờ đem dâng cho nàng Yên Cơ.
Đến hôm sau, Yên Cơ thết tiệc đãi vua Tần và thỏ thẻ nói:
-Mạnh Thường Quân là người hiền ở nước Tề, ai cũng biết, nay vì nể lời Đại Vương, vua Tề sai Mạnh Thường Quân sang đây, nếu Đại Vương giết đi sao khỏi bị vua Tề oán trách là bất tín. Nếu chẳng dùng thì cho về nước là hơn, nước Tần khỏi mang tiếng xấu với chư hầu.
Vua Tần khen phải. Sáng hôm sau hạ lệnh cho Mạnh Thường Quân về nước.
Một người trong đám tân khách nói:
-Tuy vua Tần nghe lời Yên Cơ nhưng sớm muộn gì cũng đổi ý. Vậy ta nên cấp tốc rời khỏi nước Tần là hay hơn cả.
Mạnh Thường Quân nói:
-Tuy có lời tuyên bố của vua Tần nhưng giấy thông hành chưa cấp, làm sao qua ải được.
Một tân khách có tài làm giấy giả, liền tạo ra một tờ chiếu chỉ của vua, giống như thật. Trong đó đổi tên họ, rồi giục Mạnh Thường Quân ra đi ngay trong đêm đó.
Khi đến cửa Hàm Cốc, mới vừa nửa đêm, cửa quan còn khóa chặt. Mạnh Thường Quân sợ có người đuổi theo, buồn bã than:
-Phải đến gà gáy cửa thành mới mở, chúng ta ngồi đây mãi e bị người nước Tần đuổi theo bắt lại.
Bỗng nghe có tiếng gà gáy trong bọn tân khách đưa ra, Mạnh Thường Quân lấy làm lạ, thì ra trong bọn có người giả làm tiếng gà gáy rất giống.
Tiếp theo đó, gà trong xóm nghe tiếng đều gáy theo. Viên quan giữ cửa tưởng trời sáng liền dậy khám xét giấy thông hành rồi mở cửa thành cho qua. Mạnh Thường Quân cùng đoàn tân khách thoát nạn, bươn bả lên đường.
Mạnh Thường Quân nói với đám tân khách:
-Tôi thoát nạn là người tiếng chó sủa, tiếng gà gáy của các bạn.
Vu Lý Tất nghe nói Mạnh Thường Quân được tha về nước, vội vã vào triều nói với vua Tần:
-Nếu Đại Vương không muốn giết Mạnh Thường Quân thì nên giữ lại làm con tin, tại sao lại thả về.
Vua Tần hối hận, lập tức cho người đuổi theo bắt lại. Nhưng khi đến cửa Hàm Cốc mới biết Mạnh Thường Quân đã mạo giấy qua ải không còn trên đất Tần.
Tướng Tần trở về báo lại, vua Tần than:
-Mạnh Thường Quân trốn về nước, nước ta không thể ngồi yên.
Sau đó, nhà vua thấy nàng Yên Cơ mặc áo hồ cừu màu trắng, vội vào kho bảo lấy áo ra xem thì mới biết áo của nhà vua đã mất. Vua Tần hỏi nàng Yên Cơ mới biết bọn tân khách của Mạnh Thường Quân đã lấy trộm đem dâng.
Vua Tần than:
-Bọn thủ hạ Mạnh Thường Quân đông như chợ, hạng nào cũng có, làm gì cũng được. Đó là một khối nhân tài và trí óc tập trung, nước ta thật chưa có ai bằng.
Do điển tích này mà đời sau khi nói đến người làm việc nghĩa, giúp đỡ kẻ nguy khốn, đều ví với Mạnh Thường Quân.
(daikynguyen.com )
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024
Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa